Xung quanh chương trình hạt nhân Iran: Người đám phán, kẻ quấy rầy

Thứ Hai, 09/03/2015, 11:15
Vòng đàm phán nước rút về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran đã được tái khởi động. Dù Mỹ và Iran đều đang tỏ ra tích cực thúc đẩy thu hẹp những bất đồng nhưng vẫn còn đó các nhân tố cản trở không dễ giải quyết, thậm chí có những nhân tố còn không nằm trong khả năng giải quyết của mỗi bên…

Vòng đàm phán nước rút về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran đã được tái khởi động. Mỹ đang có sự nhượng bộ Iran một cách đáng kể nhằm phá vỡ thế bế tắc, tạo tiền đề cho việc đạt được một thỏa thuận khung vào cuối tháng này. Trong khi đó, Iran cũng bày tỏ hy vọng đạt được những tiến bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân hiện nay với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, cùng Đức).

Dù Mỹ và Iran đều đang tỏ ra tích cực thúc đẩy thu hẹp những bất đồng nhưng vẫn còn đó các nhân tố cản trở không dễ giải quyết, thậm chí có những nhân tố còn không nằm trong khả năng giải quyết của mỗi bên. Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Iran càng được giảm căng thẳng bao nhiêu thì không khí giữa Israel và đồng minh Mỹ lại trở nên ngột ngạt bấy nhiêu. Nhà Trắng từng lên tiếng cáo buộc Israel đã làm ảnh hưởng tới cuộc đàm phán hạt nhân của họ với Iran thông qua việc rò rỉ có ý đồ các thông tin sai lệch, làm gia tăng căng thẳng trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Khi Mỹ muốn nhượng bộ…

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif gần đây đã có hai buổi gặp kéo dài 50 phút và 25 phút tại thành phố Montreux (Thụy Sĩ). Ngoại trưởng Kerry nói rằng các cuộc gặp trên đều nhằm kêu gọi Iran trả lời những nghi vấn về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này trong nỗ lực thu hẹp sự khác biệt nhằm đẩy nhanh tốc độ đàm phán, hướng tới thỏa thuận khung trước thời hạn vào cuối tháng 3 này và một thỏa thuận đầy đủ vào ngày 1/7 tới.

Phát biểu trước báo giới tại Geneve, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhấn mạnh nhóm P5+1 “không tìm kiếm một thỏa thuận bằng bất cứ giá nào”, thay vào đó muốn Tehran đảm bảo không chế tạo bom hạt nhân và chỉ sử dụng hạt nhân cho mục tiêu hòa bình.

Từ lâu, Mỹ và 5 cường quốc khác đã tìm cách chấm dứt khả năng Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân, trong khi Iran nói rằng chương trình hạt nhân của họ nhằm các mục tiêu dân sự. Các cuộc đàm phán tập trung vào lượng uranium Iran được phép tinh chế, số máy ly tâm có thể vận hành và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào nước này sẽ được bãi bỏ mau chóng ra sao. Dù đã đạt được một số tiến bộ trong các cuộc thương lượng, nhưng chặng đường tiến tới các thỏa thuận vẫn còn rất dài và gặp phải nhiều cản trở.

Ngoại trưởng Zarif cho rằng các đối tác đàm phán, đặc biệt là Mỹ và phương Tây, cần hiểu rằng trừng phạt và thỏa thuận không đi cùng nhau. “Nếu họ muốn có một thỏa thuận, chúng tôi tin rằng tất cả các biện pháp trừng phạt đã làm suy yếu nền kinh tế Iran cũng cần được dỡ bỏ”, ông Zarif nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Barack Obama nói rõ mục tiêu cụ thể của Mỹ trong đàm phán với Iran là Tehran phải cam kết “đóng băng có kiểm chứng” các hoạt động liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi ít nhất 10 năm nếu muốn đạt được bước ngoặt trong thỏa thuận giữa hai bên. Đây được cho là một nhượng bộ nữa của Washington dành cho Tehran vì trước đây, thời hạn được đưa ra là 20 năm hoặc vĩnh viễn.

Trước đó, Mỹ cũng đã có nhượng bộ nhất định với Iran khi cho phép nước này được giữ lại 6.500 thanh nhiên liệu hạt nhân sau khi đã được tái chế (thay vì chỉ 4.500 thanh như trước đây) để đảm bảo Iran không thể chế tạo được bom hạt nhân.Tuy nhiên, Iran đã lên tiếng từ chối động thái này.

Hãng tin Fars của Iran trích lời Ngoại trưởng Rarif cho hay Tehran sẽ không chấp nhận đòi hỏi quá đáng và vô lý vì quan điểm của ông Obama được thể hiện bằng các cụm từ không thể chấp nhận và mang tính đe dọa.

Vẫn còn nhiều thách thức

Có thể nhận định quá trình đàm phán về chương trình hạt nhân Iran đang trong “giai đoạn quyết định”. Hạn chót cho một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề nói trên đã được gia hạn nhiều lần và không có lý gì để các bên tiếp tục kéo dài quá trình này. Iran cần loại bỏ mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân theo cách thức minh bạch, dễ kiểm soát và lâu dài, để đổi lại các trừng phạt nhằm vào Tehran sẽ được dỡ bỏ từng phần theo cách đáng tin cậy.

Và hiện tại là thời cơ tốt nhất để Iran và nhóm P5+1 tìm kiếm tiếng nói chung, tạo dựng lòng tin trong bối cảnh tình hình quốc tế đang đối mặt với hàng loạt cuộc xung đột và khủng hoảng, cũng như nguy cơ khủng bố từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria.   

Các chuyên gia cho rằng còn tồn tại nhiều yếu tố cản trở cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Giữa Mỹ, phương Tây và Iran còn nhiều bất đồng liên quan đến những nội dung cốt lõi, đặc biệt là về chương trình làm giàu uranium, lò phản ứng nước nặng Arak và tiến độ nới lỏng trừng phạt của phương Tây. Những bất đồng khó khỏa lấp này khiến cho quan chức các bên vẫn không thể đảm bảo đàm phán có kết quả tích cực. Bên cạnh đó, còn phải tính đến yếu tố tác động của những đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông là Isarel và Saudi Arabia - hai quốc gia luôn coi Iran là kẻ thù nên cả hai sẽ không ngồi yên nhìn Iran và Mỹ mặc cả lợi ích riêng.

Đàm phán thất bại có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Quốc hội Mỹ đang rất muốn áp đặt thêm lệnh trừng phạt Iran, và sau khi phe Cộng hòa giành được quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, ông Obama sẽ khó lòng phủ quyết các biện pháp trừng phạt mới. Trong khi đó, ở phía ngược lại, những người theo quan điểm cứng rắn ở Iran cũng đòi hỏi chấm dứt việc đóng băng một phần chương trình hạt nhân của người Iran theo thỏa thuận tạm thời cách đây một năm.

Chính giới Iran, thậm chí cả những nhân vật thuộc phe đối lập, đều nhận thức được rằng từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân đồng nghĩa với từ bỏ một vũ khí đảm bảo độc lập. Thái độ leo thang cứng rắn giữa hai phía có thể khiến cho tình hình quay trở lại thời kỳ căng thẳng diễn ra cách đây hơn một thập kỷ.

Bất chấp những khó khăn hiện hữu, Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã thể hiện rõ mong muốn giải quyết vấn đề hạt nhân của nước này trong một bài phát biểu cuối tháng 2 vừa qua. Ông Rowhani cho rằng Iran cần phải chấm dứt tình trạng bị cộng đồng quốc tế cô lập, nhấn mạnh Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Iran cho phép tiến hành trưng cầu ý dân đối với những vấn đề, chính sách quan trọng của đất nước.

Chưa bao giờ Iran phải dùng tới điều khoản này và nhiều người cho rằng ông Rowhani không thể tiến hành cuộc trưng cầu ý dân theo kế hoạch mà không có sự đồng ý của lãnh tụ tối cao Khamenei. Tuy nhiên, với “gợi ý” này, ông Rowhani đã ngầm cảnh báo các đối thủ của mình không nên ngăn cản các nỗ lực của các nhà đàm phán Iran tiến tới việc đạt được một thỏa thuận toàn diện với nhóm P5+1.

Đồng minh… bất đồng

Một trong những đối thủ “không đội trời chung” tại Trung Đông với Iran là Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là người liên tục chỉ trích việc đàm phán với Iran khi cho rằng Mỹ đã nhượng bộ nhiều trong khi Tehran vẫn có tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân. Điều này không chỉ đe dọa an ninh của Israel mà còn gây bất ổn tình hình khu vực Trung Đông và toàn thế giới.

Ngoại trưởng John Kerry nói rằng ông Netanyahu đã sai lầm trong nhận định của mình về các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ với Iran. Theo đó, những gì đã đạt được cho tới nay trong các cuộc đàm phán với Tehran thực sự giúp Israel an toàn hơn bằng cách ngăn chặn Iran xúc tiến chương trình hạt nhân. Ông Kerry nhận định: những người chỉ trích các cuộc đàm phán đang diễn ra với Iran, trong đó có ông Netanyahu, có lẽ không biết mình đang nói gì.

Một Israel hiếu chiến cũng đang hậm hực đòi “dự phần” bằng cách đơn phương sử dụng vũ lực quân sự tấn công các mục tiêu trên đất Iran, càng tạo thêm sức ép với các nhà đàm phán. Trong vài tuần gần đây, ông Netanyahu liên tục đưa ra luận điệu chống lại việc đàm phán hạt nhân với Iran, liên tục so sánh Iran với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và tuyên truyền rộng rãi rằng “Iran không phải là đối tác của Mỹ, mà là kẻ thù của Mỹ”, coi Tehran như “mối đe dọa hiện hữu”.

Không chỉ lên tiếng chỉ trích mối quan hệ hợp tác quân sự Mỹ - Iran, ông Netanyahu còn nhấn mạnh rằng cần có những biện pháp khiến Iran phải chấm dứt việc duy trì hoặc phát triển chương trình làm giàu uranium. Để củng cố lập luận, ông cáo buộc lãnh tụ tối cao Khamenei đã tham gia vào các kế hoạch “hủy diệt” Mỹ cũng như Israel.

Sự căng thẳng được đẩy lên cao độ khi Chủ tịch Quốc hội đảng Cộng hòa John Boehner mời ông Netanyahu tới phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ vào ngày 3/3 vừa qua mà không thông báo với các nghị sĩ Dân chủ của Tổng thống Obama, cũng như về việc Thủ tướng Israel đã nhận lời mời.

Với ông Netanyahu, đây được coi là một “sứ mạng lịch sử” phản ánh nỗ lực rất lớn của Israel nhằm ngăn chặn một thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, đồng thời giúp Mỹ thoát khỏi “cơn ác mộng sắp tới” Iran.

Trên thực tế, lãnh đạo đảng Dân chủ và cá nhân Tổng thống Obama không hề mong muốn chuyến thăm này của Thủ tướng Netanyahu. Truyền thông Mỹ cho hay Nhà Trắng cực kỳ khó chịu về việc này, và ông Obama đã không tiếp đón ông Netanyahu.

Gần một nửa người Mỹ cũng chẳng mấy hào hứng với bài diễn văn của Thủ tướng Netanyahu trước Quốc hội, cho rằng việc Chủ tịch Boehner “qua mặt” ông chủ Nhà Trắng để mời Thủ tướng Netanyahu thăm Mỹ là quyết định không hợp lý. Thậm chí, có ý kiến khẳng định Thủ tướng Israel đang liên tục quấy rối và làm ảnh hưởng nghiêm trọng quan hệ đồng minh.

Trong con mắt nhà lãnh đạo Israel, quan hệ giữa hai nước sẽ không bị ảnh hưởng, thậm chí trở nên bền vững hơn bao giờ hết sau sự việc này. Đồng thời, ông Netanyahu cũng cho biết diễn văn trước Quốc hội Mỹ không có ý thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với Nhà Trắng và Tổng thống Obama, mà chỉ thảo luận về “mối đe dọa tiềm ẩn từ tham vọng hạt nhân của Tehran”.

Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định đây chỉ là một trong số nhiều phép thử đầy khó khăn, đồng thời dự báo tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân Iran sẽ còn tạo nên nhiều mâu thuẫn khác cho quan hệ đồng minh Mỹ - Israel…

Trần Anh Quân
.
.