Gìn giữ tôn nghiêm

Luật lệ của mỗi người

Thứ Ba, 29/11/2016, 07:14
Mỗi người có một thứ luật của riêng mình, tôi vẫn nghĩ vậy và tin vào điều đó. Đấy là thứ luật của mỗi cá nhân, một lề luật còn phải được tuân thủ hơn cả luật pháp đang hiện hữu.

Thật ra, rất nhiều người cho rằng sự tôn nghiêm của bản thân là điều gì đó quá lớn lao hay đầy huyễn hoặc. Tuy nhiên, gìn giữ sự tôn nghiêm của bản thân là điều đơn giản nhất mà mỗi cá nhân đều có thể thực hiện được.


1. Nổi tiếng nhất trong việc gìn giữ tôn nghiêm của bản thân chính là đoạn đối đáp của Dương Chấn và Vương Mật, đấy là điển tích tạo nên rất nhiều cảm hứng cho những đoạn hội thoại có tính chất kinh điển về sau theo quan điểm của Á Đông.

"Trên đường Dương Chấn đến nhậm chức Đông Lai Thái thú có đi qua Xương Ấp. Lúc ấy, huyện lệnh của Xương Ấp là Vương Mật - là người mà Dương Chấn đề bạt khi ông đang làm Thứ sử Kinh Châu. Vương Mật nghe nói Dương Chấn đi ngang qua địa phương, vì để báo đáp ân tình của Dương Chấn năm xưa đã đề bạt mình nên đến gặp Dương Chấn.

Vương Mật có mang theo năm cân bạc trắng, đợi đến nửa đêm lấy ra để báo đáp Dương Chấn. Dương Chấn nói: "Chúng ta là bạn cũ, ta rất hiểu thái độ làm người của ông, ông cũng hiểu biết ta, vì sao lại làm thế?".

Vương Mật nói: "Bây giờ là đêm khuya khoắt vắng người, không có ai biết cả".

Dương Chấn nói: "Trời biết, thần biết, ta biết, ngươi biết, sao có thể nói là không ai biết được?". Vương Mật nghe xong, hổ thẹn mà rời đi.

Về sau, Dương Chấn làm Trác Quận Thái thú, không bao giờ ông nhận lời giúp người vì việc tư. Con cháu của ông và những người dân thường đều được đối xử như nhau, thường ăn rau dưa, đi bộ ra ngoài, cuộc sống vô cùng giản dị".

Suy cho cùng thì mọi ràng buộc về tôn giáo, lễ nghi, thuyết tâm linh, đạo đức, quy chuẩn xã hội cũng chỉ nhằm là phương tiện để mỗi cá nhân có thể thêm điều kiện giữ vững được sự tôn nghiêm của chính bản thân mình.

Minh họa: Lê Phương

Quân tử có sự tôn nghiêm của quân tử, quan nhân có sự tôn nghiêm của quan nhân, thứ dân có sự tôn nghiêm của thứ dân... Chính sự tôn nghiêm của mỗi cá nhân hình thành nên một trật tự xã hội, nếu sự tôn nghiêm này mất đi thì sẽ nảy sinh trình trạng hỗn loạn, quan không ra quan, dân không ra dân, niềm tin vỡ vụn.

Thế nên, mới có chuyện trong dân thì người bắt giữ kẻ trộm chó, đánh vỡ đầu rồi nhốt vào lồng chó, sau đó mặc nhiên quay clip đưa lên Facebook. Kẻ trộm chó dĩ nhiên là sai rồi, nhưng người đánh kẻ trộm chó chắc chắn là không đúng. 

Tôi biết nhiều anh chị sẽ phản ứng chi tiết này bởi ai nuôi chó mới hiểu được tình cảm dành cho chó, ai mất chó mới chịu đựng hết sự bức xúc của người lâm vào tình trạng này. Rồi thêm chuyện kẻ trộm chó tấn công khiến chủ chó lâm nạn, thậm chí là tử vong.

Tôi đồng ý hết mọi lý lẽ và cũng mong các anh chị đại xá cho nếu kiến văn của tôi khiến anh chị cáu giận. Nhưng tôi đoan chắc một điều, không thể lấy một cái sai để đối chọi với một cái sai, không thể lấy vi phạm pháp luật để chống lại một sự vi phạm pháp luật khác. Hơn nữa, khi tấn công kẻ trộm chó theo hướng đó nghĩa là đã buông lơi bản năng của chính mình.

Vì vậy, chẳng có gì quá ngạc nhiên khi người ta đánh ghen, quay clip, rồi bọn trẻ đánh nhau cũng quay clip, người ta nhục mạ nhau giữa đường, người ta rút dao truy sát nhau giữa phố, người ta sẵn sàng giết nhau vì một va quệt giao thông bình thường, người ta sẵn sàng đâm chết nhau vì một lời nói...

Bởi không có sự tôn nghiêm trong mỗi cá nhân, bản năng đã được bộc lộ hết mức. Mà một khi bản năng được bộc lộ hết mức, sẽ không còn điều tồi tệ nào không thể xảy ra.

2. Đó là chuyện thứ dân, còn đây là chuyện quan nhân.

Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa mượn xe của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang mượn xe tang vật để đi công cán... đó là chuyện buông lơi sự tôn nghiêm của người làm lãnh đạo. 

Làm sao một lãnh đạo có thể khiến dân tin, dân yêu khi mà chuyện từ chối một phương tiện không phải của mình còn không làm được. Đến chuyện đơn giản này còn cố tranh hơn thua thì những chuyện khác làm sao đủ khả năng để chối từ, để gắng sức hay để phụng sự.

Tuần vừa qua, mấy vị bộ trưởng khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội cũng vậy, toàn là trả lời chung chung, mở miệng là đúng quy trình, mở miệng là không có tư lợi vụ lợi. Nhưng thời đại thế giới phẳng, có chuyện gì nhân dân không biết.

Thay vì một khi nhân dân có thêm hình thức giám sát, thân làm quan phải hết sức giữ gìn, hết sức răn mình, hết sức hiểu chuyện "cọp chết để da, người ta chết để tiếng", thì quan nhân vẫn cứ một mực nói một kiểu, làm một kiểu. Đúng như lời kết luận chính xác đến đau đớn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: "Con đường dài nhất Việt Nam là từ lời nói đến hành động".

Một khi quan nhân không lấy sự tôn nghiêm của cá nhân làm trọng, thì không còn những câu chuyện hay để lưu lại nữa. Bởi sự tôn nghiêm tưởng chừng xa xôi, nhưng thực tế lại rất gần gũi.

Đó là thái độ công chính, nghiêm minh. Đó là nói được làm được, y phục xứng kỳ đức, đó là dám từ chối nếu không đủ năng lực được đề bạt, dám nói không với những ràng buộc về nhóm lợi ích, đồ đệ anh em, đó là hứa với nhân dân phải giữ lời, nói một lời sức nặng nghìn cân chứ không chỉ nói cho đẹp khuôn miệng, đẹp mặt báo. Quan trọng hơn hết, là giữ gìn như trứng mỏng sự tự trọng của bản thân.

Trong một xã hội, quan buông lơi lề luật thì dân mới dám lấn tới, thượng bất chính hạ tắc loạn, chứ nếu quan đúng là quan thì chắc chắn dân sẽ là dân.

Đừng tưởng sống một thời là hết, bởi bia miệng lúc nào cũng trăm năm hoặc hơn nữa.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.