Tiếp tục “khẩu chiến” Mỹ - Triều: Những nụ cười lẻ lói

Thứ Tư, 14/03/2018, 12:35
Mang thông điệp “nhiệt huyết và hòa bình”, Thế vận hội Mùa đông PyeongChang 2018 diễn ra tại Gangwon (Hàn Quốc) được kỳ vọng sẽ là cầu nối hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên về chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Đây thực sự là khoảng lặng hòa bình ấn tượng trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo riều Tiên bị đẩy đến mức đáng lo ngại.

Thế nhưng, có vẻ như tia hi vọng hòa bình dường như đã tắt dần theo ngọn lửa Olympic PyeongChang khi lễ bế mạc đã bị phủ bóng bởi những lệnh trừng phạt “mạnh mẽ nhất” mà Nhà Trắng ban hành nhắm vào Triều Tiên.

Tuy nhiên, giới quan sát không cho rằng hi vọng đã hoàn toàn bị dập tắt. Trên thực tế, phái đoàn cấp cao của Triều Tiên đã có những cuộc đối thoại với Tổng thống Hàn Quốc và cũng chính thức đưa ra đề nghị đối thoại với Mỹ. Những hi vọng hòa giải có thể được nhen nhóm giữa hai miền Triều Tiên nhờ cái gọi là “chiến lược ngoại giao nụ cười” của Triều Tiên.

Quan trọng hơn, Triều Tiên mới đây đã đồng ý tổ chức các cuộc hội đàm với Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân, tuyên bố sẽ đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân và vũ khí trong thời gian diễn ra đàm phán.

Nỗ lực bất thành

Truyền thông cho rằng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nỗ lực tận dụng tối đa kỳ Olympic mà Hàn Quốc làm chủ nhà để làm “tan băng” mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời tạo tiền đề không thể thuận lợi hơn cho một cuộc đối thoại Mỹ - Triều nhằm mở lối thoát cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vốn bế tắc nhiều năm nay.

Lần đầu tiên, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đồng ý diễu hành cùng nhau dưới một lá cờ “thống nhất” tại Thế vận hội Mùa đông. Hàng loạt cuộc tiếp xúc giữa ông Moon Jae-in với các quan chức cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự các sự kiện của Olympic đã tạo bầu không khí hòa giải hiếm hoi giữa hai miền, bao gồm cả khả năng tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, làm dấy lên hi vọng “điểm nóng” Bán đảo Triều Tiên có thể hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, việc Washington và Bình Nhưỡng cử phái đoàn cấp cao tham dự lễ khai mạc Olympic từng khiến dư luận hi vọng vào một cuộc gặp Mỹ - Triều. Đoàn Mỹ do Phó Tổng thống Mike Pence dẫn đầu; đoàn Triều Tiên là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao Kim Yong-nam, cùng em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un là Kim Yo-jong.

Tuy nhiên, các nỗ lực của Hàn Quốc có vẻ không nhận được sự hưởng ứng từ đồng minh quan trọng nhất là Mỹ. Ông Mike Pence và bà Kim Yo-jong không có ý định gặp nhau khi hai người cùng có mặt tại Hàn Quốc, ngay kể cả khi họ sẽ ngồi cách nhau chỉ vài bước chân trong lễ khai mạc Olympic PyeongChang.

Cuộc gặp được lên kế hoạch giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã bị hủy vào phút chót sau khi ông Pence tuyên bố “sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ” liên quan tới Triều Tiên, đồng thời cảnh báo “tất cả các phương án đều được cân nhắc” để đối phó với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Tương tự, không có cuộc tiếp xúc nào giữa phái đoàn Mỹ, với sự tham gia của con gái Tổng thống Mỹ Donal Trump, cô Ivanka Trump và phái đoàn cấp cao Triều Tiên, do ông Kim Yong-chol - Trưởng ban Mặt trận thống nhất đảng Lao động Triều Tiên - dẫn đầu. Cả phái đoàn của Mỹ và Triều Tiên đều khẳng định rằng họ không đến Hàn Quốc cho một cuộc gặp gỡ dù “sự tương tác” là có thể xảy ra khi các hoạt động tại Olympic được tiến hành.

Rõ ràng, ông Pence cố tình phớt lờ sự hiện diện của bà Kim Yo-jong cũng như cơ hội để có được những tiến bộ nhất định trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, trong khi đây lại là sự kỳ vọng của Tổng thống Moon Jae-in - người coi Olympic PyeongChang là cơ hội để nối lại đối thoại với miền Bắc.

Đây cũng chính là lý do để ông Moon Jae-in đưa ra lời đề nghị Bình Nhưỡng cử đoàn vận động viên cùng tham gia tranh tài với Seoul ở Olympic trong vai trò một đội tuyển chung của hai miền Triều Tiên, dù cho nỗ lực này sẽ khiến Hàn Quốc bị thiệt hại đáng kể khi phải chia sẻ số lượng huy chương.

Đổi lại, ông Moon Jae-in nhận được thư tay và lời mời thăm Bình Nhưỡng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (được bà Kim Yo-jong chuyển trực tiếp). Bản thân ông Kim Jong-un cũng kêu gọi hai miền “cùng hâm nóng bầu không khí hòa giải được nảy sinh từ Olympic”.

Truyền thông đặt câu hỏi: liệu chính quyền Donald Trump có đang phớt lờ những nỗ lực của Hàn Quốc và tiếp tục giữ thái độ lạnh nhạt với Triều Tiên? Liệu Mỹ thực sự muốn có bước đột phá trong đối thoại với Bình Nhưỡng bất kể đã có những điều kiện tiên quyết mà Washington đưa ra trước đó?

Tương lai khó dự đoán

Trong khi Tổng thống Moon Jae-in hi vọng bầu không khí hòa bình sẽ tiếp tục sau Thế vận hội thì Nhật Bản - đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực - lại khuyến cáo rằng các nước “không nên ngủ mơ bởi đòn tấn công quyến rũ”. Quả thực, mọi cơ hội đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên nhân sự kiện Olympic lần này đã bị bỏ qua, bất chấp Hàn Quốc đã rất nỗ lực để sắp xếp.

Theo truyền thông, thái độ của ông Pence đã nói lên tất cả: coi sự hiện diện của bà Kim Yo-jong như một sự nhượng bộ dành cho đồng minh Hàn Quốc, đồng thời ám chỉ Mỹ thực sự đã sẵn sàng cho một màn tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên với cam kết phá hủy mọi kế hoạch của Bình Nhưỡng ngay “từ trong trứng nước”. Sâu xa hơn, “sàn diễn” Olympic PyeongChang là nơi Washington (và đồng minh) muốn củng cố nỗ lực gây sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng.

Với Washington, nụ cười của ông Kim Jong-un trong lễ diễu binh tại quảng trường Kim Nhật Thành vào đêm trước lễ khai mạc Olympic PyeongChang và của người em gái Kim Yo-jong ở Seoul chỉ là chiến thuật “ngoại giao nụ cười”.

Một lần nữa, sự thiếu lòng tin và thiếu thiện chí đang đẩy Mỹ và Triều Tiên vào vòng xoáy đối đầu. Washington dù tuyên bố ủng hộ đối thoại liên Triều và sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng, song vẫn coi chiến lược gây sức ép tối đa là “phương thuốc” chủ yếu để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Chưa hết, thái độ của ông Pence được coi là một cách để thúc giục Trung Quốc, châu Âu và phần còn lại của thế giới tiếp tục tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Một mặt cáo buộc Bình Nhưỡng “chưa bao giờ thực sự muốn ngồi vào bàn đàm phán”, mặt khác, ngay trong thời gian diễn ra Olympic, chính quyền Donald Trump đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mà Washington cho là mạnh nhất từ trước đến nay nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân bị tình nghi giúp Triều Tiên “lách” các biện pháp trừng phạt hiện hành.

Tổng thống Trump còn đe dọa nếu các trừng phạt mới không đạt kết quả, Mỹ sẽ phải chuyển qua “giai đoạn hai”, bao gồm cả biện pháp quân sự như chính quyền Mỹ từng nhiều lần nhắc đến.

Mỹ và Hàn Quốc dự kiến nối lại các cuộc tập trận thường niên sau Olympic.

Trong bối cảnh cả Mỹ và Triều Tiên đang ngày càng mất kiên nhẫn, biện pháp “dằn mặt” mà Washington đang thực hiện có thể là con dao hai lưỡi. Bước đi tăng cường sức ép của Mỹ đối với Triều Tiên phần nào phá hỏng môi trường thuận lợi cho đối thoại, được tạo ra từ bầu không khí hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên trong thời gian qua. 

Cấm vận lần này khó có thể cản bước Triều Tiên mà còn kích động Bình Nhưỡng tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân.

Bình Nhưỡng ngay lập tức phản ứng cứng rắn, khẳng định mọi hình thức phong tỏa mà Mỹ áp đặt là “hành động chiến tranh” và cảnh báo Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về “tất cả những hậu quả thảm khốc” khi Bán đảo Triều Tiên bị đẩy đến “miệng hố chiến tranh” do cách hành xử bất chấp của Washington.

Trong thông điệp đầu năm, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không ngần ngại gửi lời cảnh báo sẽ “ấn nút hạt nhân” trong trường hợp cần thiết tới người đồng cấp Donald Trump.

Sau một năm, “cuộc khẩu chiến” giữa chính quyền Donald Trump và chính quyền Kim Jong-un vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, với đầy ắp luận điệu răn đe cứng rắn. Truyền thông kết luận, những gì đang diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên một lần nữa cho thấy hi vọng hòa bình chỉ có được thông qua đối thoại và các biện pháp ngoại giao.

Mới đây xuất hiện bước ngoặt khi Chủ tịch Kim Jong-un bất ngờ tuyên bố tạm dừng các vụ thử nghiệm hạt nhân và đồng ý hội đàm với Mỹ. Thông báo được đưa ra sau khi Chủ tịch Triều Tiên có cuộc hợp với ông Chung Eui-yong - người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc - ở Bình Nhưỡng. Đây là một động thái lớn vì Bình Nhưỡng vốn luôn gọi vũ khí hạt nhân là “thanh gươm công lý” và chưa bao giờ muốn đưa phi hạt nhân hóa lên bàn đàm phán.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump cho biết Bình Nhưỡng có vẻ “thật lòng” khi đề nghị đàm phán nhưng truyền thông lại quan ngại rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đang sử dụng chiến thuật trì hoãn để phát triển thêm vũ khí và hồi phục sau các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của cộng đồng quốc tế.

Bản thân ông Pence “nhắc nhở” Tổng thống Trump rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, Mỹ cần phải duy trì áp lực của các biện pháp trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng áp dụng những biện pháp có ý nghĩa để đình chỉ chương trình hạt nhân của họ.

Điều này cho thấy, rất khó để dự đoán chính xác điều gì sẽ diễn ra sau khi kết thúc Paralympic PyeongChang vào giữa tháng 3, thời điểm Mỹ và Hàn Quốc dự kiến nối lại các cuộc tập trận thường niên, vốn được hoãn lại nhằm giảm căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Olympic trong không khí hòa bình.

Bất cứ cách tiếp cận không khoan nhượng, thiếu tin cậy nào cũng sẽ khiến tình hình đi theo chiều hướng xấu, dẫn đến những kịch bản tồi tệ trong tương lai...

Việt Dũng
.
.