Trách nhiệm thông tin

Thời đại đốm lửa

Thứ Tư, 19/09/2018, 10:32
Từ một cái title báo được chia sẻ trên mạng xã hội, chuỗi cơm tấm nổi tiếng gần 30 năm ở TP HCM có tên Kiều Giang lâm vào cảnh nguy khốn.

Xin thưa ngay từ đầu, chúng tôi thực hiện chuyên đề này hoàn toàn không dám bày tỏ ý định dạy khôn đồng nghiệp hoặc các trí thức, người sử dụng mạng xã hội facebook.

Chúng tôi chỉ lạm bàn vấn đề về trách nhiệm thông tin với mục đích không gây hoang mang dư luận, không gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như không làm biến động xã hội vì thông tin đưa chưa đúng hoặc đưa thiếu so với bản chất mà thông tin muốn hướng đến.


Những quán cơm nườm nượp khách nay vắng hoe, những người kinh doanh quán cơm xưa nay chỉ quen với ướp sườn, chọn gạo, nấu canh… bỗng hoang mang với cái gọi là “khủng hoảng truyền thông”, những người sử dụng mạng xã hội không ngớt lời miệt thị.

Cuối cùng, không có gì cả, không phụ gia lạ, không nguyên liệu lạ, chỉ đơn giản là đường, bột ngọt... Nhưng khi cái cuối cùng này hiện hữu, thì những người chủ của chuỗi cơm tấm Kiều Giang đã khóc ngất trước thông tin. 

Mà ngay cả khi có kết luận cuối cùng từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM rồi, thực khách vẫn chưa tìm đến địa chỉ quán cơm như trước lúc thông tin xuất hiện.

1. Hoàn toàn không quá khó khăn để điểm lại những vụ việc mà doanh nghiệp từ thiệt hại rất nhiều cho đến phá sản từ thông tin ban đầu trên báo giới, từ xúc xích đến quần áo trẻ em, rồi bây giờ là cơm tấm. Những mặt hàng tiêu dùng của người Việt mặc dù đã định hình thương hiệu nhiều năm, nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ mạnh mẽ để đứng trước cơn bão không tin luôn chực chờ.

Một nhãn hiệu sữa bị báo giới ghi nhận có sinh vật lạ, một chai nước giải khát có dị vật bên trong, một quán lẩu bị tố có động vật chết… đều có thể khiến thương hiệu bị lao đao. Cái đáng tiếc nhất ở đây chính là những thông tin ấy đều là thông tin ban đầu. 

Thông tin ban đầu nghĩa là thông tin mới ghi nhận, thông tin không phải cuối cùng, từ ghi nhận cho đến lúc kết luận là cả một quá trình. Có điều, không phải người tiếp nhận thông tin ban đầu nào cũng đủ kiên nhẫn để đọc thông tin cuối cùng hoặc đủ niềm tin để tin vào kết luận.

Minh họa: Hùng Dingo.

Hơn mười năm trước, một thương hiệu bồn inox đang gần như độc chiếm thị trường bỗng dưng bị một tờ nhật báo hút độc giả đặt nghi vấn có chứa chất gây ung thư. 

Thương hiệu bồn inox ấy lâm vào tình cảnh như thế nào chắc bạn đọc rất dễ hình dung, bất chấp về sau ông chủ của thương hiệu trên có khẳng định bằng các bằng chứng khoa học chứng minh bồn inox của ông ấy an toàn trên nhiều tờ báo khác.

2. Một người bạn vai anh của tôi có một công ty nhỏ, công ty của anh phá sản rồi, phá sản vì một bài viết trên báo. Anh có kiện tờ báo ấy ra tòa vì những thông tin không chính xác, một tháng rồi hai tháng, ba tháng rồi bốn tháng, cho đến một năm sau tờ báo trên cải chính thông tin. Lúc ấy, công ty của người bạn tôi đã phá sản.

Nhân vụ cơm tấm Kiều Giang, anh kể lại điều này trên facebook giọng không vui không buồn, chỉ là bàng bạc. Cái hay nhất của anh là anh không thù ghét báo giới, anh vẫn giữ được một thái độ đúng mực.

Lâu trước, tôi có đi tác nghiệp một vụ việc thời sự đơn thuần. Vừa đến địa điểm xảy ra vụ việc thì người thân của họ vác dao đá gậy gộc đòi chém đòi giết. Sau rồi cũng êm thấm, sau rồi họ cũng cất lời xin lỗi vì tưởng thế này hay thế kia. Đó là một lần hốt hoảng và nghĩ rất nhiều về nghề của tôi.

Ở thời điểm hiện tại, khi mà báo giới vẫn nhường dòng chủ lưu thời sự cho mạng xã hội, tôi viết điều này có lẽ nhiều cán bộ quản lý không đồng tình hoặc không thích, nhưng đó chính là sự thật.

Chính vì nhường dòng chủ lưu thời sự cho mạng xã hội nên thông tin hiện tại là những đốm lửa. Đốm lửa ấy được ném vào cảm xúc luôn khô giòn như nỏ của đám đông. Và khi người đưa tin không thận trọng, đốm lửa ấy sẽ thiêu rụi mọi thứ, mặc dù sự thiêu rụi này nằm ngoài ý muốn của người đưa tin.

3. Trên mạng xã hội cũng đang nóng lên chuyện cho phép các thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, Trung Quốc có hoạt động thương mại qua biên giới giữa 2 nước sẽ được sử dụng đồng tiền thanh toán gồm VNĐ (Việt Nam đồng) hoặc CYN (nhân dân tệ) và ngoại tệ tự do chuyển đổi, chuyện sách giáo khoa công nghệ, chuyện dạy đánh vần…. 

Rất rất nhiều chuyện. Mà chuyện nào theo quan sát của tôi cũng phát sinh những cảm xúc tiêu cực, nếu không muốn nói là ảnh hưởng đến niềm tin. Trong lúc chỉ cần điềm tĩnh hơn một chút thôi, những cá nhân chia sẻ thông tin ấy có thể hiểu thấu đáo toàn bộ vấn đề mà không cần phải lo lắng, phải sợ hãi, phải tức giận, thậm chí là phản đối.

Rõ ràng là khi mà những năng lượng tiêu cực trên mạng xã hội chưa được giải phóng, những thông tin tốt chưa đủ lấn át những thông tin hạn chế về nhiều mặt của xã hội… Có lẽ nên nghĩ đến trách nhiệm thông tin, bắt nguồn chính từ những nhà báo hoặc những cá nhân có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Điều này phải bắt nguồn từ ý thức, sự thận trọng trước khi bàn đến những chế tài hay luật định. Đơn giản đâu phải lúc nào cũng xử lý được sự ác ý, cố tình hay đơn thuần chỉ là muốn tỏ ra nguy hiểm đâu.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.