Tin gọn bộ máy

Tinh giản nên bắt đầu từ đâu

Thứ Ba, 06/03/2018, 16:02
Những ngày đầu xuân mới, câu chuyện xoay quanh vấn đề “Tiếp  tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” mà Nghị quyết Trung ương đã nêu ra lại được bàn luận như một chủ đề thời sự nóng hổi, bởi nó liên quan đến rất nhiều con người, không chỉ đơn thuần những người nằm trong bộ máy quản lý nhà nước. 

Năm 2018 này, trọng tâm sẽ là tinh gọn bộ máy. Theo tính toán, nếu tinh gọn thành công 10% biên chế như mục tiêu đặt ra thì ngân sách sẽ có thêm hàng nghìn tỷ đồng dành chi cho đầu tư phát triển hay để tăng lương.

Để đất nước có thể cất cánh như kỳ vọng thì chắc chắn việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy phải được thực hiện một cách có hiệu quả, triệt để và đầy quyết tâm, quyền lợi cá nhân phải được thu vén lại để nhường cho quyền lợi tập thể. Đặc biệt là trong bối cảnh tiếng trống lệnh đã điểm khi lãnh đạo các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ lần lượt đã nhận nhiệm vụ mới, chính thức đánh dấu sự kết thúc hoạt động của các cơ quan này.



Mục tiêu “đến năm 2021 là giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015” được đặt ra là vô cùng cụ thể, nhưng nó cũng mở ra một câu hỏi lớn rằng “tinh giản thế nào cho thật hiệu quả”.

Tất cả chúng ta đều hiểu, tinh giản bộ máy chính là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thời đại và vô cùng cấp thiết. Song, tinh giản đúng theo tinh thần mà Trung ương đề ra là câu chuyện không đơn giản chút nào. 

Song song với mặt tích cực, khó có thể loại trừ khả năng có những kẻ cơ hội sẽ lợi dụng tinh giản như một vũ khí để củng cố quyền lực của mình, để loại trừ những người thực sự làm được việc nhưng không cùng “lợi ích riêng” và từ đó, khiến cho công tác tinh giản biên chế trở nên phức tạp hơn rất nhiều lần.

Minh họa: Lê Phương.

Khi nghĩ về câu chuyện tinh giản biên chế, tôi luôn nhớ đến câu chuyện của cha mình. Năm 1991, ông đang là một phó phòng của một công ty lớn thuộc Bộ Thương mại, và tuổi đời của ông khi đó vẫn còn chục năm nữa mới tới tuổi hưu. 

Nhưng trong một hội nghị toàn Công ty nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn, ông đã đưa ra ý kiến khiến nhiều người phải “bực mình” rằng “công ty muốn đổi mới cho tốt hơn thì phải cắt giảm biên chế, cắt giảm nhân sự”. Và để minh chứng rằng điều mình nói là thực tâm, ông mạnh dạn xin được về hưu trước tuổi do ông có tuổi nghề đã đủ để nhận sổ hưu. 

Kể từ năm 1991 ấy, cha tôi trở thành cụ hưu trí và sau ý kiến đóng góp của ông, cả công ty cũng chỉ mình ông, duy nhất, là người xin bước ra khỏi biên chế cho bộ máy bớt đi sự cồng kềnh.

Câu chuyện tinh giản biên chế, qua ký ức của tôi, cho thấy rằng việc bớt đi những con người cụ thể chưa chắc đã mang lại hiệu quả thực sự và cũng chưa chắc đã đi vào đúng bản chất của sự tinh giản mà công tác xây dựng Đảng đang hướng tới. 

Sự tinh giản biên chế, nhất là ở thời đại công nghiệp 4.0 này, rất cần được khởi đầu bằng chuyện xây dựng một quy trình làm việc khoa học, dẫn tới xây dựng những bộ máy tổ chức gọn nhẹ nhưng đáp ứng được mọi đòi hỏi của công việc, để từ đó, lựa chọn những con người phù hợp nhất vào các vị trí cần phải có của bộ máy ấy.

Hãy suy nghĩ đơn giản từ việc chúng ta bắt đầu mỗi ngày bằng một cuộc cà phê sáng, ở một quán quen thuộc nào đó, và nhìn vào bộ máy nhân viên của họ. Sự đúng và đủ là đòi hỏi cao nhất mà người chủ quán cà phê luôn muốn hướng tới. Họ cần đủ nhân viên, vừa đủ thôi, để đáp ứng được quỹ lương lẫn khối lượng công việc. 

Và hơn thế nữa, họ cần những nhân viên vừa đủ ấy làm đúng trách nhiệm của mình, đúng khối lượng công việc của mình, đúng quy trình (được coi là) khoa học nhất mà chủ quán đề ra.

Tôi có một người quen mở chuỗi cà phê rất sang trọng, với mức giá cho một bữa sáng, một ly cà phê sáng ở đó cho một khách hàng cũng phải rơi vào khoảng 300 ngàn đồng bao gồm cả thuế VAT và dịch vụ phí. Tôi thích chuỗi cà phê của bạn mình, nhưng sau này không bao giờ tôi quay lại đó. 

Không phải vì nó đắt mà vì dịch vụ của nó không xứng đáng với số tiền mà tôi phải bỏ ra. Nhân viên của quán thì đông, nhưng họ lười biếng, và vượt trên hết, người chủ không đưa ra được một quy trình làm việc khoa học để nhân viên từ đó tuân thủ theo. 

Cứ nghĩ về quán cà phê của bạn mình, tôi lại nhớ đến một quán cà phê bistro ở khu Place d’Italie, Paris, gần nhà chị của tôi. Cũng một không gian quán ngang với quán cà phê của bạn tôi ở TP HCM thôi, mật độ khách đông hơn, nhưng họ chỉ cần đúng 4 nhân viên phục vụ. 

Quy trình của họ làm việc cực nhanh. Khách đến, họ giao thực đơn, quay ngay sang bàn khác dọn dẹp, nhận tiền, trả lại tiền lẻ (được để sẵn trong chiếc túi của tạp dề), quay lại với khách mới nhận thực đơn để lấy đơn hàng, lao vào trong quầy khi trên tay là cả một khay toàn ly, chén, tách, dĩa đã sử dụng. Rồi họ quay lại, giao cà phê, bánh ngọt cho người mới đặt hàng, gắn luôn hoá đơn tính tiền vào cái hũ nhỏ trên bàn, chạy ngay sang bàn khác nhận đơn hàng, dọn dẹp, tính tiền… 

Cả một chu trình chạy như máy, tốc độ cao, hiệu quả, khoa học và gần như không thừa một giây. Tôi cứ thích thú mãi với hình ảnh xoay vòng nhưng đầy hiệu dụng của những người chạy bàn Paris ấy. Và tôi nghĩ, nếu quán của bạn mình có một chu trình làm việc khoa học như thế, nhân viên của anh ta trách nhiệm như thế, có lẽ anh ta chỉ cần tuyển bằng 1 phần 3 số nhân viên anh ta đang sử dụng hiện thời.

Câu chuyện nhỏ quanh bàn cà phê kia đủ để chúng ta nghĩ về chữ “tinh” trong tinh giản. Chữ tinh ấy đòi hỏi những nghiên cứu, những đề án sắp xếp, quy hoạch vị trí công việc cực kỳ tỉ mỉ, và cụ thể, để từ đó tính toán nhu cầu nhân sự thực tế. 

Chưa có một chu trình làm việc thực sự “tinh”, chưa thể nói đến chuyện tinh giản biên chế. Từ đó, chúng ta cùng thừa nhận với nhau rằng, trước tiên, để tinh giản biên chế, cần phải có một bộ máy được “thiết kế” chuẩn xác, tinh tế và hiện đại.

Tôi đã từng chứng kiến một cơ quan mà tổng cộng nhân viên ở cả ba miền chỉ hơn 100 người nhưng lại có tới 6 cán bộ cấp phó giám đốc. Đó là còn chưa kể tới những cán bộ quản lý cấp phòng, mà tối thiểu mỗi phòng phải có 2 phó phòng. Cơ quan ấy vẫn được đám chúng tôi nói đùa là sếp áp đảo cả nhân viên. 

Và đó là ví dụ điển hình cho một bộ máy thiếu khoa học, một bộ máy mà các vị trí được đẻ ra không phải để phục vụ bất kỳ ích lợi công việc nào ngoài chuyện toan tính ích lợi riêng tư đáng hổ thẹn.

Nhân nói đến các bộ máy phi lý tồn tại hiện nay, với vô số vị trí cấp phó, chúng ta có lẽ cần phải quay trở lại với chuyện mổ xẻ tư duy về vị trí cấp phó. Đó vốn dĩ là vị trí giúp việc cho cấp trưởng, và lẽ ra phải được cấp trưởng trực tiếp lựa chọn, thuê mướn theo nhu cầu công việc của mình.

Thế nhưng, từ lâu nay, cấp phó đang được coi là vị trí bước đệm để chờ đợi thăng cấp khi cấp trưởng “tiến thân” thêm nữa hoặc thuyên chuyển, về hưu. Chính cái tư duy này đã phá hoại trầm trọng các bộ máy mà hiện nay chúng ta đang trông đợi một cuộc tinh giản mạnh mẽ sẽ khiến nó gọn nhẹ hơn.

Thế thì có nên chăng, tinh giản biên chế nên bắt đầu từ tinh giản tư duy quản lý? Tinh giản để gạt ngay những toan tính ngoài hiệu suất công việc ra khỏi đầu, tinh giản để gạt ngay những người chỉ nghĩ đến vị trí và quyền lực đơn thuần ra khỏi guồng máy bởi chính những người đó mới là những tác nhân cơ bản khiến bộ máy cứ phình to ra, cứ cồng kềnh mãi, và tận dụng sự cồng kềnh đó để xây dựng lợi ích cá nhân của riêng mình. 

Hà Quang Minh
.
.