Đề xuất bồi thường đất theo giá thị trường - Một đề xuất rất hay

Đất gian lao chưa bao giờ bình yên

Thứ Hai, 10/09/2018, 11:41
Bây giờ, khi đã được sống hoà bình rồi, cớ sao vẫn có những người dân vì chuyện đất đai mà chưa thể bình yên? Tất cả không phải tại đất, mà tại vì những người đang đứng trên mặt đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa kiến nghị các bộ ngành Trung ương cho phép sử dụng thông tin giao dịch thị trường thực sự làm cơ sở xác định giá đất để tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Đây là một đề xuất rất hay, rất thiết thực mà nếu được thông qua chắc chắn sẽ giải tỏa được nhiều vướng mắc hiện tại liên quan đến việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đang gặp phải.


Ngày 15-8, buổi sáng, bên ly cafe đầu ngày, theo thói quen thường lệ (có thể là thói quen xấu), tôi mở ngay facebook. Đập vào mắt tôi, đầu tiên, là hình ảnh livestream từ một người bạn khá thân. Anh nói, cay đắng lẫn mỉa mai: “Xin mời mọi người cùng coi. Kỳ lạ quá à. Đây là đất của tôi, mà họ đang làm gì trên đất của tôi vậy?”.

Hình ảnh đã thay cho câu trả lời mà người xem thắc mắc. Đó là xe ủi, là đoàn cưỡng chế. Mảnh đất ấy ở Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM, ngay sát trạm thu phí BOT cầu Phú Mỹ. Tôi không biết nói gì, vì tôi không hiểu đầu đuôi câu chuyện, nên chỉ để lại một bình luận “Bình tĩnh nha em. Chuyện gì cũng giải quyết được. Đừng làm gì dại dột nha em”.

Đầu giờ chiều hôm đó, tôi đã hiểu ra ngọn ngành. Mảnh đất của nhà bạn tôi, được cấp sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2001, có tổng diện tích 3.426m². 

Đến năm 2004, quy hoạch cầu Phú Mỹ, gia đình bạn tôi hiến 985m2 để làm trạm thu phí BOT theo quyết định thu hồi 1787/QĐ-UB của UBND TP HCM. Sổ đỏ điều chỉnh lại năm 2005, phần đất của gia đình bạn còn lại 2441m².

Đất nhà bạn tôi vốn dĩ chưa được xác định là đất thổ cư. Trong sổ đỏ ghi rõ đó là “ao” và “ruộng lúa”. Gia đình bạn tôi cũng chưa hề xây cất một công trình nào ở đó. Với họ, miếng đất ấy là của để dành. 

Tháng 9-2017, bất ngờ Công ty Cổ phần Thạnh Mỹ Lợi tiếp xúc với gia đình bạn, một lần duy nhất cho tới nay, để đàm phán việc mua lại mảnh đất nhưng không thành vì lý do chưa đạt được thỏa thuận về giá cả. Và hôm nay, sau một năm, khi thoả thuận kia chưa đạt được bao giờ, họ cưỡng chế. 

Trước đó, từ 2015, đã có những vi phạm ngang nhiên bằng cách cho xe tới san lấp ao, ruộng mặc cho sự phản ứng của người nắm quyền sử dụng.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Đến lúc này, gia đình nhà bạn tôi mới tá hoả. Hoá ra, trước cả khi cái công ty kia gặp gỡ gia đình để đàm phán mua lại quyền sử dụng đất, đã có lệnh cưỡng chế rồi nhưng gia đình không hề hay biết. Và lý do để có lệnh cưỡng chế vô lý như vậy là bởi “đã gửi thư về cho gia đình nhưng gia đình không lên làm việc nên xử vắng mặt”.

Thực tế, gia đình ấy không nhận được bất kỳ một thư mời làm việc nào cả. Điều kỳ lạ là hộ khẩu của họ ở Quận 2, đăng ký tạm trú của họ ở quận Phú Nhuận và mọi giấy tờ liên quan đất đai vẫn được chính quyền gửi về Phú Nhuận. 

Chỉ riêng giấy tờ liên quan đến mảnh đất vàng ở Thạnh Mỹ Lợi thì không? Gia đình không nhận được bởi giấy tờ ấy không hiểu sao lại được gửi về Trần Cao Vân, quận 3, địa chỉ cũ mà gia đình đã rời đi từ cả chục năm trước.

Có khuất tất hay không? Câu hỏi này chúng ta xếp lại. Câu chuyện của bạn tôi chỉ là ví dụ gần gũi nhất, thiết thực nhất, sinh động nhất, cập nhật nhất và trực tiếp nhất mà tôi được biết về chuyện đất đai hôm nay. 

Tìm hiểu thêm, tôi được biết có một tập đoàn bất động sản (BĐS) rất lớn khác đã quy hoạch dự án ngay trên đất nhà bạn mình, có tên dự án đàng hoàng. Và tôi không hiểu bằng cách nào một miếng đất còn tranh chấp như thế lại có thể được sang nhượng hoặc ủy quyền từ Công ty Cổ phần Thạnh Mỹ Lợi sang cho tập đoàn BĐS ấy?

Tôi khuyên bạn mình cứ làm đơn gửi đi các cấp chính quyền. Tôi cố gắng thuyết phục bạn hãy tin vào công lý. Cũng may, bạn là người hiểu chuyện nên thái độ của bạn rất nhã nhặn. 

Chỉ có điều, chỉ sau một ngày bạn đưa câu chuyện ấy lên facebook, trang cá nhân của bạn đã bị hack. Có sự ngẫu nhiên hay không? Chúng ta hãy tự trả lời theo quan điểm riêng của mình.

Bao nhiêu năm nay rồi, nếu điểm lại, chúng ta sẽ thấy rất nhiều vụ án nóng và lớn trong xã hội liên quan tới đất. Vụ Công ty Long Sơn ở Đắk Nông; vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng… và còn rất nhiều vụ nữa. Đất đai là một thứ mang tính bao trùm rất lớn. 

Nó là tài nguyên, nó là tư liệu sản xuất, nó là tài sản, nó cũng có thể là hàng hoá và với người dân, nó là nơi chốn để an cư, là của để dành, và nhiều khi là hương hỏa. Ước mơ cháy bỏng của mỗi đời người cũng chỉ là một mảnh đất dung thân bởi từ đó, khát vọng gia đình, khát vọng tiếp nối mới có cơ hội để thành hình. 

Thế nên, người ta đấu tranh vì đất, người ta giữ đất, người ta đầu tư vào đất. Khi đất đã là thứ quý giá, gắn bó đến thế, ắt hẳn sẽ có những người làm giàu nhờ đất, đầu cơ đất và thậm chí là cướp đất.

Tranh chấp đất đai vẫn là tranh chấp dai dẳng trong đời sống con người nhưng hình như ở giai đoạn này, chưa nơi nào tranh chấp ấy nổi cộm như ở Việt Nam. Có nhiều lý do để giải thích, từ tập quán, thói quen, văn hoá cho đến kẽ hở luật pháp. 

Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận được rằng một nguyên nhân lớn là từ vài thập niên nay rồi, đất chính là cơ hội làm giàu và trước cơ hội làm giàu, lòng tham có thể khiến con người ta trở nên bất lương.

Hãy điểm lại những tài phiệt lớn ở Việt Nam hôm nay, chúng ta có thể nhận thấy đa số họ đều dính đến bất động sản. Cực hiếm tài phiệt mới chỉ sản xuất đơn thuần. 

Có những người thậm chí cũng đi từ sản xuất nhưng rồi bằng những phương cách nào đó, theo những nẻo ngả nào đó, họ vẫn quay về với đất. Và ở cái lĩnh vực rất dễ tranh chấp như thế, chỉ có 2 cách giải quyết mâu thuẫn mà thôi: bằng tiền hoặc bằng quyền lực.

Đã có nhiều tranh chấp được giải quyết bằng quyền lực, để rồi dẫn tới bạo lực phản kháng đơn độc của người dân, những người không có thế lẫn lực. Không nhiều tranh chấp được giải quyết bằng tiền dù tất cả những giải tỏa quy hoạch đều có khung đền bù của nhà nước. 

Cơ bản, khung giá đền bù của nhà nước không phải là một khung giá phản ánh đúng tình hình thị trường. Và với người dân, nếu giải toả để làm việc công, như làm đường chẳng hạn, họ sẵn sàng chấp nhận mức đền bù theo pháp luật quy định. Người dân không muốn biến mình thành kẻ chống lại luật pháp. 

Song, đội lốt luật pháp để tư lợi cũng là trường hợp xảy ra quá nhiều. Khi một tập đoàn nào đó mượn danh dự án của nhà nước để lấy đất của dân với mức đền bù luật định rồi sau đó bán lại với mức giá thị trường, dân không phản ứng lại mới là chuyện lạ.

Phản ứng ấy không phải vì họ nghĩ đến mỗi cái chênh lệch về giá trị quy ra tiền. Dân phản ứng vì họ cảm thấy bị chèn ép. Đó là thứ cảm xúc có thật mà chính quyền rất cần quan tâm, rất cần rút bàn tay của mình lại ở những vụ việc đàm phán mang tính dân sự giữa chính người dân và các tập đoàn.

Chúng ta đang muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là một nền kinh tế tự do, thị trường sẽ tự điều tiết dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Vậy thì cũng đã đến lúc cần trả đất đai về với đúng bản chất của nó, là một tư liệu sản xuất, một tài sản, một hàng hoá. 

Hãy để chính các doanh nghiệp bất động sản phải hiểu để có được mảnh đất, họ cần thuyết phục người dân bằng luật của thị trường, bằng sự chi phối của thị trường chứ không phải bằng một thứ quyền lực mang tính lợi ích nhóm đang dần khiến người dân mất niềm tin vào chính nghĩa, công lý và cơ quan công quyền.

Trần Đăng Khoa xưa có bài Thơ tình người lính biển với câu “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”. Tôi vẫn nghĩ về câu ấy khi nhớ lại thời của cha, của ông mình, cái thời đất nước khốn khó, cái thời ngoại xâm, cái thời chiến chinh máu lửa. 

Bây giờ, khi đã được sống hoà bình rồi, cớ sao vẫn có những người dân vì chuyện đất đai mà chưa thể bình yên? Tất cả không phải tại đất, mà tại vì những người đang đứng trên mặt đất.

Hà Quang Minh
.
.