Tấm lòng Thủ tướng, tư duy địa phương

Những cơn mê lợi ích

Thứ Hai, 24/04/2017, 23:24
Lợi ích ngắn hạn của các địa phương, thậm chí là lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đang khiến cho những lời cảnh báo về những hậu quả khôn lường từ việc mất rừng đều trở nên nhỏ bé.

Chính phủ đang có những chuyển động không mệt mỏi, cho đến giờ vẫn nhất quán lời nói đi đôi với hành động, thông điệp song hành cùng việc làm. Thế nhưng, có cảm giác rằng chỉ có mỗi mình Chính phủ chuyển động còn các địa phương, ban ngành vẫn ì ạch và ỷ lại, chưa thật sự vào cuộc quyết liệt.


1. Lâu nay chúng ta đọc báo hay nhắc đến chuyện phá rừng ngày càng nghiêm trọng. Tính riêng ở Tây Nguyên thì trong vòng 5 năm từ 2010-2014, diện tích rừng bị mất đi hơn 300.000 ha. 

Tất nhiên, chuyện rừng bị phá hoại không chỉ có riêng ở Tây Nguyên mà nó đang diễn ra hằng ngày ở nhiều nơi trên cả nước với nhiều lý do khác nhau: lâm tặc phá rừng, dự án thủy điện phá rừng và hàng loạt các dự án khác đã và đang mọc lên trên những vạt rừng... Nói chung, rừng vẫn cứ đang bị tàn phá vì mưu cầu lợi ích của con người!

Rừng có ý nghĩa thế nào với sự sống con người và môi trường, có lẽ ai cũng rõ. Theo các chuyên gia, một hậu quả trước mắt mà con người đang phải gánh chịu từ nạn phá rừng tràn lan đó là lũ lụt, hạn hán... nói chung là những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Nhưng, thường thì những hậu quả này người ta hay đổ lỗi cho ông trời chứ hiếm khi nhìn nhận chính con người phá rừng mà ra.

Còn nhớ, giữa năm 2016, tại Hội nghị Về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các tỉnh phải khẩn trương khôi phục và kiên quyết đóng cửa rừng; không chuyển đổi diện tích rừng còn lại sang mục đích khác, kể cả dự án được phê duyệt nhưng chưa triển khai không chủ trương chuyển rừng nghèo, rừng cạn kiệt sang trồng cây công nghiệp...

Minh họa: Hữu Khoa.

Người đứng đầu Chính phủ đã kiên quyết bảo vệ và phục hồi rừng là thế, song các địa phương có rừng thực hiện như thế nào thì lại là một câu chuyện khác. Đơn cử mới đây, Phú Yên vẫn sẵn sàng hy sinh hàng trăm ha rừng phòng hộ để trồng cỏ nuôi bò trong dự án "Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao". 

Điều đáng nói là dự án đã được triển khai trong khi chủ đầu tư dự án vẫn chưa hề có phương án trồng rừng thay thế như trong phê duyệt đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường đối với dự án. Trong đó, Bộ có đặc biệt lưu ý rằng: "Chỉ được triển khai dự án khi có phương án trồng rừng thay thế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật".

Bao nhiêu máy cưa gầm rú "xẻ thịt" khu rừng, cây to cây nhỏ đều được lệnh phát trắng. Mãi đến khi người dân bức xúc và đưa sự việc ra công luận thì mới vỡ lẽ chuyện "hy sinh" rừng một cách rất vô tội vạ của địa phương này!

Chưa có phương án trồng rừng thay thế mà địa phương đã cho phá rừng làm dự án, đó là điều gây bức xúc trong lòng dân chúng trong vùng và tất cả những ai đang quan tâm câu chuyện phá rừng này ở Phú Yên mấy ngày qua. 

"Hy sinh" cả mấy trăm ha rừng phòng hộ để trồng cỏ nuôi bò cũng là một sự "hy sinh" đầy khó hiểu của địa phương. Họ đã quên đi ý Thủ tướng về việc quyết liệt "đóng cửa rừng" và họ không hề để ý tới những chức năng của rừng phòng hộ với địa phương chăng?!

Trong báo cáo kết luận sự việc này, địa phương đã thừa nhận cho triển khai dự án khi chưa hoàn thiện phương án trồng rừng thay thế, nhưng họ vẫn khẳng định rằng việc triển khai dự án là "đúng quy trình"!

Đành rằng, dự án "Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao" ở Phú Yên là chủ trương lớn của tỉnh với kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Song, việc lấy rừng phòng hộ để làm dự án rõ ràng sẽ là sự đánh đổi quá lớn cho một dự án kinh tế. Đó là điều cần hết sức cân nhắc ngay khi đã có những tính toán biện pháp trồng rừng thay thế rõ ràng chứ chưa nói đến là vội vàng như Phú Yên vừa qua.

2. Cách đây không lâu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nói rằng "không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân". Lời nói này vẫn còn nguyên giá trị, nhất là khi mới đây, lại một dự án nhà máy gây ô nhiễm môi trường, đó là nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang.

Không những gây ô nhiểm vì chất thải hôi thối, Lee & Man còn gây ô nhiễm bụi và cả tiếng ồn. Nhà máy vận hành là bao nhiêu hộ dân quanh đó khốn khổ, nhiều người đã phải ngủ trong tư thế khốn khổ là trùm túi nilon qua đầu vì không thể nào chịu nổi mùi hôi bốc ra từ nhà máy... 

Nguyên nhân đã được nhà máy thừa nhận là hệ thống xử lý không đảm bảo dẫn đến ô nhiễm. Có thể thấy, trách nhiệm ở đây thuộc về cơ quan chức năng môi trường địa phương trong việc kiểm tra, quản lý hoạt động của nhà máy trên địa bàn.

Người đứng đầu Chính phủ đã nhìn thấy rõ rằng, việc chạy theo cơn mê lợi ích mà quên đi môi trường là việc làm nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và cuộc sống của nhân dân, bài học từ vụ Fosmosa vẫn còn đó. Kinh tế là cần thiết nhưng môi trường sống và cuộc sống yên bình cũng như sức khỏe người dân mới là tối quan trọng. 

Thủ tướng cũng đã chỉ rõ, môi trường đang chịu áp lực quá lớn từ phát triển kinh tế - xã hội và đã đến lúc phải thay đổi tư duy phát triển kinh tế, thân thiện với con người và môi trường.

Nhưng những ồn ào gần đây cho thấy có những địa phương vẫn chưa thực hiện theo lòng Thủ tướng. Phú Yên vẫn sẵn sàng đánh đổi hàng trăm ha rừng phòng hộ để lấy kinh tế là dự án trồng cỏ nuôi bò thịt; Lee & Man Hậu Giang vẫn gây ô nhiễm vì hệ thống xử lý chất thải hạn chế; "lá phổi xanh" của Đà Nẵng - bán đảo Sơn Trà vừa qua vẫn bị cày xới nham nhở để xây biệt thự nghỉ dưỡng... Và còn rất nhiều điều nữa thể hiện lòng Thủ tướng thế này nhưng ý địa phương một nẻo!

Thật ra, không có gì bất ngờ trong sự mâu thuẫn giữa quyết tâm giữ gìn và sự "tích cực" chuyển đổi rừng kể trên. Bởi, đây là câu chuyện lợi ích, những lợi ích ngắn hạn, phù hợp với mục tiêu hướng tới thành tích tăng trưởng kinh tế của các địa phương, trong khoảng thời gian tính bằng... nhiệm kỳ. Việc thu hút đầu tư và mục tiêu kinh tế đã vô tình khiến rừng trở thành vật hy sinh để chiều chuộng các nhà đầu tư.

Lợi ích ngắn hạn của các địa phương, thậm chí là lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đang khiến cho những lời cảnh báo về những hậu quả khôn lường từ việc mất rừng đều trở nên nhỏ bé. Rõ ràng là sự quyết tâm hay thậm chí là những cam kết cũng chưa đủ để vượt qua lợi ích! 

Vì vậy, cần phải có những quy định cụ thể, nếu địa phương làm mất rừng thì sẽ bị xử lý bằng chế tài tương ứng. Có lẽ chỉ có như vậy, những cánh rừng mới không tiếp tục bị mất đi trong những cơn mê lợi ích.

Hoàng Lãm
.
.