Giữ tính truyền thống trong sân khấu hiện đại

Thứ Hai, 21/08/2023, 09:10

Những người làm sân khấu đều xác định mọi loại hình nghệ thuật sân khấu phải luôn hiện diện tính truyền thống vì đó là hồn cốt, dáng dấp dân tộc mang cách thể hiện Việt, tâm hồn Việt. Đời sống mới đòi hỏi sân khấu phải có sự vận động nhưng không thể mượn danh hiện đại để phá bỏ tính truyền thống.

Sân khấu bị chi phối bởi cơ chế thị trường

Nhìn vào đời sống sân khấu hiện nay, NSND Bùi Thanh Trầm, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội cho rằng, cơ chế thị trường đã khiến cho đội ngũ sáng tạo nghệ thuật sân khấu năng động hơn nhưng cũng làm cho đội ngũ này phân hóa mạnh mẽ, chịu những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực. Nghệ thuật sân khấu đã tồn tại xu thế chạy theo đồng tiền đi theo định hướng không đúng, nhiều yếu tố thiếu sự lành mạnh, chính thống như kịch kinh dị, “sân khấu ma”... Vẫn còn ít tác phẩm hay tạo dư luận và gây tác động mạnh mẽ.

Các đề tài truyền thống vắng bớt dần, các đề tài kinh dị, bạo lực, ái tình chụp giật… nổi lên như một cứu cánh tồn tại. Một số vở diễn sân khấu có biểu hiện bắt chước, mô phỏng, chạy theo hình thức và thủ pháp mới, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Tác phẩm sân khấu phản ánh hiện thực đời sống mờ nhạt, vì vậy thời gian qua, khán giả thấy không ít nhà hát, rạp chiếu bóng quạnh vắng, không có người xem, tuyển diễn viên trẻ loại hình sân khấu truyền thống không có người, nhiều nghệ sĩ không sống được với nghề nên đã đi tìm mưu sinh khác.

Trên một góc độ khác, đạo diễn, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du bày tỏ, chúng ta thường tự hào vốn sân khấu truyền thống rất phong phú nhưng tiết mục sân khấu hiện còn lại chẳng có bao nhiêu. Cái hiện còn được bảo lưu dù có hay đến đâu, xem mãi cũng nhàm. Chưa kể thực ra người xem ngưỡng mộ nó vì trình độ kỹ thuật nhiều hơn là sự đồng cảm về nội dung, sự tương đồng về nhận thức và tư tưởng. Chưa kể tiếng là tác phẩm truyền thống nhưng một số vở diễn, do trình độ non yếu của chỉ đạo nghệ thuật cũng như công tác đào tạo diễn viên đã không còn giữ được trình độ điêu luyện vốn có của nó.

“Khát khao của người những người làm sân khấu hôm nay đều mong muốn giữ được nghệ thuật sân khấu có tính truyền thống, vốn cũ và cũng mong muốn thể hiện những vấn đề, con người của thời đại mình đang sống. Thực tế thời gian qua các thể loại nghệ thuật tuồng, chèo, rối, cải lương, dân ca… đã có thêm nhiều vở diễn về đề tài mới nhưng chúng ta vẫn tư duy sáng tạo “bình mới rượu cũ”, đạo diễn, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du trăn trở.

6-1.jpg -0
Đời sống mới đòi hỏi sân khấu phải có sự vận động nhưng không thể mượn danh hiện đại để phá bỏ tính truyền thống.

Hiện đại là diện mạo, bản sắc truyền thống là cốt lõi

Theo đạo diễn, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du, nhận thức một tác phẩm nghệ thuật sân khấu hoàn mỹ phải có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức. Nội dung cuộc sống đã thay đổi, dù hình thức cổ truyền có mẫu mực tới đâu cũng không vì thế mà có thể đáp ứng được mọi đòi hỏi của thẩm mỹ nội dung cuộc sống mới. “Nghệ thuật truyền thống muốn “sống được” trong xã hội hôm nay, muốn có nhiều khán giả đến xem cần mang tính hiện đại. Chúng ta nên nhớ rằng, “hiện đại” là diện mạo, còn bản sắc truyền thống chính là cốt lõi, là nền móng. Sân khấu đã có không ít bài học tiến lên “hiện đại” và mai một vốn cổ quý báu.

Bởi vậy, với sân khấu hôm nay, truyền thống và hiện đại vẫn luôn phải song song với quá trình phát triển, hiện đại nhưng vẫn giữ hồn cốt của từng loại hình nghệ thuật mà các thế hệ đi trước đã dày công sáng tạo. Hơn ai hết, những người làm nghề phải tự nâng cao trình độ, tìm tòi và sáng tạo mới vực dậy chất lượng các vở diễn”, đạo diễn, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du lưu ý.

Muốn sân khấu có sự hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, yêu cầu công tác lý luận, phê bình phải được đặt lên trên hết, trước hết. NSND Bùi Thanh Trầm cho rằng, đáng ra từ ngày chuyển đổi cơ chế, sân khấu gặp khó khăn thì công tác phê bình, lý luận nghiên cứu phải được đẩy mạnh. Bởi, có nhận thức đúng mới có thể có những giải pháp đúng thì ngược lại công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình hiện nay lại yếu kém hơn nhiều so với những thập kỷ trước Đổi mới. Sân khấu đã quen với những lời ve vuốt khen cho lấy được nên giờ có phản biện chỉ ra những yếu kém hay sai sót thì rất khó nghe.

“Trước đây ngành sân khấu có những cây bút phê bình xuất sắc như Nguyễn Ánh, Lưu Quang Vũ, Hồ Thi, Tất Thắng, Đức Côn… còn hiện nay sân khấu lại thiếu trầm trọng những người làm công tác phê bình chuyên nghiệp. Cộng với sự dễ dãi trong sáng tạo của người làm nghề, sự dễ dãi của người thưởng thức nên sân khấu không có được nhiều tác phẩm đỉnh cao”, NSND Bùi Thanh Trầm bộc bạch.

Nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Tuồng tốt đấy, đừng dẫm chân tại chỗ nhưng cũng chớ gieo vừng ra ngô”, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhấn mạnh, đổi mới, sáng tạo trong sân khấu là tốt, là việc nên làm để phù hợp với cuộc sống đương đại nhưng cần lưu ý tránh làm méo mó giá trị tốt đẹp vốn có của nó.

“Chúng ta đã có những người tiên phong sáng tạo trong nghệ thuật truyền thống, như trong chèo có GS, NSND Trần Bảng. Thực tế cho thấy chèo hôm nay vẫn có một sức sống mạnh mẽ, được nhiều người yêu thích và đó một phần là vì chèo luôn không ngừng đổi mới. Như vở “Quan Âm Thị Kính” đã có từ cách đây mấy trăm năm nhưng ngày hôm nay các nghệ sĩ đã có những cách tân từ trong diễn chèo, hát chèo cho đến trong trang trí sân khấu… Tóm lại, muốn tính truyền thống và hiện đại hòa quyện với nhau để đạt được đến sự mong muốn của sân khấu là điều không dễ, phải quyết tâm từ khâu kịch bản đến dàn dựng, diễn xuất... Điều đó đòi hỏi các nghệ sĩ phải có khát vọng lớn để nâng tầm sân khấu Việt”, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.

Ngô Khiêm
.
.