Kỳ 1: Võ sĩ, nho sĩ và cái nhìn từ nước Nhật
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vinh, Nghiên cứu sinh khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, ĐH Harvard (Mỹ): Ở Harvard, các Giáo sư luôn yêu cầu học trò chất vấn mình trước khi chấp nhận mình
- Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc - Một thế kỷ đồng hành cùng văn hóa Việt
- Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Mỗi sáng, một cái bánh mì
Tại Việt Nam hiện nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương có lẽ là tác giả đương đại viết và dịch nhiều cuốn sách về Nhật Bản hơn bất cứ ai, từ giáo dục Nhật, văn hóa Nhật đến xã hội Nhật.
Thậm chí, khi ở Việt Nam nổi lên một vấn đề nổi cộm nào đó là trên trang facebook cá nhân của mình, anh lại đưa ra những đánh giá, so sánh với những vấn đề tương tự tại Nhật Bản, trong đó phải thừa nhận là có những so sánh thú vị, gợi mở một cách tiếp cận - một cách giải quyết vấn đề mới mẻ.
Anh còn nổi tiếng với biệt hiệu "Người bán sách rong" vì kể từ ngày giã từ công việc của một giảng viên dạy phương pháp dạy học lịch sử ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từ nhiều năm nay anh sống bằng nghề, biên tập, viết, dịch thuật tự do và sau đó cũng trực tiếp bán những cuốn sách của mình qua facebook hoặc trên những chuyến xe bus trong thành phố.
"Bán sách rong cũng như người đi câu vậy, có ngày chẳng bán được quyển nào nhưng cũng có ngày bán được cùng lúc cả trăm quyển" - anh chia sẻ với tôi trong một quán cà phê trên phố Đinh Lễ, sau khi vừa bước xuống từ một chiếc xe bus. Đấy là chuyến xe xuất phát từ quận Long Biên, nơi vợ chồng và hai con anh sống yên ổn trong một căn nhà đi thuê từ hai năm nay.
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, biết và quan sát anh từ nhiều năm nay, tôi tò mò là cơ duyên nào khiến anh gắn chặt với văn hóa Nhật Bản đến như vậy?
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương: Ngày xưa, tôi học Khoa sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong quá trình đó, có học một chút về lịch sử Đông Bắc Á, trong đó có lịch sử Nhật Bản nhưng lúc ấy cũng chưa thấy Nhật Bản có gì đặc biệt cả. Mãi sau này, khi đang làm giảng viên thì tôi bất ngờ nhận được học bổng sang Nhật Bản làm thực tập sinh 1,5 năm - tức là bước đệm để vào cao học và sau đó tôi học luôn thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Nhật Bản.
Chính quá trình đó, tôi gắn bó với nước Nhật. Cuộc gặp gỡ với nước Nhật là một cuộc gặp gỡ tình cờ không định trước. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ đó lại mở ra cho tôi nhiều thứ trong cả đời sống riêng tư và chữ nghĩa.
- Rất nhiều người Việt Nam hiện nay nói về Nhật Bản như một hình mẫu của sự phát triển, trong đó tôi ngờ rằng có những chỗ hoặc nói hơi quá, hoặc nói không chính xác. Xin hỏi rất thật là trước khi sang Nhật và sau khi sang Nhật thì nước Nhật trong anh thay đổi thế nào?
- Lần đầu tiên sang Nhật, đặt chân xuống sân bay thôi, tôi đã thấy nó hoàn toàn khác so với tưởng tượng của mình khi ở nhà. Mà kể cả sang Nhật 5-10 năm nhưng giữa một người biết tiếng Nhật và một người không biết tiếng Nhật thì cảm nhận về nước Nhật cũng hoàn toàn khác nhau. Bởi nước Nhật lạ ở chỗ, cái vỏ bên ngoài và cái lõi bên trong không mấy giống nhau.
Ví dụ như bên ngoài thanh niên Nhật ăn mặc rất hiện đại, quần ngắn, váy ngắn, nhuộm tóc nữa nhưng trong những gia đình trí thức người Nhật mà tôi tiếp xúc thì tôi thấy những thanh niên ấy vẫn giữ được nề nếp, gia phong truyền thống của đất nước mình.
Ngay cả ở một người Nhật bình thường, nếu để ý và sống đủ lâu một chút, người ta sẽ thấy sau dáng vẻ có vẻ lãnh đạm và cứng nhắc bề ngoài, rất có thể là một ý chí hay nội lực nào đó sục sôi ở phía trong. Đấy là lý do nhiều người khi mới tiếp xúc hoặc tiếp xúc không đủ lâu, hoặc không qua các trải nghiệm va chạm với họ thường nghĩ người Nhật có cái gì đó lạnh lùng, không tình cảm.
- Đấy! Vấn đề nằm ở chỗ đấy: Phải làm thế nào để họ vừa hiện đại, phát triển, vừa giữ được truyền thống, gia phong?
- Có rất nhiều lý do nhưng lý do quan trọng là họ có một nền tảng văn hóa cực kỳ vững chắc được liên tục xây dựng và cải tiến qua các thời kì lịch sử. Lật ngược lịch sử, chúng ta thấy Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa như Việt Nam mình nhưng trong khi mình chịu ảnh hưởng trong tư thế của người bị cai trị thì ngược lại, họ không bị cai trị. Ở một ý nghĩa nào đấy, họ đã tiếp cận văn minh Trung Hoa trong tâm thế của người tự do.
Khi chúng ta thoát khỏi ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta xây dựng mô hình nhà nước và hệ thống khoa cử về cơ bản giống người Hán, cũng dễ hiểu thôi, vì nó là cái duy nhất mà lúc đó chúng ta nhìn thấy trong thế giới quanh mình khi đó. Nhưng khi chúng ta chỉ nhìn thấy một mô hình mà không có điều kiện nhìn thấy những mô hình khác để đối chiếu, đối sánh thì trong vô thức, chúng ta không dễ gì nhận ra cái dở của mô hình ấy.
Kết quả là hệ thống khoa cử của chúng ta tồn tại đến cả ngàn năm, dẫn đến việc bị mô thức hóa về tư duy. Tức là có một mô thức cứ thế mà đi theo giống như một đường ray định sẵn có tính chất giống như là “định mệnh” và người ta sợ hãi khi nghĩ đến chuyện vượt thoát khỏi mô thức, đi lệch ra khỏi đường ray đó.
Lâu dần, thế hệ nọ tiếp nối thế hệ kia, cái dở đã biến thành cái hay, cái đơn nhất đã biến thành cái phổ quát. Nếp tư duy, phương thức hành động theo mô hình đó đã ngăn cản và bóp chết các ý tưởng đổi mới từ trứng nước hoặc không tạo ra được xúc tác cần thiết để cả cá nhân và cộng đồng thăng hoa vượt thoát về ý tưởng.
Nhưng ở Nhật Bản, vì tính chủ động trong việc tiếp nhận văn hóa Hán và các luồng văn hóa khác như tôi đã nói mà tinh thần vượt thoát khỏi khuôn mẫu để tạo ra những cái tinh xảo hơn so với khuôn mẫu là rất rõ.
Nhìn lại những sáng tạo của người Nhật như xe cộ, máy móc sẽ thấy đầu tiên là nó đều học nước ngoài, thậm chí trong một khoảng thời gian nhất định nó là mô phỏng sao chép rất máy móc nhưng sau đó nó vượt thoát và tinh tế hơn so với nước ngoài. Và khi đó, đến lượt mình, Nhật cạnh tranh quyết liệt với các ông thầy.
Ở Nhật, người ta chỉ sống được khi vừa lưu giữ những khuôn mẫu truyền thống, vừa phải cố gắng vượt thoát khỏi những khuôn mẫu truyền thống. Nó có vẻ như là một đặc điểm mang tính cốt lõi của văn hóa Nhật Bản.
- Thật ra thì mọi so sánh cũng đều tương đối thôi, vì mỗi đất nước có một hoàn cảnh lịch sử khác nhau rất nhiều. Nếu người Nhật có rất nhiều thời gian hòa bình để ngẫm ngợi và sáng tạo thì với người Việt thuở xưa, nỗi đau đáu lớn nhất là giữ nước. Trong bối cảnh đặc thù của mình, giữ được nước thôi đã là quá giỏi, lấy đâu ra thời gian để ngẫm ngợi và sáng tạo những điều khác nữa.
- Đấy là một nỗi đau. Một sự luyến tiếc, cũng là một câu hỏi day dứt đối với tôi và có lẽ nhiều người khác nữa. Ví dụ như trước cải cách Minh Trị, nước Nhật dưới thời Mạc phủ Tokugawa có cả gần 300 năm hòa bình tương đối để phát triển kinh tế, văn hóa, chuẩn bị nội lực khách quan cho duy tân Minh Trị. Còn chúng ta thì sao? Gần như suốt trong khoảng thời gian đó là chia cắt, phân liệt đất nước và nội loạn liên miên.
Tôi đồng ý là chúng ta tư duy rất tốt về việc sinh tồn, chống lại kẻ thù, còn ý thức về việc duy trì truyền thống và phả vào truyền thống một sức sống đương đại thì theo tôi đến đầu thế kỷ 20, lớp trí thức Tây học Việt Nam đã ý thức sâu sắc được điều này.
Lúc đó, do tiếp xúc với văn minh phương Tây, đội ngũ trí thức này hiểu rằng mình thua phương Tây ở cả góc độ văn minh nhìn ở những chiều kích sâu xa nhất, chứ không đơn giản chỉ là thua kém về tàu đồng, đại bác.
Những người như Phan Châu Trinh đã ý thức rất rõ điều này và ông cố gắng làm tất cả để người Việt hiểu điều này cho dù hoàn cảnh của ông và những người như ông rất nghiệt ngã ở rất nhiều phương diện. Số người có thể đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ và thậm chí là cả chữ Hán, chữ Pháp khi đó rất ít ỏi.
Truyền bá tư tưởng hiện đại trong một đất nước bị chiến tranh chà đi xát lại trong khoảng thời gian dài và dân chúng đa phần mù chữ thậm chí còn khó khăn hơn cả chuyện phải truyền bá dưới sự rình rập của máy chém. Phan Châu Trinh và những đồng chí của ông phải đối mặt với cả hai.
- Đám tang Phan Châu Trinh có hàng vạn người đưa tiễn nhưng hầu hết mọi người chỉ cảm thông ông như một chí sĩ đã hy sinh bản thân mình cho dân tộc thôi, chứ ít ai hiểu được tư tưởng của ông về việc xây dựng một nền văn hóa đích thực của người Việt, để đến một lúc nào đó có thể nói chuyện ngang bằng với người Pháp và đòi độc lập từ người Pháp.
Thời ấy, người ta không thể hiểu được rằng để xây dựng một nền văn hóa như thế thì vừa phải chống Pháp, vừa phải học Pháp. Chỗ này thì người Nhật khác ta đấy, cuối thế kỷ 19, khi Mỹ và châu Âu ép chính quyền Mạc phủ ký những hiệp định mở cảng biển và dành cho họ quyền lãnh sự tài phán... thì người Nhật bước đầu đã buộc lòng chấp nhận.
Họ hiểu rằng họ yếu hơn hẳn phương Tây nên phải chấp nhận để học phương Tây và sau khi học rồi, kiến tạo nội lực mạnh mẽ, ngang bằng với phương Tây thì sẽ quay ra nói chuyện sòng phẳng với phương Tây rồi đòi lại những gì đã mất vào tay các “liệt cường” trước đó.
- Anh làm tôi nhớ đến một câu trong tác phẩm "Bàn về văn minh" của Fukuzawa mà tôi bị ám ảnh mãi: "May thay, Phó Đề đốc Perry đã đến!". Ai cũng biết Perry là một viên tướng xâm lược, thế mà một người Nhật yêu nước điển hình như Fukuzawa lại bảo là "may thay", phải chăng vì với sự nhạy cảm thời cuộc của mình, những người như Fukuzawa hiểu rằng phía sau thuốc súng của Perry là cả một nền văn minh?
- Chuyện "may thay Đề đốc Perry đã đến" cũng giống như chuyện sau này có người nói thất bại của người Nhật trong Thế chiến thứ hai lại là một "may mắn". Vì sao thế? Lý do là người ta sẽ không thể tự cải cách nếu không có 2 cái lực sau đây. Thứ nhất là lực nội sinh, đến từ những con người có tư tưởng cải cách ở bên trong một quốc gia.
Nhưng, với những quốc gia mà tầng lớp tinh hoa, mang đầu óc cải cách chỉ là một nhóm nhỏ thì cái lực nội sinh này dễ lạc lõng và cô độc lắm. Nước Nhật giữa thế kỷ 19 đã có khoảng 500 học giả đọc thông viết thạo tiếng phương Tây và khoảng 40-50% dân số biết chữ, tức là đội ngũ tinh hoa, mang đầu óc cải cách của họ là không nhỏ nhưng tầng lớp bảo thủ lại nắm quyền chính trị và quân sự.
Cho nên, mặc dù tiếng nói ngôn luận của đội ngũ tinh hoa là có thật thì nó cũng không thể giành được thế chủ động. Khi đó giữa bên cải cách và bên bảo thủ vẫn ở thế giằng co. Tuy nhiên, khi kẻ thù đến, quyền lợi dân tộc bị xâm phạm thì cải cách hay bảo thủ cũng đều phải trả giá như nhau.
Cho nên khi kẻ thù - Đề đốc Perry đến, ngay cả những người bảo thủ nhất trong chính quyền Mạc phủ đều hiểu rằng số phận nước Nhật sẽ kết thúc nếu tất cả không làm một điều gì đó. Tức là, kẻ thù lại là cái lực thứ hai buộc mình phải cải cách.
- Rất nhiều người Việt Nam lâu nay thường so sánh rằng, đứng trước kẻ thù phương Tây, người Việt Nam và người Nhật đã ứng xử theo 2 cách khác nhau. Nếu triều đình Mạc phủ mở cửa với phương Tây và hiểu rằng vừa phải đánh giặc, vừa phải học giặc thì triều đình nhà Nguyễn lại nhìn về phương Tây một cách cực đoan, chống giặc cực đoan, từ đó mất nước đến gần 100 năm.
Nhưng, theo tôi, so sánh như vậy không ổn vì chế độ chính trị giữa hai nước khác nhau lắm. Trong khi ở Việt Nam là một chế độ trung ương tập quyền, triều đình Huế quyết từ A đến Z thì ở Nhật Bản lại là chế độ mà quyền lực thực sự nằm ở các lãnh chúa địa phương.
Chính vì vậy các địa phương ở Nhật có tính tự chủ cao hơn, có thể mở cửa, hợp tác với phương Tây dễ dàng hơn. Giả như Việt Nam lúc đó cũng có một chế độ như thế thì những đầu óc canh tân như của Nguyễn Trường Tộ chắc chắn đã có đất phát huy tác dụng và số phận dân tộc có thể đã khác rồi. Anh nghĩ thế nào?
- Trong chế độ phong kiến tán quyền kiểu Nhật Bản lúc đó thì tướng quân dù có quyền lực bao trùm nhưng không trực tiếp quyết định số phận từng người dân trong từng lãnh địa nhỏ. Người dân chỉ sợ quyền lực trực tiếp của các lãnh chúa ở lãnh địa của mình mà thôi.
Và quan trọng nhất của mô hình này là nó tạo ra trong lòng dân chúng một tâm thức kẻ có quyền lực (Mạc phủ) chưa chắc đã là người cao quý (hoàng gia - Thiên hoàng). Mạc phủ cho dù có quyền lực nhưng không thể trở thành thực thể tuyệt đối, thần thánh, “bất khả tư nghị”. Trong khi đó, đối với dân chúng và Nho sĩ nước ta khi đó vua - triều đình là tuyệt đối đúng, tuyệt đối phải trung thành.
Trước duy tân Minh Trị, Nhật cũng có một thời kỳ gọi là "tỏa quốc", tức là đóng cửa đất nước nhưng lúc đó họ không đóng cửa trên toàn lãnh thổ như ta vẫn tưởng mà lại để cho người Hà Lan và người Thanh (Trung Quốc) vào giao thiệp, buôn bán ở Nagasaki.
Cho nên, dù lo ngại phương Tây, họ vẫn có cơ hội tiếp cận và học hỏi trực tiếp từ người phương Tây. Mà nếu như ở Nhật Bản những người thông thạo tiếng phương Tây và quan tâm đến phương Tây là những học giả như Fukazawa thì ở Việt Nam cùng thời điểm, Phan Đăng có biết những người quan tâm đến phương Tây và có khả năng tiếp xúc với người phương Tây chủ yếu là ai không?
- Là những nhà hoạt động tôn giáo!
- Đúng thế! Cho nên mối quan tâm của hai đối tượng này khác nhau. Những người tôn giáo nghiên cứu phương Tây chủ yếu là để phổ biến giáo lý, phát triển giáo hội, còn những học giả quan tâm đến phương Tây là quan tâm đến sự phát triển của văn hóa, văn minh phương Tây.
Ở Việt Nam, người có mối quan tâm đến cả hai phương diện này là Nguyễn Trường Tộ. Tuy nhiên, chính sự “song trùng” này ở ông lại là một sự bất lợi lớn nếu xét ở góc độ “cách mạng”. Sự liên quan đến tôn giáo và mối quan hệ nhạy cảm với các giáo sĩ Pháp của ông làm cho uy tín của ông trước dân và triều Nguyễn yếu đi.
Điều này giải thích vì sao người phương Tây nói chung và người Pháp nói riêng vào Việt Nam từ khá sớm nhưng phải đến tận đầu thế kỷ 20 mới có một lớp học giả Việt Nam đọc thông viết thạo tiếng Pháp. Tại sao trước đó các Nho sĩ chúng ta không học?
Những người phiên dịch đầu tiên trong các hiệp ước giữa triều đình phong kiến Việt Nam và Pháp hầu hết là các cố đạo hoặc con chiên, trong khi ở Nhật là tầng lớp trung gian, là học giả hoặc chí ít cũng là thương nhân. Điều này nói lên rằng: giới sĩ phu Việt Nam có nhãn quan và sự nhạy cảm về thời cuộc là khá yếu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng. |
- Tôi lại thấy một nhận định như thế có phần thiếu thận trọng thì phải. Vì nếu sĩ phu Nhật Bản là sĩ phu của một đất nước được tạo lập bởi những hòn đảo nằm độc lập giữa biển thì sĩ phu Việt Nam lại là sĩ phu của đất nước nằm ngay sát sườn một phương Bắc giàu tham vọng.
Cho nên cả ngàn năm lịch sử, nếu sĩ phu Nhật Bản có điều kiện sáng tạo những giá trị nền tảng về tư tưởng, thể hiện ở việc họ làm mới Phật giáo và Nho giáo thì điều choán ngập đầu óc sĩ phu Việt Nam là phải làm thế nào để tồn tại độc lập bên cạnh người phương Bắc.
Đặc điểm truyền thống ấy dẫn tới việc khi cùng đối diện với một cái mới toanh thì độ nhạy cảm của hai đội ngũ sĩ phu tất yếu phải khác nhau. Tôi hiểu là không nên tuyệt đối hóa yếu tố vị trí địa lý của một quốc gia trong việc hình thành tính cách đội ngũ sĩ phu của quốc gia ấy nhưng nếu phủ nhận hoàn toàn yếu tố này thì tôi e là không đầy đủ trong việc đưa ra các nhận định, thưa anh!
- Vị trí địa lý với Việt Nam chúng ta đúng là một định mệnh. Nhưng với một định mệnh như thế thì lẽ ra ngay từ rất sớm giới tinh hoa của chúng ta cần nhìn ra một hướng đi mới bên cạnh việc hướng xuống phía Nam, đó là hướng ra biển.
Lẽ ra từ thời Lý, thời Trần, chúng ta cần có ý thức xây dựng hạm đội, nhìn ra biển khơi, quan hệ với các nước hải đảo... Nhưng, có lẽ chúng ta đã dùng quy chuẩn của văn hóa Hoa Hạ để quy chiếu mọi vấn đề, cho nên những ai khác với văn hóa Hoa Hạ, không biết đến lễ nghĩa Nho giáo thì chúng ta dễ quy kết là man di.
Nói một cách công bằng thì võ sĩ Nhật cũng từng quy kết phương Tây là man di. Tuy nhiên, võ sĩ có chỗ thực tế hơn Nho sĩ. Hai ông Nho sĩ ngồi cãi nhau, rất khó thừa nhận ai giỏi hơn ai nhưng với hai võ sĩ, tuốt gươm ra thì mọi chuyện rõ ràng.
Ở Nhật thời phong kiến hoàn toàn không có con đường khoa cử. Làm quan ở Nhật thời đó là những người có dòng dõi quý tộc, những người được tiến cử hoặc những người chứng tỏ được giá trị của mình qua thực tiễn chiến đấu. Cho nên cái tinh thần võ sĩ thấm vào họ và tạo nên một khác biệt rất lớn so với các nước khác. (Còn tiếp)
Kỳ 2: “Giác ngộ cá nhân là điều quan trọng hơn tất cả”.