Trong đôi mắt trẻ thơ

Những đứa trẻ bị ra rìa

Thứ Sáu, 22/12/2017, 11:57
Trẻ em vốn là chủ nhân tương lai của đất nước, vậy mà hiện nay, một số em lại bị bạo hành, bị bất hạnh ngay trong những lớp mầm non nuôi dạy trẻ, thậm chí là ngay chính trong gia đình mình. 

Nhà văn tài hoa Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn “Sống dễ lắm” viết mấy chữ là thoại của nhân vật là ông giáo Chi khiến tôi nhớ mãi, “Mình cứ sống thôi! Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”. Hàng loạt câu chuyện buồn xảy ra dồn dập liên quan đến trẻ thơ khiến tôi nghĩ mãi về điều này, “Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”.

Đó là điều không thể chấp nhận được. Rất mong với quyết tâm giải quyết triệt để tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo vừa qua, tất cả trẻ em trên đất nước này sẽ được hạnh phúc…

Tôi đã giữ bình tĩnh để xem đi xem lại clip bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non Mầm Xanh với mong muốn sẽ tìm ra lời giải cho những hành động tội ác đó của các bảo mẫu. Nhưng nhìn qua hành động, thú thật là ta không thể nào tìm ra nguyên nhân của những cơn thịnh nộ đó, bởi hầu hết những cú đánh đều không lý do, hoặc rất vô lý.

Tương tự như những vụ bạo hành trước, bảo mẫu giải thích rằng, trông nhiều cháu mà các cháu không ngoan, không ăn, quậy phá nên đe dọa để các cháu ngoan hơn! Tất nhiên với tôi, đó chỉ là sự ngụy biện của những bảo mẫu thiếu đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn thiếu nghiệp vụ. Bởi nếu các cô biết trân quý nghề của mình, biết yêu thương trẻ con và biết cách chăm sóc dỗ dành trẻ, hẳn các cô đã không làm thế!

Minh họa: Lê Phương.

Nhiều người đã hỏi, vì sao các bảo mẫu chọn làm giáo viên mầm non, họ chọn gần gũi chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ mà lại chà đạp nghề mình như vậy? Câu trả lời có lẽ là ngay từ đầu, họ chọn nghề này nhưng không phải vì trẻ mà vì lợi nhuận, vì số tiền mà họ thu được hàng tháng. 

Khi trẻ con vắng bóng trong mục tiêu nghề nghiệp bảo mẫu thì lương tâm của họ với các em là một điều xa xỉ. Và chuyện họ vụt roi, dép, lấy tay chân đánh vào mặt vào người các em, thậm chí dùng dao đe dọa là điều dễ xảy ra. Chẳng phải tiêu chí của bà chủ Mầm Xanh là: quấy là đánh hay sao!

Khi nhu cầu của xã hội tăng cao, các cơ sở mầm non tư thục sẽ mọc lên để đáp ứng và đó cũng là lúc mà những người cơ hội có thể lợi dụng để kiếm tiền. Vậy thì vấn đề đang đặt ra một thách thức rất lớn đối với chính quyền cơ sở trong việc quản lý, cấp phép, giám sát hoạt động đối với các cơ sở mầm non và cả những cơ sở tự phát. 

Nhưng với Mầm Xanh và một số trường hợp gần đây thì xem ra, công tác ấy vẫn lỏng lẻo lắm. Cơ sở vật chất không đủ điều kiện, bảo mẫu không chuyên môn nghiệp vụ,… là những gì người ta đã phát hiện sau đó khi xảy ra chuyện.

Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bảo vệ trẻ? Tôi nghĩ, người bảo vệ trẻ hữu hiệu nhất vẫn là cha mẹ, người thân trong gia đình các em. 

Bạn tôi chia sẻ rằng, mỗi lần đón con gái đi học về, bạn tôi hay trò chuyện với con bằng những câu hỏi, đại loại “Hôm nay con học có vui không? Các bạn trong lớp thế nào? Có bạn nào bướng bị cô giáo đánh không?...”. Với những câu hỏi như vậy bạn tôi có thể nắm được cơ bản tình hình của con mình trong lớp.

Kế đến là quan tâm đến những biểu hiện của con sau khi đi học về hoặc khi đến lớp gặp các cô. Tôi tin trẻ em không giấu được những cảm xúc, biểu hiện của buồn vui, của sợ sệt, lo lắng, chỉ có điều người lớn có quan tâm đến hay không mà thôi!

Có thể, nhiều người sẽ cho rằng, nếu khuyến khích cách bảo vệ trẻ như vậy sẽ tạo nên một sự nghi kỵ với tất cả thầy cô mầm non, với nơi mà con em mình đến hằng ngày!? Nhưng khi mọi thứ chưa được quản lý chặt chẽ, cái xấu vẫn có thể dễ dàng xảy ra với con trẻ thì đó vẫn là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ những đứa trẻ trong gia đình.

Có một thực tế là cái xấu, cái ác luôn chỉ là thiểu số trong xã hội, vấn đề là trong nội bộ có dám đấu tranh để loại trừ nó hay không mà thôi. Trong vụ ở Trường Mầm Xanh, vẫn có bảo mẫu lên tiếng phản ứng khi bà chủ đánh vào đầu một cháu bé. Nhưng rất tiếc là sự phản ứng ấy quá yếu ớt, nó không đủ để biến thành hành động cụ thể để tố giác, để đấu tranh.

Nhưng từ đó để thấy, việc nội bộ giám sát lẫn nhau cũng là một giải pháp hữu hiệu. Chỉ là, người tốt có đủ lý tưởng hay không mà thôi!

Có một tình trạng là ngày nay, nhiều người quá tin tưởng vào camera giám sát mà trở nên lơ là với việc quan tâm việc con trẻ đến trường. Thỉnh thoảng họ chỉ cần nhìn vào màn hình và yên tâm rằng con mình vẫn đang vui chơi và được chăm sóc, rồi thôi. Trong khi đó, những vụ bạo hành vẫn xảy ra dù lớp học có gắn camera.

Nhưng không phải chỉ khi trẻ bị bảo mẫu bạo hành mới bất hạnh mà có khi chúng cũng bất hạnh ngay trong chính nhà mình! Trong cuộc sống hiện tại, nhiều gia đình trẻ rất bận rộn với công việc, với đủ thứ lo toan cơm áo gạo tiền. 

Cho nên, lắm khi con trẻ bị cha mẹ “bỏ rơi”. Trẻ mới một tháng tuổi được giao cho người giúp việc chăm sóc, để rồi bé bị tung hứng, bị tát không thương tiếc. Đó có thể chỉ là một vụ việc cá biệt, nhưng nó thật sự là tiếng chuông báo động cho những gia đình trẻ để con em mình rời vòng tay ba mẹ quá sớm!

Nhiều gia đình ngày nay không dành đủ thời gian để quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ con cái. Thật ra, cũng có phần cảm thông vì hoàn cảnh; song, không thể chấp nhận khi suốt ngày gửi con ở lớp, cho người giúp việc, về đến nhà là vứt cho con cái điện thoại để chơi game hay mặc con xem tivi. 

Đó là chưa kể đến chuyện bắt con đi học đủ thứ các lớp, nào tiếng Anh, nào năng khiếu,… Cha mẹ không biết, như vậy là xóa sổ tuổi thơ của con, là vô tình đã đẩy con đến những rủi ro.

Những đứa trẻ nghiện game, những đứa trẻ béo phì, thụ động, thiếu kỹ năng sống, những đứa trẻ trầm cảm,… nếu có một khảo sát, nghiên cứu nghiêm túc thì tôi tin phần lớn đều xuất phát từ nguyên nhân gia đình, trong gia đình mà chúng đã bị “bỏ rơi”!

Vì vậy, suy cho cùng thì để bảo vệ trẻ khỏi những cái xấu, cái ác, khỏi sự bất hạnh một cách hữu hiệu và thiết thực nhất, không thể ai khác ngoài cha mẹ các em!

Hoàng Lãm
.
.