Ngọn đuốc của Thủ tướng

Để duy trì ngọn lửa

Thứ Ba, 30/05/2017, 21:44
Bất kỳ một thủ tướng nào cũng vậy, một nhiệm kỳ của vị thủ tướng ấy qua đi, điều đọng lại dễ nhận biết nhất trong những thành tựu mà vị thủ tướng ấy để lại luôn là hình ảnh của nền kinh tế. 

“Văn minh cần tiến bộ, buôn bán cần thịnh đạt, việc buôn bán thịnh suy có quan hệ với quốc dân thịnh suy”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời chí sĩ Lương Văn Can tại cuộc gặp gỡ 10 nghìn doanh nhân vừa diễn ra. Cuộc gặp với những trao đổi thẳng thắn, cởi mở, hướng đến sự thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Một cuộc gặp mà báo giới hoàn toàn không quá lời ví von là một Hội nghị Diên Hồng.


Cứ mỗi năm, đến độ tết âm lịch, chúng ta thường đo đạc năm ấy kinh tế sung sức hay không bằng việc người dân ăn tết thế nào, có sung túc hay là dè sẻn. Và mỗi nhiệm kỳ thủ tướng chính phủ cũng chỉ có vài cái tết, tức là vài lần phong vũ biểu đời sống được thể hiện đồng loạt. Tất cả cái tết đều sung túc, ấy có lẽ cũng là mãn nguyện rất lớn của một vị thủ tướng sau một nhiệm kỳ đầy trọng trách rồi.

Nhưng để có một cái tết sung túc, đôi chân phải chạy trường kỳ cả 360 ngày, chạy liên tục bởi cái cụm từ “phát triển kinh tế” nói thì rất dễ nhưng để thực hiện nó thì còn trùng trùng điệp điệp những thách thức, khó khăn mà nhiều nhất lại chính là những tồn đọng từ nội tại. 

Nhiều lúc, người thủ tướng chính phủ không khác gì một người thợ máy, đứng trước một cỗ máy vô cùng phức tạp đang vận hành. Cố gắng khiến nó hiệu quả hơn, loại bỏ những tắc nghẽn của dây chuyền nhưng không làm cho cỗ máy ấy dừng lại phút nào, đó là việc thậm khó.

Minh họa: Lê Phương.

Với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trung tuần tháng 5 vừa rồi có lẽ là tuần lễ bận rộn nhất với ông xoay quanh cái trục trọng tâm có tên kinh tế. Những gặp gỡ với khối doanh nghiệp xen kẽ giữa các buổi làm việc với từng địa phương, tất cả chỉ nhằm mục đích duy nhất: khơi gợi những lối đi và kiến tạo những môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Và đó cũng là tuần lễ cho thấy những dấu hiệu thay đổi tích cực được phát xuất từ người mở đường, người khơi lên ngọn lửa đầu tiên. 

Nhưng thực sự, để duy trì ngọn lửa ấy, cần nguồn nhiên liệu tích cực được tiếp đều đặn mỗi ngày. Thủ tướng Chính phủ làm sao có thể thay cả một bộ máy cồng kềnh phía dưới mình để trở thành nguồn nhiên liệu ấy được. Ông đã đốt ngọn lửa đầu tiên và đó cũng coi như một “đặt hàng” nghiêm túc từ ông đối với những cán bộ dưới quyền của mình, để ngọn lửa ấy đủ tạo niềm tin cho khối doanh nghiệp.

Hai phát ngôn thực sự ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà có lẽ chúng ta cần lưu tâm rất nhiều chính là: “Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng không phân biệt công hay tư, xóa bỏ sự ưu ái” và “Chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. 

Đó là những tia lửa đầu tiên mang tính thay đổi trọng tâm một cách thực thụ. Lý thuyết có nói thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu không kiến tạo được sự bình đẳng, môi trường không phân biệt ưu ái giữa các thành phần kinh tế thì thực tế không thể đạt được kết quả mà lý thuyết ấy đặt ra. 

Và đơn giản, khi đã tạo ra được một môi trường bình đẳng, nếu các doanh nghiệp không tự cứu lấy mình bằng cách phải tuân theo quy luật khắc nghiệt của thị trường để đưa ra những sản phẩm tự thân nó thuyết phục được người Việt thay đổi thói quen tiêu dùng, rõ ràng doanh nghiệp sẽ chỉ có thể tự trách mình chứ không thể trách được hệ thống và chính sách như họ vẫn làm suốt bao nhiêu năm qua. Cả hai phát ngôn đó đều định hướng nền kinh tế về đúng giá trị của nó, tức là lấy thị trường làm trọng tâm quyết định. 

Nhưng thực hành tuyên ngôn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như thế nào, điều đó lệ thuộc vào chính bộ máy công chức và Thủ tướng chỉ có thể làm gương bằng những hành động mang tính vĩ mô mà thôi.

Điển hình, việc Thủ tướng phê chuẩn ngay Chỉ thị số 20 về việc kiểm tra doanh nghiệp. Chỉ sau khi lắng nghe các doanh nghiệp trình bày về rào cản hành chính đến từ các cuộc kiểm tra chồng chéo, trong một giờ nghỉ trưa, ông hiện thực hóa lời hứa của mình bằng văn bản pháp quy đủ tạo niềm tin cho doanh nghiệp. 

Và hơn thế nữa, ông yêu cầu một việc rất thiết thực: “Với tư nhân, thời gian là tiền bạc, tôi rất trân trọng sự hiện diện của các doanh nghiệp hôm nay và đề nghị các bộ ngành phát biểu ngắn gọn để doanh nhân có điều kiện phát biểu ý kiến”. Thái độ làm mẫu ấy cần phải được các cấp trong bộ máy chính quyền coi như phương châm hành động.

Đã từ lâu, cán bộ ít lắng nghe hơn là bắt người khác phải nghe mình nói. Và yêu cầu cán bộ lắng nghe, có nghĩa là một “đòi hỏi” họ thấu hiểu, đồng thời dành thời gian để hành động nhằm giúp hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời làm rõ nét hơn hình ảnh một chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng từng cam kết.

Chúng ta đều hiểu, nội các là của Thủ tướng, và việc nội các hành động mới có thể tạo nên một hình ảnh chính phủ hành động và kiến tạo. Người dân tin vào lời hứa nhưng người dân sẽ tin hơn vào hành động. Mà hành động, đó lại là nhiệm vụ trong tầm tay của từng con người tạo nên bộ máy, tạo nên nội các chính phủ.

Mở rộng hơn nữa, những lãnh đạo các cấp của các địa phương cũng phải là người tham gia duy trì ngọn lửa kiến tạo mới được thắp lên và tạo hi vọng nhất định cho những doanh nghiệp đã đối thoại với Thủ tướng Chính phủ ở hội nghị vừa rồi. 

Cánh cửa đã mở, là phải được mở rộng hoàn toàn, chứ không phải nó chỉ hé ra theo mệnh lệnh ở một thời khắc, rồi quay trở lại với trạng thái ì bởi những bản lề đã quá han gỉ và quên mất nhiệm vụ hoạt động của mình.

Ngọn lửa kiến tạo được thắp lên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không thể trở thành ngọn lửa cô đơn. Nó cần nhiên liệu ổn định và đều đặn đến từ từng cán bộ các cấp. Đó không chỉ là một nhiệm vụ phải đáp ứng với người đứng đầu Chính phủ mà còn là nhiệm vụ đối với tương lai của quốc gia, của nhiều thế hệ sau này.

Và chính việc duy trì nguồn nhiên liệu ấy sẽ không chỉ giúp duy trì hình ảnh của chính phủ kiến tạo mà nó còn cho thấy những chuyển biến tích cực thật sự của công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người, nhiệm vụ mà ở mỗi kỳ họp Trung ương đều luôn được đưa lên hàng đầu.

Hà Quang Minh
.
.