Ai mới là chủ nhân của trường học?

Thứ Ba, 10/05/2016, 19:01
Chủ nhân chính của nhà trường là học sinh chứ không phải giáo viên. Nhưng hiện thực trong các nhà trường của chúng ta lâu nay đã minh chứng một cách đáng buồn là: chủ nhân của nhà trường lại là các giáo viên.

Anh Vũ Hoài Sang (Quận 2- TP Hồ Chí Minh): Thưa nhà báo, tôi có con trai đang học tiểu học. Thời gian này là cuối học kỳ 2 của học sinh các cấp phổ thông. Con tôi cũng như các học sinh khác trên cả nước đang chuẩn bị bước vào kỳ thi và tổng kết cuối năm học. Mẹ cháu động viên cháu, cố gắng học và thi cho tốt kẻo lại vì bài thi điểm không cao mà "bị" danh hiệu Học sinh tiên tiến như năm ngoái. Bởi mẹ cháu biết cháu học khá tốt, mà trong lớp đến hơn 70% là các bạn đạt Học sinh giỏi, chỉ những bạn yếu, và có vấn đề về hạnh kiểm mới "bị tiên tiến" mà thôi. Thật là hài hước. Bởi con cái chúng ta khó có thể thực sự xuất sắc đến mức ấy. Thời kỳ chúng tôi còn đi học, một lớp 45-50 học sinh thì thường chỉ có 2-3 bạn thật xuất sắc mới đạt Học sinh Giỏi (thậm chí có lớp không có bạn nào), số học sinh tiên tiến cũng thực sự là các bạn học tốt (chừng không quá 10 bạn một lớp), và khá nhiều học sinh trung bình, có bạn còn là học sinh yếu. Vậy mà lâu nay, học sinh con em chúng đã hoàn toàn không hề biết đến khái niệm học sinh yếu, ngay đến học sinh trung bình cũng lác đác được nhắc đến ở các lớp trên, còn ở cấp tiểu học thì phần lớn là học sinh giỏi. Đồng ý là để động viên khuyến khích các con, nhưng nếu các thầy cô, ngành giáo dục ta lạm dụng danh hiệu tặng các trò (mà cũng vì thành tích chạy đua của các thầy cô) như thế này, tôi nghĩ là rất tác hại. Đó là việc trẻ ngay từ nhỏ đã bị nhiễm lối sống ảo, hoang tưởng về bản thân, và mầm mống bệnh thành tích, sự thiếu trung thực,… và còn những tác hại rộng hơn với xã hội nữa.

Nhà báo có thể cho chúng tôi ý kiến về vấn đề này?

Nhà báo Minh Đức: Thưa anh Vũ Hoài Sang, câu hỏi của anh đã đề cập đến một vấn đề cốt lõi trong nền giáo dục của chúng ta. Vấn đề cốt lõi ấy đang là nỗi lo lớn của những người thực sự quan tâm đến nền giáo dục. Nhiều năm trước, khi chúng ta tiến hành kỳ thi tốt nghiệp một cách nghiêm túc, chúng ta phát hiện ra ngay chất lượng thực sự của giáo dục chúng ta. Tỷ lệ trên 90% hoặc gần 100% học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học trước đó là một kết quả GIẢ.

Câu trả lời duy nhất về nguyên nhân của sự GIẢ đó chính là chủ nghĩa thành tích của nhà trường, hay nói rộng hơn là của nền giáo dục. Nhưng hình như những người có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà vẫn không "tỉnh giấc". Họ vẫn chìm trong cơn mê của chủ nghĩa thành tích. Và chủ nghĩa thành tích của họ kéo theo hầu hết những người liên quan. Nhưng nạn nhân của chủ nghĩa thành tích chỉ có một: HỌC SINH.

Nhà trường là của ai? Câu hỏi nghe rất ngớ ngẩn. Nhưng câu hỏi đó lại vô cùng chính xác và cấp bách đối với nền giáo dục chúng ta. Câu trả lời là: Nhà trường là của học sinh. Nhưng thực tế, đã quá lâu rồi, nhà trường là tài sản sở hữu của các thầy cô chứ không phải là của học sinh nữa. Đấy chính là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến những thất bại mà chúng ta đều biết của nền giáo dục Việt Nam.

Nhà trường chính là nơi tạo ra mọi điều kiện tốt nhất để mỗi học sinh, hay có thể gọi là mỗi con người, hiển lộ những phẩm chất tốt đẹp của cá nhân con người đó và được thầy cô gợi mở, hướng dẫn để hướng tới sự phát triển và hoàn thiện những phẩm chất ấy. 

Và những phẩm chất ấy chỉ được phát triển và tiến tới sự hoàn thiện khi được nuôi dưỡng bằng kiến thức khoa học và chủ nghĩa nhân văn. Vì vậy, chủ nhân chính của nhà trường là học sinh chứ không phải giáo viên. Nhưng hiện thực trong các nhà trường của chúng ta lâu nay đã minh chứng một cách đáng buồn là: chủ nhân của nhà trường lại là các giáo viên.

Nghĩa là ở đó, giáo viên (từ một giáo viên làm nhiệm vụ giảng dạy cho đến những người làm công việc quản lý như hiệu trưởng) là những người áp đặt các nguyên tắc và các đòi hỏi của mình đối với học sinh. Và học sinh, nói một cách bi hài, là những "công nhân" đến đó để thực hiện các nguyên tắc và đòi hỏi của các "ông chủ".

Nhà trường đã và đang đẩy học sinh, phụ huynh và cả giáo viên vào một cuộc chạy đua thành tích khốc liệt. Để đạt tới cái đích của cuộc chạy đua này, tất cả những người tham gia cuộc chạy đua sẵn sàng làm tất cả để giành chiến thắng. Còn học sinh là gì trong cuộc chạy đua đó? Học sinh chỉ là những vật lát đường cho cuộc chạy đua của người lớn. Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ một chút thôi thì sẽ thấy điều tôi nói là một hiện thực chứ không phải là tưởng tượng.

Hiện thực cho thấy kiến thức cũng như đạo đức của học sinh càng ngày càng làm cho chúng ta đáng lo ngại. Chúng ta đã và đang phải chứng kiến những cái tát hoa mắt vào chất lượng của giáo dục khi một học sinh chửi hoặc hành hung thầy, cô ngay trong sân trường, những học sinh hành hung một bạn học rồi quay video và đưa lên mạng xã hội như một niềm khoái cảm. Đấy mới là kết quả thực của giáo dục chúng ta chứ không phải là một lớp có đến 70% là học sinh giỏi.

Để tiếp thu không thôi kiến thức các môn khoa học tự nhiên hay xã hội, thì phương pháp truyền bá những kiến thức này cho một học sinh và cho một phạm nhân là như nhau. Nghĩa là nó rất đơn giản. 

Nhưng ở đây, chúng ta đang bàn đến hai chữ: giáo dục. Mà sứ mệnh giáo dục trong các trường học phổ thông không phải là đào tạo một công nhân, một kỹ sư… trong tương lai, mà là đào tạo ra một con người.

Thế nhưng,  phần đào tạo ra một con người trong các trường học đã bị xem nhẹ hay có thể nói đã rơi vào nhiều sai lầm nghiêm trọng. Nếu chúng ta làm một điều tra xã hội học, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ các giáo viên đến trường với một nguồn cảm hứng nhân văn còn lại rất ít. 

Thậm chí, càng ngày càng nhiều hơn các giáo viên đến trường mỗi ngày như đến chợ để bán những sản phẩm (kiến thức) mình có. Mà thay vào đó là một lối làm việc thô cứng, áp đặt và ít nhiều vô cảm.

Có người đã nói một cách hình tượng rằng mỗi ngôi trường trước kia chỉ có một cổng trường còn bây giờ một ngôi trường có thể có nhiều cổng. Hình tượng ấy nói với chúng ta điều gì? Nó nói rằng: nhà trường đã đánh mất đi tính thuần khiết của nó. Nhà trường đã bị quá nhiều những vấn đề của xã hội và của thị trường cùng với sự vô cảm xâm nhập. Nếu chúng ta lắng nghe những câu chuyện của học sinh với cha mẹ sau khi từ trường về, chúng ta có thể nhận ra hiện thực đó.

Bây giờ, nhà trường không còn  "nín thở" quan sát xem một học sinh - một con người - có khả năng chia sẻ, thương yêu với một con người bên cạnh và với một cái cây bên cạnh không mà chỉ là giám sát xem học sinh đó - con người đó - có thực hiện những đòi hỏi của mình như thế nào. Một trong những đòi hỏi ấy là học sinh có nghĩa vụ nâng bảng thành tích cho nhà trường lên trong khi mục đích duy nhất của nhà trường là ngược lại.

Một thực trạng là hiện nay nhà trường đã và đang trở thành một thực thể tách rời khỏi học sinh của mình. Chỉ còn lại gần như mối ràng buộc duy nhất giữa nhà trường và học sinh là mối ràng buộc của sự áp đặt và các nguyên tắc như của một ông chủ đối với người làm thuê. 

Thậm chí, mối ràng buộc giữa nhà trường và học sinh đã và đang nhuốm đầy màu sắc thị trường: tôi trả tiền cho anh thì anh phải dạy tôi. Sai lầm này sinh ra bởi vì nhà trường của chúng ta đang vì lợi ích của chính nhà trường chứ không thực sự vì lợi ích của học sinh.

Còn chúng ta hãy cùng nhau nhìn nhận một cách trung thực nhất, chúng ta đang nói gì với học sinh trong những buổi sinh hoạt  lớp hay trong những tiết học cho dù đó là những tiết học của môn tự nhiên. Xin các thầy cô hãy nhanh chóng nhận ra ra rằng: hầu hết những gì chúng ta nói không phải là những điều mà học sinh quan tâm và chẳng để lại trong tâm hồn chúng một rung động nào. Bởi chúng ta đã không sống trong đời sống của học sinh. 

Chúng ta không có khả năng trò chuyện với chúng. Chúng ta không tìm được lối vào trong giấc mơ của chúng để biết chúng đang đi về đâu hay đang lạc đường ở chỗ nào. Chúng ta không có khả năng trở thành người bạn đồng hành của chúng. Bởi vì thế mà chúng ta đang thất bại.

Chỉ khi nào nhà trường coi học sinh là những "người chủ" của nhà trường thì lúc đó nền giáo dục mới trở về đúng bản chất của nó. Nhà trường hãy lắng nghe những biến động trong tâm hồn và tư duy của học sinh như bà mẹ lắng nghe những thay đổi của thai nhi thì lúc đó nhà trường mới trở thành thế giới của những đứa trẻ.  Việc làm cho những đứa trẻ trở thành thiên tài không phải việc của nhà trường nhưng việc giáo dục những đứa trẻ trở thành những con người có tình yêu thương, có khát vọng sống chính là mục đích duy nhất của nhà trường. 

Chỉ khi nào nhà trường thấu hiểu rằng, sự thất bại của một nền giáo dục chính là sự thất bại trong nhân cách làm người của một học sinh thì lúc đó nhà trường mới bắt đầu biết phải làm gì cho những đứa trẻ.

ANTG Cuối tháng số 176
.
.