ASEAN ở Sunnylands

Thứ Năm, 25/02/2016, 10:22
Lần đầu tiên, ASEAN nhóm họp nhưng không diễn ra ở châu lục mà vươn sang bên kia bờ Thái Bình Dương, tổ chức ngay tại khu du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng Sunnylands. 


Ở địa chỉ vốn yên bình mê hoặc lòng người và tạo cảm giác cho những giấc ngủ đắm say của khách du lịch, các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ đã vượt qua những rào cản về địa giới, chính trị để tìm tiếng nói chung, xuất phát từ trục lợi ích đôi bên.

Lâu nay, ASEAN thường xoay quanh các hội nghị thuộc khu vực của mình hoặc nới rộng thêm bởi các đối tác ngoài Đông Nam Á nhưng không ngoài châu lục như Nhật Quốc, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngay cả Australia tuy thuộc châu Đại Dương nhưng về vị trí cũng như các quan hệ hợp tác cũng “gần nhà sát vách”. 

Lần này, khi các nguyên thủ Đông Nam Á sang bên kia bán cầu đến nhóm họp với lãnh đạo Nhà Trắng tại khu nghỉ dưỡng sang trọng Sunnylands Center & Gardens rộng 200 mẫu ở Rancho Mirage, California trong trung tuần tháng 2, nhiều người gọi đó là “cuộc du lịch vượt đại dương”. Song, bỏ qua các dị nghị khác nhau, cuộc họp đã đề đạt và đi đến các thỏa thuận theo đúng nguyện vọng, mong đợi của đôi bên.  

Quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ khởi động từ năm 1977, hai bên thiết lập quan hệ đối tác tăng cường năm 2005. Hoa Kỳ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) vào tháng 7-2009, đề xuất và tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ - 4 nước Hạ nguồn Mekong (CLTV) lần đầu tiên vào tháng 7-2009, là một trong những nước đối thoại đầu tiên chính thức lập phái đoàn Hoa Kỳ tại ASEAN và cử đại sứ Hoa Kỳ thường trú bên cạnh ASEAN năm 2010.  Quan hệ nâng lên tầm cao mới khi hai bên chính thức xác lập đối tác chiến lược tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 3 (Kuala Lumpur, 11-2015).

Tuy nhiên, tại sao ASEAN lại di chuyển đường dài sang Tây bán cầu để nhóm họp, bàn trọng trách liên quan đến chính phận sự của mình? Vai trò của Hoa Kỳ tại ASEAN như thế nào và có hay không quan điểm dựa lưng chống phía thứ ba? Đây vẫn là chuyện âm ỉ ngay cả khi hội nghị đã kết thúc, các nguyên thủ trở về với quốc gia của mình và ngay cả khi các bên đã ra Tuyên bố chung với những điểm được nêu khá rõ ràng.

Câu nói “trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia vĩnh viễn” được xới lại. Chắc chắn, trục lợi ích luôn là vĩnh viễn và trong bối cảnh hiện tại, lợi ích ấy đang đặt ra những vấn đề có tính mắt xích buộc hai bên thắt chặt quan hệ hợp tác. Có thể lý giải điều này trên một số khía cạnh. 

Thứ nhất, có thể thấy Hoa Kỳ rất coi trọng vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, mong muốn đưa quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ đi vào thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi quốc gia và khu vực. Việc các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ cùng ngồi lại và trao đổi về các cơ hội, thách thức ở khu vực cũng như các vấn đề xuyên biên giới như chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh biển đã thể hiện tầm vóc và vai trò không thể thiếu của ASEAN với tư cách là một đối tác đáng tin cậy, một tổ chức có vai trò dẫn dắt ở khu vực, một cộng đồng kinh tế có tính cạnh tranh, hấp dẫn với tổng GDP trên 2.500 tỉ USD và một thị trường 625 triệu người tiêu dùng. Hiển nhiên, Hoa Kỳ nhận thấy rõ điều này. 

Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị ở Sunnylands.

Thứ hai, Hội nghị này là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ, cho thấy Hoa Kỳ ngày càng cam kết mạnh mẽ đối với khu vực và ASEAN. Chỉ một thời gian ngắn sau khi tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm 2011, Hoa Kỳ đã chính thức hóa Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ năm 2013 và nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN tháng 11-2015. Hai bên cũng đã thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2016 - 2020 để thúc đẩy các hoạt động hợp tác thời gian tới. 

Việc chủ động đề xuất họp cấp cao ngay sau khi cộng đồng ASEAN hình thành thể hiện Hoa Kỳ ngày càng coi trọng vai trò then chốt của ASEAN, mong muốn ASEAN tiếp tục gắn kết và hợp tác sâu rộng với Hoa Kỳ. Việc tổ chức Hội nghị tại Sunnylands, nơi có nhiều doanh nghiệp, trung tâm công nghệ cao của Hoa Kỳ và cộng đồng người dân gốc Đông Nam Á sinh sống cũng cho thấy Hoa Kỳ muốn gắn kết hơn với ASEAN thông qua hợp tác kinh tế, đầu tư, công nghệ cao, giáo dục và giao lưu nhân dân. 

Thứ ba, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang có những bước tiến triển quan trọng sau khi hình thành khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào tháng 7-2015.

An ninh tại khu vực Đông Nam Á, trong đó trọng tâm là biển Đông có vị trí cốt lõi trong quan hệ của Hoa Kỳ với ASEAN. Phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes thừa nhận, lợi ích kinh tế từ ASEAN mang đến cho Hoa Kỳ là khá rõ ràng bởi ASEAN là một khu vực ưu tiên trong chính sách kinh tế của Tổng thống Obama. 

Nhưng kinh tế chỉ là phần nổi có thể nhìn thấy. Sâu rộng hơn, lợi ích từ an ninh, chính trị là điều mà Hoa Kỳ không thể đứng ngoài cuộc, nhất là những diễn biến phức tạp về biển đảo. Mỹ đã nhiều lần lên án Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp tại Trường Sa cũng như việc Trung Quốc điều máy bay và tàu chiến tuần tra áp sát đảo nhân tạo để khẳng định tự do hàng không và hàng hải ở biển Đông. Nhưng Trung Quốc lại tố cáo Mỹ mượn cớ tự do hàng hải để giành quyền kiểm soát biển Đông (như sau vụ một tàu khu trục Mỹ áp sát đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 30-1-2016).

Trong cuộc trao đổi với đoàn nhà báo ASEAN tại Hawaii, ông Charles E. Morrison, Chủ tịch EWC cho rằng, dù vấn đề biển Đông và hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) của Mỹ ở biển Đông là nội dung được thảo luận tại Sunnylands nhưng đó không phải là một diễn đàn để chống lại Trung Quốc. Ông nói, những gì Hoa Kỳ đang làm là xây dựng một sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế, trong đó bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền phải được tôn trọng.

Đại diện Chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định, cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và ASEAN tại Sunnylands không nhằm chống lại Trung Quốc và cuộc gặp hoàn toàn không phải về Trung Quốc. Ông Daniel Kritenbrink, Giám đốc cao cấp phụ trách khu vực châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia của Mỹ cho rằng: “Thượng đỉnh này không vì Trung Quốc, Thượng đỉnh này là về Mỹ và ASEAN và quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hơn giữa hai bên”.

Điều này cho thấy phía Mỹ không muốn đưa sự chú ý của dư luận về biển Đông trong quan hệ với ASEAN và cũng không muốn gây căng thẳng với Trung Quốc, song dù theo hướng nào thì vấn đề biển Đông vẫn không tách rời bàn nghị sự. Rõ ràng, sự nhạy cảm ở biển Đông vốn là điểm nóng và liên quan trực tiếp lợi ích các bên nên dù nói theo khuynh hướng nào, theo cách nào thì nó vẫn không thể che giấu dưới con mắt công luận.

Thực tế, Tuyên bố chung ASEAN – Hoa Kỳ không có câu từ nào nói về biển Đông, không có câu từ nào nói về Trung Quốc. Dễ hiểu điều này bởi một tuyên bố hai phía thì không thể và không nên nhắc đến bên thứ ba. Nhưng không nhắc đến biển Đông dù đó là lợi ích sát sườn, cho thấy sự cẩn trọng của các bên trong bàn cờ chính trị. 

Dù vậy, việc này được hiểu trong những nội dung có tính nguyên tắc của Tuyên bố như: “Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và chính trị độc lập của tất cả các quốc gia thông qua việc duy trì các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế”. 

Đặc biệt, tại điểm 7,8,9 của Tuyên bố xác định: Cùng cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)… Với các cam kết đó, dù không chỉ đích danh biển Đông thì người ta vẫn hiểu hàm ý không phải là vùng biển nào khác. 

Cuộc gặp ở Sunnylands là thành tựu ngoại giao của cả ASEAN và Mỹ được phần lớn thế giới đón nhận với tinh thần hoan nghênh, ủng hộ. Dù vậy, những ký kết ở Sunnylands cũng mới chỉ đặt ra sự kỳ vọng còn hiệu quả thực chất còn phải chờ được kiểm chứng bởi những rào cản khó vượt qua trong trục lợi ích đôi bên.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp cho thành công chung, cả trong các phiên thảo luận cũng như quá trình xây dựng Tuyên bố chung Sunnylands.

Thủ tướng Chính phủ đã có phát biểu tại cả 3 phiên thảo luận, chia sẻ những đánh giá quan trọng về tình hình chiến lược khu vực. Trong đó, về tình hình khu vực, đoàn ta nêu quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở biển Đông và chia sẻ quan điểm của hội nghị là cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, kiềm chế, không quân sự hóa, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đi vào thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

An Nhi
.
.