Khoan lấy sức dân

Thuế phải phục vụ nhân dân

Thứ Bảy, 20/01/2018, 06:54
Theo Bộ Tài chính, hiện nay Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) và sẽ có hiệu lực trong giai đoạn từ nay tới năm 2020. 

Bộ Tài chính vừa chuyển Bộ Tư pháp thẩm định Dự thảo Luật sửa đổi các luật về thuế trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trình Quốc hội vào năm 2018 này.  Dự thảo mới đã có chỉnh sửa, bổ sung, giải trình thêm một số nội dung sau khi Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, chuyên gia và người dân. Vẫn không có gì thay đổi, Bộ Tài chính tiếp tục trình dự thảo tăng thuế nội địa.


Việc thực hiện các cam kết FTA khiến hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, làm nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng.

Cụ thể, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu do giảm thuế nhập khẩu trong năm 2018 khoảng 30.150 tỷ đồng; năm 2019 hụt thu khoảng 36.340 tỷ đồng; năm 2020 hụt thu 43.965 tỷ đồng. Ngoài ra, thuế suất bình quân của toàn bộ hàng hóa nhập khẩu cũng giảm dần hằng năm theo lộ trình: Năm 2015 giảm còn bình quân 4,75%, năm 2016 còn 3,74%, và năm 2018 giảm còn 2,98%.

Đó là những số liệu được Bộ Tài chính đưa ra, để củng cố cho quyết tâm theo đuổi tới cùng đề xuất tăng thuế, với biện giải rằng việc tham gia vào các hiệp định thương mại chắc chắn sẽ khiến nguồn thu ngân sách từ thuế xuất-nhập khẩu giảm sút mạnh mẽ và để bù đắp vào chỗ giảm sút ấy, Bộ Tài chính muốn tăng thuế nội địa, chủ yếu là nhóm thuế thu nhập (thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp), thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Còn tại sao Bộ Tài chính lại cần phải tăng ở chỗ này để bù chỗ giảm nọ cũng chung quy chỉ xoay quanh chuyện bội chi ngân sách và nợ công tăng cao.

Nhưng hãy đặt ra một câu hỏi lớn này, để chúng ta mổ xẻ kỹ hơn câu chuyện đề xuất tăng thuế đang làm nóng các diễn đàn, rằng “liệu mục tiêu tồn tại cơ bản của thuế có phải chỉ để phục vụ việc chi tiêu của chính quyền?”.

Minh họa: Lê Phương.

Câu trả lời là “không”. Thuế để phục vụ chi tiêu chính quyền là đúng, nhưng thuế còn tồn tại để chính quyền can thiệp vào nền kinh tế; để chính quyền cung ứng các hàng hoá, dịch vụ công cộng cho nhân dân; để thu hẹp lại chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm nhân dân có thu nhập khác biệt nhau; để chính quyền hạn chế một số hoạt động không có lợi của nhân dân (ví dụ hút thuốc lá, uống rượu…) và để chính quyền chi tiêu cho phúc lợi xã hội cũng như thúc đẩy nền kinh tế.

Tất cả các mục đích tồn tại của thuế nói trên, tôi đều muốn viết hoa hai chữ nhân dân. Tại sao? Nhân dân luôn là trung tâm mà thuế phải phục vụ, dù thực tế, tất cả những ai học về thuế, đều được dạy một câu rất hóm hỉnh rằng “thu thuế như vặt lông ngỗng. Phải vặt được lông mà ngỗng không được kêu”. 

Vâng, để có một hệ thống thuế mà nhân dân vui vẻ tham gia đóng góp đầy trách nhiệm mới là chuyện khó làm. Còn tạo ra một hệ thống thuế làm sao chỉ chăm chăm vào thu theo đúng mục tiêu, định lượng đề ra, nhằm đáp ứng một nhu cầu cụ thể thì quá dễ. Song, cái quá dễ thì cũng dễ bị phản ứng, và thậm chí, chống đối.

Năm 2011-2012, Pháp tăng thuế thu nhập cá nhân với mức thu nhập từ 1 triệu euro/năm trở lên sẽ phải chịu thang cao nhất là 45%. Nước Pháp có dịch vụ an sinh xã hội công thuộc diện ưu việt nhất thế giới và khi gánh nặng người nhập cư làm oằn vai ngân sách, họ quyết định tăng thuế, đánh thẳng vào tầng lớp khá giả, để lấy đó bù đắp khoản tiêu tốn đòi hỏi trong ngân sách phục vụ những người nghèo, thất nghiệp, vô gia cư. 

Kết quả thu được là gì? Nhiều triệu phú Pháp nhập quốc tịch Nga, nhập quốc tịch Ba Lan, Czech. Họ từ chối quốc tịch Pháp dù họ vẫn sống ở Pháp, kiếm tiền trên đất Pháp, hưởng thụ đời sống tinh túy của Pháp. Nhưng thuế họ đóng cho nước khác, nước mà họ mang quốc tịch mới. 

Như vậy, hệ thống thuế thu nhập mới của Pháp có thể coi là thất bại vì nguồn thu không như mong đợi, thậm chí còn mất hẳn một số nguồn thu ổn định trước đây từ các triệu phú quốc gia.

Quay lại với câu chuyện ở ta, tôi thật khó hiểu khi không thể tìm ra mục đích tăng thuế mà Bộ Tài chính giải trình không hề có một chút nào liên quan đến quyền lợi NHÂN DÂN. Tôi phải viết hoa hai chữ NHÂN DÂN ở vế này, để hi vọng có quan chức Bộ Tài chính nào đọc được bài viết này, hãy nghĩ về nhân dân khi quyết định tăng thuế.

Thuế phải phục vụ nhân dân.

Tất nhiên, tất cả chúng ta cùng hiểu chi tiêu Chính phủ hiện nay quá nhiều và ngân sách thì thiếu hụt. Nhưng liệu tăng thuế có phải là biện pháp duy nhất để giải quyết hay không? 

Chắc chắn là không, khi chúng ta có thể làm những cách khác, thực hiện các chính sách khác tốt hơn rất nhiều. Một trong những chính sách mà nhiều chính phủ tiên tiến đã làm là thắt lưng buộc bụng. Tổng cầu nền kinh tế bao gồm tổng chi tiêu tiêu dùng + Đầu tư + Chi tiêu Chính phủ + Xuất khẩu - Nhập khẩu. Và biện pháp cắt giảm chi tiêu Chính phủ chính là một trong những cách thức thực hiện thắt lưng buộc bụng. Và ở Việt Nam, đã đến lúc cần thắt lưng buộc bụng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chúng ta thừa bao nhiêu cán bộ lãnh đạo trung gian thực ra chỉ ngồi cho đủ ghế? Chúng ta thừa thãi bao nhiêu cục, vụ, ban, ngành vô bổ? Chúng ta thừa thãi bao nhiêu dự án nghiên cứu ‘giời ơi đất hỡi’? Và chúng ta hoang phí chi tiêu bao nhiêu đầu tư cho các công trình hoành tráng chỉ đẹp mặt lãnh đạo địa phương một hai nhiệm kỳ mà nhân dân thì chẳng có lợi ích gì? Cắt cho hết các chi tiêu ấy đi, có cần tăng thuế nữa hay không? Câu hỏi này đáng trả lời lắm.

Đây đó vẫn có người phản ứng lại một cách ngô nghê rằng “ở Tây thuế còn cao thế này, thế kia, thuế Việt Nam có như thế nhằm nhò gì?”. Vâng, ở Việt Nam nhân dân sẵn sàng đóng thuế cao như Tây, nếu chúng ta có một nền hành chính tinh gọn không chi tiêu tốn kém như họ, và tất nhiên, nhân dân được sống trong một xã hội, một nền kinh tế có mức thu nhập gần bằng họ.

Chúng ta chưa cho nhân dân được hưởng thụ những điều kiện như thế, tại sao chúng ta lại đòi hỏi nhân dân phải đóng góp nhiều hơn? 

Hà Quang Minh
.
.