Tài sản của cán bộ

Ý thức phụng sự

Thứ Hai, 27/03/2017, 11:02
Cũng không quá khó khăn để người dân chứng kiến tài sản của cán bộ lãnh đạo, từ cái đồng hồ đeo tay giá cao ngất ngưởng, cái điện thoại hạng sang, căn biệt thự làm bằng gỗ, những căn nhà vườn không khác sơn trang… Thậm chí, là những số tiền mất trong phòng làm việc, số tiền được kiểm kê trong ngăn tủ làm việc.

Thật vô lý nếu mặc định làm cán bộ lãnh đạo thì không được phép giàu có, tuy nhiên sẽ càng vô lý hơn nếu cán bộ lãnh đạo tự nhiên lại có rất nhiều tài sản mà không trải qua bất cứ quá trình kinh doanh, buôn bán nào.

Công tác phòng chống tham nhũng luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ xác định là công tác cực kỳ quan trọng trong công cuộc kiến tạo phát triển đất nước. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, tổng kết của Cục Chống tham nhũng luôn cho thấy cán bộ lãnh đạo đều kê khai tài sản đúng quy trình, không có tham nhũng.

Vậy thì tài sản của cán bộ lãnh đạo lấy ở đâu ra?

1. TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ chiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra quan điểm sự giàu có của cán bộ lãnh đạo như sau: "Tôi nghĩ rằng, sự giàu có lên nhanh chóng của một số quan chức là vấn đề rất đáng quan ngại".

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng thì: "Anh muốn làm giàu thì anh phải đi con đường khác. Còn vào công vụ phần lớn là để cống hiến. Giờ cũng có những người, họ làm kinh doanh trước rồi mới vào làm công vụ sau. Ở nước mình ít trường hợp này nhưng ở nước ngoài thì nhiều. Ngoài ông Trump ở Mỹ, rất nhiều tổng thống của Hàn Quốc trước đây là một doanh nhân. Người ta làm kinh tế rồi mới làm chính trị.

Còn ở mình, rõ ràng có một hiện tượng là đang dùng quyền năng công chức của mình để làm giàu. Đó là chuyện rất rõ, chúng ta không thể nói vòng vo chỗ này được, che chắn được. Anh làm công chức, anh sử dụng quyền năng như anh có quyền cấp giấy phép, anh có quyền phân bổ nguồn lực, có quyền điều chỉnh rất nhiều thứ. 

Trong nước mình, tôi nghĩ có một cái quyền phát sinh ra tham nhũng khủng. Đó là quyền hô biến. Hô biến tức là đất là đất ruộng, anh hô "biến", thế là thành đất ở. Chỉ là một động tác "hô". Không một pháp luật nào cho anh một cái quyền khủng như vậy. Ai có quyền hô biến đó thì phải giám sát thật chặt.

Minh họa: Lê Phương.

Còn những công chức, thực chất làm việc được giao, không có quyền năng thì thực chất, những người đó không giàu, có khi còn nghèo hơn người dân bình thường. Nhưng những công chức nào mà lợi dụng quyền năng của mình sẽ giàu lên rất nhanh, gây phản cảm xã hội".

Tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, bởi đó là thực tế mà cho dẫu muốn hay không muốn thừa nhận thì đã và đang diễn ra ở thời điểm này.

Có rất nhiều lo ngại về quyền lực biến tướng, tham nhũng quyền lực, trục lợi từ quyền lực và cũng đã có chừng ấy hiến kế, giải pháp được đưa ra nhưng tại sao vẫn chưa có hiệu quả. Hoặc nếu có cũng vô cùng hạn chế.

2. Cũng không phải đến thời điểm này, trong quan điểm của người Á Đông (đặc biệt là nước ta) mới nảy sinh xu hướng có quyền lực đồng nghĩa với có cuộc sống giàu sang, được thụ hưởng vinh hoa phú quý.

Câu chuyện buôn vua của Lã Bất Vi bên xứ Tàu phần nào đó lý giải muốn có tiền hãy có nhiều quyền.

Điển tích chép: "Thời Chiến quốc bên Tàu có lão lái buôn ở Dương Địch nước Vệ tên là Lã Bất Vi. Nhờ các mánh khóe buôn bán và khả năng nhìn xa của một doanh nhân mà giàu lên nhanh chóng. Trong nhà có tới hàng ngàn lượng vàng. Nhưng Lã Bất Vi chưa bằng lòng, còn muốn giàu nữa. Một lần, khi bàn đến chuyện kinh doanh, Lã Bất Vi hỏi cha: "Làm ruộng lợi gấp mấy?". Cha đáp: "Lợi gấp mười". Lại hỏi: "Buôn châu ngọc lợi gấp mấy?". Cha đáp: "Lợi gấp trăm". Hỏi tiếp: "Buôn gì lãi nhất?". Cha đáp: "Buôn vua". Lã Bất Vi khắc vào bộ nhớ câu trả lời của người sinh ra mình".

Vì sao người có quyền lực lại giàu có, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đã nêu lên rồi nên tôi không cần phải nhắc lại.

Trên thực tế, theo quy định, người có chức quyền phải kê khai tài sản nhưng cái quy trình để hình thành nên khối tài sản này thì lại chưa được lưu ý đến. Rõ ràng, trong kê khai tài sản cán bộ lãnh đạo thì minh bạch là minh bạch, mà minh bạch như thế nào lại là chuyện cần phải minh bạch lại.

3. Có một điều rất quan trọng đó chính là không phải cán bộ lãnh đạo nào cũng có nhiều tài sản, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An là một ví dụ.

Trong câu chuyện mà tôi biết, có cán bộ lãnh đạo rất to nhưng cũng không có nhiều tài sản. Về hưu nhẹ nhàng, vui với vườn tược, thú với cây trái xung quanh nhà. Đúng chất trả xong món nợ cho sơn hà thì về tìm lại chính mình trong những điều đơn giản. Đáng tiếc là những cán bộ lãnh đạo thanh bạch này lại thường ngại ngần khi cất tiếng về cuộc sống của mình. 

Một điều mà ai cũng hiểu, đó là không có gì qua mắt được nhân dân. Sống trên đời có thể qua mắt được vài người chứ làm sao qua mắt được cả thiên hạ, khôn ngoan nào đọ được với trời.

Cuối cùng, với phương thức giám sát như hiện tại có lẽ cần được thổi thêm sự quyết tâm trong công cuộc phòng chống tham nhũng, không chỉ quyết tâm mà còn cần cả một phương pháp đúng đắn, khoa học.

Trên hết, có lẽ vẫn là sự tự trọng, ý thức phụng sự của cán bộ lãnh đạo.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.