Đội quân đả hổ

Thứ Ba, 10/03/2015, 17:33
Bên cạnh một “đội quân đả hổ” hùng hậu, Tập Cận Bình còn nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ “đội quân hình ảnh” - tập hợp những đại quân sư gắn bó với vị Chủ tịch như hình với bóng, giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu hoạch định các chiến lược đối nội - đối ngoại, tác động rất lớn đến chính trường Bắc Kinh.

Tạp chí The Diplomat mới đây đã bình luận rằng những nỗ lực chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện không đơn thuần chỉ là một chiến dịch. Tờ báo này nhận định những vụ bắt giữ và khai trừ khỏi đảng nhiều quan chức thuộc chính quyền Bắc Kinh đã minh chứng rõ ràng cho việc tăng cường hoạt động chống tham nhũng vượt qua ngưỡng cảnh báo răn đe.

Trên thực tế, chiến dịch “Đả hổ đập ruồi” được cho là đang tập trung vào cải cách pháp luật, thể chế hóa hoạt động chống tham nhũng và chính thức trở thành một cuộc chiến lâu dài, quy tụ nhiều nhân vật được ông Tập tin tưởng giao phó trọng trách “cầm quân, tính từng nước cờ”.

Sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, chiến dịch chống tham nhũng gây nhiều xáo động khiến Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương dưới quyền Bí thư Vương Kỳ Sơn trở thành một cơ quan quyền lực được chú ý nhất Trung Quốc. Cơ quan này liên tục mở cửa đón tiếp giới học giả và cựu quan chức cấp cao đến từ 28 quốc gia trên thế giới. Tất cả các nhân vật này đều là người có kiến thức về Trung Quốc và quan điểm chính trị thân Bắc Kinh.

Bên cạnh “đội quân đả hổ”, The Diplomat còn tiết lộ ông Tập Cận Bình đã và đang xây dựng một “đội quân hình ảnh”, mà theo giới thạo tin ở Bắc Kinh thì bao gồm nhiều đại quân sư vốn là đồng hương hoặc đồng môn cùng thời với ông. 

Tập Cận Bình.

Những “đội quân đả hổ”

Trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương nằm ở số 41 phố Bình An (Bắc Kinh), không có bảng tên đơn vị, băng rôn khẩu hiệu hay bất kỳ biểu tượng nào thường thấy như các cơ quan quyền lực nhà nước khác ở Trung Quốc. Chính chi tiết này càng làm cho cơ quan “đả hổ” trong cuộc chiến của Chủ tịch Tập trở nên bí hiểm và thu hút sự chú ý. Tạp chí The Diplomat dẫn lời một số học giả nước ngoài cho biết họ rất ngạc nhiên trước quy mô và phong cách giản dị “quá mức” của một cơ quan nhà nước Trung Quốc.

Thậm chí, với chỉ khoảng 1.000 người (trong đó, 23% là nữ giới), Ủy ban vẫn hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ khi phối hợp khá nhịp nhàng với Ủy ban Kiểm tra kỷ luật các cấp cùng các cơ quan chính phủ khác. Cơ quan này còn mở một kênh đặc biệt trên trang chủ để đăng tải những thông tin liên quan đến những quan chức trốn chạy ra nước ngoài hoặc đang che giấu tài sản, phơi bày cuộc sống xa hoa của các nhân vật tham nhũng.

Đội quân “đả hổ đập ruồi” của ông Tập Cận Bình có khoảng 1.000 người là thông tin mật lần đầu tiên được công bố cho báo chí. Trước đó vào năm 2008, có tin cho rằng biên chế của cơ quan này khoảng 800 người.

Như vậy từ khi Vương Kỳ Sơn lên nắm quyền, cơ quan này chỉ tăng thêm 200 nhân viên. Số nhân viên trực tiếp làm nghiệp vụ kiểm sát khoảng 100 người, đội quân giám sát chấp hành án lên tới gần 700 người, chiếm gần 70%, trong đó hơn 1 nửa thuộc quân số của 12 phòng Kiểm sát. Trong chiến dịch chống tham nhũng tập trung vào các quan chức cỡ “bự” như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu hay Cốc Tuấn Sơn, đội quân này phải làm thêm giờ trong trạng thái “căng như dây đàn” đến mức phải nhờ hỗ trợ tâm lý từ các phòng kiểm sát.

Bên cạnh một “đội quân đả hổ” hùng hậu, Tập Cận Bình còn nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ “đội quân hình ảnh” - tập hợp những đại quân sư gắn bó với vị Chủ tịch như hình với bóng, giữ vai trò quan trọng trong việc tham mưu hoạch định các chiến lược đối nội - đối ngoại, tác động rất lớn đến chính trường Bắc Kinh.

Lưu Hạc.

Đầu tiên là Phó Bí thư đảng ủy Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia Lưu Hạc - bạn đồng môn tại Trường Trung học 101 Bắc Kinh với Tập Cận Bình. Chính khách họ Lưu đã “nhập khẩu” khái niệm “trạng thái bình thường mới” từ kinh tế học phương Tây cho ông Tập sử dụng. Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc đã kết thúc quá trình tăng trưởng nhanh chóng, và bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng trung bình 6-7% mỗi năm.

Quân sư thứ hai là Lý Thư Lỗi - Trưởng ban Tuyên truyền tỉnh ủy Phúc Kiến. Nhân vật này được mệnh danh là thần đồng khi được đặc cách vào Đại học Bắc Kinh từ năm 14 tuổi, và hiện phụ trách soạn thảo các bài diễn văn, phát biểu cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Các thành ngữ và văn phong trong phát biểu của ông Tập đều là của Lý Thư Lỗi. Ông Lỗi đã có 20 năm nghiên cứu tại Trường Đảng trung ương, từng được ông Tập phái về Phúc Kiến nhằm “tích lũy kinh nghiệm chính trị từ cơ sở”. Rõ ràng, Chủ tịch Trung Quốc đang thể hiện sự quan tâm rất đặc biệt của ông đối với vị quân sư này.

Lý Thư Lỗi.

Một nhân vật quan trọng khác chuyên phụ trách đảm bảo công việc hàng ngày của Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo cấp cao là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lật Chiến Thư. Theo The Diplomat, chính khách họ Lật tuy hành sự lặng lẽ nhưng năng lực rất mạnh, được cho là nắm “cơ mật viện” của thâm cung quyền lực Trung Nam Hải. Các tư liệu công khai cho biết từ khi bắt đầu với chức Bí thư huyện ủy đến khi vào nhóm “cận thần cơ mật viện Trung Nam Hải”, Lật Chiến Thư mất tới 30 năm, trải qua nhiều cương vị khác nhau trong đảng, chính quyền và đoàn thanh niên.

Trước đây, Lật Chiến Thư và Tập Cận Bình từng cùng giữ chức Bí thư hai huyện giáp nhau. Có thời điểm khi Chủ tịch Tập thị sát Quý Châu với tư cách Thường vụ Bộ chính trị, Bí thư ban Bí thư thì Lật Chiến Thư được lệnh dừng mọi công tác để tháp tùng ông Bình và có nhiều thời gian đàm đạo. Từ đó về sau, người ta thường thấy Lật Chiến Thư tháp tùng Tập Cận Bình mỗi khi rời khỏi Trung Nam Hải.

Lật Chiến Thư.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới Phó Giám đốc Trường Đảng Trung ương Hà Nghị Đình - người đặt “nền móng lý luận” cho chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ đập ruồi” kinh thiên động địa mà Tập Cận Bình phát động. Ông Đình được cho là người đã soạn thảo ra 8 quy định đối với các quan chức, nhân viên hành chính sự nghiệp ở Trung Quốc.

Một vị quân sư dạn dày kinh nghiệm khác là Vương Lô Ninh - Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu trung ương. Ông Vương đã từng kinh qua hai đời lãnh đạo Trung Quốc là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, có vị trí đặc biệt quan trọng giúp Tập Cận Bình đương đầu với sóng gió chính trị kể từ khi lên cầm quyền.

Vấn đề sống còn

Chỉ sau hơn hai năm lên nắm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gắn chặt sự nghiệp, danh tiếng với chiến dịch chống tham nhũng. Thành công hay thất bại trên mặt trận này sẽ có tác động rất lớn đối với thời gian còn lại trên cương vị nguyên thủ.

Ông Tập từng tuyên bố: “Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta, tôi không còn quan tâm đến chuyện sống chết, hoặc danh dự của tôi bị hủy hoại”. Rõ ràng Tập Cận Bình tin rằng đây là một vấn đề sống còn với đảng Cộng sản Trung Quốc. Tập Cận Bình là con cái giới tinh hoa của Đảng Cộng sản Trung Quốc và ông đã có một ý thức mạnh mẽ rằng bảo vệ Đảng Cộng sản Trung Quốc là trách nhiệm và số phận của mình.

Chiến dịch chống tham nhũng thực tế đang bao phủ một phạm vi rất rộng lớn. Nó nhắm tới “cả hổ lẫn ruồi”, hay nói cách khác là mọi quan chức lớn nhỏ ở Trung Quốc. Trước đây có thông tin cho rằng những người tiền nhiệm như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào đã ép Tập Cận Bình phải thu nhỏ quy mô chiến dịch. Tuy nhiên, những báo cáo mới nhất liên quan đến vụ Cốc Tuấn Sơn, Từ Tài Hậu và Chu Vĩnh Khang cho thấy cả hai đều ủng hộ hành động của ông Tập.

Theo The Diplomat, những nỗ lực chống tham nhũng đã có kết quả với 50 quan chức cấp tỉnh trở lên (còn được gọi là hổ). Số lượng “ruồi” bị đập ở các địa phương lên tới hàng nghìn cán bộ bị xử lý kỷ luật. Và chiến dịch tiếp tục đi xa hơn, đặc biệt là trong đội ngũ tướng lĩnh quân đội.

Giới phân tích chia làm nhiều phe khi thảo luận về vấn đề này. Chiến dịch chống tham nhũng được thực hiện một cách rùm beng là chiêu bài thanh trừng chính trị kiểu cũ, gợi nhớ về những năm 1950-1960 với các cuộc bắt bớ cùng phiên xét xử sơ sài hay những vụ mất tích, tự tử đầy bí ẩn. Trong khi đó, nhiều cá nhân cho rằng Chủ tịch Tập thực chất đang hy sinh không ít lợi ích để cải tổ chính trị, mở đường cho một công cuộc cải cách pháp lý và kinh tế ở Trung Quốc.

Ông Tập đã tích lũy được nguồn sức mạnh to lớn nhờ khởi xướng và thực hiện tương đối triệt để chiến dịch chống tham nhũng nhắm tới mọi thành phần trong bộ máy nhà nước, và có thể đang toan tính lâu dài để đạt tới mục tiêu cuối cùng là mang tới sự bền vững và minh bạch về pháp lý cho hệ thống chính quyền.

Khi nhậm chức, ông Tập Cận Bình tuyên bố tham nhũng chính là vấn đề nghiêm trọng nhất mà đảng phải đối mặt. Ngay cả khi các nhân vật cao cấp nhất ủng hộ Tập Cận Bình, ông vẫn phải đối mặt với sức phản kháng rất mạnh từ tập đoàn tham nhũng, đặc biệt là ở các bộ ban ngành và địa phương - những nơi từ lâu đã tồn tại chuyện “trên bảo dưới không nghe”.

Nỗ lực chống tham nhũng của Chủ tịch Tập cũng phải song hành với việc dập tắt những mối bất đồng về ý kiến chính trị cũng như suy nghĩ cho rằng việc loại bỏ luật bất thành văn về quyền miễn bị trừng phạt đối với các quan chức cấp cao là một trò đùa. 

Hiện tại, chưa có gì đảm bảo chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thành công. Nỗi lo sợ về tình trạng nợ nần của nền kinh tế và nhu cầu cấp thiết buộc phải thay đổi chắc chắn sẽ gây ra những tác động không nhỏ, phần nào định hình bước đi tiếp theo của ông. Việc tạo tiền đề và thúc đẩy những thay đổi là một thách thức không hề nhỏ, đặt ra câu hỏi rất lớn lúc này là: Liệu nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh to lớn tích lũy được trong thời gian qua như thế nào trong những tháng ngày sắp tới…

Trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, số 41 phố Bình An.

Trần Quân
.
.