Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vinh, Nghiên cứu sinh khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, ĐH Harvard (Mỹ):

Ở Harvard, các Giáo sư luôn yêu cầu học trò chất vấn mình trước khi chấp nhận mình

Thứ Sáu, 12/04/2019, 17:01
Anh là một nhà nghiên cứu văn học sử rất đặc biệt, nhìn từ cả góc độ những đề tài nghiên cứu mà anh theo đuổi hàng chục năm qua lẫn góc độ sự nghiệp học thuật khi anh là nghiên cứu sinh ở Đại học Harvard (Mỹ) từ 20 năm trước nhưng đến tận 20 năm sau vẫn chưa làm xong luận án tiến sĩ.

“Phải nói là tôi đã đi qua hết tất cả các khâu, chỉ còn nốt cái luận án, thế mà đến bây giờ vẫn chưa xong. Mà cũng chưa biết khi nào mới xong” - anh thổ lộ. 

Rồi anh tự nhận mình là một trong những trường hợp học Harvard mà khi ra đời không thành công, nếu hiểu thành công ở phương diện bằng cấp hay chức tước. Nhưng, có một điều chắc chắn là anh nhận được sự tôn trọng của giới nghiên cứu văn học sử ở cả Mỹ lẫn Việt Nam nên vẫn được mời tham gia những hội thảo quốc tế ở lĩnh vực nghiên cứu của mình.

Đỗ cùng lúc 8 trường đại học danh giá nhất nước Mỹ

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa anh Nguyễn Quốc Vinh, nói điều này anh đừng giận, nhưng đây là lần đầu tiên tôi biết đến trường hợp một người làm nghiên cứu sinh tới 20 năm vẫn chưa xong.

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vinh: (cười) Nói chính xác thế này: Tôi sang Mỹ từ cuối trung học phổ thông, sau đó vào học ở Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á tại Harvard, sau đó học tiếp thạc sĩ chuyên ngành Khu vực học Đông Á và sau đó làm nghiên cứu sinh. 

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi đang làm nghiên cứu sinh thì tôi về Việt Nam sống và nghiên cứu khoảng 3 năm, rồi sau đó quay lại Mỹ. Nhưng khi quay lại Mỹ thì tôi bị hụt hẫng và thấy mình bị bật khỏi quỹ đạo của đời sống bên Mỹ. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu chỉ ở Việt Nam khoảng 1 năm thôi, rồi sớm quay lại thì có lẽ sẽ không bị ảnh hưởng khủng khiếp như thế (cười...). 

Quãng thời gian đó, tôi có một số chuyện cá nhân nữa nên khi trở lại Mỹ thì như người bị bật khỏi đường ray... Thế là tôi khủng hoảng và bỏ ngang luôn.

- Bỏ ngang trong bao nhiêu năm ạ?

- Khoảng gần mười năm. Mười năm ấy tôi hầu như không sinh hoạt học thuật nữa.

- Mười năm ấy, anh chuyển nghề?

- Tôi làm nghề tay trái là dịch thuật. Mà tôi lại là người thuận tay trái, nên tôi hay nói vui là nghề tay trái cũng là nghề tay phải luôn. Tôi chỉ chính thức quay lại với đời sống học thuật khoảng 7-8 năm nay, vì thế hiện nay tôi là người học hàm không có, học vị cũng không.

Ở bên Mỹ, nếu không phải tiến sĩ thì không thể giảng dạy đại học nên tôi cũng không đi dạy. Tôi bây giờ chỉ là một người nghiên cứu thuần túy nhưng may mắn là tôi lại được các thầy và bạn bè đồng nghiệp rất quý mến. 

Ở đây, người ta quý mến mình, tôn trọng mình vì khả năng của mình, chứ không phải vì mình có bằng nọ bằng kia. Thầy của tôi vừa về hưu, những bạn học của tôi ở trường Harvard giờ cũng đã thành những tiến sĩ, giáo sư danh tiếng ở nhiều trường đại học tại Mỹ, còn những bạn đồng niên ở Việt Nam giờ cũng đã trở thành những cây đa cây đề trong lĩnh vực của họ rồi...

Ở Harvard, các Giáo sư luôn yêu cầu học trò chất vấn mình trước khi chấp nhận mình.

- Những sinh hoạt học thuật cụ thể của anh bây giờ diễn ra như thế nào?

- Lâu lâu, các trường đại học hay hiệp hội nghiên cứu tại Mỹ có tổ chức những hội thảo liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của tôi về văn học và lịch sử, họ có mời tôi. Giờ trung bình mỗi năm tôi tham gia khoảng 1-2 hội thảo khoa học như vậy.

- Có tiền thù lao chứ ạ?

- Không! Không! Nhiều lắm thì họ đài thọ đi lại ăn ở thôi, chứ cái này không phải để kiếm tiền. Nghề kiếm tiền của tôi giờ vẫn là nghề dịch. Và tôi lấy cái đó để nuôi con đường học thuật của mình.

- Hãy quay lại quá khứ của anh nhé, thời mà anh nộp đơn thi tuyển vào Harvard - một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới, giấc mơ lớn của rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay, tôi tò mò là anh đã đỗ Harvard như thế nào?

- Bây giờ nghĩ lại, không hiểu sao ngày ấy mình vào được Harvard. Ở bên Mỹ, người ta nộp đơn vào đại học từ đầu năm học lớp 12, sau đó trải qua rất nhiều các giai đoạn, như xét duyệt, phỏng vấn, chứ không phải chỉ trải qua một kỳ thi đại học như ở Việt Nam. 

Trường nào cũng thế. Các trường càng danh giá thì quy trình này càng khắc nghiệt. Mà ở phổ thông, tôi chỉ học ở một trường công lập giống như kiểu “trường làng” trong một quận nhỏ ở New York. Trước tôi, chưa có bất cứ học sinh nào ở trường này dám nộp đơn vào 8 trường đại học trong Liên đoàn Ivy danh giá ở nước Mỹ cả. Cho nên khi tôi nộp đơn thì ai trong trường cũng bất ngờ. Nhưng tôi bảo cứ nộp cầu may thôi, chẳng mất gì cả.

À, kể ra về nguyên tắc thì có mất lệ phí và với một gia đình khó khăn, mới chân ướt chân ráo sang Mỹ hơn một năm như gia đình tôi thì lệ phí nộp đơn là một vấn đề nan giải. Nhưng rất may, hoàn cảnh của gia đình tôi lại được người ta thông cảm nên được miễn toàn bộ lệ phí. Thế là tôi không chỉ nộp đơn vào Harvard mà nộp luôn vào một loạt trường danh giá khác như Yale, Columbia... 

Kinh ngạc là sau đó, ngoài 2 trường kỹ thuật là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Viện Công nghệ California (Caltech) thì cả 8 trường danh tiếng trong Liên đoàn Ivy đều nhận tôi.

- Trời! Phải có một nguyên cớ thật sự gì phía sau điều kỳ diệu này chứ?

- Thế này, khi tôi sang Mỹ, lúc đó theo tuổi thì đáng lý ra phải học lớp 12 nhưng do những hoàn cảnh riêng, không được đi học sau cấp 1 mà tôi không có học bạ ở Việt Nam, tiếng Anh cũng chưa phải là quá tốt, nên xin học muộn đi 1 năm, tức là học lớp 11, để có cơ hội chuẩn bị nộp đơn vào đại học. 

Tôi học toán - lý - hóa rất giỏi, không hẳn vì tôi thông minh hơn các bạn Mỹ mà vì mình đam mê, cần cù và đã được dạy kèm toán - lý - hóa ở Việt Nam rất vững, trình độ các môn toán - lý - hóa ở bậc phổ thông Việt Nam thì nặng hơn và cao hơn ở Mỹ rất nhiều. Thế là tự nhiên tôi có được những điểm số rất cao. 

Trường của tôi lại ưu ái tôi đến mức, lấy điểm trong một năm học làm luôn điểm số hồi tố của các năm học trước, do vừa nói với anh, trước đó tôi không có học bạ ở Việt Nam mà. Kết quả là sau 2 năm tôi đã đỗ tốt nghiệp thủ khoa.

Thêm nữa, khi xét duyệt hồ sơ của tôi, có lẽ các trường đều nhận thấy tôi là kiểu học sinh nghèo vượt khó và với họ, đấy là một điểm cộng quan trọng nữa để họ quyết định xem tại sao mình lại đầu tư cho học sinh này mà không đầu tư cho học sinh khác.

Cú sốc và bài học lớn ở Harvard

- Với tất cả những sự đặc biệt đó, anh đã lọt vào “con mắt xanh” của cả 8 trường đại học danh giá nhất nước Mỹ và cuối cùng anh chọn lựa Harvard?

- Đúng rồi, cuối cùng tôi vào học khoa toán ở Harvard.

- Một nhà nghiên cứu văn học như anh hóa ra lại khởi đầu ở khoa toán ư? Tôi hơi bất ngờ!

- Đấy, tôi chọn khoa toán và anh biết điều gì đã xảy ra không? Chỉ học sau 1 năm thì tôi chết ngóm luôn. Đến lúc này tôi mới nhận ra hồi học cấp 3 ở “trường làng” New York, mình giống như một con cá lớn trong cái ao nhỏ, còn vào đây mới hiểu mình chỉ là cá nhỏ trong biển lớn.

Lúc ấy một bước ngoặt xảy ra, khi tôi ở nội trú với một cậu bạn học ở khoa Anh và cậu ta đang học một lớp chuyên về những vở kịch của Shakespeare thì tôi thấy cậu ấy say mê kinh khủng. Tò mò, tôi ghi danh vào học thử thì chính tôi cũng thấy say mê. Không ngờ, tôi trầy trật khi học toán thì sang đây lại đạt toàn điểm A. 

Nhờ điều này mà mặc cảm về ngôn ngữ trước đó của tôi được xóa tan. Cái ý nghĩ, mình không phải người Mỹ, không thể dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ nên không đủ tinh tế về ngôn ngữ để đi theo khoa học xã hội và nhân văn được xóa sạch hoàn toàn. Thế là tôi quyết định chuyển hẳn sang ngành nhân văn, cụ thể là vào học Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á. Sau 3 năm tôi đỗ hạng ưu (magna cum laude).

- Chứ không phải tối ưu?

- Mỗi năm Harvard tuyển khoảng 1.600 sinh viên thì sau đó chỉ có khoảng 1% hay 2% trong số này tốt nghiệp hạng tối ưu (summa cum laude). Còn đỗ hạng ưu (magna) thì khoảng 10%. Sau tốt nghiệp, tôi học tiếp lên thạc sĩ rồi ở lại làm nghiên cứu sinh, tổng cộng quãng thời gian tôi ở Harvard là 14 năm liên tục.

- Bây giờ nhìn lại, anh thấy bài học lớn nhất mà mình học được ở Harvard là gì?

- Đó là tư duy độc lập và chủ động. Phải luôn biết cách chất vấn và phê phán tất cả những gì mình tiếp nhận. Ở Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo trước đây buộc người học phải kính thầy chứ không được cãi thầy. 

Thế nhưng ở Mỹ, tôi thấy người thầy tôn trọng người học như một người đang đi cùng đường với mình. Người thầy là người đi trước và đã đi được một quãng xa hơn nhưng về cơ bản là người đồng hành với người học chứ không phải người đứng trên người học. Cho nên ở đây, ai cãi thầy và cãi giỏi lại được đánh giá cao. Các thầy tôi học đều khuyến khích sinh viên chất vấn mình trước khi chấp nhận mình.

- Anh cũng thường xuyên “cãi” thầy chứ?

- Hồi đấy, tôi là một cậu sinh viên ngựa non háu đá khá bướng bỉnh nên luôn muốn nghĩ, muốn làm cái gì đó khác thầy. Ở Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á,  thầy ruột của tôi là một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Trung Quốc. 

Tôi nói với thầy rằng nếu tôi cũng nghiên cứu sử thì cũng rập khuôn đi trên một con đường giống thầy, cho nên tôi lại không làm luận văn về đề tài lịch sử thuần túy mà là đề tài về lịch sử văn học.

Phải tạo nên những đối thoại học thuật quốc tế

- Với một người thích “cãi” như anh, chắc đề tài của anh cũng không đơn giản?

- Luận văn cử nhân của tôi nói về tác phẩm Cung oán ngâm khúc, trong đó tôi lật lại vấn đề: tại sao người ta cứ gán Nguyễn Gia Thiều là tác giả của tác phẩm này? 

Tôi nghiên cứu thấy trước năm 1930, không có bất cứ văn bản Hán Nôm hay Pháp ngữ nào nói ông Nguyễn Gia Thiều là tác giả cả. Thậm chí có văn bản Hán Nôm còn bảo tác giả là Nguyễn Công Trứ. 

Tất nhiên, mặc dù văn bản Hán Nôm ghi rành rành tác giả là Nguyễn Công Trứ như thế nhưng khó tin lắm vì thật ra có một giai đoạn các cụ nhà mình được người Pháp thuê chép sách Hán Nôm cho Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) và họ trả tiền chép theo số lượng chữ nên không loại trừ khả năng các cụ chép cho nhanh để kiếm tiền, từ đó có thể là chép bừa, chép ẩu.

Nhưng Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Công Trứ hay ai khác mới đích thực là tác giả của Cung oán ngâm khúc với tôi không quan trọng. Tôi không làm công việc của một “thám tử” để truy ra câu trả lời cuối cùng rồi khóa sổ không còn gì để bàn cãi. Như vừa nói, điều tôi muốn nghiên cứu ở đây là tại sao không có chứng cứ rõ ràng về mặt văn bản học nhưng người ta vẫn muốn ghép nhân vật Nguyễn Gia Thiều là tác giả của Cung oán ngâm khúc và tại sao người ta dùng tiểu sử của Nguyễn Gia Thiều để lý giải nhiều vấn đề trong tác phẩm này? 

Ngược lại, tại sao người ta sử dụng hình tượng một cung nữ bị ghẻ lạnh trong Cung oán ngâm khúc để giải mã về cuộc đời, tiểu sử của một người như Nguyễn Gia Thiều? Phía sau việc này liệu có những diễn ngôn gì, những nỗi niềm gì, những ký thác gì không? Ngay từ rất sớm trong cuộc đời nghiên cứu của mình, tôi đã mang tư duy phê phán vào những câu chuyện đằng sau của những câu chuyện lịch sử, theo cách đó.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vinh, Nghiên cứu sinh khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, ĐH Harvard (Mỹ).

- Tôi hiểu và đồng cảm với cách nhìn nhận của anh. Ở đây, chúng ta thấy Nguyễn Gia Thiều là nam giới, còn nhân vật chính trong “Cung oán ngâm khúc” là một cung nữ, một nữ giới. Đúng là phải có một diễn ngôn, một nỗi niềm, một ký thác cụ thể nào đó của người đương thời, phải không anh?

- Đúng rồi! Tại sao lại gán ghép một tác giả là nam giới cho một tác phẩm mà ở đó nhân vật chính là nữ giới với một nỗi niềm, một giọng kể thuần nữ giới? 

Không riêng gì trường hợp Cung oán ngâm khúc mà còn nhiều tác phẩm khác, ngay như Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn... cũng có hiện tượng y như thế này. Những năm gần đây, tôi thấy ở Việt Nam cũng có người nghiên cứu hiện tượng này, gọi là “nhà Nho lại cái”, tức là những tác giả nam nhưng lại mượn giọng nữ để sáng tác.

Đây cũng không phải là hiện tượng riêng trong văn chương Việt Nam mà đã rất thịnh hành từ giai đoạn thơ văn lục triều vào khoảng thế kỷ thứ 3 đến thứ 6 sau Công nguyên ở Trung Quốc.

Giai đoạn ấy, người ta dùng văn học như một công cụ chính trị, qua việc mượn lời nhân vật nữ, người ta thể hiện mối tương quan chính trị của một bầy tôi so với các đấng quân vương. Nhờ thế một mối quan hệ vốn rất bất đối xứng sẽ được thăng hoa. Và trong nghiên cứu của tôi thì tôi gọi đấy là hiện tượng nhục dục hóa chính trị và chính trị hóa nhục dục.

- Xin cắt lời anh ở đây để hỏi một điều và hy vọng anh không tự ái. Không phải bây giờ, từ rất lâu rồi tôi vẫn nghe về việc rất nhiều trí thức Việt Nam khi ra làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài lại làm những đề tài mà thật sự là... chỉ ở Việt Nam mới rõ. Ví dụ như có một vị tiến sĩ nọ làm nghiên cứu sinh văn chương ở nước Nga về đề tài “Truyện Kiều”. Tôi tò mò là các học giả Nga, dù có uyên bác và xuất sắc tới đâu chăng nữa cũng không thể hiểu về “Truyện Kiều” bằng những nhà nghiên cứu Việt Nam và những cuộc bảo vệ đề tài như thế này có đến 99,99% người bảo vệ sẽ... thành công rực rỡ. Xin nói lại, đây chỉ là một thắc mắc riêng của cá nhân tôi và tôi không dám chắc là nó đúng. Quan điểm của anh như thế nào?

- Theo tôi, nghiên cứu sinh nên phát huy những gì là sở trường của mình. Nếu mình hiểu biết sâu nhất về vốn văn hóa của mình thì mình nên trình bày nó ra trước cộng đồng học thuật quốc tế. Bởi thật ra trong cộng đồng học thuật quốc tế, ai cũng có một lĩnh vực ruột, sở trường của riêng mình. 

Vấn đề nằm ở chỗ, khi mình trình bày nó ra thì nó có làm nảy sinh những đối thoại học thuật mang tính quốc tế hay không? Nếu có thì nó vẫn có những ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng học thuật quốc tế. Ví dụ, chúng ta có thể trình bày một vấn đề văn chương thuần túy của Việt Nam nhưng vấn đề này lại có những tương đồng nào đó với văn chương của một số nước nào đó thì nó vẫn gợi mở những đối thoại học thuật thú vị. 

Khi đó, cộng đồng quốc tế sẽ thấy là cùng một vấn đề nhưng ở Việt Nam thì có đặc thù này, ở Nhật Bản thì có đặc thù khác, ở Trung Quốc lại có một đặc thù khác nữa. Ngoài ra, trong rất nhiều trường hợp, tôi thấy phương pháp tiếp cận vấn đề, cách thức tiếp cận vấn đề, chứ không phải bản thân nội dung vấn đề mới là điều quan trọng.

- Vâng! Chìa khóa ở đây là “đối thoại học thuật” anh nhỉ. Mình nói vấn đề của mình để tạo ra sự đối thoại với cộng đồng học thuật quốc tế thì rất tốt nhưng nếu mình nói vấn đề của mình theo kiểu “cố đấm ăn xôi” vì biết chắc là chỉ có một mình mình hiểu sâu xa tường tận thì lại rất không nên. Nhưng anh Vinh này, trở lại với đề tài về “Cung oán ngâm khúc” mà anh bảo vệ ở Harvard, tôi vẫn tò mò muốn biết là khi đó, những người tham gia hội đồng của anh là những người như thế nào?

- (Cười tủm tỉm...). Có hai người chấm luận văn tốt nghiệp của tôi, một là người thầy ruột tận tụy của tôi là giáo sư sử học Hồ Huệ Tâm - con gái cụ Hồ Hữu Tường - và hai là giáo sư Stephen Owen, một siêu sao trong lĩnh vực nghiên cứu Đường thi.

- Anh Vinh này, xin hỏi anh một câu nữa thôi. Phần lớn những người học ở Harvard ra trường đều có một sự nghiệp vẻ vang, thậm chí có những người phải nói là công thành danh toại. Chúng ta vẫn thường nhìn vào và ngưỡng mộ những người như thế. Nhưng là một người có tới 14 năm liên tục gắn bó với Harvard, anh có nhìn thấy những trường hợp nào dù học ở Harvard mà sau này vẫn ra đời lỡ dở hay không?

- Tôi! Tôi là người tiêu biểu đây! Học Harvard ra nhưng anh thấy đấy, tôi lận đận. Còn nói về sự thành công, tôi nghĩ thành công là thước đo riêng của mỗi người. Nếu mà đo bằng thước đo địa vị, học vị, tôi không thành công. 

Nhưng ngược lại, nhờ Harvard, tôi thấy có những cánh cửa về mối quan hệ bạn bè - đồng nghiệp được mở ra và nó giúp tôi được phát triển mở mang hơn rất nhiều. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy thật ra ở trong một môi trường như Harvard, từ trong nội tâm mình cũng có một sức ép rất mạnh. 

Có những lúc nó mạnh quá, nó căng thẳng quá và nó khiến mình suy sụp. Chính tôi đã bị trầm cảm, bị khủng hoảng tinh thần... và do đó đã có một giai đoạn bỏ trường tới 10 năm như đã kể với anh ở trên.

Nhưng rồi khi xa trường thì lại nhớ và muốn quay trở về con đường học thuật. Và lần trở về này, mình thấy mình bình tĩnh hơn, sâu sắc hơn. Vì lần này, mình đã chín chắn nhận ra được những cái đúng là mình muốn làm, chứ không phải những cái mà mình buộc phải làm.

- Xin cảm ơn anh!

Dân tộc mình từng có những giấc mộng dở dang

- Tôi đã nghe thuyết trình khoa học rất ấn tượng của anh về nhân vật Quang Trung - Nguyễn Huệ, với chủ đề: “Từ tử thù triều đại đến anh hùng dân tộc”. Xin hỏi, anh đã nghiên cứu nhân vật này trong bao nhiêu năm rồi?

- Hơn hai mươi năm! Và trong hai mươi năm đó có một sự biến đổi lớn trong nhận thức của tôi. Thoạt tiên, khi về Việt Nam, hướng nghiên cứu của tôi là đi tìm những diễn ngôn về Quang Trung để xem có thể tiếp tục giới thiệu, ca ngợi ông với thế giới như thế nào.

Nhưng sau 10 năm, thu thập biết bao nguồn tài liệu để nghiên cứu thì tôi nhận ra đây là nhân vật điển hình cho một giấc mộng dở dang. Và khi nhận ra điều đó thì chính tôi bị sốc.

- Giấc mộng dở dang?

- Theo tôi, Quang Trung là một trong những nhân vật có sức sống mãnh liệt nhất trong lịch sử dân tộc, bởi vì ông là biểu tượng của một nhân vật dở dang của dân tộc Việt. Quang Trung muốn mở ra một cái mới, vượt tầm hơn hẳn những thứ giá trị cũ kỹ từ quá khứ vốn đang kéo ngược mình trở lại và bước đầu ông nhận thấy mình có những cơ sở để làm điều đó nhưng sau đó ông lại mất trên đỉnh cao vinh quang. 

Bao nhiêu thế hệ người Việt về sau gửi gắm những tâm sự, những kỳ vọng, những ước mơ của mình vào hình tượng Quang Trung. Bản thân tôi cũng đồng cảm với hình tượng dở dang này, có lẽ vì chính mình cũng đang dở dang trên con đường học thuật công danh, mặc dù có nhiều người thân thỉnh thoảng cũng chạnh lòng quở trách tôi rằng nghĩ thế là nghĩ quẩn, “một điều là một vận vào khó nghe”!

Với tôi, hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ có thể so sánh với một hình tượng vốn cũng tồn tại rất sâu sắc trong tâm thức người Việt, đó là hình tượng Thúy Kiều. Đó đều là những hình tượng dở dang, tài mệnh tương đố. Sự khác biệt giữa hai hình tượng này ở chỗ, nếu sự dở dang trong cuộc đời nàng Kiều được lý giải hoàn toàn do thuyết định mệnh và vì thế nó là một sự dở dang bị động thì với hình tượng Quang Trung - ngay trong sự dở dang tiêu cực vẫn có một tia hy vọng tích cực: đó là sự dở dang này không phải do thất bại hay bất tài mà do hoàn cảnh và sự việc ngoài ý muốn. 

Hình tượng bi hùng của Quang Trung - Nguyễn Huệ mang âm hưởng sâu lắng trong tâm thức hiện đại của người Việt, như là hiện thân của sự căng thẳng mang tính biện chứng giữa những ràng buộc của quá khứ và khát vọng của tương lai. 

Không chỉ là biểu tượng cho chuỗi vinh quang dở dang của quá khứ mà còn là lời hứa hẹn cho bước tiến bộ chưa thực hiện, những hoài bão chưa đạt được và những mộng ước chưa thành. Thông qua hình tượng này, người Việt vẫn có thể gửi gắm vào đó những giấc mơ lớn, để tự an ủi mình và cố gắng vượt thoát khỏi sự dở dang của số phận.

Những yếu tố này đã góp phần không nhỏ vào việc huyền thoại hóa nhân vật Quang Trung - Nguyễn Huệ theo nhiều hoàn cảnh và hệ nhận thức khác nhau trong hơn hai thế kỷ qua.

Phổ biến và gần gũi nhưng lại phức tạp và dễ ngộ nhận, nhân vật Quang Trung đã vượt thời gian và không gian của mình để trở thành một hiện tượng văn hóa và di chỉ kí ức cho dân tộc và đất nước Việt Nam hiện đại. 

Nó đòi hỏi ở chúng ta một tư duy và cách tiếp cận mới, thay vì cứ truy tìm một cách cực đoan và lạc hướng về một chân diện mục của Nguyễn Huệ hay một ý nghĩa đích thực cho những di sản và bài học của ông, một cuộc theo đuổi đã tốn bao công sức và cảm xúc của bao thế hệ kế tục.

Có lẽ sẽ thận trọng và hữu hiệu hơn nếu chúng ta bắt đầu nhìn nhận và tìm hiểu tiến trình song đôi của sự hình thành diễn ngôn và sản xuất văn hóa của lịch sử câu chuyện đằng sau các câu chuyện lịch sử về một nhân vật Quang Trung là biểu tượng của tính hiện đại dở dang nhưng lại là một hiện tượng luôn tiếp diễn với sức sống và biến hóa mãnh liệt của nó trong tâm thức lịch sử và các thực tiễn tưởng niệm của Việt Nam hiện đại. 

Mỗi một giai đoạn, mỗi một thời kỳ, cái lý lẽ của mỗi thế hệ người Việt gửi gắm vào nhân vật Quang Trung lại tiếp sức cho sức sống lớn của dân tộc Việt, cho đến tận ngày hôm nay.

Phan Đăng
.
.