ASEAN - Hướng tới một cộng đồng

Thứ Ba, 09/12/2014, 16:11
Hội nghị cấp cao ASEAN 25 vừa diễn ra trong hai ngày 12 và 13/11/2014, tại thủ đô đô Naypyidaw, Myanmar. Đây là hội nghị được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm, bởi diễn ra trước thềm ASEAN trở thành một cộng đồng vào năm 2015 và thách thức an ninh căng thẳng nhất do những phức tạp trên biển Đông mà ASEAN phải đối mặt trong năm qua.

Lấy nhân dân làm trung tâm

Hội nghị cấp cao ASEAN 25, hội nghị hoàn tất công việc cuối cùng để ASEAN thành một cộng đồng. Chủ tịch nước chủ nhà Myanmar Than Shwe cho biết, cộng đồng ASEAN phải thực hiện một số công việc còn lại trong tiến trình hình thành một cộng đồng. Cùng với nhiều vấn đề khác được đưa ra bàn thảo, biển Đông được hầu hết các nước quan tâm đến với mức độ khác nhau nhưng đều nhấn mạnh về nguyên tắc đã có trong ASEAN, đó là phải đảm bảo việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị ASEAN 25, các nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ thúc đẩy tham vấn với Trung Quốc nhằm đảm bảo và tăng cường hơn nữa việc triển khai đầy đủ toàn bộ tuyên bố ứng xử ở biển Đông DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông COC có tính ràng buộc khu vực. Việc ASEAN trong hai hội nghị cấp cao gần đây ngày càng chủ động và có tiếng nói tích cực trong vấn đề Biển Đông được các nhà phân tích cho rằng ASEAN hiểu rõ hơn bản chất vấn đề Biển Đông không chỉ là tranh chấp chủ quyền mà còn là việc áp dụng và diễn giải luật pháp quốc tế, nguyên tắc ứng xử và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, và cũng là vấn đề cạnh tranh trong quá trình can dự của các nước lớn trong khu vực.

Tại lễ tiếp quản Chủ tịch Hội nghị ASEAN 2015 từ Myanmar, Thủ tướng Malaysia cam kết sẽ lấy người dân làm trung tâm và nhấn mạnh với cương vị Chủ tịch ASEAN, Malaysia sẽ thúc đẩy hòa bình trong khu vực thông qua biện pháp ôn hòa để giải quyết xung đột và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh trong khu vực.

Cũng tại Hội nghị này, tinh thần ASEAN thể hiện rõ ở chỗ tất cả các nước thành viên đều quan tâm và nỗ lực cao để đi đến xây dựng một cộng đồng ASEAN. Và ba trụ cột chính trị -  an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội đều đạt kết quả nhanh như nhau, không còn khoảng cách khác biệt như trước đây.

Đánh giá về kết quả cũng như nhiệm vụ đặt ra của ASEAN, ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN cho biết,  đến nay hơn 80% các biện pháp đề ra trong lộ trình xây dựng ASEAN thành một cộng đồng đã hoàn thành, còn hơn 10% phải thực hiện đến cuối 2015 để xây dựng cộng đồng ASEAN được đúng tiến độ. Tuy nhiên quá trình đó đang gặp những thách thức, đó là: Hệ thống pháp luật của các nước ASEAN còn khác nhau, vì vậy cần phải tạo sự hài hòa giữa các quốc gia trong khối; việc thiếu các nguồn lực, đặc biệt là tài chính; thiếu hiểu biết trong cộng đồng ASEAN để khai thác tối đa những thuận lợi cho việc xây dựng cộng đồng.

Cũng theo ông Lê Lương Minh, đặc điểm nổi bật của ASEAN là sự đa dạng, là đoàn kết trong sự đa dạng, đoàn kết trong lợi ích chung để xây dựng trên cả 3 trụ cột. Xã hội ASEAN là xã hội ngày càng có trách nhiệm chia sẻ, đùm bọc,  hướng tới nhân dân, lấy nhân dân làm trung tâm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Trưởng đoàn các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN 25.

Việt Nam, thành viên có trách nhiệm

Năm 1995, khi chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN. Việt Nam có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN ngày hôm nay.

Sự kiện mang dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong ASEAN là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12-1998) trong bối cảnh khu vực đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nghiêm trọng, được các nước thành viên ASEAN và dư luận quốc tế đánh giá cao. Bằng việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, Cấp cao ASEAN 6 đã góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, khôi phục hình ảnh ASEAN, đặc biệt định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp Hội trong những năm kế tiếp để thực hiện Tầm nhìn 2020.

Sau khi tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 và hoàn thành tốt cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN khóa 34, Việt Nam đã chủ động hơn trong việc tham gia hợp tác ASEAN, hướng hoạt động của ASEAN vào những nội dung hợp tác thiết thực, vừa đảm bảo lợi ích của Việt Nam, vừa thể hiện sự quan tâm chung của ASEAN và các nước đối thoại. Nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN khác ký với Trung Quốc Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (2002). Sau khi ký kết, Việt Nam đã chủ động đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện Tuyên bố này, theo hướng triển khai hợp tác dần từng bước, trước hết trong những lĩnh vực khả thi, ít nhạy cảm. Các bộ, ngành của Việt Nam đã từng bước chủ động và tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong tất cả các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành của ASEAN, từ kinh tế, đến khoa học công nghệ, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin... 

Sau 15 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã khẳng định được vị thế và uy tín của mình; các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác bên ngoài đều đánh giá cao sự tham gia tích cực và những đóng góp của Việt Nam trong việc củng cố và phát triển trong Hiệp hội, cũng như quan hệ hợp tác với các nước đối thoại của ASEAN. Việt Nam luôn coi trọng hợp tác ASEAN vì ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Lãnh đạo Cấp cao của Việt Nam cũng đã chỉ đạo phương châm tham gia ASEAN của Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ là “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”. Theo đó, để nâng cao hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN trong tình hình mới, Việt Nam đã có nhiều đổi mới, từ nâng cao nhận thức và xác định phương hướng, biện pháp hợp tác đến việc cải thiện hiệu quả của tổ chức bộ máy và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành tham gia hợp tác ASEAN, tạo nên một nỗ lực chung của quốc gia thông qua Chương trình hành động của Chính phủ về việc Việt Nam tham gia ASEAN đến năm 2015.

Tại diễn đàn Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với đối tác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những bài phát biểu quan trọng, khẳng định hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Do đó, các bên liên quan cần nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhất là thực hiện Điều 5 của DOC về kiềm chế, không có hành động làm phức tạp thêm, gia tăng căng thẳng, hay thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Sự hợp tác và phát triển thịnh vượng chỉ diễn ra thuận lợi trong môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực trên cơ sở bảo đảm và củng cố được lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, bao gồm cả lòng tin chiến lược trong bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.

Trong tiến trình chung để xây dựng cộng đồng ASEAN đến cuối năm 2015, Việt Nam đã tích cực phấn đấu và đã đạt tỷ lệ trên 89% trong triển khai các cam kết hợp tác kinh tế cũng như trên hai trụ cột chính trị – an ninh và văn hóa – xã hội. Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong năm 2015 cùng các nước ASEAN hoàn thành tốt lộ trình tiến tới Cộng đồng, như mục tiêu đã đề ra.

Điều đó càng thể hiện trách nhiệm cao của Việt Nam với tư cách là một thành viên của ASEAN.

An Nhi
.
.