Không còn đường lùi

Mong mỏi chuyển mình

Thứ Sáu, 20/10/2017, 11:11
Chúng ta đang nhìn thế giới bằng đôi mắt nào? Câu hỏi có vẻ mơ hồ này thực tế lại là một vấn đề rất cụ thể cần được đặt ra lúc này, bởi nó gắn liền với vận mệnh của quốc gia và dân tộc. 

Title của Chuyên đề số này, chúng tôi xin được trích lời của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi nguyên Tổng Bí thư sử dụng cụm từ “không còn đường lùi” để bàn về công tác tổ chức cán bộ, biên chế. Đây cũng là trọng tâm của Hội nghị Trung ương 6, một hội nghị rất được chờ đợi sẽ tạo ra sự đột phá, đổi mới.

“Như cốc nước đã đầy tràn. Bây giờ không có đường lùi, lùi là chết, lùi là trì trệ công việc. Do hình thức (cơ cấu tổ chức) của bộ máy đã trì trệ chứ chưa nói đến con người. Con người thì còn là năng lực, phẩm chất. Chứ giờ không ít người toàn ngồi chơi không”, lời của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.


Thế giới đã và đang thay đổi vô cùng mạnh mẽ, với những viễn cảnh mà nguy và cơ trong nó không còn nằm sát nhau bằng một làn ranh mong manh như xưa nữa, mà thay vào đó, nguy và cơ cách nhau một bờ rõ rệt và chọn lựa con đường đến với nguy hay cơ hoàn toàn phụ thuộc vào sự sáng suốt của con người.

Theo như một đánh giá gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) thì mức tăng trưởng ở khu vực các nước phát triển sẽ vô cùng yếu ớt trong vòng 50 năm tới, còn đối với các nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng bùng nổ hôm nay sẽ “kiệt sức” trước thời điểm năm 2060. Và đánh giá đó, theo như nhận định của chuyên gia người Anh Paul Mason trong cuốn Hậu tư bản chủ nghĩa, thì vẫn còn là “quá dịu dàng”. 

Minh họa: Lê Phương.

Paul Mason cho rằng ở các nước phát triển, những gì tốt đẹp nhất của chủ nghĩa tư bản đã trở thành quá khư, còn với những phần còn lại của thế giới, chúng cũng sẽ kết thúc ngay trong quãng đời còn lại của những người trung niên. Paul Mason cũng dẫn ra rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 khắc nghiệt hơn chúng ta tưởng và chính nó là nguyên nhân của khủng hoảng xã hội dẫn tới những căng thẳng chính trị và quân sự hiện nay.

Ở viễn cảnh không quá xa về một thế giới sẽ đầy biến động như thế, Việt Nam rất cần giữ cho mình sự ổn định. Và muốn ổn định, chúng ta cần phải trở nên “gọn nhẹ” hơn, để linh hoạt hơn trước các thay đổi xung quanh. 

Và để có được sự linh hoạt gọn nhẹ ấy, nhiệm vụ tiên quyết phải thực hiện chính là phải ổn định lại bộ máy chính trị bằng cách cải cách mạnh mẽ, đổi mới triệt để, đúng như nhận định của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói trong bài phỏng vấn của Báo Tuổi Trẻ gần đây rằng: “Như cốc nước đã đầy tràn. Bây giờ không còn đường lùi, lùi là chết, lùi là trì trệ công việc. Do hình thức của bộ máy đã trì trệ chứ chưa nói đến con người”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chỉ ra rất chuẩn xác vấn đề của bộ máy Đảng cũng như Nhà nước hiện thời. Sự cồng kềnh của bộ máy đã khiến nó không thể hoạt động ở hiệu suất cao, phục vụ những đòi hỏi cấp thiết ở thời đại kỹ thuật số này và thêm vào đó, nó lại vô tình dung dưỡng cho một tập hợp cực lớn những con người mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gọi là “toàn ngồi chơi không”. 

Và nhận xét sắc bén của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng được đưa ra rất đúng thời điểm. Đó là khi Đảng ta chuẩn bị bước vào Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị được xác định rõ mục tiêu là giải quyết công tác nhân sự.

Cách đây chưa lâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến một hình ảnh rất ẩn dụ là “lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy” để nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác sàng lọc lại bộ máy nhân sự, công tác đã luôn được đề cao như đòi hỏi bức thiết hàng đầu ở Nghị quyết Trung ương 4 và Nghị quyết Trung ương 5. 

Việc thanh lọc nhân sự, nâng cao chất lượng cán bộ cũng chính là một hoạt động để tinh giản lại bộ máy, đổi mới và cải cách lại bộ máy chính trị. Nó không chỉ là hành động để thanh loại những con sâu, những cá nhân mang “năng lực ảo, năng lực giả” mà còn để loại bỏ ngay cả những cá nhân dù có năng lực nhưng thiếu khát vọng cống hiến, trì trệ trong tư tưởng, ý chí và tự biến mình thành những người thừa trong bộ máy, những người toàn ngồi chơi không và tạo nên gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Rõ ràng, từ nhận định của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho tới các hành động quyết liệt, mạnh mẽ suốt thời gian qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta nhận ra một tín hiệu đáng mừng rằng việc cải cách bộ máy chính trị không chỉ là ý chí của lớp lãnh đạo hiện thời mà nó thể hiện tính xuyên suốt của lý luận đi đôi với thực tiễn, như một sợi dây liên lạc kéo dài từ thế hệ lãnh đạo cuối thế kỷ XX cho tới thế hệ lãnh đạo của ngày hôm nay.

Nhận thức rõ chúng ta không còn đường lùi nữa chính là việc tự đảm lãnh trách nhiệm dấn thân vào một công cuộc cải cách đầy cam go và vất vả. Chắc chắn, sẽ có những cá nhân không muốn cuộc cải cách ấy được tiến hành bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi cá nhân của chính ho,å nhưng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, khi lửa đã đượm lên rồi, không ai có thể chống lại một vận động tiến bộ nhằm chọn ra con đường để hướng tới cơ hội thay vì tự níu chân mình trong một khối cồng kềnh và bước theo quán tính để nhấn mình vào các nguy cơ trong tương lai. 

Và chắc chắn, với những cải cách hứa hẹn mang lại một bộ máy gọn gàng, linh hoạt hơn, một bộ máy quý hồ tinh và luôn hướng tới mục tiêu phụng sự quyền lợi tối cao của nhân dân, của tổ quốc, sẽ khó có cá nhân lạc lõng nào có thể đi ngược lại nó, bởi đằng sau lưng Đảng và Chính phủ chính là nhân dân, những người hiểu rằng cuộc cải cách này chính là vì quyền lợi của họ và của cả một quốc gia đang mong mỏi được chuyển mình.

Hà Quang Minh
.
.