Cuộc chiến giữa Tổng thống ukraine Petro Poroshenko và trùm tài phiệt Igor Kolomoisky:

Đi bộ trên dây

Thứ Năm, 16/04/2015, 16:05
Chính quyền Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và trùm tài phiệt Igor Kolomoisky đang ở trong tình trạng “chiến tranh”, với việc cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau vì bất tài, thậm chí vô dụng.

Igor Kolomoisky, Thống đốc khu vực công nghiệp chiến lược Dnipropetrovsk, là một trong những người giàu nhất và quyền lực nhất Ukraine. Động thái chống lại Kolomoisky của ông Poroshenko có thể báo trước sự khởi đầu của giai đoạn đấu đá nội bộ gay gắt và bất ổn. Kết quả cuộc xung đột này rất quan trọng đối với tương lai của Ukraine, tương đương cuộc chiến với phe nổi dậy ở phía đông. Tổng thống Ukraine dường như muốn gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng chính phủ của ông rất nghiêm túc trong việc theo đuổi cải cách và chiến đấu với tham nhũng.

Chiến dịch dẹp loạn

Sau khi Nga sáp nhập Crimea và những tay súng ly khai bắt đầu chiếm giữ các trụ sở chính quyền ở miền Đông vào năm 2014, chính quyền Kiev đã đề ra sáng kiến bổ nhiệm những nhà tài phiệt giàu có nhất nước làm tỉnh trưởng trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng nổi dậy lan rộng. Igor Kolomoisky, một tài phiệt sừng sỏ, là người đầu tiên đáp lời: “Phụng sự đất nước là cách để chuộc tội trước nhân dân”.

Theo ước tính của tạp chí Forbes, ông Kolomoisky có tài sản trị giá 1,8 tỷ USD, đứng đầu của Tập đoàn Privat, tập đoàn lớn tham gia vào truyền thông, khai thác kim loại, chế biến thực phẩm và kinh doanh xăng dầu.

Kế sách của Kiev có vẻ như “đơm hoa kết trái”. Với cương vị đứng đầu tỉnh Dnipropetrovsk, Kolomoisky đã tích cực ngăn chặn sự bành trướng của phe nổi dậy. Sự hỗ trợ tài chính của ông cho các tiểu đoàn tình nguyện đóng vai trò quan trọng nhằm chặn đà tiến của các tay súng ly khai. Nhiều người, đặc biệt là tại quê nhà, xem ông như người anh hùng và người yêu nước, tôn vinh ông có công lớn trong việc ngăn chặn các lực lượng nổi dậy lan đến Dnipropetrovsk.

Cục diện mới cho phép Kolomoisky tự tin tuyên bố: “Thời đại các tài phiệt đã qua. Giờ là thời của riêng mình tôi”. Khi nói như vậy, ông Kolomoisky có lẽ quên mất sự hiện diện của một tài phiệt “tay to” khác: Tổng thống Petro Poroshenko - tỉ phú ngành bánh kẹo, lãnh đạo khối Petro Poroshenko, đảng chính trị lớn nhất trong nghị viện Ukraine.

Thế lực ngày càng lớn mạnh của ông Kolomoisky ở Dnipropetrovsk và chính trường Ukraine khiến một số người ở Kiev đứng ngồi không yên. Họ tố cáo ông lợi dụng chức vụ tỉnh trưởng để bành trướng hoạt động kinh doanh và biến các đơn vị tình nguyện thành quân đội tư nhân. Nỗi lo đó càng gia tăng sau khi lực lượng vũ trang trung thành với Kolomoisky xuất hiện tại đại bản doanh của hai tập đoàn năng lượng lớn nhất Ukraine ở Kiev, làm dấy lên những đồn đoán về cuộc đấu đá quyền lực giữa Kolomoisky và Poroshenko. Chính phủ Poroshenko đã ngay lập tức tiến hành nhiều động thái quan trọng nhằm “chặt” vây cánh của Kolomoisky.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) và trùm tài phiệt Igor Kolomoisky (trái) đang ở trong tình trạng "chiến tranh".

Trong tháng 3, nghị viện thông qua một đạo luật với mục đích giảm thiểu sự lũng đoạn của Kolomoisky tại Ukrnafta, tập đoàn dầu khí mà ông nắm 42% cổ phần. Chính phủ cũng tìm cách kiểm soát Ukrtransnafta, tập đoàn vận hành đường ống dẫn dầu quốc doanh, bằng cách thay thế Giám đốc điều hành Oleksansr Lazorko - một đồng minh của Kolomoisky. 

Sự kịch tính lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Poroshenko ra thông báo chấp thuận đơn từ chức tỉnh trưởng Dnipropetrovsk của Igor Kolomoisky vào cuối tháng 3 sau một cuộc gặp giữa hai người. Nhiều nguồn tin cho rằng Kolomoisky tự nguyện từ chức, nhưng các chuyên gia tin rằng chính ông Poroshenko ra quyết định cách chức bởi “không tỉnh trưởng nào được quyền có lực lượng vũ trang riêng”.

Rõ ràng, Tổng thống Poroshenko buộc phải rũ bỏ Kolomoisky vì hành động “diễu võ dương oai” của ông này ở Kiev tạo ra nghi ngờ về sự độc quyền nhà nước đối với việc sử dụng lực lượng vũ trang. Việc giữ lại Kolomoisky sẽ chỉ làm xói mòn tính chính danh của chính quyền Poroshenko.

Sự ra đi đột ngột của trùm tài phiệt này là một trong những biến cố chính trị lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng hồi năm 2013. Đối với nhiều người Ukraine, đây là tin tức tốt lành. Tuy nhiên, rủi ro là rất cao, khiến chính Tổng thống phải tính toán lại với những bước đi thận trọng hơn trong việc đối phó với các ông trùm của Ukraine.

Các sự kiện quanh việc sa thải ông Kolomoisky cho thấy, tình thế tiến thoái lưỡng nan của Tổng thống. Một mặt, ông đang rất cần sự hỗ trợ của họ như là các nhà môi giới quyền lực. Nhưng, mặt khác, nếu họ tạo nên quá nhiều ảnh hưởng thì đất nước sẽ bị đe dọa. Những lời đồn đoán về một thỏa thuận ngầm giữa hai đồng minh một thời cũng không xua tan đi lo ngại rằng cuộc chiến giữa hai bên chỉ mới khai mào và sẽ còn tiếp diễn.

Nếu muốn, Kolomoisky vẫn có dư dả phương tiện để phản công và bảo vệ đặc quyền khi sở hữu ngân hàng thương mại lớn nhất Ukraine là Privat và được ủng hộ hết mực tại Dnipropetrovsk. Kolomoisky có quyền tiếp cận các nhóm vũ trang và sẵn sàng huy động quân ngay lập tức, vì ông có thể trả lương và trang bị cho họ tốt hơn nhiều so với chính phủ. Dù khó có thể thực hiện một cuộc đảo chính, nhưng ông cũng không dễ gì cho phép Tổng thống Poroshenko dồn mình vào ngõ cụt. Tầm ảnh hưởng của nhà tài phiệt này với cuộc xung đột ở miền Đông lớn tới mức nhiều chuyên gia phân tích chính trị phải thừa nhận: “Nếu ông ấy muốn chiến tranh, sẽ có chiến tranh”.

Kịch hay phía trước

Ngay trước khi ông trùm bánh kẹo Petro Poroshenko trở thành Tổng thống Ukraine hồi năm ngoái, ông trùm năng lượng Kolomoisky đã ngồi vào chiếc ghế cao nhất tỉnh Dnipropetrovsk. Mặc dù việc làm ăn của Kolomoisky không cạnh tranh trực tiếp với lĩnh vực kinh doanh đồ ngọt của Tổng thống Poroshenko, nhưng sự độc lập và tầm ảnh hưởng của ông gây ra mối đe dọa chính trị đối với Kiev.

Việc ông Kolomoisky lùi bước có thể gây nên một “lỗ hổng lớn” trong hệ thống phòng thủ khi nhà tài phiệt là “ông bầu” của 4 tiểu đoàn tiễu phạt.

Và giờ đây, các chuyên gia phân tích nhận định rằng một cuộc “nội chiến chính trị” khốc liệt đang diễn ra giữa hai ông trùm này và có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai Ukraine. Việc Kolomoisky lùi bước có thể gây nên một “lỗ hổng lớn” trong hệ thống phòng thủ, làm dấy lên lo sợ về tình hình an ninh ở Dnipropetrovsk nói riêng và số phận của thỏa thuận ngừng bắn nói chung.

Hôm 26/3, hai nhân vật Petro Poroshenko và Igor Kolomoisky cùng xuất hiện như là cách chứng tỏ không có điều gì xảy ra. Thế nhưng sự hòa hoãn đó chỉ là giả tạo, mong manh, vì vị tài phiệt kia đâu có dễ dàng để chấp nhận từ bỏ các lợi ích kinh doanh. Chính Kolomoisky đã dọa rằng sẽ khởi kiện Chính phủ Poroshenko ra một tòa án quốc tế nếu như công việc kinh doanh của ông không được giải quyết một cách thỏa đáng.

Để củng cố lực lượng, trùm tài phiệt này đã tính đến việc lôi kéo thủ lĩnh lực lượng cánh hữu Dmitry Yarosh, người cũng đang được Kiev tìm cách “chiêu mộ”, và hứa sẽ bổ nhiệm một chức vụ tại Bộ Quốc phòng. Giờ là lúc mà Igor Kolomoisky có thể khai thác mọi lỗi lầm của Tổng thống Petro Poroshenko, cùng với đó là làn sóng bất mãn tăng cao trong xã hội trước các chương trình cải cách không hiệu quả.

Kết quả thăm dò do dư luận mới đây cho thấy, đương kim Tổng thống Poroshenko có tỉ lệ tín nhiệm ở mức thấp: với 58% không hài lòng và 68% tỉ lệ phản đối. Trong khi đó, Kolomoisky có nhiều người ủng hộ, và bản thân ông hoặc một số “tay trong” thân cận có thể sẽ trở thành đối thủ tiềm năng cho chức Tổng thống một khi ông Poroshenko phải từ nhiệm trước thời hạn.

Vào ngày 28/3, hơn 1 nghìn người ủng hộ ông Kolomoisky đã biểu tình ở Dnipropetrovsk, các tiểu đoàn tiễu phạt dưới quyền nhà tài phiệt này cũng tập trung quân hướng về Kiev, đưa ra tuyên bố: Tổng thống Ukraine nên “ra đi”. Cuối tuần vừa qua, đã có nguồn tin cho rằng, hiện đang manh nha có triệu chứng ly khai hoặc nội chiến mới ở Ukraine, sau khi những người ủng hộ ông Kolomoisky ở vùng Dnepropetrovsk triệu tập cuộc họp của Hội đồng nhân dân nhằm mục đích “chống lại chế độ độc tài Kiev”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định nguyên nhân chính khiến “ông hoàng đồ ngọt” Petroshenko có thể thất bại trước “ông trùm Privat” là do Mỹ có thể từ bỏ vị Tổng thống này để “chống lưng” cho nhà tài phiệt Igor Kolomoisky. Tình hình đối đầu hiện nay chỉ có thể được gỡ bỏ bởi bàn tay dàn xếp của Mỹ. Nếu Washington ủng hộ phe nào thì chắc chắn phe đó sẽ chiến thắng. Và trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng đối với Mỹ, vị Tổng thống đương nhiệm Ukraine đang bị lép vế bởi Kolomoisky được Mỹ hậu thuẫn khi “có tư tưởng chống Nga quyết liệt nhất”.

Sau những phát ngôn và hành động chống xu thế Liên bang hóa nên bị các tỉnh đông nam Ukraine tẩy chay, nhà tài phiệt kiêm chính trị gia nửa mùa Igor Kolomoisky đã tài trợ thành lập “các sứ quân địa phương”, bao gồm 4 tiểu đoàn tiễu phạt với quân số ban đầu lên tới hơn 3 nghìn người. Trong bối cảnh quân đội Ukraine tinh thần bạc nhược, khả năng chiến đấu kém thì các tiểu đoàn này có vai trò rất quan trọng, làm nòng cốt trong chiến dịch tiễu phạt miền Đông.

Việc giải tán các tiểu đoàn này trong thời điểm hiện nay có thể dẫn đến một cuộc “nội chiến kép” trong lòng Ukraine. Những chính trị gia hay doanh nhân chống lưng các tiểu đoàn này có thể sẽ quay sang chống chính phủ làm gia tăng bất ổn chính trị khi họ đã leo lên các chức vụ cao hơn trên chính trường, trong đó rất nhiều người có thế lực trong Quốc hội Ukraine. Hàng chục nghìn binh lính thuộc các tiểu đoàn này bị giải tán sẽ dẫn đến sự bất mãn, chống đối chính quyền. Đó chính là mầm mống của sự nổi loạn của “các sứ quân địa phương”, rất dễ gây ra đảo chính hay nội chiến kép ở mảnh đất tang thương Ukraine.

Mỹ sẽ không để Tổng thống Poroshenko giải tán các tiểu đoàn này làm mất sức chiến đấu của lực lượng tiễu phạt vừa rất dễ sinh nổi loạn khiến chính quyền Ukraine không còn tâm trí để đánh quân ly khai, giúp Mỹ… chống Nga. Đồng thời Washington cũng không muốn các tiểu đoàn này vào trong biên chế quân đội hay an ninh bởi họ muốn giữ chúng “ngoài vòng pháp luật” để làm công cụ phá hoại hòa bình ở Ukraine và làm con bài để đe nẹt nếu chính quyền Ukraine “bất tuân thượng lệnh”.

Bởi vậy, Mỹ sẽ tìm mọi cách hậu thuẫn ông Kolomoisky và ngăn cản đối thủ Poroshenko ra tay. Tổng thống Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc đối đầu với nhà tài phiệt kiêm cựu Thống đốc Dnepropetrovsk. Nhiều khả năng ông sẽ phải “chịu lùi bước” trong thời gian tới, thậm chí có thể sẽ mất chức nếu tình hình xấu đi…

Nguyễn Lê Mi - Lâm Anh
.
.