Tấm lòng Thủ tướng, tư duy địa phương

Lệ làng biến tướng

Thứ Sáu, 14/04/2017, 11:18
Hãy bắt đầu câu chuyện về chuyên đề này một cách nhẹ nhàng, bằng một sự việc có thật mà tôi mới trải qua.

Chính phủ đang có những chuyển động không mệt mỏi, cho đến giờ vẫn nhất quán lời nói đi đôi với hành động, thông điệp song hành cùng việc làm. Thế nhưng, có cảm giác rằng chỉ có mỗi mình Chính phủ chuyển động còn các địa phương, ban ngành vẫn ì ạch và ỷ lại, chưa thật sự vào cuộc quyết liệt.

Tôi nhận lời mời tham dự một diễn đàn online chuyên chia sẻ các kiến thức về bóng đá, và mới đây nhất, tôi đọc một bài viết của một người đóng góp cho diễn đàn, về tiền vệ Ý Andrea Pirlo, với định nghĩa vị trí tiền vệ trung tâm đặc thù được gọi là "regista" trong tiếng Ý. 

Người ấy dịch "regista" là "giám đốc", và ám chỉ rằng Pirlo như một "giám đốc" trên sân. Tôi nhẹ nhàng góp ý "không nên dịch là giám đốc em ạ. Regista dịch ra tiếng Anh là director nhưng nó không có nghĩa là giám đốc. Regista là một từ thuộc phạm trù sân khấu kịch nhiều hơn, nó là đạo diễn".

Đúng, tiếng Ý, giám đốc là "direttore" chứ không phải "regista" và những người muốn định nghĩa vị trí của Pirlo là "regista" có hàm ý khác. Họ muốn gán cho anh ta là ông chủ cuộc chơi, là người cầm trịch trận cầu. Nhưng trong bóng đá hiện đại, ông chủ thực sự trên sân phải là trung vệ. Đó là cầu thủ phải nắm bắt mệnh lệnh (chỉ dẫn chiến thuật, đấu pháp) của HLV, và chỉ đạo các đồng đội thực thi mệnh lệnh đó. 

Minh họa: Hữu Khoa.

Và hãy thử tưởng tượng đội bóng sẽ vận hành ra sao nếu mệnh lệnh tối cao của HLV không được thực thi đúng như mong muốn. Từ đó, ta nhìn ra xã hội, để nhận thấy rằng, một khi mệnh lệnh tối cao nhất trong một tổ chức không được tuân thủ, sẽ chỉ có hồ nghi và hỗn loạn tồn tại mà thôi.

Trong nỗ lực của Chính phủ mà hình ảnh đại diện tiêu biểu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã và đang thể hiện suốt thời gian qua, chúng ta nhận thấy có quá nhiều rào cản mà nếu ta đặt mình ở cương vị của ngài Thủ tướng, ta có thể sẽ cảm thấy không thể chịu đựng nổi áp lực dồn dập của công việc. 

Thủ tướng muốn thiết lập một thị trường thực phẩm sạch và lành mạnh để tạo sự yên ổn trong dân, và chính ông đã từng nhắc đến điều đó ở lần đi thị sát bất chợt một cơ sở nấu ăn công nghiệp khoảng một năm về trước. Vậy mà đến bây giờ, tin đồn về thịt bò thối của Brazil, về thịt gà bẩn giá bèo, về nội tạng động vật hư hỏng... vẫn tràn ngập như một thách thức. 

Ở cương vị của một Thủ tướng Chính phủ, ông chỉ cần chỉ đạo bằng những quyết sách nhanh, gọn, hợp lý là đủ và việc thực thi tất cả nằm trong tay từng cấp bộ máy chính quyền từ dưới lên trên. Nhưng không một ai đảm lãnh trách nhiệm đó một cách tự nguyện và trọn vẹn nghĩa vụ của mình cả. 

Họ có thể gật đầu rất thấm nhuần khi nghe chỉ đạo từ Thủ tướng, nhưng khi sự trao đổi đã qua đi, họ lập tức trở về với cách làm việc thường ngày bằng một quán tính xưa cũ. Và một trong những quán tính ấy đến từ việc họ có những tập quán riêng, những tập quán cần phải triệt tiêu toàn bộ, tập quán kiểu "phép vua thua lệ làng".

Khi Thủ tướng thể hiện ý chí của Chính phủ là phải giữ rừng, đặc biệt là rừng nguyên sinh, bằng mọi giá, không hiểu sao vẫn có những nơi, như Phú Yên là nổi bật gần đây nhất, lại phá bỏ rừng để nuôi bò. Nếu khắt khe, chúng ta có thể coi đó là hành vi chống lệnh một cách công khai và nó khiến ta nghĩ đến cái tác hại ghê gớm của lệ làng, thứ lệ cho phép người ta lướt qua phép vua một cách rất dễ dàng.

Phải thừa nhận, trong văn hóa làng xã Việt Nam có một thứ rất đáng khen là hương ước nhưng nếu hương ước lạm quyền để vượt qua luật của nhà nước thì rõ ràng hương ước ấy là một công cụ chống lại quyền lợi chung của quốc gia. 

Song, cái hương ước của các cụ ngày xưa phần lớn chỉ giới hạn cách hành xử, quy phạm đạo đức trong làng, với những quy định mang tính tỉ mỉ và chuyên biệt có thể tồn tại song song với phép vua mà thôi. Còn thứ lệ làng hôm nay nó hoàn toàn khác. Nó là một thứ có thể được nảy sinh từ biến tướng của nhóm lợi ích gắn liền với địa phương. 

Và một khi nó là công cụ hành xử riêng của một nhóm lợi ích nào đó, nó không còn là hương ước trong veo kia nữa, mà đã thành một thứ luật ngầm, của một giới hạn người nhất định chia sẻ quyền lợi. Hành xử trên thứ luật ngầm riêng ấy, rõ ràng những con người kia đang thách thức Chính phủ thực sự, thách thức sự tồn tại có hệ thống của bộ máy nhà nước, của tổ chức.

Trong rất nhiều phát biểu gần đây của các quan chức cấp cao nhà nước, mà cụ thể là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúng ta thấy rất rõ rằng công tác cán bộ được đề cao như thế nào. 

Trong Nghị quyết Trung ương 4 cũng nhận định công tác cán bộ phải là hàng đầu. Và thiết nghĩ, việc xóa bỏ các loại lệ làng đang chống lại quyền lợi chung của quốc gia, thể hiện qua việc bất tuân thượng lệnh từ Thủ tướng Chính phủ, phụ thuộc rất nhiều vào công tác cải cách bộ máy cán bộ, thậm chí với các quyết sách quyết liệt và sắt đá hơn nữa. Những con người vô tổ chức trong bộ máy cần phải bị loại bỏ. Những cá nhân lợi dụng danh nghĩa tổ chức để quay lưng lại với quyết sách của Chính phủ cũng cần phải bị loại bỏ. 

Và để làm được việc rất khó nhưng cần phải làm hàng đầu ấy, Chính phủ rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Đảng. Công tác Đảng, công tác xây dựng Đảng phải được thực hiện từ công tác làm trong sạch trở lại đội ngũ cán bộ Đảng, nhất là trong trường hợp ở nhiều địa phương, tiếng nói của bí thư tỉnh ủy có trọng lượng còn hơn cả tiếng nói của chủ tịch tỉnh, người đại diện Chính phủ tại địa phương.

Rõ ràng, thái độ vô tổ chức đã trở thành một tập quán xấu. Trong một tổ chức nhỏ thôi tập quán này đã tồn tại trong bản thân các nhân viên và nó thành một tập quán chung của xã hội, để đến mức ở các cấp cao hơn người ta cũng hành xử quen theo tập quán đó. 

Quốc có quốc pháp, gia có gia quy và một khi chúng ta muốn lập lại một xã hội thượng tôn pháp luật thì ngay những cá nhân đại diện phải biết hành xử theo pháp luật, hành xử đúng mệnh lệnh mà cấp trên giao cho, đặc biệt là những quyết sách của Thủ tướng Chính phủ, những quyết sách không chỉ được nhìn như nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là một mệnh lệnh bất khả cưỡng lại.

Hà Quang Minh
.
.