"Vương quốc Sedang" - Trò bịp bợm của óc phiêu lưu thực dân (Kỳ 2)

Thứ Hai, 23/11/2009, 08:48
Suốt gần 100 năm qua, trong các công trình nghiên cứu, các bài báo đề cập đến Vương quốc Sedang, các tác giả phương Tây thường chỉ mô tả mà không đưa ra quan điểm, chính kiến đối với tính pháp lý của vấn đề. 

>> "Vương quốc Sedang" - Trò bịp bợm của óc phiêu lưu thực dân

Tránh áp đặt quan điểm theo thuyết tiến hóa luận vốn nặng mùi thực dân chủ nghĩa, cố tỏ ra độc lập, khách quan khi  nghiên cứu một vấn đề dân tộc học, họ lại vô tình lọt thỏm vào vũng lầy chiết trung chủ nghĩa. Thực tế, trong sự tranh chấp quyền lực và tính chất tồn tại hợp pháp của Vương quốc Sedang giữa thực dân Pháp và Charles Marie David de Mayréna, đúng là hoàn toàn không có phe chính nghĩa lẫn bên phi nghĩa, nhưng người thắng kẻ thua thì được minh định rất rõ ràng. Cố nhiên trên bàn cờ chính trị, nhà nước thực dân với cả một bộ máy quyền lực đồ sộ đã dễ dàng đè bẹp tham vọng phiêu lưu của một kẻ vô chính phủ. Không một quốc gia, một chính thể nào công nhận sự tồn tại của Vương quốc Sedang. Sau ngày lập quốc, Marie đệ nhất, vua Sedang chỉ có duy nhất một  việc để làm đó là bỏ chạy, tự biến mình thành một kẻ lưu vong.

Ở Hồng Kông, nỗ lực vận động của Charles Marie David de Mayréna chỉ đem lại cho ông ta quyền tham dự một vài buổi tiếp tân, dạ tiệc của một  số nhân vật có thế lực, đủ cho ông ta trình bày ngắn gọn về Vương quốc mới lập có khẩu hiệu "Jamais céder, Toujours d'aidant" (tạm dịch: "không bao giờ lùi bước, luôn luôn giúp đỡ"), đưa ra vài đề nghị ủng hộ và nhận về những cái lắc đầu.

Không thành công trong âm mưu chinh phục vùng đất xa xôi xứ An Nam nhưng David de Mayréna lại rất thành công trong việc chinh phục đàn bà. Thành tựu lớn nhất mã gã phiêu lưu đạt được trên đất Hồng Kông là cưa đổ trái tim nhẹ dạ của cô Aimee Marie Julie Lyeuté. Lễ cưới diễn ra vào ngày 5/5/1889. Ngay sau đó, bằng Nghị  định số 51, David de Mayréna đã biến cô này thành Hoàng hậu Marie Rose, các hoàng hậu với phi tần trước đó xem như không còn tồn tại.

Sau ngày cưới, vua và hậu của Vương quốc Sedang rời Hồng Kông sang Bỉ. Ở đó, David de Mayréna tìm được một số nhà tài phiệt sẵn lòng chia sẻ sự phiêu lưu, hứa cung cấp tài chính cho tân vương vừa mất vương quốc. Vừa đặt chân trở lại châu Âu, ngày 6/6/1889, David de Mayréna đã ký ngay một sắc lệnh về bưu chính và đặt in thêm một lô tem Sedang theo mẫu của lần in thứ nhất. Việc in ấn này được David de Mayréna giao cho người khác thực hiện tại Paris, thủ đô nước Pháp. Ông ta còn ra thông cáo báo chí phổ biến nội dung chi tiết của bộ tem, nhằm quảng cáo, chào mời và bán bộ tem này cho các nhà buôn tem quốc tế.

Sở dĩ gã phiêu lưu sốt sắng đặt việc in và phát hành tem lên trên mọi thứ là do trong thời gian lưu trú tại Bỉ, gã đã được một tay chơi tem tên  là Camille Berleur hào phóng giúp đỡ. Nhân vật này đã  biến nhà riêng của mình ở số 43 Boulevard Anspeach, Brussels thành nơi ăn chốn ở, kiêm luôn trụ sở làm việc của vua và hoàng hậu Sedang. Để trả công, ngày 5/9/1889, Mayréna đã ký sắc lệnh "bổ  nhiệm" Camille Berleur làm Giám đốc Bưu chính của Vương quốc Sedang, toàn quyền coi sóc việc in và phát hành bộ tem không được thừa nhận của vương quốc.

Vào cuối thế kỷ XIX, nước Bỉ đúng là nơi tập trung của vô số những kẻ nặng đầu óc thực dân phiêu lưu. Sau nhiều lần thương thảo, một nhà tài phiệt ở thủ đô Brussel tên là Somsy đã đồng ý cung cấp tiền bạc cho công cuộc "phục quốc" của David de Mayréna. Đổi lại, Marie đệ nhất, vua Sedang dành cho ông ta toàn quyền khai thác khoáng sản, chủ yếu theo thỏa thuận là sắt và đồng trên toàn bộ vương quốc Sedang - không hề xác định vị trí và diện tích cụ thể. Nếu quả thật đây là một hợp đồng đầu tư thì Somsy đúng là một kẻ vừa phiêu lưu vừa quá kém hiểu biết. Cho đến nay, toàn bộ vùng Đăk Tô chứ không riêng gì làng Kon Gung - tức kinh đô Pelei Agna đều không hề được xác định là có bất kỳ một mỏ sắt, mỏ đồng nào cả. Nếu "hợp đồng tài trợ và khai thác" đã ký có cơ hội biến thành hiện thực, tiền bạc mà tay tài phiệt bỏ ra cũng sẽ mất trắng vì chẳng thể thu lại được mẫu quặng nhỏ nào.

Có tiền trong tay, cuối năm 1889, David de Mayréna lại mua một tàu vũ khí, âm mưu tiến về phương Đông đấu tranh vũ trang với nhà nước Pháp - nếu cần - để giành lại Vương quốc. Trước khi lao vào canh bạc quyền lực cuối cùng, ông ta còn cố lập thêm một "chiến tích phiêu lưu" nho nhỏ: đá văng cô Aimee Marie Julie Lyeuté, tức hoàng hậu Marie Rose sang một bên để thay bằng một cô gái người Bỉ tên là Ostende. Vừa đủ thời gian cho "vương phi" có của hồi môn máu mủ, gã lập tức khởi hành về phương Đông, không hứa hẹn ngày quay trở lại.

Lo ngại trước sự điên rồ của ông ta, chính quyền thực dân Pháp đã tìm mọi cách ngăn chặn. Cái tên David de Mayréna được tuyên bố bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị tước quyền đặt chân trở lại xứ An Nam. Hải quân Pháp phong tỏa tất cả các cảng biển không cho chuyến tàu chở đầy vũ khí của David de Mayréna cập bờ. Mặt khác, hành vi của tay phiêu lưu còn bị Nhà nước bảo hộ Pháp thông báo cho chính quyền các vùng lân cận để cảnh giác và ngăn chặn.

Giữa tháng 3/1890, khi chuyến tàu này dừng lại ở Singapore, lấy lý do là tàu buôn lậu vũ khí, chính quyền sở tại đã bắt giữ tàu và tịch thu hết súng đạn đồng thời ra lệnh cấm không cho David de Mayréna đặt chân lên bờ. Không chốn nương thân, ngày 29/3/1890, Mayréna cùng hai người bạn đồng hành tên là Horace Villeroi (người Bỉ) và Harold Scott (người Anh) và phải bỏ ra Pulau Siribua, một hòn đảo hoang ở ngoài khơi Malaysia. Tại  đây, một cuộc hôn nhân mới lại diễn ra.

Người vợ mới của Mayréna là Asia, một cô gái trẻ theo đạo Hồi. Khoảng một tháng sau, vào cuối tháng 4/1890, họ lại chuyển sang một đảo hoang khác có tên là Pulau Tioman nằm ở phía Tây Malaysia. Mọi liên lạc với thế giới văn minh từ đây bị cắt đứt hoàn toàn. Từ tham vọng làm vua, David de Mayréna cùng vợ và số tuỳ tùng ít ỏi chính thức tự biến mình thành những người hoang dã. Họ sống bằng nghề đánh bắt cá và săn bắn, hái lượm những sản vật rừng trên hoang đảo.

Nghèo khó là tất nhiên, nhưng điều đó cũng không ngăn tay phiêu lưu tiếp tục có thêm một cô vợ Hồi giáo nữa. Âm mưu phiêu lưu chính trị và quyền lực được nối dài bằng trò phiêu lưu tình ái. Đáng tiếc, ngày 11/11/1890, David de Mayréna bỗng nhiên lăn ra chết. Cũng như lai lịch lúc sinh ra, nguyên nhân cái chết của ông ta cũng có nhiều giả thuyết gây tranh cãi.J.F.Owen, một cư dân người Anh sống ở đảo Tioman báo cáo với chính quyền Pehang là Mayréna chết do bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, Harold Scott, cộng sự của Mayréna, cũng là một người Anh thì lại quả quyết rằng ông chủ của ông ta bị giết sau một trận đấu súng.

Sau này, Harold Scott đã mời một họa sĩ Trung Quốc từ Hồng Kông đến đảo Tioman để vẽ lại một bức tranh về cuộc đấu sinh tử này. Đó cũng chưa phải giả thuyết cuối cùng. Một số nguồn tin khác lại cho rằng tay phiêu lưu thiệt mạng vì bị đầu độc. Người khác lại gạt đi, cho rằng David de Mayréna đã tự kết liễu đời mình bằng thuốc độc sau khi đã quá mệt mỏi và chán nản vì thất bại trong âm mưu quyền lực.

Sống trên hoang đảo, David de Mayréna mang thân phận một kẻ lưu vong vô danh, chính quyền sở tại cũng chẳng mất thì giờ xác minh nguyên nhân đích thực cái chết của ông ta. David de Mayréna, tức Marie đệ nhất được chôn cất sơ sài như một thường dân chứ không như một đấng quân vương tại nghĩa trang Mã Lai nằm khuất nẻo ở làng Kampong Jaiver, Kuala Rampin trên đảo Tioman. Không  một thần dân Sedang nào biết chuyện ông vua tự phong của họ đã lìa đời. Vương quốc Sedang do ông ta lập nên ở xứ An Nam xa xôi cũng tự nhiên biến mất và không còn mấy ai nhớ đến.--PageBreak--

Thây ma dựng lại

Di sản duy nhất của Vương quốc Sedang còn tồn tại và trở thành nguyên nhân gợi sự tò mò đối với các nhà nghiên cứu chính là những con tem "lạ" mà David de Mayréna đã ra lệnh đặt in. Trong lần in  thứ 2 ở Paris vào giữa năm 1889, tay phiêu lưu, vì không có tiền nên đã không trả công in. Để thu hồi lại vốn, nhà in đã bán bộ tem nay cho các nhà sưu tập. Trong khoảng thời gian từ 1889 đến 1903, một số tạp chí tem có uy tín của Pháp, Bỉ, Hà Lan và Hoa Kỳ đã lần lượt có những bài viết giới thiệu, phân tích, đánh giá về bộ tem này. Để biến những con tem không có tính pháp lý thành những con tem thật sự, có giá trị lưu hành, nhà in tem đã tự "chế" thêm một con dấu bưu điện Sedang đóng đè lên tem trước khi bán nó cho các nhà sưu tập. Lấy nguyên nội dung ghi trong con tem, dấu bưu điện Sedang có hình tròn, nửa vòng trên là hàng chữ "Der Sedang", nửa vòng tròn dưới là chữ "Pelei Agna", ở giữa ghi số năm 1889. Trung bình, vào thập niên 90 của thế kỷ XIX, một bộ tem Sedang 7 chiếc được bán cho các nhà sưu tập với giá 5 USD, một cái giá rất cao vào thời điểm đó.

Trong số những nhà sưu tập tem, ông Jacques Desrousseaux  được xem là người có uy tín nhất trong lĩnh vực nghiên cứu bưu chính ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Ông Jacques Desrousseaux nguyên là Tổng thanh tra hầm mỏ Đông Dương thời Pháp thuộc, có điều kiện, địa vị và tiền bạc để sưu tầm rất nhiều loại tem Đông Dương khác nhau, đồng thời nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ. Năm 1984, ông đã hoàn thành một thiên nghiên cứu đồ sộ về con tem ba nước Việt - Miên - trong khoảng thời gian 1860-1975 dày hơn 400 trang khổ nhỏ. Trong tác phẩm này, con tem Sedang đã được đề cập khá kỹ. Tác giả còn cho biết thêm là năm 1945, ông đã nhìn thấy một số phong bì có dán tem Sedang trong một cuộc triển lãm tại Huế. Các con tem này không bị đóng dấu hủy mà đều có chữ M viết bằng bút mực trên mỗi con tem. So sánh tự dạng, nhà nghiên cứu đoan quyết rằng đó chính là bút tích của Marie đệ nhất, vua Sedang, tức David de Mayréna lưu lại trên những con tem Sedang in lần đầu tiên.

Vào khoảng năm 1985, một nhà chơi tem khác là ông Hendrik J. Oranje đã tình cờ mua được trong một cuộc đấu giá ở Bỉ một lô tem lớn được giới thiệu là "tem địa phương" của Trung Quốc trước Cách mạng. Nhưng khi nghiên cứu, nhà chơi tem mới phát hiện ra mình đã bị nhầm nặng. Đó là tem Sedang, tên một tộc người ở miền Tây Nguyên Việt Nam chứ không liên quan  gì đến Trung Quốc. Bỏ ra một thời gian dài nhiều năm khảo lục, nghiên cứu, nhà sưu tập tem này đã hoàn tất một tác phẩm có tên "Sedang" bằng tiếng Hà Lan, dày 48 trang, xuất bản năm 1989.

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu lịch sử ở một số trường đại học của Pháp, Bỉ, Mỹ cũng đã từng có những nghiên cứu khá tỷ mỉ về vương quốc Sedang và cuộc đời và những chuyến phiêu lưu kỳ lạ của David de Mayréna. Tuy nhiên, những nghiên cứu công phu này thường chỉ lưu hành hạn hẹp trong giới khoa học của các trường đại học cho nên công chúng, nhất là công chúng Việt Nam hầu như không có cơ hội biết đến hay tiếp cận.

Mặt khác, bản thân nhân vật David de Mayréna chỉ là một kẻ vô chính phủ, vương quốc Sedang chưa từng được ai công nhận, sự kiện lập quốc của ông ta chỉ được xem như một hành động phiêu lưu chứ không được quan tâm như một sự kiện lịch sử nên cả nhân vật và sự kiện dần dần đã bị lãng quên ngay tại nơi từng sinh ra cái gọi là vương quốc Sedang cũng là điều dễ hiểu.

Thế nhưng, đầu óc phiêu lưu và tính hám lợi thì thời nào, ở đâu cũng sẵn. Thông  qua việc sưu tập tem, một số nhà sưu tập tem ở châu Âu đã tình cờ biết đến con tem Sedang và lai lịch ra đời kỳ lạ của nó. Họ nhận ra rằng, khi chết David de Mayréna, kẻ được xem là vua Sedang đã không hề chỉ định quyền thừa kế, cũng chẳng tuyên bố từ bỏ tư cách tồn tại của các danh hiệu, tiêu đề liên quan đến vương quốc này. Vậy là, ngày 2/11/1995, nhóm người này đã họp nhau lại tại Toronto, Canada, tuyên bố tái lập Hội đồng Hoàng gia Sedang.

Không thèm đếm xỉa gì đến việc bản thân các thành viên của Hội chẳng hề có chút huyết thống hay quyền lợi gì dính dáng đến tay Marie đệ nhất đã chết từ hơn trăm năm trước, những kẻ vô công rỗi nghề đa quốc gia này tuyên bố thành lập Hội để "phục hồi và bảo toàn các quyền và đặc quyền quy tộc của vương quốc Sedang"; "thúc đẩy nghiên cứu danh thơm của vương triều Marie và vương quốc Sedang" "để bầu một nhiếp chính của vương triều" "tìm kiếm người thừa kế của triều đại".

Nửa tháng sau, ngày 17/11/1995, một tay Đại tá Derwin JKW Mak nào đó đã được Hội đồng này đặt vào ghế "Hoàng tử - Tể tướng nhiếp chính" Hội đồng Hoàng gia Sedang, đồng thời được phong Công tước Sedang. Với  tư cách nhiếp chính, tay phiêu lưu kiêm đầu cơ chính trị thế hệ mới này đã soạn thảo và ban bố hàng loạt nội qui, qui định, cơ cấu tổ chức, qui định sử dụng tiêu đề, danh hiệu quý tộc của vương quốc Sedang. Trụ sở của Hội đồng Hoàng gia cũng được quyết định dời về Montre1al. Ông ta còn nghĩ ra một hệ thống phẩm tước mô phỏng hệ thống quý tộc châu Âu gồm thứ tự từ cao xuống thấp là Công - hầu - bá tử - nam (tước) được ban bố nhằm tưởng thưởng cho những ai có đóng góp cho việc phục hưng vương quốc Sedang. Dĩ nhiên, nội dung đóng  góp chỉ là hai chữ tiền bạc.

Vậy là một loạt ông tây mũi lõ đã nghiễm nhiên trở thành quý tộc Sedang, trở thành Công tước Derwin JKW Mak - Hoàng tử nhiếp chính rồi Hầu tước Kasara Budruk, Tổng thống lâm thời... của cái vương quốc Sedang ở xứ nào họ cũng không thèm biết. Khôi hài đến mức, Hội đồng tự phong này còn tuyên bố trao quyền thế tập cho những kẻ được phong tước. Nếu ông bá tước John Smith nào đó không may mất mạng, bà vợ góa của ông ta sẽ có quyền trở thành bà Mary Smith, nữ bá tước Sedang. Sau đó, con trai ông ta, bao nhiêu đứa cũng sẽ được trở thành các bá tước Peter Smith, hay Hugo Smith gì đó. Điều khác biệt duy nhất là các ông bá tước, bà hầu tước này sẽ chẳng có lấy một tấc đất lãnh thổ thừa kế nào để cắm dùi.

Mặc dù vô thưởng vô phạt, những  danh hão này vẫn thu hút được không ít kẻ háo danh. Danh hiệu, phẩm trật của vương quốc Sedang mới trở thành một món hàng bán khá chạy. Chỉ một năm sau ngày ban hành quy chế, gần 200 tước hiệu từ nam tước đến hầu tước đã được trao tặng để đổi lấy những khoản đóng góp bằng tiền mặt. Văn bằng chứng nhận phong tước được in khá lòe loẹt, có cả hình quốc huy Sedang (mới) in nổi và con dấu màu đỏ: Theo phong cách phương Đông. Quốc huy Sedang mới sử dụng đúng quốc huy từ thời Marie đệ nhất nhưng được sáng tạo bằng cách thêm hàng chữ "Jamais céder" (không bao giờ lùi) bên dưới và 3 ngôi sao lên trên đầu hình con sư tử.

Theo "tân hiến pháp Sedang", ba ngôi sao này được giải thích rất kỳ quặc là đại diện cho Tây Nguyên Việt Nam, Trung Quốc và nước Pháp! Bốc đồng, vụ lợi và kém hiểu biết, những kẻ đang ôm mộng phục hồi này chẳng thèm để ý gì đến sự ngô nghê trong việc cắm đầu Ngô lên mình Sở trong việc tái tạo quốc huy vương quốc Sedang (trên danh nghĩa).

Rất may là "Hội đồng hoàng gia" này cũng còn biết chừa một con đường để không tự chuốc lấy sự phản đối. Hiến pháp do họ lập ra nêu rõ "từ bỏ quyền tranh chấp lãnh thổ vương quốc Sedang vì không có cơ sở thực tế". Chỉ tồn tại dưới dạng danh xưng, như một trò đùa vui dành cho những kẻ rỗi nghề háo danh, không có khả năng gây tranh chấp hay phiền toái ngoại giao, cho nên nó đã không bị bất kỳ một chính phủ, chính thể nào phản đối hay nghiêm cấm tồn tại.

Một điều kỳ quặc là, dù chỉ tồn tại trên những tấm giấy tiêu đề không hề được bất  kỳ một chính quyền nào thừa nhận, cái gọi là "Hội đồng Hoàng gia Sedang" vẫn mang trong lòng nó đầy đủ những: âm mưu cung đình thật sự, bao gồm cả đảo chính, tranh tước đoạt ngôi... dẫn đến tình trạng khẩn cấp y như thật.--PageBreak--

Ngày 13/6/1997, "Công tước" Derwin JKW Mak từ chức Tể tướng và danh hiệu "Hoàng tử nhiếp chính", như tuyên bố mục đích là để dành thời gian cho việc nghiên cứu lịch sử vương quốc Sedang và lịch sử David de Mayréna. Ông ta đặt ra chức danh Nguyên soái đại hội Hoàng gia và trao nó cho Kasara Budruk. Theo quy  định, chỉ có người sáng lập "Hội đồng Hoàng gia Sedang" là Derwin JKW Mak mới được sử dụng và in tiêu đề "Hoàng tử nhiếp chính Sedang", trước khi tìm được hậu duệ đích thực của Mayréna. Những người kế vị ông ta, từ Kasara Budruk về sau chỉ được sử dụng tiêu đề "nhiếp chính lâm thời".

Sau khi đóng tiền và nhận được các tước hiệu, đồng thời thỏa thuận được việc tiếp kiến với hoàng tử nhiếp chính, một nhóm thành viên "Hội đồng hoàng gia Sedang" người châu Âu đã lên tiếng đả kích mạnh mẽ đối với "hoàng tử nhiếp chính", Công tước Derwin JKW Mak. Nhóm này tập hợp quanh một "hầu tước Sedang" tên là Finn đòi tay cựu đại tá phải nhường quyền nhiếp chính, đưa Finn lên hàng "Hoàng tử nhiếp chính Sedang", không công nhận quyết định trước đó của Hoàng tử nhiếp chính duy nhất - người đã ký giấy công nhận phẩm trật quý tộc cho họ. Hàng loạt động thái mạ lỵ, xúc phạm, dọa dẫm đã nổ ra giữa hai phái Bắc Mỹ và Tây Âu trong "Hội đồng Hoàng gia Sedang". Nhóm sáng lập Hội đồng lập tức ra tuyên bố gọi đây là "sự phản bội".

Lấy tư cách hoàng tử nhiếp chính duy nhất và là người sáng lập "Hội đồng hoàng gia Sedang", tay cựu Đại tá người Đức đã ra tuyên bố thu hồi tất cả những tước hiệu đã ban cho nhóm Tây Âu, đồng thời hủy bỏ tất cả các cuộc hẹn tiếp kiến đã sắp lịch (ngoại trừ với các "quý tộc" người Bỉ và người Pháp). Phía "những kẻ bị từ chối" cũng không vừa. Khi bị từ chối, họ tuyên bố ly khai, đòi giành quyền lập một "Hội đồng Hoàng gia Sedang" riêng. Để ngăn chặn, ngày 26/9/1997, "Công tước Sedang" Derwin JKW Mak và Nguyên soái đại hội Kasara Budruk đã ban bố tình trạng khẩn cấp dân sự kéo dài vô thời hạn. Một loạt biện pháp "phản và chống đảo chính" được tiến hành nhằm ngăn chặn phe ly khai lôi kéo lực lượng. Tất cả những người đã được phong tước đều bị "Hội đồng hoàng gia" thẩm vấn để xác định... mức độ trung thành.

Derwin JKW Mak cũng tuyên bố ngừng ban hành (thực chất là bán) tước hiệu "quý tộc Sedang" kể từ 26/9/1997. Đến tận hôm nay, hơn một thập niên sau "sự biến", tình trạng khẩn cấp dân sự này vẫn chưa được dỡ bỏ, dù Hoàng tử nhiếp chính được tân hiến pháp ban hành ngày 6/11/1998 công nhận là hoàn toàn có quyền thay đổi tình trạng này.

Sự hỗn loạn đã khiến cái gọi là "Hội đồng Hàng gia Sedang" biến thành một sân khấu đầy những màn bi hài kịch, khiến ngay cả những người liên quan thật sự cũng phải xấu hổ mà từ chối dính dáng  đến nó. Sau một thời gian nghiên cứu và tìm kiếm, năm 1999 hai "nhà sử học hoàng gia" là Michel Grasseler, một nhà phả hệ học người Pháp và Vicomte Claude Chaussier dit de Neumoissac, một sử gia người Bỉ đã lần ra dấu tích hậu duệ của David de Mayréna. Đó là gia đình một người Pháp tên là Romaric David. Ông này có bốn người con, 3 trai và một gái. Trong số này, Michel David, một luật sư được xác định là cháu đích tôn gọi Marie đệ nhất bằng cụ kỵ.

Nhờ những phát hiện này, "nhà sử học hoàng gia Sedang" M. Grasseler đã được Nguyên soái nhiếp chính Kasara Budruk tặng thưởng huân chương Hoàng gia Sedang, đồng thời được yêu cầu cùng với  người đồng nhiệm tìm cách liên hệ và mời mọc các hậu duệ của David de Mayréna tham gia Hội đồng hoàng gia. Chẳng  quan tâm gì đến một di sản không ai thừa nhận, luật sư Michel David, người cháu đích tôn của ông vua sáng lập vương triều đã dứt khoát từ chối danh hiệu "Hoàng tử Sedang" mà Hội đồng "vinh dự trao lại". Những thành viên khác trong gia đình thậm chí còn tỏ thái độ quyết liệt hơn, từ chối mọi tiếp xúc với các nhà sử học hoàng gia để nghe xưng tụng về những hư danh mà họ không màng tới.

Tất nhiên, những kẻ lập nên Hội đồng Hoàng gia Sedang không hoàn toàn vì háo danh mà bỏ quá nhiều thời gian, công sức, nếu như họ không nhìn thấy cái lợi của cú đầu cơ. Không tiếp tục ban tước để thu tiền, họ có cách kiếm tiền khác nhờ bám vào cái tên của "Vương quốc Sedang" đã chết non từ hơn trăm năm trước. Việc đầu tiên sau khi thành lập Hội đồng Hoàng gia và tự ấn định cho mình quyền khai thác tiêu đề "Hoàng tử Sedang", cựu Đại tá Derwin JKW Mak đã cho in ngay 3 con tem Sedang kiểu mới với 3 mệnh giá 25 centime, 50 centime và 1 Piastre, dành cho mình độc quyền phát hành loại tem này với giá 2 hoặc 3 USD, tuỳ theo loại.

Để tránh bị luật pháp gây khó dễ, các thương vụ mua bán đều không nhận tiền mặt, chỉ thanh toán bằng séc hoặc chuyển khoản theo địa chỉ đại lý của viên cựu Đại tá ở địa chỉ ISFAA, 711 Bay Street, suite 517, Toronto, Ontario M5G2J8, Canada. Tem 25 centime có màu đen, giữa có hình đại bàng đen nắm chìa khoá vàng, tượng trưng cho chính... tay cựu Đại tá, người đang nắm quyền Hoàng tử nhiếp chính Sedang. Tem 50 centime màu đỏ, có hình con rồng, biểu tượng của Hoàng đế Trung Quốc và Việt Nam. Tem 1 Piastre màu xanh lam, giữa có hình sư tử mặc một giáp đồng trên lưng tượng trưng cho vương quốc Sedang. Bản thân sự mộ tả, lý giải đã cho thấy một hiểu biết pha trộn hổ lốn và bộc lộ tính chất vừa hiếu danh vừa vụ lợi của kẻ đang cố vẽ lại ánh hào quang từ một thây ma. Ngoài ra, Hội đồng Hoàng gia còn cho đúc 13 loại huy  chương huy hiệu khác nhau để bán chúng cho người sưu tập với giá từ 2-48 USD mỗi chiếc.

Tất cả những trò nhố nhăng xung quanh cái gọi là vương quốc Sedang chẳng hề gây được chút ảnh hưởng hay quan tâm nào đối với những người Sedang chất phác ở Tây Nguyên Việt Nam. Chỉ có sự nỗ lực của chính đồng bào Sedang và chính sách quan tâm của Nhà nước, xã hội mới từng bước giúp đời sống của đồng bào khá lên, phát triển. Trước ngày thủy điện Plei Krong tích nước, nhiều làng Sedang vùng Đăk Hà đã di dời về khu định cư mới khang trang. Ở đó, cuộc sống mới đang bắt đầu và sáng lên theo màu ngói đỏ của những ngôi làng tái định cư. Ánh sáng đang bừng lên từ màu ngói mới chứ không hắt ra từ những âm mưu, sự bịp bợm mượn danh xưng hào nhoáng của một vương triều nào đó!

Nguyễn Hồng Lam
.
.