Hợp lòng dân thì dân tin

Nhu cầu của niềm tin

Thứ Sáu, 10/11/2017, 18:01
Niềm tin của nhân dân thực sự có những nhu cầu của nó, với những cấp độ cụ thể. 

Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc với lời đúc kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Hợp lòng dân thì dân tin, chế độ ta còn, Đảng ta còn”. Đây là Hội nghị thu hút sự quan tâm rất lớn của nhân dân, bởi những quyết tâm trong công tác chống tham nhũng, chấn chỉnh cán bộ, tinh gọn bộ máy mà Đảng và Chính phủ đã thực hiện trước đó.

Đảng dám nói, dám làm, hành động quyết liệt. Đây là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy đất nước tiếp tục phát triển đi lên. Nhân dân mong rằng Đảng phải làm tốt hơn nữa, Nhà nước phải làm tốt hơn nữa. Chúng tôi sẵn sàng đứng bên cạnh và phía sau Đảng, Nhà nuớc”. 

Đó là ý kiến của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, trong cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cũng trong cuộc tiếp xúc cử tri ấy, một cử tri khác, ông Trần Viết Hoàn, chia sẻ rằng: “Các đối tượng vi phạm đã bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh, làm phấn chấn xã hội, yên lòng dân và dân nhìn thấy Đảng khoẻ mạnh hon”.

Hai ý kiến trên đủ để chúng ta nhận ra rằng những chuyển động vô cùng tích cực của công tác Đảng thời gian qua đã xây dựng được niềm tin ra sao đối với quần chúng. 

Minh họa: Lê Phương.

Nhân dân vốn dĩ rất sợ những lời nói suông không được hiện thực hoá bằng hành động cụ thể và giờ đây, khi nhân dân được chứng kiến những hành động không những cụ thể mà còn nhanh và mạnh, nhân dân cảm thấy họ có thể tin vào một nỗ lực thực sự để cải cách, như ước nguyện của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trước thềm Hội nghị Trung ương 6.

Thực tế, chống tham nhũng, cải cách lại bộ máy hành chính cực cồng kềnh vốn dĩ đã ì ạch bấy lâu nay và có không ít dấu hiệu của lợi ích nhóm là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Một bộ phận không nhỏ từng nghi ngại rằng công cuộc khó khăn ấy không thể đi tới đích. 

Song, sau Hội nghị Trung ương 6, sau hàng loạt các hành động thiết thực, trực diện, nhân dân đã dẹp bỏ nghi ngại kia đi để dành sự ủng hộ cho Đảng, cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc trường chinh mà chính Tổng Bí thư đã chia sẻ rằng: “Chống tham nhũng là một cuộc chiến cam go, đòi hỏi kiên tri”`.

Và trong cuộc chiến cam go, kiên trì kể trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng xác định rất rõ điểm tựa của Đảng là gì. “Nếu mất lòng tin của dân là mất tất cả, từng người phải chuyển, tất cả phải chuyển, vì trách nhiệm với đất nước nay”`, lời phát biểu ấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh lại tầm quan trọng của niềm tin trong nhân dân. 

Chỉ có niềm tin ấy mới đảm bảo sự tồn tại của chế độ, của Đảng và Tổng Bí thư xác định rõ “hợp lòng dân thì dân tin, chế độ ta còn thì Đảng con”`. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây là nhân dân tin vào điều gì? 

Tất nhiên, như đã diễn giải ở trên, ai cũng hiểu rằng dân sẽ tin vào một chính phủ, một Đảng hành động thiết thực vì quyền lợi của nhân dân cũng như vì sự hưng thịnh của quốc gia. Nhưng nói như vậy thì đơn giản quá, chung chung quá trong khi niềm tin luôn cần một cái gì đó cụ thể hơn.

Đồng ý rằng giữa giai đoạn tham nhũng, lợi ích nhóm đang là vấn nạn, các hành động chống tham nhũng quyết liệt sẽ củng cố niềm tin trong dân nhưng nhân dân không chỉ thoả mãn với chừng đó. Niềm tin của nhân dân có một nhu cầu rất cao, với cấp độ tăng dần. 

Chống tham nhũng, diệt các vấn nạn mới chỉ là mệnh đề đầu tiên cần phải giải quyết mà thôi. Mệnh đề kế tiếp, và nhân dân quan tâm hơn chính là xây như thế nào sau khi đã chống, đã phá sập những nền tảng của quan liêu, trì trệ và sách nhiễu.

Xây như thế nào, lựa chọn con người vào bộ máy theo tiêu chuẩn ra sao, để con người ấy tiếp nối hành động tích cực là điều tối quan trọng. Niềm tin vừa được nhen nhóm lại trong nhân dân có bùng lên thành một niềm tin mãnh liệt hay không sẽ tuỳ thuộc vào những hành động kế tiếp ở phần xây dựng lại cơ cấu này. Và nhu cầu niềm tin của nhân dân ở phần xây dựng lại sẽ bắt đầu từ cơ sở phẩm chất liêm chính của những quan chức được lựa chọn giao trọng trách. Muôn đời rồi, dân sẽ tin vào những quan chức chính trực, chí công vô tư. 

Nhưng lựa chọn những cán bộ liêm chính vào bộ máy cũng chỉ là việc đáp ứng cấp độ cơ bản nhất của nhu cầu niềm tin trong nhân dân mà thôi. Ở thời đại này, nhân dân muốn được đáp ứng cả một cấp độ nhu cầu niềm tin cao hơn. 

Đó chính là niềm tin vào những cán bộ có năng lực thực thụ. Đơn giản, liêm chính mà không có năng lực cũng sẽ chỉ làm bộ máy bớt cồng kềnh hơn một chút chứ không thể giúp đẩy mạnh sự phát triển ở thời đại tốc độ chóng mặt này.

Chúng ta thấy gì qua câu chuyện tuyến đường Metro TP Hồ Chí Minh bị đội giá lên tới 31 ngàn tỷ đồng? Đó không phải là trách nhiệm của những người đang tiếp quản dự án, mà là trách nhiệm của những người đã khởi đầu dự án ấy, từ khâu xây dựng dự án, thẩm định dự án…

Trong số họ, có những người đang còn tại vị nhưng cũng có những người đã về hưu, với cách nghĩ thông thường là “hạ cánh an toàn”. Sẽ không còn cái gọi là “hạ cánh an toàn” ấy nữa nếu như tất cả những dự án được xây dựng và thực hiện bằng trí tuệ, bằng trách nhiệm. 

Lối làm việc theo kiểu mọi hậu quả của nhiệm kỳ trước sẽ trở thành bài toán khó bắt nhiệm kỳ sau phải giải quyết cần phải được triệt tiêu ngay từ bây giờ. Để triệt tiêu nó, không có cách nào khác là phải bóc trần những sai phạm của những người tự cho mình đã “hạ cánh an toàn” để bắt họ phải quay trở lại với đường bay chịu trách nhiệm.

Chúng ta cần phải nhớ rằng, khi đặt vào tay ai một trọng trách nào đó, nhân dân sẽ luôn có hai điều băn khoăn. Thứ nhất, người ấy đạo đức ra sao và thứ hai, người ấy có đủ năng lực để xử lý tốt nhiệm vụ được giao hay không. Và nếu nhiệm vụ được giao lại còn phải gánh gồng cả một đống nợ đọng của người tiền nhiệm để lại, người dân sẽ càng khó tin vào khả năng thành công của người đương nhiệm hơn. 

Vậy thì rõ ràng, lựa chọn con người có đủ năng lực tri thức, kinh nghiệm vào đúng vị trí sẽ càng giúp làm giảm thiểu những gánh nặng để lại cho thế hệ sau và càng giúp nuôi dưỡng niềm tin trong nhân dân lành mạnh hơn.

Niềm tin của nhân dân thực sự có những nhu cầu của nó, với những cấp độ cụ thể. Dân muốn tin vào người liêm chính; dân càng muốn tin hơn vào người có trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm, có liêm sỉ đủ để không dồn gánh nặng cho thế hệ sau; và trên cùng, dân tin chắc chắn vào những người có tri thức, kinh nghiệm bởi chỉ có họ mới có thể thực hiện nhiệm vụ của mình với sự tỉnh táo, sáng suốt, luôn cập nhật với thế giới để từ đó, hiệu quả được đưa lên hàng đầu và những thứ họ để lại cho thế hệ sau là những thành tựu cần tiếp nối chứ không phải món nợ đồng lần mà do chính nó, niềm tin của nhân dân cứ càng ngày lại càng bị bào mòn.

Hà Quang Minh
.
.