Trông vào Chính phủ

Phải có những răn đe tiền lệ

Thứ Sáu, 01/12/2017, 16:31
Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời cặn kẽ các chất vấn của đại biểu quốc hội vừa rồi cho thấy sự lắng nghe luôn luôn tồn tại và không còn cái thời người cấp dưới có thể bưng bít cấp trên được nữa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với thời lượng hơn 2,5 giờ. Một thời gian kỷ lục đối với người đứng đầu Chính phủ. Hàng loạt vấn đề của đời sống xã hội từ vấn nạn thể chất người Việt, phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư cho doanh nghiệp đến các vụ án tham nhũng, bất cập trong dự án BOT… đã được Thủ tướng Chính phủ trả lời cặn kẽ, chính xác, phong thái tự tin, đĩnh đạc.

Với tinh thần ủng hộ tuyệt đối Chính phủ kiến tạo, nói đi đôi với làm, phục vụ nhân dân, tôn trọng cảm xúc của nhân dân, trong Chuyên đề này chúng tôi xin lạm bàn một ý nhỏ trong phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ: “Cán bộ kém, dân kêu mà mãi không thay được thì kiến tạo cái gì?”.

Trên facebook một người quen của tôi, Phó tổng Giám đốc của một ngân hàng lớn, mới đây có một dòng trạng thái ngắn gọn (đúng phong cách của anh), nhưng đáng suy ngẫm: “Tốt tức là tốt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận nhiệm vụ từ tháng 4-2016. Chỉ số VNIndex từ ngày ấy tăng từ 560 lên 900. Tăng 60%. Chứng tỏ kinh tế phát triển tốt, niềm tin của nhà đầu tư được khôi phục. Tốt là Tốt”.

Cách nói ngắn gọn của một người dân kỹ thuật như anh đôi khi đơn giản chỉ là vậy, nhưng đủ để tin cậy, bởi những người làm kỹ thuật thường thiên về con số, logic, dẫn chứng cụ thể, chi tiết, không mơ hồ. 

Và rõ ràng, nhiều người trong chúng ta đều phải thừa nhận rằng một Chính phủ kiến tạo đang thực sự tồn tại, đanh hành động, và đang mang lại những kết quả thiết thực.

Nhưng (vâng lúc nào cũng phải có chữ nhưng) kết quả có lẽ sẽ còn tốt hơn nữa nếu như thực sự những gì Chính phủ mong muốn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra, được thực hiện sát sao hơn nữa, bởi chính những cấp dưới, những người trực tiếp đối diện với doanh nghiệp, với nhà đầu tư, với nhân dân.

Minh họa: Lê Phương.

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành rất nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi của đại biểu. Là người đứng mũi chịu sào, trách nhiệm giải trình tất nhiên phải có. Song, có những câu hỏi đặt ra cho Thủ tướng mà thực tế người trả lời không thể là một mình Thủ tướng và nếu chỉ phó mặc cho một mình ông, đó chính là thái độ rũ bỏ trách nhiệm của chính mình để dồn lên vai duy nhất một người đang hoạt động vì cái chung.

Cụ thể, nêu tình trạng khai thác cát sỏi ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết thời gian qua việc này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của một bộ phận người dân và bà đưa ra câu hỏi: “Vậy Thủ tướng sẽ có giải pháp gì để các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển bền vững trong thời gian tới?”.

Làm gì cho Đồng bằng Sông Cửu Long, cho từng người dân ở đó, dĩ nhiên trách nhiệm đầu tiên thuộc về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng ông không thể là người duy nhất đảm lãnh trách nhiệm. Chúng ta hãy quay trở lại với Hội nghị Trung ương 6 mới kết thúc cách đây chưa lâu, để hiểu rõ hơn. 

Ở Hội nghị này, 3 ban chỉ đạo đã bị giải thể, trong đó có Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ban chỉ đạo đó, với một Trưởng ban, một Phó Trưởng ban thường trực, ba Phó ban khác và cả chục con người từng tồn tại 13 năm trời nay rồi. Họ mới là những người cần phải đứng ra chịu trách nhiệm trước câu hỏi “Có giải pháp gì để các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long phát triển bền vững?”. 

Hôm nay, ban chỉ đạo ấy không còn nữa thì không có nghĩa là họ vô nhiệm hoàn toàn. Họ phải trả lời họ đã làm được gì cho dân vùng Tây Nam Bộ suốt 13 năm qua; còn tồn đọng những gì họ chưa làm được; còn dang dở những gì họ chưa làm xong; kế hoạch hướng tới của họ (từng có) cho Tây Nam Bộ là gì?

Nhưng bây giờ, họ đã được luân chuyển đến những cương vị khác, nơi làm việc khác. Không một ai hỏi họ có hoàn thành nghĩa vụ của mình hay chưa? Không một điều trần nào cho thấy họ đã mắc phải những sai phạm (nếu có) nào? Và tất nhiên, không một ai trong số họ chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Để cuối cùng, mọi việc dồn lên vai một mình Thủ tướng Chính phủ.

Sẽ không một nguyên thủ quốc gia nào có thể làm tốt tất cả mọi việc. Đơn giản, nguyên thủ quốc gia cũng chỉ là một con người bình thường và quốc gia cần người nguyên thủ ở vai trò quản trị cấp tối cao chứ không phải người đi chỉ mặt đặt tên từng công việc nhỏ, thậm chí là phải xắn tay vào thực hiện thay cho các cấp dưới của mình, những người vẫn hưởng phúc lợi từ ngân sách nhà nước cho cương vị họ đảm nhận. 

Và trớ trêu thay, đang có một thực trạng là ngay cả khi cấp Chính phủ chỉ đạo rất sát sao, chỉ mặt đặt tên từng nhiệm vụ cho từng cấp quản lý cụ thể nhưng cuối cùng, cấp dưới chỉ tuân thủ bằng miệng trong các cuộc họp (hoặc bằng văn bản phúc đáp cho đúng tiêu chuẩn quản lý nhà nước) mà thôi. Còn thực hiện ư? Họ để mặc đấy, trừ phi khi nào một mối đe dọa thực sự bằng án kỷ luật được đưa ra, may ra họ mới bắt đầu chạy rốt đa.

Thế mới có chuyện Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu 3 lần phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng về việc giải quyết tố cáo của doanh nghiệp. Phải chăng, đang tồn tại một thực trạng rằng các cấp quản lý địa phương, cấp quản lý ngành luôn có suy nghĩ “Thủ tướng Chính phủ trăm công ngàn việc, chắc sẽ không nhớ nổi đâu” và từ đó, dẫn tới chuyện không thực thi đúng theo tinh thần Chính phủ hành động?

Nếu có một tư duy trì trệ như thế, họ đã nhầm lẫn quá lớn rồi. Ở thời đại công nghệ thông tin giúp người dân có đủ các kênh để biểu đạt như hôm nay, mọi chuyện sẽ đều đến tai cấp lãnh đạo cao nhất của nhà nước rất nhanh thôi, nhiều khi chỉ trong vòng một buổi sáng. 

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời cặn kẽ các chất vấn của đại biểu quốc hội vừa rồi cho thấy sự lắng nghe luôn luôn tồn tại và không còn cái thời người cấp dưới có thể bưng bít cấp trên được nữa. Chỉ có điều, Chính phủ cần mạnh tay hơn, coi thái độ phớt lờ kia là một thái độ bất tuân thượng lệnh đủ có thể xử lý kỷ luật cả về hành chính lẫn về mặt Đảng.

Hãy tin, chỉ cần một lần xử lý mạnh tay với các cấp lãnh đạo tảng lờ những chỉ đạo của Chính phủ là đủ tạo thành một tiền lệ răn đe khiến đội ngũ quản trị nhà nước ở cấp ngành và địa phương phải biết nhìn thẳng vào trách nhiệm của mình, trách nhiệm không chỉ là trả lời bằng văn bản, lời nói mà bằng chính thành tựu cụ thể trên từng hành động của mình.

Hà Quang Minh
.
.