Khoan lấy sức dân

Sốc thuế

Thứ Tư, 17/01/2018, 16:21
Đầu năm 2018, hàng loạt tít bài trên các phương tiện truyền thông báo chí về áp lực thu thuế của lãnh đạo TP HCM cũng đã làm niềm vui năm mới vơi đi ít nhiều. 

Bộ Tài chính vừa chuyển Bộ Tư pháp thẩm định Dự thảo Luật sửa đổi các luật về thuế trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trình Quốc hội vào năm 2018 này.  Dự thảo mới đã có chỉnh sửa, bổ sung, giải trình thêm một số nội dung sau khi Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, chuyên gia và người dân. Vẫn không có gì thay đổi, Bộ Tài chính tiếp tục trình dự thảo tăng thuế nội địa.

1. Năm 2018, TP HCM bắt đầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Đây được xem là một cú hích mang tính lịch sử với TP HCM. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra ba cú hích quan trọng rằng: Một là, tăng quyền tự chủ. Hai là, thoát ra khỏi những ràng buộc để phát triển. Và cuối cùng là sức bật từ những thử nghiệm thể chế.

Vì vậy, khi tin Quốc hội chấp nhận áp dụng thí điểm một số cơ chế đặc thù cho thành phố vào những ngày cuối năm 2017 vừa qua, trong lòng thị dân ai nấy cũng hồ hởi và hy vọng. Ai đọc tin cũng khởi lên niềm vui rằng, rồi đây TP HCM sẽ có những bước phát triển vượt bậc, lấy lại vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông” và tất nhiên thị dân được hưởng lợi…

Nhưng, niềm vui chưa trọn, những nỗi lo đã hiện diện ngay sau đó. Đó là vấn đề về tăng và thêm các loại thuế, phí ở TP HCM khi áp dụng cơ chế đặc thù.

Nhìn lại một chút về năm 2017 vừa qua, phải đến hết ngày cuối cùng của năm, TP HCM mới hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách TP. Tính đến ngày 31/12/2017, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP năm 2017 đạt 345.287 tỉ đồng, bằng 99,25% dự toán. Và để có được con số trên, theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, TP HCM đã có 10 ngày “hồi hộp ghê gớm”.

Những năm trước, TP HCM luôn hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách khá sớm, sở dĩ năm nay tình hình thu ngân sách căng thẳng đến tận phút cuối là do chỉ tiêu thu ngân sách được giao cao hơn đến 27,52% so với dự toán năm 2016 và gấp ba lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của cả nước. Và năm 2017, thành phố nộp vào ngân sách Nhà nước 82% ngân sách của thành phố.

Minh họa: Lê Phương.

Sang năm 2018, khi TP HCM bắt đầu thí điểm áp dụng cơ chế đặc thù thì ngân sách phải thu tăng lên 376.000 tỷ đồng; vậy chi, mỗi ngày (trừ Chủ nhật) thì thành phố phải thu trên 1.200 tỷ đồng!

Áp dụng cơ chế đặc thù để TP HCM phát triển là một chủ trương đúng đắn, nhưng lộ trình thế nào, mục tiêu ra sao, thực hiện thế nào,… mọi người vẫn còn khá mơ hồ; trong khi đó, đặp vào mặt người dân thành thị là những áp lực nộp thuế của TP, là những khoản sẽ tăng thu, những khoản phí mới mà thị dân phải đóng. Tất cả tạo nên một cảm giác áp lực, một cảm xúc “sốc thuế”!

Chưa hết, trong năm 2018, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất tăng hàng loạt sắc thuế: Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thuế Thu nhập cá nhân, Thuế Tài nguyên. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất tăng thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% và tăng theo lộ trình, mỗi năm tăng thêm 1% cho tới khi bằng 12%. Theo giải thích của Bộ Tài chính thì việc tăng thu thuế nội địa là nhằm bù đắp hụt do cắt giảm thuế theo các cam kết mà Việt Nam đã ký trước đó.

Có ý kiến cho rằng, thu như thế khác nào tận thu? Và một câu hỏi lớn được đặt ra là: Liệu giải pháp tăng thuế nội địa có phải là bắt buộc, khi thất thu thuế, trốn thuế, “chia chác” thuế, lãng phí ngân sách ở các địa phương với cổng chào, với tượng hàng trăm, hàng nghìn tỷ,… vẫn còn tràn lan?

2. Quảng Ninh xây cổng chào gần 200 tỷ, Thái Nguyên đang lấy ý kiến nhân dân về thiết kế cổng chào phía Nam tỉnh, nằm trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng. Ở các địa phương khác, việc xây dựng, đòi xây dựng cổng chào, tượng đài hàng chục tỷ không phải là ít. Điều đáng nói là có không ít công trình nhanh chóng xuống cấp sau một vài năm đưa vào sử dụng. Đối với các trường hợp này, đó không chỉ là sự lãng phí.

Ở nhiều nơi, khi còn phải xin viện trợ lương thực mùa giáp hạt, xin tiền Tết từ Trung ương; khi điện, đường, trường, trạm còn không đáp ứng đủ nhu cầu, khi nhiều nơi người dân còn không đủ ăn, đủ mặc thì chính quyền lại hăm hở với những hoạt động chưa thực sự cần thiết như xây cổng chào, tượng đài… Ngân sách Nhà nước không phải vô hạn, đó là chưa kể, nhiều đô thị lớn như TP HCM với áp lực tăng thu ngân sách mỗi năm một tăng cũng một phần để là để chia sẻ với các địa phương.

Không biết khi xây tượng đài, xây cổng chào hàng chục tỷ, địa phương có nghĩ đến điều này? Rồi đến những biệt phủ sừng sững thách thức dư luận, đến những siêu dự án đã “hóa vàng” Ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng,… 

Khi chưa thể giải quyết triệt để những vụ gây thất thoát, lãng phí ngân sách này thì việc tăng thuế nội địa, tăng thu ngân sách, cũng đồng nghĩa với tăng áp lực lên cuộc sống của thị dân ở những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội là một điều dễ tạo nên những cảm xúc tiêu cực của thị dân.

Cũng vậy, đầu năm 2018, hàng loạt tít bài trên các phương tiện truyền thông báo chí về áp lực thu thuế của lãnh đạo TP HCM cũng đã làm niềm vui năm mới vơi đi ít nhiều. 

Đành rằng, khi áp dụng cơ chế đặc thù, chắc rằng người dân, doanh nghiệp ở thành phố sẽ được hưởng lợi từ đó. Song, cái lợi đó vẫn chưa có, thậm chí hình dung vẫn mơ hồ thì cái đập vào trước mặt họ là chuyện tăng thuế và thêm phí. Nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa kịp mừng đã lo vì trong giai đoạn làm ăn khó khăn như hiện nay, thêm thuế, phí thì càng thêm khó khăn.

Rồi bao nhiêu vấn đề tiêu cực ở TP HCM, thị dân cũng vẫn chưa được nghe thấy quyết tâm đẩy lùi của thành phố trong giai đoạn áp dụng cơ chế đặc thù để phát triển. 

Ở TP HCM, liệu có bao nhiêu trường hợp tương tự vụ quán “Xin chào”, bao nhiêu trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị bắt chẹt mà không thể kêu hoặc kêu nhưng không được giải quyết thỏa đáng… Kế đến nữa là các trường hợp trốn thuế, né thuế tinh vi,…

Vâng, còn rất nhiều vấn đề mà Trung ương cũng như ở TP HCM nói riêng cần quyết liệt thực hiện để đảm bảo nguồn thu ngân sách chứ không phải là đặt áp lực đó lên vai người dân bằng cách tăng nhiều loại thuế, phí. Tất nhiên, tâm thế người dân sẽ sẵn sàng với việc áp dụng chính sách đặc thù với TP HCM. Song, sự sẵn sàng bao giờ cũng đến từ sự rõ ràng, sòng phẳng, công bằng từ chính sách! 

Hoàng Lãm
.
.