Iran đã “kiểm soát” 4 thủ đô Arab

Thứ Ba, 19/05/2015, 10:23
Việc Phong trào Houthi theo dòng Hồi giáo Shi’a làm chủ thủ đô Sanaa của Yemen từ ngày 22/9/2014 được người Arab coi là thủ đô thứ tư của thế giới Arab đã bị đặt dưới “sự kiểm soát” của Iran. Trước đó, người Arab cho rằng đã có ba thủ đô Arab bị Iran “kiểm soát”. Đó là Baghdad của Iraq, Damas của Syria và Beirut của Liban.

“Ăn theo” Mỹ

Trước khi Mỹ dùng chiến tranh xâm lược xóa bỏ chế độ Saddam Hussein ở Iraq năm 2003, Iraq được coi là “tiền đồn phía đông của thế giới Arab” do người của dòng Suna cầm quyền để ngăn chặn chiến lược “xuất khẩu cách mạng Hồi giáo (Shi’a)” mà cố lãnh tụ Iran - Ayiatullah Khomeini đã phát động từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Saddam Hussein, trong những năm cầm quyền tại Iraq (1979- 2003) đã thực hiện những chính sách nhất quán hà khắc để kiềm chế cộng đồng tín đồ Shi’a (chiếm 60% dân số Iraq). Chính sách hà khắc của Saddam khi ấy đã buộc nhiều thủ lĩnh Shi’a Iraq phải dạt sang Iran nương náu và tồn tại nhờ sự cưu mang của Đại giáo chủ Khomeini (đã qua đời năm 1989).

Ngay sau khi Saddam bị Mỹ xóa sổ, một loạt đảng phái và tổ chức chính trị - vũ trang dòng Shi’a Iraq từ Iran kéo về nguyên quán. Họ trở thành các chính trị gia của “chế độ mới” vốn nặng ân tình với Iran, mặc dù họ nhờ cuộc chiến của Mỹ để trở về và nhờ “nền dân chủ” do Mỹ áp đặt tại Iraq mà tha hồ tự do hoạt động phát triển thanh thế.

Từ đó, nhờ các cuộc bầu cử dân chủ theo thể chế của Mỹ, người Shi’a nhanh chóng giành đa số trong quốc hội mới và từ năm 2009 đến nay, Shi’a trở thành thế lực vượt trội trong chính quyền Iraq. Lẽ tự nhiên là uy tín, ảnh hưởng và vai trò của Iran được “mở cửa” tại Iraq, để từ đó lan lấn về phía tây.

Khi nội chiến bùng lên và kéo dài ở Syria, Iran đã có thể trợ giúp chính quyền của tổng thống Basha’r al-Assad đứng vững cho tới ngày nay nhờ hai con đường tiếp cận Syria từ phía Iraq và Liban. Ở Liban, Iran có lực lượng Hizbullah đã được Iran thành lập từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Cũng nhờ “bầu cử dân chủ” phù hợp với đường lối của Mỹ mà Hizbullah giành được ghế trong quốc hội Liban từ 1992, mặc dù khi ấy tổ chức này vẫn bị Mỹ và phương Tây coi là “khủng bố”.

Đến nay, Hizbullah đã có đủ số ghế trong quốc hội để có thể bác bỏ mọi quyết định của cơ quan lập pháp Libankhi nào họ muốn phủ quyết. Chỉ nhờ nguồn tài trợ từ Iran, Hizbullah còn có lực lượng quân sự thậm chí mạnh hơn quân đội Liban. Syria do cha con dòng họ al-Assad cầm quyền vốn có quan hệ “hợp tác chiến lược” với Iran từ cuộc chiến Iraq - Iran (1980- 1988), nhưng đó là mối quan hệ thực sự bình đẳng giữa hai quốc gia có chủ quyền.

Tướng Qasem Suleimani - tư lệnh lực lượng đặc nhiệm "Faylaq al-Qods" (quàng khăn trắng) đứng giữa các chiến binh người Kurd Iraq, tại khu vực Kurdistan của Iraq hồi đầu tháng 3/2015.

Sau khi “mùa xuân Arab” lan tới Syria (tháng 3/2011), chính quyền của Tổng thống al-Assad ngày càng lâm vào thế hiểm nghèo. Từ tháng 4/2014, Hizbullah công khai nhảy vào chiến trường Syria tuyên chiến với quân đối lập, cứu chính quyền al-Assad đang đứng trước “thử thách sống còn”.

Những sự kiện nêu trên được người Arab và cả Israel coi là minh chứng cho điều họ tin là Iran đã kiểm soát được các chính quyền Arab tại Iraq, Liban và Syria.

Đàm phán công khai và âm thầm lan tỏa

Sự kiện lực lượng Houthi tiếm quyền tại thủ đô Sanaa của Yemen từ ngày 22/9/2014 diễn ra trong hoàn cảnh Iran đang nỗ lực đàm phán với nhóm “P5+1” (gồm 5 nước thường trực HĐBA Liên Hiệp Quốc và Đức) để có thể đạt được thỏa thuận vào hạn chót cuối tháng 6/2015.

Bộ tộc Houthi ở Yemen theo dòng Hồi giáo Shi’a, nhưng vốn không có quan hệ với Iran mật thiết như Shi’a Iraq hay Hizbullah Liban. Iran đã tận dụng tình cảnh của Houthi từ năm 2004 đến nay nổi lên đương đầu với chính quyền Yemen do người Suna thống trị, để tiếp cận lực lượng này và dần trở thành thế lực bảo trợ cho Houthi. Một số quan chức Iran đã công khai nói Houthi ở Yemen tương tự như Hizbullah ở Liban.

Việc Houthi chỉ trong vài tháng di chuyển từ dinh lũy của họ - tỉnh Saada ở cực tây - bắc Yemen, xuống thủ đô Sanaa rồi mới đây đe dọa cả thành phố Aden - thủ phủ miền Nam diễn ra gần như chẳng được thế giới để tâm. Tất cả đều bị hút vào cuộc đàm phán về vấn đề nguyên tử Iran. Iran thực sự muốn có thỏa thuận sau cùng với các nước lớn về chương trình nguyên tử của họ, với mục tiêu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế mà HĐBA đã áp đặt suốt từ 2006 đến nay. Nếu không dỡ bỏ được các lệnh trừng phạt này, Iran không thể có đủ tiềm lực để phát triển đất nước và giữ “những thành quả” mà họ đã đạt được tại Iraq, Syria, Liban…

Ali Shamkhani.

Phái đoàn đàm phán của Iran, do ngoại trưởng Jawad Zareef dẫn đầu đã thể hiện một chiến thuật cực kỳ khôn ngoan trong tiến trình đàm phán. Bất cứ lúc nào xuất hiện trước giới truyền thông, ông Zareef cũng giữ nụ cười tươi thường trực, với những lời lẽ khiêm nhường và rất “lạc quan”. Iran luôn nuôi cho Mỹ và các nước lớn hi vọng “sắp đạt được thỏa thuận”, để tất cả tập trung vào nỗ lực đàm phán, gạt sang một bên những vấn đề khác nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến “kết quả đã sắp sờ thấy được”.

Phía Arab và Israel nhiều lần lớn tiếng cảnh báo Mỹ rằng việc “Iran bành trướng trong khu vực” còn nguy hiểm hơn chương trình nguyên tử của Iran mà Mỹ đang dồn mọi nỗ lực để đàm phán tiến tới thỏa thuận. Nhưng những bức xúc của Arab và Israel hầu như lọt thỏm trước sự ồn ào mà Iran muốn tạo sự cuốn hút từ cuộc đàm phán hạt nhân.

Đến nay, có thể nói dù đàm phán hạt nhân có kết quả thế nào, thì Iran cũng đã tạo được vị thế không dễ đảo ngược tại khu vực Đông Arab, địa bàn mà các lực lượng gắn kết với Iran đang nắm quyền khống chế ở Iraq, Syria, Liban và Yemen.

Hai khuôn mặt Iran trên hai mặt trận

Thời gian qua, nhất là từ khi Hassan Rouhani lên làm tổng thống (tháng 6/2013), Iran ráo riết quảng bá rầm rộ cho mặt trận đàm phán vấn đề nguyên tử; đồng thời lẳng lặng xúc tiến mặt trận lan tỏa thế lực trong khu vực. Bộ mặt tươi cười của ngoại trưởng Jawaf Zareef là biểu tượng hòa hiếu của mặt trận đàm phán. Còn mặt trận lặng lẽ kia thì có tổng chỉ huy là thiếu tướng Qasem Suleimani - tư lệnh lực lượng “Faylaq al-Qods”. Faylaq al-Qods là lực lượng quân sự - tình báo thuộc Vệ binh cách mạng Iran, chuyên trách “địa bàn ngoài nước”. Hoạt động của Iran tại Iraq, Syria, Liban… đều có vai trò của Faylaq al-Qods. Khi Hizbullah nhảy vào Syria (tháng 4/2014), truyền thông Arab đã tố cáo “sự hiện diện bí mật” của Suleimani tại Damas.

Ali Yunisi.

Cho đến khi Nhà nước Hồi giáo (tự xưng IS) tuyên bố “ra đời” ở Iraq (tháng 6/2014), thì Suleimani công khai xuất hiện tại khu vực mặt trận đông - bắc Iraq. Khi Iraq mở chiến dịch hồi cuối tháng 2/2015 nhằm giải phóng thành phố Tickreet (ở phía bắc thủ đô Baghdad) thì tướng Suleimani được coi là tham gia bộ chỉ huy chiến dịch này. Hình ảnh của Suleimani công khai trên truyền thông Iran, bên cạnh các chiến binh Iraq. Truyền thông Iran còn công khai đưa tin về Iran đã đưa lực lượng của họ, cả bộ binh, xe tăng, pháo binh… vào sâu 40km trong lãnh thổ Iraq để “sẵn sàng” giúp Iraq chống khủng bố IS.

Người Iran nói gì?

Truyền thông Arab dẫn lại các tin từ nguồn truyền thông Iran, đăng tải những tuyên bố và phát ngôn của một số nhân vật cao cấp Iran, khẳng định về vai trò của Iran trong các sự kiện tại khu vực Đông Arab.

Thông tấn xã ISNA của lực lượng sinh viên Iran đưa nội dung phát biểu của Ali Yunisi - cố vấn của Tổng thống Rouhani về tôn giáo và các sắc dân thiểu số - tại cuộc diễn đàn “Bản sắc Iran” ngày 08/3: “Iran hôm nay đã trở thành một đế chế như đã từng hiện diện trong lịch sử, mà thủ đô của đế chế này hiện nay là Baghdad” … “Toàn bộ vùng Trung Đông đều là lãnh thổ Iran”… “Chúng ta sẽ bảo vệ các dân tộc trong vùng này bởi chúng ta coi họ đều là một bộ phận của Iran… “Chúng ta mong muốn thành lập một “liên minh Iran” trong khu vực…”.

Trong bài phát biểu nêu trên, Yunisi còn nói: “Chúng ta không có tham vọng bên ngoài biên giới của mình. Nhưng chúng ta tồn tại trong một khu vực có lợi cho việc xây dựng một liên minh rộng lớn từ phía đông là miền bắc Tiểu lục địa Ấn Độ giáp biên giới Trung Quốc đến phía tây là miền nam Kavkaz và vùng Vịnh”... “Iraq không chỉ là một bộ phận của văn hóa Iran, mà còn là một bộ phận của bản sắc Iran và hiện nay là thủ đô của (đế chế) chúng ta. Đây là điều không thể đảo ngược được”.

Ngày 10/3, Ali Shamkhani - Bí thư Hội đồng An ninh quốc gia Iran nói trong lễ khởi công đóng mới một khu trục hạm của hải quân Iran rằng Iran đã hiện diện bên bờ Địa Trung Hải (Syria) và Cửa Mandab (tức là Yemen).

Trần Thanh
.
.