“Tham vọng của các đế chế quân chủ Trung Hoa là vô biên...”
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Giác ngộ cá nhân là điều quan trọng hơn tất cả
- "Tất cả chúng ta và cả nàng Kiều nữa đều sống chung một cõi!"
- GS-TS Trần Ngọc Vương: Có những thứ mất đi, không thể khôi phục lại
Và, cứ mỗi lần được ngồi hầu chuyện ông về một đề tài liên quan đến chính trị - tư tưởng phương Đông cổ đại là tôi có cảm giác như đang được nhìn thấy một mũi khoan sắc sảo và uyên thâm vào quá khứ. Những mũi khoan ấy giúp chúng ta nhận thức chân xác về tâm lý tộc người, về gen văn hóa và tính di truyền văn hóa của một dân tộc, để từ đó có thể tìm ra một phương thức ứng xử hợp lý nhất trong đời sống thực tại đầy phức tạp hôm nay.
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa giáo sư, những hình dung chính thống đầu tiên về một hoàng đế Trung Hoa cổ đại được bắt đầu từ thời nhà Thương, phải không ạ?
- Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương: Trong lịch sử kéo dài hàng ngàn năm của Trung Quốc hình thành 2 loại hình quốc gia, mà ta tạm gọi là quốc gia đế chế và quốc gia cát cứ. Khi nào một quốc gia thống nhất được tương đối các vùng lãnh thổ cơ bản thì tạo nên đế chế và đế chế thì được làm chủ bởi một ông hoàng đế, hay còn gọi là thiên tử. Mô hình hoàng đế sớm nhất được hình thành từ thời nhà Thương. Nhà Thương, mà sau còn có tên là nhà Ân chính là lúc mà lần đầu tiên người ta hình dung thế giới là hình ảnh của một gia đình mở rộng và đấy là một gia đình gia trưởng.
- Trong gia đình gia trưởng ấy, các vai cha - con được phân định rất rành mạch?
- Các bậc tổ tiên được thiêng hóa và đẩy “lên trên trời”. Người thiêng nhất, được đẩy lên cao nhất chính là thiên phụ, tức là ông trời theo cách gọi nôm na của người Việt. Đấy được hình dung là một ông trời có ý chí, có nhân cách nhưng lại không có những tiêu chí nhân trắc học. Và dưới trời, con trưởng của trời được gọi là thiên tử. Có thể coi ông đó là đại lý cho việc cai quản toàn bộ những thứ tồn tại ở dưới trần gian, gọi là thiên hạ. Bạn sẽ hỏi, có cái gì chứng minh ông này là con ông trời? Cái chứng minh đó, chính là thiên mệnh.
- Cái gọi là thiên mệnh ấy luôn được thiêng liêng, huyền bí hóa, vì càng thiêng liêng, huyền bí thì người ta càng sợ (cười...)
- Đúng rồi! Người ta phải xây dựng các nghi lễ để làm thiêng hóa những cái này. Người con trưởng của trời thì phải có đại đức, mà cái đại đức lớn nhất trong các thư tịch Trung Quốc đều nhấn mạnh đến là: sinh. Sinh ở đây không chỉ là sự sống, mà còn là sinh thành. Vua thay mặt ông trời là người hiếu sinh - nghĩa là người bảo vệ, che trở, giúp đỡ cho tất cả những gì là sinh. Vua là ông chủ tối cao của bách thần, làm chủ các thần thánh trong lãnh thổ. Vua là người duy nhất được ban sắc phong cho các thần thánh và thần thánh trong trường hợp ấy trở thành tôi tớ của vua hết.
- Trong mô hình này, vua - thiên tử được thiêng liêng hóa bằng mối quan hệ máu thịt cha - con với ông trời - thiên phụ. Thành thử vua sẽ tự cho mình cái quyền được làm tất cả những gì mà ông trời - cha mình có thể làm. Tóm lại là như thế, ông ta mặc nhiên có tất cả, có từ A đến Z ông nhỉ?
- Hoàng đế - thiên tử kiểu như vậy chưa có ở đâu khác ngoài Trung Quốc và sẽ không bao giờ có ở đâu khác. Trong lịch sử thế giới, có hoàng đế nổi bật nhất ở châu Âu là Napoleon thì Napoleon vẫn cần một sự bảo trợ ngoài ý chí của mình, đó là sự bảo trợ của thần quyền. Cho nên khi Napoleon làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế thì phải cho người đi đón Giáo hoàng về làm lễ cho mình. Napoleon đã làm một hành vi bị coi là ngỗ ngược nhất trong lịch sử châu Âu, đó là khi Giáo hoàng chuẩn bị đội vương miện lên đầu ông ta thì ông ta tự giằng lấy nó, đội lên đầu mình. Thế nhưng, rõ ràng Napoleon vẫn cần Giáo hoàng chứng thực và thụ phong. Nhưng hoàng đế Trung Quốc khác như vậy. Ông ta tự đắp đàn tế trời đất, báo cáo với thiên hạ về việc mình lên ngôi thiên tử. Sau lễ đăng quang, mặc nhiên ông ấy là ông chủ của thiên hạ.
- Và sau cái lễ đăng quang ấy, ông ta cũng sẽ mặc nhiên nghĩ rằng sứ mệnh của mình là phải đi chinh phạt các vùng lãnh thổ xung quanh, vì tất tần tật những vùng ấy đều thuộc về cha mình, ông trời. Tôi suy luận như thế đúng chứ?
- Đương nhiên! Vua coi đấy là việc phải làm. Vì ông ấy cho rằng không có một thiên tử nào khác mình. Ông ấy cho rằng mình vâng cái đức lớn của trời để đi giáo hóa thiên hạ. Cho nên mới có câu: “Ơn mưa móc thấm nhuần đến cành cây ngọn cỏ...”, làm thiên tử là “thế thiên hành đạo”, “phụng thiên thừa vận”...
- Nhưng nếu cứ theo cái logic “đương nhiên, tất yếu” này thì các thiên tử nhà Thương sẽ tồn tại vĩnh cửu chứ không thể bị thay thế bởi nhà Chu, bởi làm gì có ai dám đụng vào con trời?
- Từ đời Thương, cứ việc nhận ông trời là cha, thế là xong. Nhưng mà trong thực tế chính trị, vua được lập nên bằng sức mạnh quân sự và bằng bạo lực chứ không chỉ là bằng đạo đức. Thế thì có những vị vua trong khi chinh phục các cụm cư dân khác và cai trị thần dân của mình thì họ cũng “vi phạm đạo đức” chứ.
Rượu ngon, gái đẹp, vật quý trong thiên hạ phải tập trung lại cho họ và tay chân của họ mà. Vì thế, ngay từ rất sớm thì vua đã xuất hiện nhiều đặc quyền, mà là những đặc quyền không giới hạn. Những vua trong sáng đến tuyệt đối, không đặc quyền đặc lợi kiểu vua Nghiêu, vua Thuấn chỉ là sản phẩm tưởng tượng mà thôi.
Nhưng người ta lại rất đeo đẳng mô hình Nghiêu - Thuấn, coi đó là mô hình ông vua lý tưởng và đòi hỏi những người dưới phải hỗ trợ để vua thực hiện cái đức hạnh ấy. Đến đây, có một câu hỏi: vậy cái ông được gọi là thiên tử ấy không làm theo đúng mô hình đức hạnh thì sao?
Nếu chỉ có một ông thiên tử cai trị mọi thứ trong thiên hạ theo cái thiên mệnh huyền bí nào đó thì không ai có quyền lật đổ ông ấy cả. Nhưng, thực tế có những ông vua rất đáng bị đánh giết, cho nên lại có một “mệnh đề” lý thuyết khác bổ sung cho cái lý thuyết “con trời” mang tính huyền bí kia.
Một mặt, người ta không từ bỏ cái quyền tối thượng của thiên tử nhưng mặt khác lại đặt bên cạnh vua một yếu tố khác nữa, đó là quyền “cách mạng”. Cách có nghĩa là bỏ đi. “Cách mạng” có nghĩa là bỏ cái mệnh trời giao cho vua đi. Thế thì lúc nào vua sẽ bị cách mạng? Đó là khi ông ta không giữ được cái đức trời. Khi ấy trời sẽ bỏ ông. Vua không xứng đáng nữa thì được gọi là “bất tiếu”, nghĩa là người không còn giống với cái đức của trời nữa.
Như vậy, đến nhà Chu bắt đầu xuất hiện khái niệm cách mạng, tư tưởng cho phép lật đổ trong thực tế một dòng họ cầm quyền. Đến đây, ở Trung Quốc xuất hiện một khả năng thứ hai, đó là khả năng thay đổi triều đại. Và các triều đại sau đó sẽ lại bổ sung các lý thuyết khác nhau để giải thích cho sự thay đổi - lật đổ này.
“Ở Trung Quốc, trong gần 3.000 năm lịch sử chứng kiến sự luân chuyển ngôi báu giữa các dòng họ một cách tất yếu, không cưỡng được. Nhà Tần là mô hình hoàng đế hiện thực, được thực thi đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Vua Tần tự coi mình là hoàng đế đầu tiên nên mới tự xưng là Tần Thủy Hoàng. Thủy chính là cái đầu tiên. Từ đế chế đầu tiên tới các đế chế sau này, có thể nói, tham vọng của các đế chế phong kiến Trung Quốc là vô biên. Như một sự di truyền ý chí - di truyền xã hội, họ luôn có tham vọng bắt cả thế giới về chầu dưới thiên triều của họ và họ khát khao chinh phục, thống trị cả thế giới. Đấy cũng có thể coi là một đặc điểm trong tâm lý tộc người”. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Vương |
- Chẳng hạn lý thuyết âm - dương ngũ hành?
- (Gật đầu...) Thời trước người ta quan niệm thế giới chỉ có âm - dương thì sau này phát triển thêm lý thuyết ngũ hành, tương sinh, tương khắc. Hành thổ nằm ở trung ương, các hành khác quay xung quanh theo tính chất vừa tương sinh vừa tương khắc. Việc giải thích quy luật của ngũ hành, áp dụng vào chính trị thì sẽ dẫn đến chuyện là anh tương ứng với hành nào thì khi cái hành ấy vận động đến cùng cực, anh sẽ bị thay thế bởi một cái hành tương khắc với anh.
Ví dụ vua Tần được quan niệm là thuộc hành kim, ở Tây Bắc, màu trắng, thì sẽ bị thay thế bởi một hành khác là nhà Hán, thuộc hành hỏa, với màu tượng trưng là màu đỏ. Cho nên vua Hán còn được gọi là Xích đế, tức là vua đỏ.
Câu chuyện huyền thoại “chém rắn dựng cờ” của Hán Cao Tổ nói về chuyện vận trời đổi thay huyền bí từ Tần sang Hán là thế! Cái sự trung chuyển và vận hành của các triều đại đến đây được giải thích bằng yếu tố ngũ hành. Đấy là hiện tượng có thể gọi là hiện thực hóa, nói theo V. Hegel là “tha hóa của ý niệm vào tự nhiên và vào lịch sử” để thoát khỏi cái xuất phát điểm siêu hình, trừu tượng ban đầu.
- Nhưng, trong nhiều ngàn năm dưới chế độ quân chủ - chuyên chế, các triều đại có luân chuyển như thế nào, thay thế ra sao thì cái tham vọng xâm chiếm “tứ di” để mở rộng lãnh thổ cũng là không thay đổi?
- Từ đời Chu ở Trung Quốc đã có quan niệm ai chiếm được Trung nguyên thì sẽ làm chủ thiên hạ. Trung nguyên là một đồng bằng phì nhiêu phát triển sớm nên họ sớm gọi mình là Hoa Hạ. Hoa là tươi tốt, hạ là xán lạn. Mà trung nguyên là ở giữa và họ chia 4 xung quanh theo tính chất phương vị: Đông Di - Bắc Địch - Tây Nhung - Nam Man. Nói vắn tắt thì đấy là 4 vùng man di hay nhung địch.
Trong lịch sử Trung Quốc, khi tiến ra vùng Đông Bắc, họ đụng phải vùng dân cư thưa thớt nhưng tương đối thiện chiến và cả cái vùng ấy họ gọi chung là vùng Nữ Chân - Tiên Ti. Còn tiến lên phía Bắc và Tây Bắc thì họ gặp thảo nguyên, núi cao và lại gặp những lực lượng còn thiện chiến hơn nữa, họ gọi nhóm dân cư ở đây là rợ Hung Nô. Lịch sử Trung Quốc, từ rất sớm đã bị nhóm dân cư này khuấy đảo, lấn áp, vì thế họ mới xây Vạn lý trường thành để phòng thủ.
Về phía Tây thì cũng chẳng dễ gì, chính bản thân nước Tần thời Xuân Thu Chiến Quốc vốn cũng nằm ở phía Tây, bị coi là nước lang sói. Thảo nguyên thì còn dễ nhưng sa mạc hầu như là một thách thức quá sức người. Cuối cùng, họ vẫn tìm mọi thủ đoạn, mọi cách thức để khuất phục các phía đó. Việc họ tiến về phía Nam là công việc khó khăn nhất, “chinh Nam” là giấc mơ dai dẳng nhất.
- Chúng ta vẫn hiểu phía Nam ấy là phía Nam sông Dương Tử (Trường Giang) của tộc người Bách Việt. Vượt sông sâu, núi cao, điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt để tiến về phía Nam cũng là điều không hề đơn giản nhưng rốt cuộc họ vẫn làm được và thực tế là nhiều tộc người Bách Việt đã bị nhập vào Trung Quốc, bây giờ nằm trọn trong lãnh thổ Trung Quốc. Ông có thế nói gì về cái quá trình Nam tiến rất đáng suy nghĩ này?
- Bước tiến về phía Nam đầu tiên diễn ra ở cuối thời nhà Chu chính là chinh phục đồng bằng sông Dương Tử. Về mặt lịch sử văn hóa, vùng đấy lại là vùng thứ hai của cốt lõi văn hóa Trung Quốc bây giờ. Cho nên văn hóa Trung Quốc được hình thành bởi 2 đồng bằng lớn, đó là đồng bằng sông Hoàng Hà và đồng bằng sông Dương Tử. Sau khi hai vùng văn minh này ghép vào nhau thì văn minh Hoàng Hà lấn lướt và trở thành dòng chủ thể.
Người Trung Quốc làm được một việc không biết là nên khen hay nên chê, đó là họ đồng hóa triệt để. Cho nên hơn 1 tỷ người Trung Quốc bây giờ thì 92% khai nguồn gốc của mình là người Hán nhưng thực chất thì chỉ có một nửa trong số ấy là người Hán, còn một nửa là gốc Bách Việt. Thậm chí, người ở Quảng Tây, rất gần biên giới Việt Nam bây giờ vẫn khai mình là người Hán.
- Đó là do sức hấp dẫn của văn hóa Hán được hình thành ở đồng bằng sông Hoàng Hà (phía Bắc) là quá lớn hay do văn hóa Bách Việt được hình thành ở sông Dương Tử (phía Nam) là quá mỏng? Đã có rất nhiều quan điểm và cả tranh cãi dữ dội trong giới học thuật về vấn đề này. Quan điểm của giáo sư thì sao?
- Chúng ta phải hiểu Bách Việt là một cộng đồng mà nói như một nhà nghiên cứu là “cộng đồng tưởng tượng”. Tưởng tượng ở đây không phải là nghĩa xấu mà được hiểu theo nghĩa là một cộng đồng được hình dung ra như thế, được gọi như thế, chứ trên thực tế nó không phải một cộng đồng có kết cấu chặt chẽ và hệ thống. Và thực tế chúng ta đều biết là trong lòng cộng đồng ấy lại có hàng trăm tộc người nhỏ ghép vào.
- Những tộc người như Đông Việt, Nam Việt, Nâm Việt... chẳng hạn rốt cuộc đều bị Hán hóa và bây giờ đã trở thành một phần của Trung Quốc. Nhưng riêng chỉ có Âu Việt - Lạc Việt, tức là miền Bắc Việt Nam chúng ta hiện nay là giữ được nền độc lập tự chủ. Liệu có thể nói chúng ta là tộc người Bách Việt duy nhất làm được điều này không, thưa giáo sư?
- Chỗ này thì lại phải nói cho rõ, Âu Việt là Lạc Việt theo nhiều nghiên cứu lại là dân bản địa, tức là những người ở từ thuở khai thiên lập địa ở vùng đất của mình. Họ không phải được đẻ ra từ các tộc người Bách Việt, không phải là con cháu của tộc người Bách Việt mà chỉ gần gũi với tộc người Bách Việt mà thôi.
- Chúng ta trở lại với quá trình Nam tiến của các vương triều phong kiến Trung Hoa để sáp nhập đất đai, lãnh thổ của tộc người Bách Việt vào lãnh thổ của mình, đặc điểm của quá trình Nam tiến này có gì đáng nói ạ?
- Việc chinh phục xuống phía Nam của Trung Quốc vốn rất phức tạp, vì dân Trung nguyên là dân xứ lạnh, trồng lúa mạch, ăn cao lương, chứ không phải là dân lúa nước như các tộc người Bách Việt. Ngay cả ở Trung Quốc hiện thời vẫn có sự phân biệt rất rõ giữa dân phương Bắc ở trên sông Hoàng Hà và dân phương Nam ở trên sông Dương Tử. Khi người phương Bắc tiến xuống phía Nam thì gặp điều kiện lãnh thổ, khí hậu, địa bàn, cư dân rất khác biệt. Vì vậy, họ vừa hành quân khó khăn, vừa gặp phải những sơn hệ tạo nên những trở ngại lớn.
Đời này qua đời khác, các đế chế trên đất Trung Hoa khi xua quân xuống phương Nam đều gặp sức kháng cự hết sức bền bỉ, quật cường! Rất nhiều lần, kẻ âm mưu nô dịch đã từng phải “kêu ca” rằng vùng cư dân ấy cứng đầu, “ngoan dân”, khuyên nên bỏ đi vì “có đánh được cũng không giữ được”, “lam sơn chướng khí”, cái nóng cái bệnh xứ “viêm hoang” sẽ giết dần quân sĩ. Đánh phương Nam trở thành nỗi kinh hoàng cay cực của người lính phương Bắc.
Có một câu chuyện đáng chú ý là trong quá trình đó, họ phải làm lương khô sẵn mang đi, trong đó có bánh bao, mà tiếng Trung Quốc gọi là màn thầu. “Màn thầu” có nghĩa là man đầu, nghĩa là cái đầu của người man. Nghĩa là họ phải giáo dục, kích động người lính của mình rằng khi ăn cái bánh ấy là ăn đầu người man, để họ có thêm tinh thần vượt qua khó khăn trong quá trình Nam tiến. “Ngũ Lĩnh chi ngoại” là ranh giới hàng nghìn năm từng được thừa nhận!
- Bằng nhiều phương thức, thủ đoạn và chính sách khác nhau, cuộc Nam tiến ấy đã thành công cho đến khi bị chặn lại ở miền Bắc Việt Nam bây giờ. Nhưng có điều, đấy là những thành công trong lục địa, trên những dải đất mênh mông. Còn khi phải hướng ra biển thì các vương triều phong kiến Trung Hoa lại phải đối diện với một vấn đề - một câu chuyện - một kết cục hoàn toàn khác, đúng không thưa giáo sư?
- Mặc dù Trung Quốc có dải bờ biển khá dài ở phía Đông và Đông Nam nhưng trong truyền thống cai trị của mình, họ chẳng tha thiết gì về biển. Cho nên 2 học thuyết cai trị phổ biến ở đây là Nho gia và Pháp gia thì đều là 2 lý thuyết trọng nông - “dĩ nông vi bản”. Tập trung lực lượng khai thác đất đai trong lục địa. Thế nên đã rất nhiều lần tôi nói nền văn minh Trung Hoa là một nền văn minh úp mặt vào đất.
- Ở thời nhà Minh, Trung Quốc đã có đô đốc Trịnh Hòa sử dụng những con tàu rất lớn để đi ra biển nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế thì đấy đơn giản chỉ là những chuyển đi thám hiểm chứ không phải là những cuộc viễn chinh đại dương. Cho nên cũng khó có thể nhìn vào câu chuyện của đô đốc Trịnh Hòa để khẳng định Trung Quốc vốn cũng có một truyền thống biển?
- Trịnh Hòa 7 lần xuống biển Nam, đi vòng quanh thế giới, trên dưới 10 năm. Ông ta đi và có đội chiến thuyền rất lớn. Nhưng đúng là ông ta đi kiểu khám phá thôi chứ chưa phải chinh phục. Cái quán tính của các triều đình “ôm đất” Trung Quốc chặn lại khát vọng biển, nếu có, của ông ta. Tôi muốn nói thêm rằng trong thập đại đế vương mà Trung Quốc chọn trong lịch sử của mình, duy nhất chỉ có người lập ra triều Minh - Chu Nguyên Chương, có gốc gác tạm gọi là phương Nam. Còn các ông/bà còn lại đều gốc phía Bắc. Cái trọng tâm của văn hóa chính trị Trung Quốc nằm ở đó.
- Gốc phương Bắc thì gắn chặt với quán tính lục địa và xa lạ với quán tính biển?
- Đúng rồi. Trên thế giới hiện có khoảng hơn 60 triệu người di cư gọi là Hoa kiều, tuyệt đại đa số tính cái gốc trước khi rời Trung Quốc vốn là dân Quảng Đông. Tức là về phía Nam, gần biển hơn. Trên đại thể, trên toàn cục, cái nhìn chính trị phổ quát của các triều đại Trung Quốc vẫn thiếu hụt nghiêm trọng cảm quan biển, tầm nhìn biển.
Cái này không phải tôi nói mà chính các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng nói. Tác giả cuốn Giấc mộng Trung Hoa, ông Lưu Minh Phúc, giáo sư, đại tá thuộc Học viện Quốc phòng Trung Quốc, mặc dù đã viết rất nhiều điều vống lên, không đúng sự thực thì cũng kiên trì khẳng định một luận điểm, dày đặc trong các chương: đó là văn minh Trung Quốc là văn minh lục địa, hướng nội, chứ không phải văn minh biển.
- Nhưng đấy là câu chuyện của quá khứ đã xa. Rồi đến một thời điểm khác, cũng ở trong quá khứ, họ chợt nhận ra là mình phải thay đổi, phải hướng về phía biển, đúng không giáo sư?
- Khi mà Trung Quốc bị 8 cường quốc thế giới đánh phá và bị phụ thuộc ở thế kỷ 19 - thế kỷ mà họ gọi là “quốc nhục” thì họ sau đó không cam chịu mà quyết vùng lên. Và họ phải có đội ngũ những nhà nghiên cứu để nhận thức lịch sử thế giới và lịch sử của mình. Kết quả là họ nhận ra cả 8 nước đánh vào mình chủ yếu đánh bằng đường biển. Họ cũng đủ tri thức để dần nhận ra rằng, từ thế kỷ 16 trở đi, ai muốn phát triển thành cường quốc thì trước hết phải thành cường quốc biển. Theo tôi, họ nhận thức về điều này hơi muộn cho nên tham vọng biển của họ bị níu lại.
Theo sự khảo sát của tôi, mãi tới năm 2009 những nhà cầm quyền của họ mới xác định là bằng mọi giá phải tiến xuống biển! Còn câu chuyện “tầm nhìn hướng biển” thì ở họ xuất hiện và cắm mốc đánh dấu từng bước, sớm hơn chừng vài chục năm và như thế Việt Nam chúng ta sẽ là nước bị ảnh hưởng đầu tiên. Họ gây ra những sự cố như xâm lấn từng mảnh lãnh hải, đảo và quần đảo với Việt Nam từ năm 1974, rồi 1988, với Philippines cũng trong những thập niên gần đồng thời...
Nhưng, Việt Nam là nước bị đe dọa nặng nề nhất, chủ quyền bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì Việt Nam là quốc gia lân cận, lại là kiểu quốc gia bán đảo, có đường bờ biển rất dài. Biển là không gian sinh tồn mang tính sống còn với Việt Nam. Hãy luôn ghi nhớ điều đó!
- Xin cảm ơn giáo sư!