Trách nhiệm thông tin

Phía sau ngòi bút...

Thứ Năm, 20/09/2018, 20:45
Cuối cùng thì những nghi vấn về “phụ gia lạ” tại quán cơm tấm trứ danh Kiều Giang mà một vài báo đưa tin làm xôn xao dư luận cũng đã sáng tỏ. Đó là chẳng có phụ gia nào là lạ cả, tất cả đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng. 

Xin thưa ngay từ đầu, chúng tôi thực hiện chuyên đề này hoàn toàn không dám bày tỏ ý định dạy khôn đồng nghiệp hoặc các trí thức, người sử dụng mạng xã hội facebook.

Chúng tôi chỉ lạm bàn vấn đề về trách nhiệm thông tin với mục đích không gây hoang mang dư luận, không gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như không làm biến động xã hội vì thông tin đưa chưa đúng hoặc đưa thiếu so với bản chất mà thông tin muốn hướng đến.


Cơm tấm Kiều Giang chỉ bị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM xử phạt về hành vi sử dụng khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh, có côn trùng gây hại.

Cụ thể, có ruồi trong khu vực chế biến, sàn nhà khu vực chế biến bị bong tróc, vỡ gạch. Đồng thời, cơm tấm Kiều Giang cũng bị xử phạt về việc sử dụng người lao động có mặc trang phục bảo hộ theo quy định nhưng không đầy đủ. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra có 5 nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nhưng không mang khẩu trang.

Như vậy, thông tin quan trọng nhất khiến dư luận xôn xao bàn tán, khiến thực khách quay lưng từ bỏ và cơm tấm Kiều Giang rơi vào khốn đốn mấy ngày qua là “phụ gia lạ” đã không hề xuất hiện trong biên bản phạt của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM. Vậy thông tin về “phụ gia lạ” mà báo chí nêu trước đó từ đâu mà ra?!

Trong biên bản kiểm tra của lực lượng chức năng trước đó không có từ này mà chỉ là “Sử dụng chất phụ gia không có nhãn mác, 39 cây đường và phụ gia, khối lượng 1.029 kg. Không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Nghĩa là ở thời điểm kiểm tra, Kiều Giang không xuất trình hoá đơn chứng từ của đường và phụ gia. 

Nhưng ngay sau đó, Kiều Giang đã nộp đầy đủ hoá đơn chứng từ của những nguyên liệu này đúng theo Nghị định của Chính phủ là doanh nghiệp có 3 ngày để bổ sung giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng.

Như vậy có thể thấy, từ “phụ gia lạ” là suy diễn của báo chí, và đó là một từ rất kích thích đối với độc giả! Có thể khi dùng từ này, các báo không có ác ý gì với cơm tấm Kiều Giang, họ đơn giản muốn có một cái tít “lạ” để thu hút khán giả mà thôi. 

Xong, có lẽ ai cũng nằm lòng rằng, đối với người cầm bút thì không chỉ có mục tiêu thu hút view cho bài báo mà quan trọng hơn là trách nhiệm xã hội đối với những gì mình viết. Người ta hay gọi là lương tâm của người cầm bút.

Minh họa: Hùng Dingo.

Nhưng có thể là trong cơn say thông tin và lượt view, một số đã quên đi trách nhiệm quan trọng này. Bởi nếu có sự suy nghĩ về trách nhiệm với những gì mình viết ra, từ “lạ” có lẽ đã không xuất hiện trong chuyện phụ gia của cơm tấm Kiều Giang. 

Bởi khi nói “phụ gia lạ” tức là hướng người đọc đến một thứ gì đó độc hại. Và sự thật là người ta đã hiểu như vậy, doanh số Kiều Giang sụt giảm 2/3 những ngày qua là một minh chứng.

Ở trong vụ này, khó có thể nói người viết vô tư không lường được hậu quả từ cách viết của mình. Vô tư hay đây là một sự vô tâm!?

Cơm tấm Kiều Giang hiện tại đã được minh oan rồi, xong những thiệt hại quá lớn thì không thể nào bù đắp được. Và chưa biết số phận sau đó nữa của Kiều Giang sẽ về đâu khi mà tâm lý của người đọc bao giờ cũng ấn tượng với thông tin đầu tiên. 

Thậm chí khi đã có kết luận hay cải chính rồi nhưng người ta không đọc, hoặc có đọc cũng hồ nghi. Đó là sự thật tồi tệ nhất của các doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân nào đó lỡ mang tiếng oan.

Chúng ta đã từng chứng kiến có những doanh nghiệp sắp phá sản, nông dân thì điêu đứng vì thông tin sai sự thật. Hơn 10 năm trước, ngành nước tương khủng hoảng với thông tin sản phẩm có chất 3-MCPD có thể gây ung thư. Những nghiên cứu, những phát hiện mới vào thời điểm đó cho thấy quy trình sản xuất nước tương kiểu cũ có thể sinh ra chất 3-MCPD. 

Nhưng thật sự, các doanh nghiệp không cố ý, không vi phạm, thậm chí cũng không biết gì về chất này. Rất nhiều cơ quan truyền thông đều rất nhiệt thành tham gia vào cuộc đấu tố nước tương truyền thống năm đó.

Và sau nước tương lại đến nước mắm bị truyền thông là chứa... phân urê để tăng độ đạm, làm giả độ đạm. Tất nhiên, nhiều doanh nghiệp nước mắm điêu đứng vì thông tin đó.

Họ phải họp báo, cung cấp thông tin để báo chí hiểu rõ hơn sự việc. Và khi đã hiểu rõ rồi thì cũng là lúc những thông tin thiếu khách quan, thiếu trung thực, thậm chí có thể do cạnh tranh khiến các doanh nghiệp lao đao, thậm chí phá sản.

Rồi có một hãng xúc xích của Việt Nam cũng phải khóc ròng vì thông tin có chứa chất gây ung thư. Vấn đề là thông tin này được đưa ra từ một cơ quan không có chức năng tuyên bố chất lượng sản phẩm. 

Nhưng với sự nhiệt tình của các trang báo, dân tình hoang mang, doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc, sản phẩm không tiêu thụ được. Và cũng như những vụ trước, đến khi các cơ quan chức năng trưng ra kết luận sản phẩm của họ không vấn đề gì thì cũng là lúc gần như họ không còn gượng dậy nổi!

Bưởi của người nông dân cũng từng chất đống rồi vứt bỏ chỉ vì một mẩu tin dịch từ báo nước ngoài: Ăn bưởi có khả năng gây ung thư! Nhưng giống bưởi mà bản tin gốc đưa là loại bưởi chùm, không có liên quan gì tới các giống bưởi của Việt Nam như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi và cũng không hề được trồng ở Việt Nam. 

Và những mẩu tin này ngay lập tức gây họa lớn cho trái bưởi Việt Nam khi nhiều người tiêu dùng quyết định ngừng ăn bưởi. Nghe đâu, chỉ trong vòng 1 tháng sau khi một số báo đưa thông tin trên, người trồng bưởi tỉnh Tiền Giang đã bị thiệt hại trên 100 tỷ đồng.

Và còn nhiều những thiệt hại lớn khác của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức từ những thông tin thiếu chính xác, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan truyền thông, báo chí.

Xưa nay, người đời khuyên rằng, làm bất cứ công việc gì cũng cần có trách nhiệm với công việc ấy, đó là đạo đức cơ bản của mỗi người. Anh nông dân có trách nhiệm với ruộng đồng của mình, người bác sĩ có trách nhiệm với phương thức chữa bệnh cho bệnh nhân… và người cầm bút thì phải có trách nhiệm trước thông tin đưa lên phương tiện báo chí.

Trách nhiệm ở đây là một khía cạnh của đạo đức nghề nghiệp, mà nghề nào thì cũng cần phải có đạo đức. Không có đạo đức, anh nông dân rất có thể sẽ đầu độc người tiêu dùng bằng thực phẩm bẩn vì lợi nhuận; người bác sĩ sẽ hại chết bệnh nhân vì sự tắc trách của mình... Và nếu thiếu đạo đức, người cầm bút không chỉ làm ảnh hưởng đến một người, một tập thể mà còn có thể làm hại cả một cộng đồng xã hội.

Chợt nhớ người ta hay tuyên truyền về an toàn giao thông rằng: “Phía sau tay lái là sự sống…”, phải chăng ngành truyền thông cũng cần giáo dục sâu sắc về: “Phía sau ngòi bút là sự sống. Hãy đặt bút bằng cả trái tim” chăng?! 

Hoàng Lãm
.
.