Dự báo lệch nhịp

Thứ Hai, 26/10/2015, 15:49
Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 - Khóa XIII cho biết, trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP (bình quân chỉ đạt 5,88% trong khi chỉ tiêu từ 7-8%).

GDP không đạt chỉ tiêu đề ra có nguyên do công tác dự báo “chưa lường hết những khó khăn thách thức nên nhiều chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho 5 năm 2011 - 2015 là khá cao”.

Để đề ra mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, dài hạn là 5 năm, 10 năm hoặc cả thời kỳ chiến lược 20 năm, 50 năm đều phải bắt đầu từ khâu dự báo, phân tích bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, các yếu tố khách quan, chủ quan tác động đến tiến trình phát triển. 

Thực tế, trong bối cảnh thế giới biến đổi không ngừng, lại bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố địa, chính trị, kinh tế nên để có tầm nhìn chiến lược nhiều thập kỷ là điều vô cùng khó và cũng ít quốc gia làm được. Tuy nhiên, trong ngắn hạn hàng năm hoặc chu kỳ 5 năm, 10 năm thì đây là những mốc thời gian thiết yếu phải đặt ra cho các kế hoạch phát triển và hầu hết các quốc gia đều chia các mốc như vậy để dự báo, hoạch định chính sách. Đối với Việt Nam, từ lâu chúng ta đã chia ra các giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm (theo chu kỳ đại hội Đảng) và 10 năm (mốc phát triển chiến lược). Đi kèm với đó là các dự báo và các chỉ tiêu khá cụ thể.

Tuy nhiên, không ít lần chúng ta trượt mốc chỉ tiêu, kế hoạch đề ra mà nguyên do khởi nguồn từ công tác dự báo. Trước khi bước vào kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, nhiều dự báo lạc quan về triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới sau năm 2010 (trong nước, giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng kinh tế đạt 7%/năm, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình). 

Chính bởi kết quả khả quan như vậy nên các nhà dự báo chiến lược đã mạnh tay đề ra chỉ tiêu cho giai đoạn 2011-2015 khá “hào phóng”, điều này được Chính phủ thừa nhận “trên cơ sở kết quả đạt được và do chưa lường hết những khó khăn thách thức nên nhiều chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho 5 năm 2011 - 2015 là khá cao”. 

Thời điểm đó, chúng ta đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, chỉ tiêu đặt ra là đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7 - 8%/năm. Xem lại chiến lược, khi đó chúng ta cũng đưa ra các dự báo tình hình quốc tế và trong nước song vấn đề mấu chốt là khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu thì chỉ dừng lại ở mức nhận định “kinh tế thế giới tuy đã bắt đầu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, bất ổn; sự điều chỉnh chính sách của các nước, nhất là những nước lớn sẽ có tác động đến nước ta”.

Quốc hội bàn luận mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm tới và khâu dự báo chiến lược vẫn là điểm yếu.

Thực tế, như Chính phủ khẳng định trong báo cáo trình Quốc hội: Từ năm 2011, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều quốc gia. Trong nước, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho những yếu kém nội tại của nền kinh tế bộc lộ nặng nề hơn; thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại lớn trong khi yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh ngày càng cao. Trước diễn biến mới của tình hình, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình thực hiện, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô giảm sâu, đồng Nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng, đặc biệt là tình hình căng thẳng gay gắt ở Biển Đông... đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là những vấn đề mà chúng ta trước đó còn lạc quan, chưa lường được và trong dự báo cũng chưa đánh giá đúng tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu (năm 2012, 2013, kinh tế rơi xuống đáy suy thoái, ngân sách eo hẹp, tài khóa khó khăn, bất động sản rơi tự do, số doanh nghiệp giải  thể, phá sản tăng chóng mặt.

GDP năm 2011 tăng 6,24%; năm 2012 chỉ tăng 5,25%; năm 2013 tăng 5,42%; năm 2014 tăng 5,98% và năm 2015 khả năng trên 6,5%). Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hội nghị Đối tác phát triển Việt Nam (ngày 5/12/2014) thì con số lại khiêm tốn hơn nhiều. WB đánh giá, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (2008 - 2013), tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 8,5%, Việt Nam chỉ đạt 4,6%, Indonesia đạt 4,5%, Thái Lan đạt 2,7%, Malaysia 2,6%. Như vậy, so với các giai đoạn trước đó (như 2001-2005, 2006 - 2010) thì đây là giai đoạn GDP thấp nhất.

Chính bởi vậy, trong báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới (2016-2020) cũng như trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng đều đặt ra chỉ tiêu tăng GDP 5 năm tới từ 6,5% đến 7%. Con số này vẫn khiêm tốn so các giai đoạn trước đây nhưng so với 5 năm qua thì đã khá hơn nhiều. Vấn đề là liệu những năm tới, đà tăng trưởng kinh tế có thực sự phục hồi, giảm thiểu tác động từ khủng hoảng tài chính, suy thoái toàn cầu để cán mốc 7% hoặc hơn? Ngược lại, chúng ta rất có thể trễ hẹn lần nữa nếu chỉ số lạc quan che khuất các yếu tố bất lợi đang và sẽ “ghì” nền kinh tế.

Nhìn lại các chặng đường phát triển thì khâu yếu trong dự báo không phải bây giờ mới đặt ra và không phải bây giờ mới lạc nhịp. Gần 10 năm trước, ngay nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, bất cập trong quản lý điều hành cùng những yếu kém nội sinh của nền kinh tế đã làm cho kinh tế nước ta dễ bị tổn thương với những biến động bất lợi từ bên ngoài. Một trong những bất cập lớn nhất được chỉ ra là công tác nghiên cứu phân tích, dự báo và cảnh báo sớm kinh tế chưa được coi trọng đúng mức, năng lực tham mưu tổng hợp về kinh tế vĩ mô chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý điều hành… 

Đánh giá vấn đề này, năm 2008, Tiến sĩ Lê Đình Ân - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, công tác dự báo về các mặt kinh tế, xã hội và cả dự báo của các ngành đặc thù cho kết quả không tốt, thậm chí là dự báo sai dẫn đến những ảnh hưởng đối với nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp. Ông nói, công tác dự báo của chúng ta còn tồn tại, yếu kém trước tiên do thiếu người có kinh nghiệm dự báo. Rồi các phương tiện, mô hình dự báo cũng chưa tiếp cận được với thế giới. Chính sách cũng luôn thay đổi nên khiến cho kết quả dự báo bị hạn chế.

Những vấn đề đặt ra cả thập kỷ trước thì nay vẫn còn nguyên vẹn cả góc khuyết lẫn nguyên nhân. Điều đáng nói là việc dự báo ở ta không bị ràng buộc trách nhiệm. Cá nhân, cơ quan dự báo sai vẫn không bị quy trách nhiệm và cũng chưa ai bị xử lý vì dự báo sai. Trong khi đó, đây là công việc rất hệ trọng, dự báo không phải thay cho nhà quản lý nhưng lại phục vụ nhà quản lý trong việc nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu, kế hoạch và các quyết sách kinh tế - xã hội, nghĩa là ảnh hưởng cả một lộ trình với rất nhiều công đoạn, ảnh hưởng cả nền kinh tế vĩ mô.

Đã đến lúc cần phải xác định lại khâu dự báo sách lược, chiến lược để đặt đúng vị trí, vai trò của nó và có cơ chế thực hiện cũng như quy trách nhiệm. Qua nghiên cứu khảo sát thực tiễn công tác này ở một số nước trong khu vực như Singapore và Malaysia có thể rút ra những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam về tổ chức triển khai công tác phân tích, dự báo và cảnh báo kinh tế; về dữ liệu phục vụ; về bài học ứng phó với khủng hoảng tài chính. 

Các nước nói trên đều áp dụng cách tiếp cận đa cơ quan trong vấn đề phân tích, dự báo và cảnh báo sớm kinh tế vĩ mô. Trong đó, mỗi nước đều có một đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra các con số dự báo kinh tế (ở Singapore, Cơ quan Dự báo thuộc Bộ Công thương; tại Malaysia là Vụ Kinh tế vĩ mô thuộc Ủy ban Kế hoạch - Kinh tế). 

Các cơ quan này đều sử dụng các mô hình kinh tế lượng và hệ thống các cơ sở dữ liệu để tính toán và đưa ra các dự báo giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, khi có sự khác nhau giữa các cơ quan hay các chuyên gia độc lập về con số dự báo thì cơ quan giám sát của Chính phủ sẽ triệu tập một cuộc họp giữa các cơ quan và cá nhân liên quan để tìm cơ sở và đi đến sự thống nhất về con số dự báo để trình lên Chính phủ. Kết quả dự báo này sẽ được Chính phủ sử dụng để điều hành kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, ở ta thì bộ, ngành, địa phương nào cũng có cơ quan, bộ phận dự báo nhưng nhiều khi mỗi người một phách, dự báo sai lệch phải thường xuyên thêm bớt, chỉnh sửa.

An Nhi
.
.