Trong đôi mắt trẻ thơ

Trẻ thơ ngơ ngác

Thứ Hai, 18/12/2017, 07:54
Tôi cố gắng lướt qua thật nhanh, nhanh nhất có thể, để không phải chạm mắt mình vào những dòng tin được chia sẻ trên facebook về những đứa trẻ bị bạo hành. 

Nhà văn tài hoa Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn “Sống dễ lắm” viết mấy chữ là thoại của nhân vật là ông giáo Chi khiến tôi nhớ mãi, “Mình cứ sống thôi! Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”. Hàng loạt câu chuyện buồn xảy ra dồn dập liên quan đến trẻ thơ khiến tôi nghĩ mãi về điều này, “Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”.

Tôi đã đọc những tin ấy từ báo chí, và tôi sợ hãi phải đối diện chúng lần nữa. Tôi là một người cha và điều may mắn hạnh phúc với vợ chồng tôi là những đứa con của tôi thích đi học vì lý do cơ bản nhất, chúng được cô giáo cưng nhất lớp. 

Nhưng tôi vẫn vướng phải nỗi hoảng loạn mơ hồ khi thấy có những đứa trẻ ngoài kia, thậm chí nhỏ hơn tuổi con tôi, bị bạo hành ở nhà, ở trường và thậm chí bởi chính cha mẹ ruột mình.

Một bạn đồng nghiệp của tôi đã nói, một câu nhói lòng, khiến cả nhóm bạn cùng phải câm nín tê dại. “Nếu phải bình chọn tin tức buồn nhất năm”, cậu ấy đã nói thế, và chọn một thảm cảnh trẻ bị bạo hành.

Có lẽ, mỗi chúng ta, những bạn đọc đang cầm tờ An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng này, sẽ cùng tâm trạng sợ hãi như tôi. Chúng ta sẽ càng sợ hãi hơn, thậm chí căm phẫn và muốn phải làm ngay một việc gì đó, khi nhìn thấy những vết thương trên cơ thể của trẻ. Nhiều người đã bày tỏ căm phẫn như thế, bằng cách đăng tải những dòng trạng thái kiểu săn tìm thủ phạm và sẵn sàng tìm đến ăn thua đủ để trả hận cho đứa trẻ. 

Nỗi phẫn uất có lý do của nó nhưng nghĩ cho cùng, chúng ta đang hướng hành động (hay nhẹ nhàng hơn là mong muốn hành động) đến một hành vi bạo lực khác. Bạo lực để trả thù bạo lực, điều đó có ích gì?

Và chỉ câu hỏi ấy thôi, tôi muốn hỏi tất cả chúng ta, tự hỏi chính bản thân mình, có khi nào, giữa cuộc đời bộn bề này, giữa đời sống mưu sinh nhiều lý do để đổ lỗi này, chúng ta vô tình có hành vi được gọi là bạo hành đối với trẻ thơ hay không? 

Minh họa: Lê Phương.

Đừng vội trả lời câu hỏi ấy trước khi đọc dẫn giải kế tiếp đây thôi. Hành vi bạo hành với trẻ không chỉ là đánh đập, xâm hại thân thể chúng mà chính là cả những hành vi giữa người lớn với nhau, nhưng đập vào mắt trẻ em một cách ngẫu nhiên thôi, để chúng nhìn thấy cuộc đời này chỉ bạo lực và bạo lực.

Đó chính là bạo hành tinh thần. Và tôi tin rằng, trong xã hội Việt Nam hôm nay, trẻ em đang bị biến thành những bầy ngơ ngác, những bầy hoảng sợ đối diện một thế giới người lớn mà chúng không hiểu nổi tại sao lại ác với nhau đến thế để rồi tự chúng nhận ra rằng chúng sẽ phải học dần một ý thức sống nhẫn tâm, tàn bạo và tiếp nối bạo hành.

Có thể đó cũng là lý do mà trẻ em Việt Nam hôm nay sống trong tình trạng bạo lực học đường thường xuyên như thế. Ở nước ngoài, kể cả nước văn minh nhất, tình trạng kỳ thị, tẩy chay, bắt nạt (bully) vẫn có, và có nhiều. 

Nhưng hành vi tàn bạo đến mức cầm ghế phang thẳng vào đầu bạn học, “bề” hội đồng bạn giữa đường bằng gạch, gậy và mũ bảo hiểm như ở Việt Nam thì không có. Chúng ta đau đớn mà phải nói ra rằng “chúng ta đang sống trong một môi trường man rợ quá”.

Trong cuốn “Hậu tư bản luận: Một chỉ dẫn cho tương lai” của học giả Paul Mason, người Anh, ở ngay phần giới thiệu, ông đã vẽ ra một viễn cảnh tồi tệ của thế giới này trong vài thập niên tới. Ông vẽ ra sự hỗn loạn từ khủng hoảng kinh tế hậu tư bản dẫn tới những căng thẳng quân sự khiến sự sinh tồn của loài người bị đe dọa nghiêm trọng. Ông nói về trách nhiệm bảo vệ tinh cầu này, “dựng lại loài người” mà mỗi con người cần đảm đương. 

Và ông viết rằng “Chủ nghĩa tân tự do là một học thuyết về một thị trường không bị kiểm soát: nó chỉ ra rằng con đường tốt nhất dẫn tới thịnh vượng chính là mỗi cá nhân theo đuổi những sở thích và quan tâm của riêng mình. Nó cho rằng nhà nước chỉ nhỏ bé thôi; rằng đầu cơ tài chính là tốt; rằng bất bình đẳng cũng là tốt, rằng vị thế tự nhiên của loài người chính là một nhóm những cá nhân tàn nhẫn lao vào cạnh tranh lẫn nhau khốc liệt”.

Điều ông viết đủ để chúng ta nghĩ đến Việt Nam hôm nay. Việt Nam chưa có một thị trường tự do hoàn toàn như chủ nghĩa tân tự do, nhưng trong cuộc cách mạng công nghệ hôm nay, người Việt Nam lại cập nhật rất nhanh lối sống của một xã hội tiêu thụ thực dụng. 

Với internet và mạng xã hội, xu hướng cá nhân hóa mạnh mẽ hơn, biến con người trở nên ích kỷ hơn, tàn ác hơn và sẵn sàng chà đạp nhau dễ dàng hơn. Tất cả những hiện trạng đó hằn lại vết sẹo lớn trên ý thức và não bộ lũ trẻ, khiến chúng bị bạo hành từng phút từng giây, thứ bạo hành tinh thần kể cả khi chúng được nâng niu trong nhung lụa.

Cái ác ấy, người lớn có chịu trách nhiệm bao giờ chưa, hay chúng ta chỉ rơi nước mắt, chỉ phẫn nộ, chỉ đau thắt lòng trước những vết sẹo thể lý, để lại những hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội mà từ đó, nếu đập vào mắt một đứa trẻ khác, nó sẽ lại hình thành một bạo hành tinh thần khác?

Chúng ta vẫn đổ lỗi cho giáo dục, cho gia đình, cho vân vân và vân vân. Nhưng chúng ta quên rằng xã hội như thế nào, nền giáo dục, nền tảng gia đình nó như thế nấy. Và con người trong xã hội ra sao, xã hội sẽ tương phản lại y chang. 

Để rồi trước những ánh mắt của những bầy trẻ ngơ ngác, hoảng sợ, người lớn thế nào, chúng sẽ lớn lên như vậy, và hình thành một xã hội tương lai không mấy khác gì?

Hà Quang Minh
.
.