Tin gọn bộ máy

Lại cần "bàn tay sắt"

Thứ Ba, 13/03/2018, 14:51
Vấn đề tinh giản biên chế là đụng chạm trực tiếp đến con người, đến chuyện đi hay ở, lên hay xuống, vì vậy trở nên khó, phức tạp và nhạy cảm. Để đạt mục tiêu tinh giản biên chế, cần có sự kiên quyết, không nể nang của “bàn tay sắt”!

Năm 2018 này, trọng tâm sẽ là tinh gọn bộ máy. Theo tính toán, nếu tinh gọn thành công 10% biên chế như mục tiêu đặt ra thì ngân sách sẽ có thêm hàng nghìn tỷ đồng dành chi cho đầu tư phát triển hay để tăng lương.

Để đất nước có thể cất cánh như kỳ vọng thì chắc chắn việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy phải được thực hiện một cách có hiệu quả, triệt để và đầy quyết tâm, quyền lợi cá nhân phải được thu vén lại để nhường cho quyền lợi tập thể. 

Đặc biệt là trong bối cảnh tiếng trống lệnh đã điểm khi lãnh đạo các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ lần lượt đã nhận nhiệm vụ mới, chính thức đánh dấu sự kết thúc hoạt động của các cơ quan này.



1. Nói đến chuyện bộ máy tinh gọn, hiệu quả, tôi lại nhớ ngay đến trường hợp ở một đơn vị trong ngành dầu khí mà tôi vừa có dịp làm việc hồi cuối năm rồi. Đó là Xí nghiệp Khai thác các công trình Khí (Gọi tắt là Xí nghiệp Khí, tên giao dịch quốc tế là Vietsovpetro Gas).

Đây là 1 trong 12 đơn vị con của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro - đơn vị thăm dò và khai thác dầu khí lâu đời thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Có thể nói, Xí nghiệp Khí này là một đơn vị điển hình về chuyện tổ chức, quản lý con người một cách thông minh, hiệu quả, không chỉ riêng trong Vietsovpetro.

Cụ thể là trong Vietsovpetro, Xí nghiệp Khí đứng vị trí thứ 9/12 đơn vị về mặt số lượng con người với 284 nhân sự. Tuy nhiên, thành tích mà họ đạt được rất đáng tự hào: Từ năm 2013 đến 2016, năm nào Xí nghiệp Khí cũng gia tăng sản lượng từ 5% đến 15% và đều hoàn thành vượt mức kế hoạch; năm sau phá kỷ lục sản lượng năm trước; trong năm 2016, lần đầu tiên Xí nghiệp Khí vươn lên dẫn đầu trong Liên doanh Vietsovpetro về doanh thu dịch vụ ngoài và phong trào sáng kiến, sáng chế.

Minh họa: Lê Phương.

Đặc biệt là mới đây nhất, Xí nghiệp Khí đã cán mốc sản lượng nén thành công 50 tỷ m3 khí sau hơn 22 năm vận hành an toàn và hiệu quả. Con số này đặc biệt ý nghĩa bởi nó cho thấy rằng, Vietsovpetro và các đơn vị của PVN đã có thành tích xuất sắc góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên dầu khí của đất nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao với số lượng con người được đánh giá là khá gọn nhẹ, khiêm tốn đó mà Vietsovpetro Gas lại có thể làm nên được những kỳ tích đáng tự hào như vậy? Về câu hỏi này, tôi có tìm hiểu và thấy có hai yếu tố then chốt: Một là do con người, hai là do mô hình tổ chức.

Về con người, ý nói là những người giỏi chuyên môn, có ý thức trách nhiệm, hết lòng vì công việc, vì tập thể. Ở Xí nghiệp Khí, mọi người làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, không phải đến giờ thì vào làm, hết giờ thì về mà anh em luôn dành nhiều thời gian để suy nghĩ, tìm tòi ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công việc, để máy móc hoạt động an toàn, ổn định nhất. 

Chính vì thế mà chuyện đến 21-22 giờ rồi mà đèn ở các phòng, ban vẫn sáng, anh em trong phòng vẫn miệt mài với công việc, dù theo quy định thì giờ làm việc của họ đã kết thúc vào lúc 16 giờ 30 phút, là chuyện thường xuyên diễn ra.

Về mô hình tổ chức ở Xí nghiệp Khí thì dĩ nhiên là rất gọn nhẹ, một phòng kiêm nhiệm hiệu quả vài chức năng nhiệm vụ. Việc phân công, phân nhiệm cũng như quy chế phối hợp giữa các phòng, ban được đưa ra chi tiết, cụ thể để làm sao công việc được giải quyết một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất,…

Và chính hai yếu tố cơ bản trên đã góp phần then chốt vào thành công của Xí nghiệp Khí ngày hôm nay. Nhìn vào đó, có người đã mong rằng, giá như việc tổ chức bộ máy công quyền cũng giống như vậy…!

2. Thật ra, không phải đến bây giờ mà đã từ 5 năm trước (năm 2011), việc tinh giản, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực đã là chủ trương của Đảng ta; đặc biệt là trong hai năm từ năm 2015 đến 2017 là hai năm thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39. Tuy nhiên, kết quả tổng kết lại không chút khả quan?

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết trung ương 6, khóa XII do Ban Bí thư tổ chức cuối năm trước, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã chỉ ra mâu thuẫn là: Sau 2 năm thực hiện tinh giản biên chế, biên chế tăng thêm 96.000 người thay vì sẽ phải giảm 140.000-150.000 biên chế!

Và nguyên nhân đã được Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trả lời rất thẳng thắn rằng: Tinh giản biên chế vẫn còn thiếu kiên quyết, chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ, tư tưởng bao cấp, tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước vẫn còn khá phổ biến.

Để biết bộ máy vẫn cồng kềnh, phình to như thế nào thì có lẽ ví dụ điển hình nhất là ở Vụ Kinh tế đối ngoại của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ởã Vụ này vừa được phát hiện có đến 2 hàm Vụ trưởng, 6 Phó Vụ trưởng, rồi cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng. 

Việc cắt bớt các hàm đã được bàn nhiều năm, nhưng theo giải thích của cơ quan này là hơi khó, vì lý do: đặc thù và nhạy cảm! Đó cũng chính là nguyên nhân chính mang tính điển hình khiến cho việc tinh giản biên chế trở nên “thất bại toàn tập” trong những năm qua.

Công bằng mà nói rằng, vấn đề tinh giản biên chế là đụng chạm trực tiếp đến con người, liên quan đến chuyện đi hay ở, lên hay xuống nên nó khó, phức tạp và nhạy cảm. Vì thế cho nên, mục tiêu tinh giản 2,5% biên chế mỗi năm mà Thủ tướng Chính phủ đề ra sẽ không thể hoàn thành được nếu như không kiên quyết thực hiện trên tinh thần không nể nang, không vùng cấm. 

Bất kỳ bộ phận nào, cá nhân nào làm việc không hiệu quả, để ra sai sót, hạn chế thì cần phải được nhanh chóng tổ chức lại hoặc tinh giản. Để làm được điều đó, cũng như trong công cuộc phòng chống tham nhũng, chúng ta cần có “bàn tay sắt”.

Năm 2017, khi một số sai phạm tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ bị phanh phui, ngay lập tức các ban chỉ đạo khác được đưa lên bàn “soi”. Và không lâu sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết về việc kết thúc hoạt động của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Đây được xem là hành động quyết liệt trong công cuộc tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu quả trong giai đoạn mới. Mong rằng với tinh thần đó, mục tiêu tinh giản biên chế mà Chính phủ đề ra đến năm 2021 sẽ được hoàn thành. Và không những chỉ là tinh gọn mà trong tương lai gần, bộ máy Nhà nước còn được “chưng cất” chỉ còn lại những người tài, tâm, hết lòng phụng sự đất nước, nhân dân!

Hoàng Lãm
.
.