Phỏng vấn thang máy

Thứ Sáu, 05/04/2019, 16:28
Phóng viên (PV): Thưa anh, tiểu sử của anh như thế nào?

Thang máy: Tôi ra đời trong một gia đình trí thức. Yêu mến khoa học và kỹ thuật. Tôi còn rất trẻ, hầu như chưa quá hai mươi.

PV: Có lẽ tất cả các thang máy chung cư ở Hà Nội lúc này đều còn trẻ. Người dân mới làm quen với chúng một cách toàn diện trong vài năm nay.

Thang máy: Cho nên họ ngỡ ngàng, họ vui thích và họ có nhiều hành động kỳ lạ trong thang máy, nói chung là chuyện bình thường.

PV: Tôi hiểu. Thưa anh, mấy ngày vừa qua cả Hà Nội và cả mạng xã hội nổi sóng vì chuyện một người đàn ông quấy rối tình dục một thiếu nữ trong thang máy, chắc là anh biết rõ?

Thang máy: Tất nhiên. Thang máy là một không gian vừa nhỏ hẹp, vừa kín đáo và lại vừa vắng vẻ. Cho nên rất nhiều khi những chuyện phức tạp xảy ra. Nhưng tôi rất ngạc nhiên trước kết quả của hành động kẻ biến thái đó: Anh ta bị phạt 200 ngàn.

PV: Không nói về chuyện 200 ngàn để trả giá cho một hành vi như thế là nhiều hay ít, nhưng có một thứ tôi muốn hỏi anh với tư cách nhân chứng chính.

Thang máy: Đó là vấn đề thủ phạm xin lỗi phải không?

Minh họa Lê Tâm.

PV: Sao anh biết?

Thang máy: Tôi biết, bởi vì tôi vô cùng bức xúc chuyện này.

Gần đây chả hiểu tại sao có một hiện tượng là hễ kẻ nào làm gì phạm pháp, đặc biệt là đàn ông gây tổn thất cho phụ nữ, cứ tìm mọi cách tiếp xúc với nạn nhân để xin lỗi khi chuyện đã phanh phui.

PV: Sau đó là hòa?

Thang máy: Phải. Sau đó là hòa! Thế mới điên ruột.

PV: Điên ruột ở chỗ nào?

Thang máy: Trong luật hình sự xưa nay ở bất cứ quốc gia nào, không bao giờ thấy có điều khoản sau khi gây án chỉ cần xin lỗi nạn nhân thì mọi thứ chấm hết.

PV: Chính xác.

Thang máy: Xin lỗi, suy cho tới cùng chỉ là một hành động cộng thêm, để chứng tỏ sự   ăn năn. Nó là điều kiện để thủ phạm thể hiện lòng day dứt của mình, nhưng không khi nào là một điều kiện toàn diện, càng không phải là điều kiện duy nhất để bãi bỏ hình phạt.

PV: Nhất trí.

Thang máy: Xâm phạm thân thể, xâm phạm danh dự người khác, đặc biệt là phụ nữ, chả lẽ chỉ xin lỗi rồi xí xóa? Chả lẽ chỉ nói vài lời không biết thật hay giả là thoát ra ư. Tôi không chấp nhận.

PV: Tôi cũng không.

Thang máy: Thật kỳ quái khi đàn ông liên tiếp đánh đàn bà, sàm sỡ đàn bà sau đó cứ cố gắng tiếp xúc năn nỉ, nhưng chỉ sau khi đã bị dư luận phanh phui. Chưa thấy kẻ nào vội vã làm trước.

PV: Cho nên tôi không tin vào các thái độ xin lỗi ấy, tôi nghĩ chúng không đủ chân thành. Rất có khả năng chỉ là một phương pháp chạy tội.

Thang máy: Hoàn toàn đồng ý. Tôi kêu gọi các nạn nhân. Một khi bị xúc phạm không chấp nhận và không nghe người khác làm áp lực để chấp nhận những lời xin lỗi nếu nó không diễn ra ở tòa án mà cứ diễn ra trong phòng với những ly trà.

Chả biết từ bao giờ, chả biết vì sao và chả biết tại ai, tự nhiên xin lỗi trở thành một hành vi giúp các thủ phạm "đào tẩu" một cách nhẹ nhàng và êm ái.

PV: Vô cùng đồng ý với anh. Đáng ra các cơ quan tố tụng vẫn phải làm việc, không hề quan tâm đến chuyện thủ phạm có xin lỗi hay chưa. Việc xin lỗi, tôi nhắc lại không thể thay thế cho việc áp dụng luật hình sự.

Thang máy: Nếu cứ liên tục phạm pháp sau đó liên tục xin lỗi là qua mọi thứ thì tính nghiêm minh, tính công bằng, tính răn đe của pháp luật ở đâu?

Chúng ta đã bao lần không đồng tình với chuyện gây ra tai nạn giao thông chết người, sau đó năn nỉ nạn nhân bãi nại, thì chúng ta cũng cần y như thế trong những tội ác tại các môi trường khác. Đừng biến "xin lỗi" trở thành một giải pháp thay thế quan tòa. Nếu không sẽ rất nguy hiểm. 

Lê Thị Liên Hoan
.
.