Ý thức thị dân

Thứ Ba, 11/10/2016, 05:16
Trong lúc chờ chính quyền hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện những quyết sách để đảm bảo về an sinh, môi trường cho hàng triệu thị dân tại nơi này, thì có lẽ thị dân cũng cần xây dựng một ý thức hệ của người sống nơi thành thị.

1. Đêm qua, tôi có trao đổi với một người bạn xung quanh chuyện con cá chết ở Hồ Tây, con chó dắt ra đường không rọ mõm ở Hà Nội, nước ngập ở TP HCM (TP HCM), mùi hôi do rác ở khu thượng lưu Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM)… Câu chuyện luẩn quẩn không lối thoát.

Tất nhiên là không thể nào chấp nhận chuyện môi trường ở hai thành phố lớn nhất cả nước đang bị xuống cấp nghiêm trọng như vậy. Có lẽ, đây là hệ quả của cả một quá trình mê mải với phát triển kinh tế, quy hoạch bừa bãi, nhập cư ồ ạt nhưng lại quên mất chuyện môi trường sống phải được bảo dưỡng, nâng cấp song song.

Điển hình như ở TP HCM, một thành phố với mười triệu dân chiếm phần lớn trong đóng góp ngân sách cho Nhà nước nhưng người sinh sống ở nơi này lại sợ hãi những cơn mưa. Hơn mười lăm năm lưu ngụ tại đây, tôi thật sự không thể nào hiểu được tại sao chính bản thân tôi cũng sợ hãi những cơn mưa. 

15 giờ thấy trời mù mịt mây, là đã vội vàng hoảng hốt tính chuyện đi đường nào về nhà để đỡ ngập, đỡ kẹt xe. Còn chiều nào thấy mưa rây rây có ai mời cơm là nhanh chóng từ chối để thoát những phiền toái khi lưu thông trên đường.

Mấy năm trước, tôi có dịp ngồi hầu chuyện một nhà nghiên cứu về những con sông từng nằm trong lòng thành phố, những bản đồ quy hoạch cũ của phố, những vùng thoát nước tự nhiên của phố… Kết thúc buổi nói chuyện, tôi xin phép trở về với một tâm trạng vô cùng nặng nề bởi tôi hiểu rằng thành phố sẽ không thể nào thoát ngập.

Thành phố không thể thoát ngập không phải vì thiếu một trăm năm mươi nghìn tỷ trong công tác chống ngập, cũng không thể thoát ngập vì mấy mươi năm nay thành phố đã sụt lún hơn một mét so với trước đây, không phải do những con đường thiếu cống rãnh, không phải do những con kênh nhường đất cho xây dựng đại lộ, không phải do những vùng thoát nước tự nhiên bị tước đoạt chức năng của mình để nhường chỗ cho cao ốc, chung cư… 

TP Hồ Chí Minh ngập nặng sau cơn mưa lớn chiều 26-9-2016. Ảnh: CTV.

Thành phố không thể thoát ngập bởi xuyên suốt từ 1975 cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI, lãnh đạo lẫn nhân dân thành phố hoàn toàn không  nghĩ đến hiện thực như hôm nay. Cú hụt chân mấy mươi năm này có lẽ đã triệt tiêu toàn bộ khả năng phục hồi của công cuộc thoát ngập.

Cũng như ở Hà Nội – một thành phố với biểu tượng là những Hồ Gươm, Hồ Tây xanh mướt mát điểm thêm run rẩy lá vàng thu đông. Rồi đột ngột người ta phát hiện ra rằng không biết những cái hồ ấy có thông với con sông nào hay không, hay là lượng nước trong hồ chỉ toàn chứa nước mưa và nước xả thải, từ xả thải của doanh nghiệp cho đến những hộ dân. 

Một cái hồ không thông với sông, suối thì đó không phải là hồ. Một cái hồ chỉ để chứa nước thải thì đó không phải là hồ. Một cái hồ không có sự chuyển lưu của nước thì đích xác đó là một vũng ao tù cho dù có rộng bao nhiêu đi chăng nữa.

Chúng ta đang hứng chịu cơn thịnh nộ của môi trường, thứ hoàn toàn không có trong tư duy của chúng ta trong những năm trước đây. Đáng tiếc, không phải tất cả mọi người đều hiểu điều này. Họ đang bận rộn với mưu sinh, vun vén tích lũy hay thậm chí là nhiệm kỳ vơ vét.

Hiện thực không thể thay đổi một sớm một chiều, những vấn đề của một đô thị cũng không thể nào được khắc phục theo hướng tích cực trong quãng thời gian sớm nhất, thế nên không còn cách nào khác ngoài chuyện những người sinh sống trong thành phố ấy phải tự biến chuyển về ý thức của mình. Một ý thức thị dân sẽ phù hợp với một đô thị.

Ý thức của thị dân nguyên tắc bất di bất dịch là phải tập sống văn minh. Văn minh đơn giản chứ không phức tạp như nhiều người đã nghĩ. Đó là không vứt rác bừa bãi ngoài đường, đó là không chửi thề nói tục, đó là không vượt đèn đỏ lấn tuyến hay chèn ép khi tham gia lưu thông trên đường. 

Đó là thấy một cái cống nghẹt thay vì đứng nguyền rủa hay cau có thì tự bản thân hoặc có thể rủ thêm hàng xóm hợp lực khai thông. Nghĩa là thay vì ngồi bị động thì thị dân phải tự thân vận động từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất.

2. Một thành phố với những con người bặt thiệp sẽ rất khó xảy ra những điều không đúng chuẩn.

Sẽ chẳng có hy vọng gì nếu lướt facebook là thấy những thị dân đang thoải mái chia sẻ những hình ảnh trong một clip đánh nhau của nữ sinh và văng tục nguyền rủa, cũng như sẽ chẳng còn hy vọng gì nếu như trên mạng xã hội của thị dân toàn những câu chửi thề và họ tin rằng đó là chuyện thường ngày.

Làm sao có thể chấp nhận cháo chửi bún mắng vẫn có khách đến ăn? Miếng ăn quan trọng hơn lòng tự trọng không? Chắc chắn là không, bởi miếng ăn quá khẩu thành tàn. Làm sao người ta có thể vui vẻ cười xòa khi bỏ tiền vào một hàng quán còn bị liếc xéo, chửi xéo hay chủ quán nói những lời khó nghe. Tôi thật tình không làm sao hiểu được rằng những hàng quán như thế vẫn có khách trong thời điểm này.

Làm sao có thể chấp nhận cảnh một thị dân vừa điều khiển xe gắn máy vừa hút thuốc lá, vừa hạ kính ôtô vừa khạc nhổ ngoài đường hay những chiếc xe tự chế chở hàng cồng kềnh uốn lượn khắp hang cùng ngõ hẻm.

Thêm nữa, bất cứ một đô thị trên thế giới nào đều phải đối diện với vấn đề người nhập cư, người nhập cư chính là một trong những bộ phận cung cấp dịch vụ cho thị dân. Không thể chối bỏ điều đó, lại càng không thể xóa đi điều đó. Nhưng chính quyền đô thị hoàn toàn có thể đặt ra những điều khoản để người nhập cư phải tuân thủ theo.

Cá chết nổi trắng mặt Hồ Tây. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Viết điều này rất tàn nhẫn và bản thân tôi cũng cảm thấy xấu hổ, tuy nhiên chúng ta phải hết sức bình tĩnh để thừa nhận rằng không một đô thị nào có thể phát triển mà lại mang vác toàn bộ những người đang lưu ngụ trong đô thị ấy trên đường đi. Bắt buộc, phải có một nhóm nhỏ người không theo kịp bị gạt ra khỏi sự chuyển động đó. Trong bất cứ cuộc đua nào đều có người về cuối, cuộc sống vốn dĩ công bằng một cách rất tương đối. Và đô thị không hiện hữu để dành cho tất cả.

Để thoát khỏi tình trạng quá tải đô thị không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền đô thị, đó là một nhiệm vụ chung của cả hệ thống. Bởi nếu người dân tìm thấy cơ hội ở những miền quê, nếu sự phân hóa giàu nghèo không quá chênh lệch, nếu mức sống vùng này vùng kia không quá mất cân đối thì đô thị sẽ được giảm tải.

Tuy nhiên, cho đến giờ vẫn chưa có bất cứ động thái nào cho thấy rằng chính quyền đô thị sẽ có những buổi làm việc với chính quyền các địa phương khác để tìm ra một giải pháp hợp lý.

Chiếc xe gắn máy chở thi thể của người vắn số ở vùng cao đã cho phép người ta đưa ra nhiều nhận định, hay những cậu thiếu niên tự tử vì bị bạn đánh, vì mặc cảm thân phận nhẽ ra phải là những cái giật mình để chúng ta nhìn lại. Buồn thay, tất cả đều trôi qua sau cơn sốt ruột nhanh chóng của những người quan tâm.

3. Một chính quyền lãnh đạo đô thị bắt buộc phải am hiểu đô thị, am hiểu từ đặc tính đô thị cho đến đặc tính thị dân đang sinh sống trong đô thị đó. Sẽ không có những quyết sách phù hợp nếu như lãnh đạo đô thị là cá nhân không tồn tại trong đô thị. Không hiểu đô thị thì quá khó cho vạn sự, điển hình như quyết sách nâng đường chống ngập tại TP HCM. 

Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng người đưa ra và thực hiện quyết sách đó hoàn toàn không hiểu gì về nguyên tắc chống ngập, lại càng không chứng tỏ được chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực mình phụ trách. Tôi cực kỳ hồ nghi cả về những kiến thức cơ bản tối thiểu mà người này đang sở hữu. 

Có lẽ, cái ghế lãnh đạo sở này là quá cao so với họ, cái áo lãnh đạo của sở này là quá rộng so với họ, nên gợi ý cho họ từ chức hoặc nếu cần thì miễn nhiệm. Bởi đến trẻ con cũng hiểu rằng việc nâng đường chống ngập là đẩy cái khó cho dân, một lãnh đạo sở mà cứ đẩy cái khó cho dân rồi im lặng xem là đã hết trách nhiệm thì không nên tại vị.

Trở lại ý thức hệ của công dân đô thị, trong lúc chờ đợi sự dịch chuyển theo kịp sự vận động khách quan của đô thị từ phía lãnh đạo đô thị, công dân đô thị phải tự vận động mình bằng những hành động nhỏ nhất. 

Chẳng hạn, không đổ dầu ăn đã qua sử dụng vào miệng cống, không “đi đêm” với lực lượng thanh tra xây dựng để lấn diện tích nhà một chút, để cơi nới nhà thêm một chút, phải phân loại rác trước khi đưa rác ra trước cổng để công nhân vệ sinh thu dọn, rọ mõm chó khi dắt đi dạo trên đường… Phải loại bỏ hoàn toàn sự ăn sâu của thói quen vô tổ chức, tùy tiện vốn được hình thành từ hàng nghìn năm nơi phía sau cánh cổng làng.

Muốn làm được điều này một cách đồng bộ, lãnh đạo chính quyền đô thị nhất định phải nhanh chóng xây dựng các chương trình kêu gọi nếp sống đô thị, ý thức thị dân. Chương trình phải thực tế, cụ thể và bền bỉ chứ không được xem đó là cơ hội để chi tiêu tiền ngân sách, lại càng không làm qua loa, khoa trương.

Cùng vận động với thị dân, những cá nhân lãnh đạo đô thị cũng phải vận động. Khi tất cả cùng vận động thì mới có quyền nảy sinh vào hy vọng. Còn hiện tại, chỉ có hai chữ “bế tắc”.

Ngô Kinh Luân
.
.