Gìn giữ tôn nghiêm

Bản chất vẫn là đạo đức

Thứ Bảy, 03/12/2016, 19:37
Khi một nền giáo dục tạo ra rất nhiều thế hệ vô thức dung nạp cái thiếu tôn nghiêm kia vào ý thức của mình, tất nhiên xã hội cũng sẽ trở nên nhộn nhạo và không còn sự tôn nghiêm cần phải có nữa.

Thật ra, rất nhiều người cho rằng sự tôn nghiêm của bản thân là điều gì đó quá lớn lao hay đầy huyễn hoặc. Tuy nhiên, gìn giữ sự tôn nghiêm của bản thân là điều đơn giản nhất mà mỗi cá nhân đều có thể thực hiện được.

Cuối tuần trước là dịp lễ của những người làm nghề giáo, Ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam. Tôi gọi điện cho thầy giáo cũ. Hai vợ chồng thầy đều dạy tôi thời cấp 3, và tôi nhớ cách đây mấy năm, tôi có nói chuyện với cô, với một thắc mắc rằng "Chẳng hiểu vì sao, từ bao giờ, mà người ta sinh ra cái kiểu xưng hô "thầy/cô - em", giữa giáo viên và học trò?". 

Kể từ lần thắc mắc đó, tôi gọi thầy/cô và xưng con. Tôi cho rằng việc một nền giáo dục dễ dãi chấp nhận kiểu xưng hô với thầy cô là "em" đã khiến cho khoảng cách quan hệ thầy - trò mất đi sự tôn nghiêm vốn dĩ của nó. Đó là một kiểu xưng hô nửa dơi, nửa chuột. Và vượt trên hết, nó khiến vị thế của người thầy, đáng ra phải được tôn kính, trở nên bị coi nhẹ hơn nhiều lần.

Khi một nền giáo dục tạo ra rất nhiều thế hệ vô thức dung nạp cái thiếu tôn nghiêm kia vào ý thức của mình, tất nhiên xã hội cũng sẽ trở nên nhộn nhạo và không còn sự tôn nghiêm cần phải có nữa. Bạn sẽ nghĩ gì nếu nhìn vào hình ảnh đám thanh niên choai choai không đội mũ bảo hiểm, sẵn sàng vặn vẹo người CSGT bằng lý sự cùn khi bị kiểm tra giấy tờ? 

Minh họa: Lê Phương.

Có thể ta xem nó như thói ngông nghênh của cái gọi là đám trẻ trâu nhưng thực sự, trong tình huống ấy, nó là hiện tượng phản ảnh sự bất tôn đối với pháp luật. Sự bất tôn đối với pháp luật chính là cái phong vũ biểu thái độ cho thấy rõ nét nhất đặc tính thiếu tôn nghiêm của xã hội Việt Nam bây giờ, một đặc tính được hình thành từ sự suy đồi về đạo đức con người.

Tôi đã rất đau lòng khi nghe chị của tôi, một giáo viên trường tiểu học quốc tế uy tín, chia sẻ rằng: "Trường là công ty. Phụ huynh là thượng đế. Tôn chỉ là phụ huynh mà phàn nàn, giáo viên sẽ bị đuổi". 

Và chị từng chứng kiến đồng nghiệp của mình năn nỉ phụ huynh "mong ba mẹ hãy cho cô một cơ hội" chỉ vì cô lỡ quên không kiểm tra kỹ buổi ngủ trưa, dẫn đến 1 bé kéo mền của cậu ấm nhà kia và làm cậu ấm ấy bị cảm lạnh. Khi người ta đã khinh đạo lý đến mức thuần túy coi mối quan hệ đáng được kính trọng nhất chỉ là một thứ dịch vụ, chắc chắn người ta sẽ dám khinh bất kỳ điều gì khác.

Tôi vốn là người được lớn lên bên ba nhiều hơn, vì ở thời điểm đó, mẹ đi nước ngoài. Tôi còn nhớ như in mỗi lần ba dắt vào chùa chiền hay nhà thờ vãn cảnh, người luôn yêu cầu tôi chắp hai tay phía trước, cấm tuyệt đối chắp tay sau đít hay đút tay túi quần. 

Sự tôn kính những đấng siêu hình ấy dù sao cũng khiến tôi có một thói quen sau này, đó là không bao giờ dám xưng "anh" với một người mới gặp. Mình sợ mình không tôn trọng người khác và dù chỉ là xưng hô thôi, nhưng nó cũng xác lập cái vị thế mình là con người lịch sự, biết mình biết người. 

Và tôi thiết nghĩ, chính là việc tự xác lập cái vị thế một con người có văn hóa đó thôi cũng đủ tạo ra nền tảng ban đầu cho việc xây dựng lại trật tự và sự trang nghiêm trong xã hội. 

Nhưng việc công dân mất đi sự tôn kính với pháp luật thực sự không phải do một mình họ mà thôi, mà do chính cả những con người khác trong guồng máy xã hội mà họ cùng chia sẻ không gian sống. Dân còn kính trọng hay không nếu trước mắt họ, quan chức từ cấp phường đã không còn sự trang nghiêm đáng có của một người có vị trí trong bộ máy nhà nước.

Và đừng nghĩ theo chuyện "chỉ cần tôi giữ sự trang nghiêm trong địa bàn của mình là đủ". Một quan chức ở địa phương này đi sang địa phương khác, chỉ cần ăn chơi ngả ngốn, tác phong khả ố, dân cũng có khả năng nhận ra ngay con người ấy là ai, địa vị phải như thế nào. 

Và khi một ông "quan" đã để dân "khinh", chắc chắn dân sẽ liên tưởng "thiểu số quan" cũng đáng khinh như thế; vài ông "quan" để dân "khinh", chắc chắn dân sẽ liên tưởng "đa số quan" cũng đáng khinh như thế. Mà khi "quan", tức người đại diện cho nhà nước, chính quyền để mất sự trang nghiêm trong mắt dân, tổn hại của hình ảnh nhà nước, chính quyền sẽ lớn đến nhường nào. 

Và tôi, hơn 40 tuổi đời, với hơn 20 năm bước vào đời như con người trưởng thành độc lập, dám cả quyết rằng, nhiều người đại diện cho bộ máy nhà nước đã và đang đánh mất sự trang nghiêm cần phải có của họ, đều là những người có đạo đức rất kém.

Đơn cử như một lãnh đạo tổng công ty đầu tiên tôi làm việc, sau này có làm phó chủ tịch một tỉnh lớn, đã là người mà ngày mới đi làm, tôi và nhiều đồng nghiệp phải đi hầu trà nước cho ông cờ bạc mỗi ngày. Sau này gặp lại, chúng tôi có kính trọng ông không? Dứt khoát là không, chưa bao giờ. 

Như thế, dù biết chỉ là nói suông, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, muốn dựng lại một xã hội biết đến giá trị của sự trang nghiêm, dứt khoát phải xây dựng lại nền tảng đạo đức con người trước đã.

Hà Quang Minh
.
.