Xung lực phát triển

Thứ Tư, 25/05/2016, 10:59
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, ông Barack Hussein Obama là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 3 tới thăm Việt Nam, sau các chuyến thăm năm 2000 của Tổng thống Bill Clinton và năm 2006 của Tổng thống George W. Bush. Việc tích cực diễn ra các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước là hiện thực sinh động của mối quan hệ hợp tác theo phương châm “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”…


Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về việc ông Obama thăm Việt Nam trong bối cảnh sắp kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nói: “Tôi tin rằng dù tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ là ai, hay thuộc đảng phái nào, thì cũng đều coi trọng tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, coi đây là một bước tiến không chỉ đối với quan hệ song phương mà còn đối với việc hàn gắn vết thương của các quân nhân Hoa Kỳ cũng như Việt Nam từng tham gia cuộc chiến tranh. Hai nước cũng đang hợp tác trong khuôn khổ TPP. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy việc thông qua TPP, song việc đạt được mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực của vị tổng thống kế nhiệm. Điều quan trọng là chúng tôi phải thuyết phục người dân Hoa Kỳ hiểu rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị phương hại nếu không thông qua TPP".

Theo Thượng nghị sĩ McCain, khi thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, ông đã rất kỳ vọng vào những tiến bộ trong quan hệ hai nước. “Tôi cũng hy vọng và đã thật sự chứng kiến quá trình hàn gắn vết thương của cuộc chiến tranh đầy cay đắng giữa các quân nhân Việt Nam và Hoa Kỳ… Tôi tự hào về quan hệ, về tình hữu nghị giữa hai nước” – Thượng nghị sĩ nói. 

Theo ông, quan hệ song phương đang đứng trước một tương lai tươi sáng, rất nhiều du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, Trường Đại học Fullbright đang chuẩn bị được thành lập tại TP Hồ Chí Minh... Hai bên có rất nhiều hoạt động giao lưu, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng phát triển mạnh mẽ. 

Lễ đón Tổng thống Barack Obama tại Phủ Chủ tịch sáng 23-5-2016.

“Tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần cùng bạn bè. Một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trên thế giới này là đi thuyền trên vịnh Hạ Long, nghỉ đêm tại đó, chứng kiến cuộc sống của những con người cả đời gắn bó với biển khơi. Hạ Long là một trong những nơi đẹp nhất thế giới. Tôi rất vui khi đi dạo quanh Hồ Tây, mọi người đều nhận ra tôi và gọi to “McCain, McCain”. Tất cả đều cực kỳ thân thiện. Món ăn yêu thích của tôi là đồ ăn Việt và đôi lúc tôi còn ăn bánh chưng vào dịp Tết” – ông chia sẻ.

Kể từ năm 1995 đến nay, giữa hai nước đã có nhiều chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, còn nếu nhìn xa hơn, từ khi Việt Nam khởi đầu công cuộc đổi mới, lúc đó đã có những chỉ dấu cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. 

Tháng 8-1987, đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ, tướng John Vessey lần đầu tiên thăm Việt Nam trao đổi các vấn đề nhân đạo hai bên cùng quan tâm. 4 năm sau, tháng 7-1991, Văn phòng MIA đi vào hoạt động, trở thành cơ quan chính thức đầu tiên của Hoa Kỳ hoạt động thường trú tại Việt Nam từ sau năm 1975. 

Tháng 1-1995, Hoa Kỳ và Việt Nam ký Hiệp định thiết lập văn phòng liên lạc tại thủ đô mỗi nước và đến ngày 11-7-1995, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, sự kiện này trở thành dấu ấn lịch sử, mở ra trang sử mới cho quan hệ giữa hai bên vốn là cựu thù.

Cuối năm 2000, ông Bill Clinton trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam. Sáu năm sau đó là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, nhân tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Hà Nội. 

Về phía Việt Nam, sau chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải, đến tháng 6-2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống George W. Bush. Một năm sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ. 

Tháng 7-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, hai bên ra Tuyên bố chung xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Năm 2015 hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. 

Tháng 7-2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ và tới nay, ông Barack Hussein Obama là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 3 tới thăm Việt Nam. “Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” là chủ trương mà Việt Nam và Hoa Kỳ theo đuổi trong suốt hơn 20 năm qua kể từ khi hai nước chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương (năm 1995) và sau hơn 40 năm khép lại cuộc chiến tranh Việt Nam (năm 1975). 

Đặc biệt, sau khi nâng quan hệ lên Đối tác toàn diện, sự hợp tác giữa hai nước ngày càng được mở rộng và đi vào thực chất, thể hiện rõ rệt trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, giáo dục, khoa học - công nghệ, chống biến đổi khí hậu…

Bình luận về chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam, tờ New York Times đã nhận định rằng ông Obama tập trung vào tương lai, thay vì quá khứ, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với một trong những nhân tố khu vực ngày càng quan trọng là Việt Nam. 

Chuyến thăm vừa là cơ sở, vừa là chất xúc tác để mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục đà phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, nhiều phân tích cũng cho rằng, Hoa Kỳ đã và cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt với quốc gia Đông Nam Á trong chiến lược tổng thể “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương đã được Washington triển khai trong 8 năm qua, đặc biệt trong bối cảnh khu vực này ngày càng phát triển năng động và có vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, trở thành trọng tâm trong chiến lược của các nước lớn. Chuyến thăm cũng củng cố thêm về mặt đối ngoại sau hai chuyến thăm trước đây của các tổng thống tiền nhiệm. 

Tiềm năng hợp tác về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được hai bên xác định là rất lớn. Kể từ năm 2000 khi hai nước ký hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ, mối quan hệ trong lĩnh vực này phát triển khá nhanh.

Tổng thống Barack Obama tại buổi hội đàm sáng 23-5-2016.

Hiện các nhà khoa học hai nước đã có những hoạt động hợp tác ở nhiều mức độ khác nhau trên rất nhiều lĩnh vực, từ công nghệ thông tin, viễn thông, môi trường, biến đổi khí hậu, đại dương học, công nghệ sinh học, đến các hợp tác với cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ trong nhiều chương trình nghiên cứu không gian, hợp tác về phát triển năng lượng hạt nhân. 

Hiệp định hạt nhân dân sự 123 chính thức có hiệu lực từ ngày 10-9-2014, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hạt nhân dân sự đầy tiềm năng. 

Cùng với đó, quan hệ quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được xác lập ngay từ khi bình thường hóa năm 1995. 

Các dấu mốc trong lĩnh vực hợp tác này là sự kiện ngày 21-11-2003, tàu khu trục USS Vandegrift của Hoa Kỳ lần đầu tiên sau chiến tranh cập cảng Sài Gòn và các chuyến thăm của tàu chiến Hoa Kỳ tới Việt Nam nay đã trở thành thường lệ. Tháng 6-2009, tàu khảo sát đại dương USNS Heezen lần đầu tiên được phép tiến hành hoạt động tìm kiếm ở ngoài khơi Việt Nam.

Việt Nam là quan sát viên trong các cuộc tập trận hải quân đa quốc gia do Hạm đội Thái Bình dương và Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tổ chức. Hai bên cũng đã ký bản ghi nhớ thực hiện chương trình Megaports, theo đó Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam phát hiện và xác định vũ khí hủy diệt hàng loạt tại các hải cảng thương mại. 

Việt Nam cũng đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân đầu tiên tháng 4-2010 do Tổng thống Obama chủ trì. Chính quyền Tổng thống Obama hoan nghênh quyết định của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. 

Hiện, Washington xác định Việt Nam là một trụ cột trong hợp tác của Hoa Kỳ với ASEAN, coi ASEAN và Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chính sách tái cân bằng, duy trì an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á nói riêng và ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Đương nhiên, trong quan hệ hai nước còn những vấn đề, những sự khác biệt. Xuất phát từ điều kiện thực tế mỗi nước dẫn tới nhận thức về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo còn những điểm khác nhau. 

Dù còn ranh giới song quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ hơn 20 năm qua đã chứng minh rằng mọi mối quan hệ đều có thể được thúc đẩy nếu được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng những khác biệt. 

Điều này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ trong chuyến thăm năm 2015: “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” với thái độ đối thoại “chân thành, thẳng thắn”…

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong dịp trở lại Việt Nam nhân 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ cũng chia sẻ nhiều tâm tư với tư cách là một cựu binh từng tham chiến và là người nỗ lực không mệt mỏi để hàn gắn vết thương chiến tranh. 

“Trong nhiều năm tôi đã trông đợi thời điểm người Mỹ khi nghe hai chữ Việt Nam thì nghĩ đến một đất nước chứ không phải cuộc chiến. Tôi tin là chúng ta đã đạt tới thời điểm đó” - ông Kerry nói khi tham dự sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ sáng nay tại Hà Nội. 

Ông nói, chúng ta đang ở đây kỷ niệm 20 năm bình thường hóa, chứng tỏ số phận không bắt chúng ta lặp lại sai lầm của quá khứ nữa. Chúng ta có năng lực vượt qua cay đắng, thay nghi ngờ, ghét bỏ bằng sự tôn trọng lẫn nhau. Mỹ và Việt Nam đã chứng minh cựu thù có thể trở thành đối tác, là bài học đúng lúc và sâu sắc.

An Nhi
.
.