Tài sản của cán bộ: Bất cập không nằm ở chỗ kê khai ra sao

Thứ Hai, 27/03/2017, 11:07
Và tiếp sau đó là câu chuyện về tài sản của ông chủ tịch ở một tỉnh nào đó "lên sóng", dư luận chỉ cảm giác về một biến động thượng tầng nào đó không hơn không kém, nhất là khi Nghị quyết Trung ương 4 đang được đưa vào thực tế hành động. Sự không ngạc nhiên ấy cho thấy, dư luận đều thừa nhận một sự thực không thể nào bị phủ nhận: Quan chức chắc chắn rất giàu.

Thật vô lý nếu mặc định làm cán bộ lãnh đạo thì không được phép giàu có, tuy nhiên sẽ càng vô lý hơn nếu cán bộ lãnh đạo tự nhiên lại có rất nhiều tài sản mà không trải qua bất cứ quá trình kinh doanh, buôn bán nào.


Khi Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa trở thành tâm điểm của dư luận với khối tài sản trăm tỷ cần phải "làm rõ", dư luận có lẽ không quá ngạc nhiên.

Và tiếp sau đó là câu chuyện về tài sản của ông chủ tịch ở một tỉnh nào đó "lên sóng", dư luận chỉ cảm giác về một biến động thượng tầng nào đó không hơn không kém, nhất là khi Nghị quyết Trung ương 4 đang được đưa vào thực tế hành động. Sự không ngạc nhiên ấy cho thấy, dư luận đều thừa nhận một sự thực không thể nào bị phủ nhận: Quan chức chắc chắn rất giàu.

Thực tế, quan chức phải giàu và ở hầu hết các quốc gia trên địa cầu này, chính trị gia là những người giàu. Con đường chính trị là con đường cống hiến và tham vọng, nó không thể nào là con đường dành cho những người không có những chuẩn bị về tài lực. Nhưng quan trọng là chuẩn bị nó bằng cách nào, con đường nào, tà hay chính. 

Sự kiện ông Fillion, ứng cử viên Tổng thống Pháp, bị tố lập bảng lương khống cho vợ và con gái là ví dụ điển hình. Đó là một sự chuẩn bị rất tồi, dù rằng có thuyết âm mưu cho rằng nó chỉ là chiêu hạ uy tín đối thủ vẫn được sử dụng quen thuộc trên chính trường.

Cách đây khoảng 20 năm, chúng ta từng có những tranh luận rất cởi mở xoay quanh chuyện "đảng viên có nên làm giàu". Người đảng viên Đảng Cộng sản vốn được coi là khuôn thước của xã hội về sự thanh liêm. Nhưng chúng ta đã có những nhầm lẫn đáng kể giữa thanh liêm và nghèo. Nghèo chưa chắc đã công chính và giàu chưa chắc đã thiếu liêm trinh.

Là một chính trị gia, nhất là ở một quốc gia đang coi nhiệm vụ phát triển kinh tế cho bằng bè bạn khu vực và thế giới là hàng đầu, càng phải là người giàu có về gia sản, tất nhiên là qua những việc làm công chính. Cái cách một chính trị gia tạo lập cho mình và gia đình một sức mạnh tài chính kinh tế một cách sạch sẽ là tấm gương rất sáng để toàn xã hội noi theo. 

Và điển hình là ví dụ về tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Là một tỷ phú, ông đắc cử tổng thống với nhiều tranh cãi nhưng thực sự, không một ai nghi ngờ con đường làm giàu của ông ta là bất minh cả. Và họ sẽ càng không nghi ngờ ông sẽ sử dụng ghế tổng thống của mình để trục lợi cá nhân. Đó là một con người đã vượt qua giai đoạn tham vọng giàu có để chinh phục tham vọng ghi danh như một chính trị gia muốn cống hiến cho xã hội Mỹ.

Minh họa: Lê Phương.

Quay trở lại với chuyện ở Việt Nam, đã có không ít cán bộ bị đặt dấu hỏi về tài sản. Và điều dư luận luôn quan tâm chính là việc thực hiện kê khai tài sản cán bộ, quan chức đã được tiến hành như thế nào, giám sát bởi ai, công bố có minh bạch hay không. 

Đòi hỏi về minh bạch luôn là một đòi hỏi dai dẳng, và chúng ta dù có cố gắng đến mấy đi nữa thì vẫn luôn có những bất lực trước nhu cầu minh bạch ấy của công luận. Lý do rất đơn giản. Nó không chỉ vì chúng ta còn có những bao che nhất định nào đó mà cơ bản là chúng ta không có đủ công cụ để thực hiện điều đó. 

Cụ thể, công luận không chỉ muốn biết quan chức này tài sản có bao nhiêu đất đai, cổ phiếu, tiền gửi ngân hàng, ngoại tệ, vàng... mà công luận còn đòi hỏi một thứ chi tiết hơn. Ấy là làm cách nào mà họ có thể tạo ra một gia sản lớn một cách tài tình đến thế.

Sự bế tắc trong việc đưa ra lời giải về nguồn gốc tài sản sẽ khiến rất nhiều quan chức trong sạch nhưng có nền tảng tài chính mạnh mẽ trở thành đối tượng bị nghi ngờ giữa một cộng đồng công chức có nguồn gốc tài sản thiếu rõ ràng. 

Đơn giản, hệ thống tài chính của chúng ta vẫn còn "mông muội" khi việc chi tiêu bằng tiền mặt, bằng ngoại tệ vẫn còn quá dễ dàng; các loại chứng từ kế toán cá nhân còn thiếu rất nhiều và cơ quan thuế vẫn còn chưa hoạt động đúng với nhiệm vụ của mình trong việc kiểm tra nguồn tài sản thường niên của mỗi cá nhân trong cộng đồng. 

Vì thế, có những người, hay có thể nói là vô số người, giàu lên mà không thể chứng minh cách mình làm giàu là sạch sẽ bởi họ không hề có một vật chứng nào trong tay đủ để khi có thắc mắc, ngờ vực nảy sinh, họ sẵn sàng trình nó ra trước cơ quan thuế hoặc thậm chí là tòa án một cách đầy hãnh diện.

Song, cái bất cập của hệ thống tài chính kia có thể được giải quyết trong vài năm nếu như chúng ta đưa ra được một dự án, một lộ trình và kế hoạch hành động khoa học, cụ thể và chi tiết. Còn một bất cập lớn hơn đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và mang tính hệ thống hơn. Đó chính là việc chuẩn hóa lại con đường trở thành chính trị gia của bộ máy chính quyền hiện nay.

Ví dụ như trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa, tài sản của bà được cho rằng đã hình thành trong thời kỳ bà công tác tại Công ty CP bóng đèn Điện Quang. Rõ ràng, ở vai trò Chủ tịch kiêm Tổng GĐ Công ty CP bóng đèn Điện Quang trước đây, bà Thoa là một doanh nhân. Và khi một doanh nhân bỗng nhiên được điều chuyển sang làm một vị trí trong bộ máy hành chính quản lý, nấc thang chính trị đã được mở ra cho doanh nhân ấy. 

Mà ở Việt Nam ta, suốt bao nhiêu năm qua, chuyện một doanh nhân (kể cả là đại diện cho phần vốn nhà nước đi nữa) được điều chuyển sang làm chính trị gia là chuyện quá bình thường.

Sẽ nhiều người thắc mắc rằng, từ doanh nhân sang chính trị gia thì có gì là lạ, chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là một doanh nhân đấy thôi. Đúng, điều đó không có gì lạ cả. 

Nhưng ở bước chuyển từ doanh nhân trước khi trở thành chính trị gia mà không có một công khai tài sản cùng nguồn gốc tài sản, nó sẽ tạo nên bất cập và ngờ vực xã hội. Chính phủ cũng luôn có nhu cầu chọn người tài giỏi để bổ nhiệm nhưng trước khi nhận quyết định bổ nhiệm ấy, các thông tin cần minh bạch phải được minh bạch và các cam kết không để mâu thuẫn quyền lợi "công - tư" phải được tự nguyện thừa nhận một cách công khai.

Cách điều chuyển doanh nhân đại diện vốn nhà nước sang làm chính trị gia ở ta bao năm qua vô tình đã khiến những người làm doanh nhân đại diện vốn nhà nước không phấn đấu vì mục đích làm lớn mạnh doanh nghiệp mình quản lý mà thay vào đó sẽ phấn đấu vì các mục đích thăng tiến chính trị. 

Điều đó khiến chúng ta không có những doanh nhân toàn tâm, giỏi giang khi cần họ là doanh nhân và chỉ có những chính trị gia luôn bị dư luận đặt câu hỏi về sự công chính khi họ bước sang con đường chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu với TTX Việt Nam hồi tháng 1-2017 rằng "Cái mới của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) là đưa ra nhận diện thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị, thế nào là tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của nó, đồng thời khẳng định quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng 4 nhóm giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa "xây" và "chống," trong đó "xây" là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách". 

Ông cũng khẳng định: "Mục tiêu là khắc phục cho được những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Nếu nói công tác xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân". 

Rõ ràng, công tác cán bộ đang được Đảng và Chính phủ coi trọng như thế nào và một trong những việc cần làm trong công tác cán bộ chính là việc chuẩn hóa lại con đường trở thành chính trị gia để chống lại làn sóng những cá nhân lợi dụng danh nghĩa Đảng và Chính phủ để tư lợi cho mình và từ đó gây ra sự mất niềm tin nghiêm trọng trong lòng dân.

Hà Quang Minh
.
.