Câu chuyện giám sát
Ca dao xưa, “Con kiến mà leo cành đa – Leo phải cành cụt leo ra leo vào – Con kiến mà leo cành đào – Leo phải cành cụt leo vào leo ra”.
Lấy câu này nghiệm quanh thấy nhiều chuyện tương đồng quá, từ chuyện lớn cho đến chuyện nhỏ, từ chuyện tang thương cho đến những nỗi buồn. |
Có thể con số khác, cương vị khác, thủ thuật khác nhưng cách làm sai thì không khác. Tất cả đều lạm dụng vào cái quyền, cái vị thế mà người dân tin tưởng giao cho họ, để từ đó, họ làm mục ruỗng một cách có ý thức. Và tất cả những lạm dụng kia đều dựa trên một cơ sở duy nhất: sự chưa hoàn thiện của bộ máy mà lẽ ra cần phải được hoàn thiện từ lâu rồi.
Và ở vào giai đoạn này, đòi hỏi phải hoàn thiện bộ máy cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là khi thời đại đã khác, thế giới đã khác, trí tuệ con người đã chạm đến những đỉnh cao khác.
Đầu năm 2018, tôi được tham dự một buổi họp toàn nhân viên của một tập đoàn tư nhân rất lớn, ở cương vị khách mời danh dự. Tại đó, tôi nghe chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) nói đến chuyện phải thay đổi, phải nghiên cứu công nghệ blockchain (chuỗi khối).
Minh họa: Lê Phương. |
Tôi khá ngạc nhiên vì lời kêu gọi đó và càng ngạc nhiên hơn khi lắng nghe những chất vấn của nhân viên, và hồi đáp của HĐQT tập đoàn. Tại sao họ, một tập đoàn có lợi nhuận rất lớn, thưởng Tết cho nhân viên trung bình cũng hơn 30 triệu, được đánh giá là một trong top 10 môi trường làm việc lý tưởng nhất ở Việt Nam, lại phải thay đổi làm gì?
Nhưng tôi hiểu, họ không thỏa mãn với sự chưa hoàn thiện của mình. Họ hiểu rằng ngoài kia thế giới đang “chạy” như thế nào và họ cần ứng phó ra sao. Họ không muốn trở nên lạc hậu. Chính cái khát vọng thay đổi mãnh liệt đó đã tạo cho họ vị thế của ngày hôm nay, sau gần 30 năm tồn tại.
Phải chăng, quyền lợi thực tế nếu gắn liền với sinh mệnh của cá nhân nào đó thì họ sẽ đấu tranh vì nó, sẽ hoàn thiện mình vì nó. Còn nếu như nó là cái chung, họ sẽ mặc kệ?
Cũng không hẳn. Suy luận đó cũ rích, và có phần thiên kiến. Không thiếu những người làm việc chỉ vì quyền lợi, chỉ vì cân nhắc cái công lớn hơn cái tư. Cơ bản, họ hiểu nghĩa vụ và trách nhiệm của mình sẽ phải gánh chịu nếu làm sai và cái sai rất dễ dàng bị bóc trần bởi một cơ chế giám sát cực kỳ khoa học. Ở bộ máy của chúng ta, cơ chế giám sát khoa học như thế vẫn còn là một ước lâu dài.
Sự giám sát sẽ luôn khiến chúng ta nhắc đến một “bên thứ ba” vói vai trò “chí công vô tư” và chúng ta dễ liên tưởng đến những bên thứ ba như kiểu kiểm toán, hệ thống ngân hàng, ngân hàng trung ương… Đúng là có một bên thứ ba "làm chứng”, “thanh, kiểm tra” để các giao dịch giữa hai bên còn lại minh bạch đã luôn là kiểu mẫu trong các hoạt động loài người nhưng cũng trong chiều dài lịch sử, chúng ta không ít lần chứng kiến những câu chuyện chính bên thứ ba lại cố tình làm sai, cố tình làm trái.
Vậy thì lại phải có một bên thứ tư nữa để giám sát bên thứ ba hay sao? Cả một chuỗi ngờ vực như thế sẽ chỉ khiến mọi bộ máy cồng kềnh hơn, phức tạp hơn và tất nhiên tốn kém hơn.
Nhưng giám sát để mọi giao dịch được thực hiện cho đúng vẫn là nhu cầu cần được đáp ứng mọi nơi mọi lúc. Vậy nên, quá trình tìm kiếm và hoàn thiện quy trình vẫn diễn ra, với những soi chiếu, kiểm chứng và đánh giá chi tiết, cụ thể.
Còn ở Việt Nam ta thì sao? Có những cái sai được biện minh bằng uyển ngữ “đúng quy trình” nhưng không đủ sức mạnh logic để thuyết phục người nghe. Đâm ra, nhiều khi càng biện minh càng ngô nghê. Và người dân lại có cảm giác ngờ vực hơn khi họ nghĩ rằng mình đang phải nghe những lời lừa dối.
Hơn một năm qua, chúng ta chắc đã nghe nhiều về cái gọi là 4.0. Nó là gì? Không phải ai cũng có đủ kiến thức để lý giải nó một cách tường minh. Nhưng trong công nghiệp 4.0 ấy, blockchain là một công nghệ tân tiến nhất, đang được xem là mang lại nhiều ưu việt nhất, đặc biệt ở giám sát.
Blockchain là điển hình của sự tham gia đồng cấp, xác nhận đồng cấp và chỉ cần một hành vi gian lận trong khối phát sinh, hành vi ấy sẽ không được xác thực, dẫn tới khối (block) không thể hình thành và từ đó, không hình thành chuỗi khối (blockchain) kế tiếp.
Nhiều người vốn nghĩ blockchain là công nghệ đơn thuần chỉ gắn đến tài chính hay đồng tiền ảo đơn thuần nhưng thực tế lợi ích của nó còn hơn thế rất nhiều.
Đã có những chính phủ sử dụng công nghệ blockchain, xây dựng hệ thống blockchain riêng để phục vụ các hoạt động từ dân sinh cho tới bầu cử. Cơ bản, họ đánh giá cao lợi ích của nó trong việc xác nhận “bằng chứng công việc” và khả năng giám sát của cơ chế đồng thuận phân quyền.
Vậy thì phải chăng, ở ngưỡng cửa này, ngưỡng cửa mà Việt Nam cần phải thay đổi mạnh mẽ, việc xây dựng một chính phủ thông minh áp dụng công nghệ blockchain, nơi mà từng hành vi, quyết định của những người có thẩm quyền đều được giám sát công khai và minh bạch là việc chúng ta cần cân nhắc trước nhất, đặc biệt là khi ta đang khát khao được theo kịp công nghiệp 4.0?
Trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau ngày Tổng Bí thư được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón trọng thị tại điện Elysee, nhà phân tích kinh tế Julien Marcilly đã viết một bài ngắn gọn, súc tích trên tờ Les Echos đánh giá về Việt Nam rằng “Việt Nam có đặc tính để là con hổ châu Á nhưng vẫn còn 3 nhược điểm cần khắc phục là cơ sở vật chất hạ tầng chưa hiện đại, vấn nạn tham nhũng và tỷ lệ nợ công trên GDP còn cao”.
Thực sự, Marcilly ấn tượng với tốc độ tăng trưởng GDP đều đặn 6% của chúng ta từ vài năm qua nhưng rõ ràng, vấn nạn tham nhũng mà ông nói tới cũng chính là nỗi lo đau đáu mà nhân dân và Đảng vẫn luôn nhắc tới.
Và để khai tử vấn nạn ấy, hoặc nói một cách thực tế hơn là giảm thiểu nó, chỉ có một con đường duy nhất: tạo ra sự minh bạch, công khai, có giám sát phân quyền hàng ngang bằng công nghệ mới nhất của thời đại, công nghệ blockchain, và từ đó, Chính phủ 4.0 sẽ khởi đầu, như tiên phong vươn tới cái đích phát triển mà chúng ta vẫn luôn nhắc tới suốt một năm vừa qua.