Đi tìm tâm thế SEA Games

Thứ Tư, 03/06/2015, 16:34
Lại một SEA Games nữa sắp đến. Nhưng nó chưa đến mà thể thao Việt Nam lại nóng lên bởi những chiêu trò của nước chủ nhà. Chuyện cũ đến thế là cùng!

Chẳng là chủ nhà Singapore phát tín hiệu cho hay các VĐV ở môn bơi lội không được làm quen hồ bơi trước khi nhập cuộc. Và thay vì sẽ trao huy chương sau 2 nội dung thi đấu như thông lệ, lần này  chủ nhà chỉ trao huy chương sau cả một ngày thi đấu.

Cái khó thứ nhất thì rõ rồi. Còn cái khó thứ hai lập tức được lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam chỉ điểm: lực lượng bơi lội của Singapore rất dày, nên họ có thể trải quân đều cho các nội dung khác nhau, trong khi đó lực lượng của Việt Nam chỉ có mỗi mũi nhọn Ánh Viên - người được kỳ vọng sẽ giành khoảng 6 HCV, vì thế việc chỉ trao huy chương sau một ngày thi đấu sẽ khiến Ánh Viên không có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức lực. Những bức xúc của đoàn thể thao Việt Nam rốt cuộc đã được giải quyết ổn thỏa khi chủ nhà Singapore đã quyết định tổ chức thi đấu - trao giải theo đúng thông lệ cũ.

Nhưng câu chuyện này khiến người ta phải đặt ra câu hỏi: Có lẽ chúng ta sẽ phải chịu đựng những chiêu trò của chủ nhà trong những ngày thi đấu chính thức tới đây?

Lịch sử SEA Games cho thấy các chiêu trò của chủ nhà thường bắt đầu từ khi đại hội chưa khởi tranh, mà rõ nhất là việc chủ nhà thường nắn gân rồi tìm đủ mọi các cách vận động hành lang để loại những môn thế mạnh của những đoàn thể thao mà họ cho là “đối thủ chính” rồi lại tìm cách đưa những môn thể mạnh của mình, thậm chí là những môn chẳng giống ai vào cuộc chơi. Thế mới có chuyện những môn như võ gậy, trèo tường, đánh phỏm, khiêu vũ thể thao... đã từng xuất hiện trong lần lượt các kỳ hội gần đây. Riêng SEA Games 22 ở Việt Nam, chúng ta thậm chí còn đưa cả môn lặn chân vịt và cầu chinh vào cuộc, và đã đoạt được một số lượng huy chương vàng khá lớn ở những môn này.

Để thực hiện thành công việc “loại môn đối thủ, đưa môn của mình” vào cuộc, các nước chủ nhà thường đưa ra những đòn nắn gân khiến cả Đông Nam Á phát sốc, chẳng hạn như trước thềm SEA Games 23, chủ nhà Philippines đã “nắn gân” về việc có khả năng không tổ chức môn bóng đá nam... Chính vì cái đặc điểm rất “làng xã” này mà ngoại trừ các nước chủ nhà quá yếu kém như Brunei, Lào, Myanmar thì tất cả các nước chủ nhà đều đẫn đầu toàn đoàn một cách dễ dàng. SEA Games 22, Việt Nam dẫn đầu với cả thảy 158 HCV, hơn đội đứng thứ 2 là Thái Lan tới hơn 60 HCV. Sau này, dù bị tước bỏ vài chiếc HCV “dính” Doping thì cái thế số 1 của chúng ta vẫn là bất khả xâm phạm.

Ánh Viên (giữa) là một trong những VĐV mũi nhọn của thể thao Việt Nam tại SEA Games 28.

Khi SEA Games chưa diễn ra thì đã diễn ra những cuộc hoạch định, tính toán, vận động, nắn gân để đạt mục đích của mình như vậy. Đến khi SEA Games chính thức diễn ra thì lại xuất hiện cả một lô lốc những câu chuyện liên quan đến các trọng tài. Chuyện VĐV của các nước không phải chủ nhà bị trọng tài xử ép khi gặp VĐV chủ nhà diễn ra như cơm bữa.

SEA Games 18 năm 1995 tại Thái Lan, từng có chuyện VĐV bắn súng Việt Nam đã được trọng tài công bố chiến thắng và chuẩn bị lên bục nhận HCV hẳn hoi, thế mà sát sạt thời khắc trao huy chương, khi nhiều lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam đang “mở cờ trong bụng” thì trọng tài và BTC lại ra thông báo: VĐV bắn súng Thái Lan rốt cuộc mới là người chiến thắng. 

Đến SEA Games 24 năm 2007 vẫn tại Thái Lan, và vẫn trong cuộc đấu với chủ nhà, một VĐV vật Việt Nam đã thắng đối thủ một cách tâm phục khẩu phục, nhưng rốt cuộc vẫn bị trọng tài xử thua. Quá uất ức, VĐV này tìm đến ông trọng tài người Hàn Quốc để thực hiện một cú đá vào mông, và người ta gọi đấy là “cú đá mông lịch sử”. Với những phản ứng quyết liệt của VĐV, HLV và lãnh đạo đoàn Việt Nam, hội đồng trọng tài mổ xẻ lại trận đấu, và kết luận quả đúng VĐV Việt Nam trội hơn hẳn. Nhưng điều cuối cùng người ta phát đi là: kết quả không thay đổi được. 

Đến SEA Games 26 tại Indonesia (năm 2011), trong một nội dung chung kết Pencat Silat, VĐV chủ nhà thậm chí chỉ chạy, né rồi núp sau lưng ông trọng tài. Thế mà rốt cuộc VĐV này lại được xử thắng, và người ta gọi đấy là chiến thắng, là chiếc HCV trớ trêu nhất trong lịch sử SEA Games...

Chủ nhà là thế, trọng tài là thế - rốt cuộc SEA Games có nên tồn tại? Đấy là câu hỏi từng được đặt ra nhiều lần. Theo chúng tôi câu trả lời là “có”, bởi nói gì thì nói SEA Games cũng là một dịp để các đoàn thể thao trong khu vực gặp gỡ, giao lưu, cọ xát với nhau. Và trong bối cảnh các nước Đông Nam Á đang cần phải tiếp tục xây dựng một khối đoàn kết vững mạnh để cùng giải quyết những vấn đề thời sự, chính trị mang tầm khu vực và quốc tế thì những cuộc gặp gỡ trên mặt trận thể thao sẽ đóng góp một vai trò, một bước đi không nhỏ. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta sẽ tham dự SEA Games bằng một tư tưởng, một tâm thế như thế nào?

Giờ là lúc cần phải xác định rõ ràng, nhẹ nhõm về việc đã tham dự SEA Games  tất yếu sẽ phải gặp thiệt thòi trong những cuộc đấu với chủ nhà. Và cũng cần xác định rõ ràng, nhẹ nhõm về việc  đã tham dự SEA Games thì không thể tránh khỏi chuyện bị trọng tài xử ép. Mà chẳng phải riêng chúng ta bị thiệt thòi, xử ép, mà tất cả các VĐV của tất cả các đoàn thể thao khác không phải chủ nhà cũng sẽ chịu chung số phận như vậy.

Từ đây, cần xác định thêm một điều quan trọng nữa: ở mỗi kỳ SEA Games, có lẽ chuyện chúng ta giành được bao nhiêu HCV, đứng ở vị trí thứ bao nhiêu trong bảng xếp hạng toàn đoàn cũng không quá quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta có thắng được chính bản thân mình, trong những môn đấu mà mình thực sự chọn làm mũi nhọn trong quá trình vươn lên tầm châu lục và thế giới hay không?

SEA Games 2 năm trước, khi Ánh Viên đoạt HCV ở nội dung bơi ngửa 200 m nữ với thành tích 2 phút 14 giây 8, và khi cánh phóng viên báo giới đổ xô về phía Ánh Viên để tung hô thì HLV trưởng của Ánh Viên, ông Đặng Anh Tuấn lại không hề hãnh diện. Bởi theo ông, thành tích này kém xa thành tích 2 phút 12 giây 7 ở giải vô địch châu Á năm 2012 mà Ánh Viên từng có.

Ông Tuấn nói nguyên văn: “Ánh Viên đã hoàn thành chỉ tiêu giành huy chương. Tuy nhiên, về mặt thành tích bơi tôi vẫn chưa hài lòng. Ban huấn luyện không ưng ý với cách bơi của em và sẽ có những điều chỉnh trong thời gian tới. Không phải cứ giành HCV là chúng ta mãn nguyện. Với Ánh Viên, chúng tôi đặt chỉ tiêu thành tích chứ không đặt chỉ tiêu huy chương. Do đó em phải nỗ lực giành thành tích cao như trong tập luyện chứ không phải cứ giành HCV SEA Games là được”. (Báo Zing, ngày 13/12/2013). Theo chúng tôi, một tinh thần, một tâm thế như của HLV Đặng Anh Tuấn cần phải được nhân rộng trong nhiều môn khác với nhiều nội dung thi đấu mang tính mũi nhọn và chiến lược khác.

Nói một cách hình ảnh thì chúng ta không thể cứ mãi tham dự “ao làng” với tư duy của kẻ phải sống chết thi thố ở trong ao, bởi nếu cứ như thế, sẽ không bao giờ chúng ta có thể đoạn tuyệt ao, ra biển...

SEA Games nhạt - truyền thông nhạt

Năm nay chủ nhà Singapore không tổ chức SEA Games vào cuối năm, mà lại là giữa năm, vào mùa hè. Điều này cộng với việc sân chơi SEA Games không còn quá mới mẻ, hấp dẫn với khán giả Việt Nam như trong những năm 90 của thế kỷ 20 mà truyền thông Việt Nam đang tỏ ra nhạt nhẽo đặc biệt với sự kiện này.

Không có quá nhiều các chương trình truyền hình quảng bá, giới thiệu về SEA Games, cũng không còn những tờ phụ trương thể thao riêng phục vụ cho nhu cầu xem và thưởng thức SEA Games như trước đây, nhiều tờ báo thậm chí còn không cử phóng viên đến tác nghiệp SEA Games như trước. Thể thao Việt Nam đang tính toán về việc có thể trở thành chủ nhà của SEA Games 31, và khi ấy địa điểm tổ chức dự định sẽ ở TP Hồ Chí Minh, chứ không phải Thủ đô Hà Nội như SEA Games 22 năm 2003. Hy vọng nếu điều này diễn ra thì truyền thông, dư luận Việt Nam sẽ có một không khí SEA Games sôi nổi trở lại như ngày nào.

Phan Đăng
.
.