Virus phi nhân tính

Thứ Hai, 20/04/2020, 14:14
Một buổi tối trong những ngày cách ly xã hội để chống sự lây lan của COVID-19, tôi lên xe, đóng kín cửa và chạy qua vài khu phố Hà Nội nơi trước kia tôi không muốn đến đó vì quá đông người và ầm ĩ đến ngạt thở. Và tôi không thể hình dung được có một ngày thế giới lại rơi vào những cảnh như thế này.

Thành phố thưa người và xe cộ, các cửa hiệu đóng kín, thi thoảng có nhà mở cửa và một gương mặt ló ra với đôi mắt thăm dò và đầy lo lắng. Nhưng không phải sự thưa vắng của những ngày nghỉ dài mà sự thưa vắng ấy mang một cảm giác hoang vu như sự sống đang dần dần rời bỏ thế gian. Nói là không thể hình dung ra cảnh này là không đúng.

Tranh của Nguyễn Quang Thiều.

Nhiều nhà văn, nhà làm phim, nhà báo trong đó có tôi đã từng viết như một cảnh báo về một ngày đen tối hơn đại dịch COVID-19 nhiều lần sẽ dội xuống đầu con người. Có người có thể là nhà tiên tri. Nhưng hầu hết họ là những người bình thường nhưng đã có một cái nhìn logic những hành xử của con người với thế gian thì họ có thể thấy cái gì sẽ đến dù sớm hay muộn. Đời sống này luôn đi theo một con đường vừa tràn ngập trí tưởng tượng vừa chính xác như toán học. Chỉ có con người không nhìn thấy nó và không suy ngẫm về nó mà thôi.

Đại dịch COVID-19 đang được hầu hết các quốc gia nỗ lực hết mình để tiêu diệt. Tôi tin cuộc chiến này của con người chống COVID-19 sẽ kết thúc cơ bản trong vài tháng nữa. Lo sợ, buồn đau nhưng chúng ta có thể biết rõ sự nguy hiểm của loại virus này như thế nào và tìm cách ngăn chặn hoặc hủy diệt chúng ra sao.

Thế nhưng, có một loại virus đang ngày càng phát triển thì con người lại có vẻ không thấy được sự nguy hiểm khôn cùng của chúng. Đấy là loại virus mà tôi tạm gọi là ''virus phi nhân tính''. Bởi thế mà ngày ngày chúng ta đi qua những ''ổ dịch phi nhân tính'' với một thái độ dửng dưng và không có khả năng nhận biết hay cảnh báo.

Trong những ngày mà toàn bộ báo chí và mạng xã hội đặt sự theo dõi từng giờ tới diễn biến của đại dịch COVID-19 thì một sự vụ kinh hoàng xảy ra làm không ít người choáng váng và đã nổi giận. Đó là việc một người là mẹ đẻ và một người là bố dượng còn rất trẻ đã hành hạ một đứa bé ba tuổi đến chết. Nếu chúng ta theo dõi thường xuyên, chúng ta sẽ thấy mức độ phạm tội của con người ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Giết người vì cướp của, buôn bán ma túy, thù hận…. là tội ác khủng khiếp nhưng một người mẹ giá lạnh với con đẻ của mình hay trực tiếp hoặc gián tiếp giết chết con mình thì mức độ phạm tội này ghê tởm hơn cả muông thú. Hành động man rợ đó đã đẩy một phần nhân loại qua một ranh giới khác: ranh giới giữa con người và hoang thú.

Khoảng một năm trước, chúng ta đều biết vụ một nữ sinh viên đẻ con và đã thả đứa trẻ sơ sinh vào máng thoát nước từ tầng cao xuống đất. Bạn hãy thử nhắm mắt lại hình dung hành động đó trong vòng dăm phút, bạn sẽ thấy sự biến động kinh  hoàng trong cảm giác và tâm lý của bạn. Nếu bạn là người có lương tâm và một trái tim đa cảm, bạn có thể bị sốc và dẫn đến bệnh lý thần kinh.

Mỗi năm có hàng ngàn trẻ sơ sinh ở Việt Nam bị bỏ rơi cho đến chết. Chúng bị bỏ trong thùng rác, góc phố, ao hồ, công viên…. như người ta bỏ một thứ rác thải. Nhưng trời ơi, đấy là những sinh linh vô tội. Đã có những người phải mua đất làm nghĩa trang cho những đứa trẻ bị bỏ rơi chết oan đó.

Bạn có bao giờ nghĩ linh hồn tội nghiệp và đau khổ của những đứa trẻ vừa sinh ra đã bị cướp mất bởi chính mẹ chúng sẽ mang nỗi thù hận kinh hoàng này và trả thù con người không ? Ai đã bỏ những đứa trẻ vừa sinh ra kia?

Điều kinh hãi là không phải đó là những cô gái thiếu học hành, làm những nghề xấu xa trong xã hội… mà rất nhiều là những sinh viên ở các trường đại học kể cả những trường đại học danh giá. Nghĩa là, những cô gái đó lao vào học hành để có thể thỏa mãn nhu cầu vật chất sau này chứ không phải để tiếp cận đến đạo làm người.

Một phía khác, giáo dục nhân tính hình như có những sai lầm ở đâu đó hoặc không phải là điều quan trọng nhất trong nhà trường. Mấy năm trước, người ta định bỏ môn Văn trong các kỳ thi quan trọng. Điều đó đã cho chúng ta cảm thấy sự không bình thường trong giáo dục. Họ đã hiểu sai văn học. Họ đã lạc đường.

Sự cảnh báo về một thế giới robot trong các tác phẩm điện ảnh Hollywood và các nền điện ảnh khác cũng như nhiều tác phẩm văn học đang trở thành hiện thực. Điều kinh sợ là loài robot đó không phải là máy móc do con người sáng chế để trợ giúp con người mà là chính con người bằng xương bằng thịt nhưng đã nhiễm ''virus phi nhân tính''.

Đừng bao giờ nghĩ thế giới tâm linh chỉ là sản phẩm của mê tín dị đoan. Tổ tiên, ông cha ta từng dạy về việc tích đức. Nhưng con người càng ngày càng trở nên mù lòa và điên loạn. Trong trường ca ''Nhân chứng của một cái chết'', tôi có viết những câu thơ "Sao mắt chúng con lại cứng dần và biến thành những viên sỏi. Tai chúng con ngứa ngáy mọc lên nấm độc. Lưỡi chúng con hóa thành đầu rắn. Và trái tim hóa trái cây dại đầy nhựa chát''.

Khi con người rời xa con đường của văn hóa thì ngay lập tức họ đã bước vào con đường dẫn họ tới thế giới của muông thú. Một nhà thơ Hàn Quốc viết :'' Ngày ngày chúng ta từ công sở về nhà/ Giống loài bò sát trở về đầm lầy của chúng''.

Chúng ta đã đánh mất đôi mắt của tâm hồn và vì thế chúng ta không nhìn thấy da thịt mình đang mọc lên những cái vảy và những lớp lông thú mà chúng ta cứ ngỡ chúng ta đang rất lịch sự, văn minh với những bộ quần áo đắt tiền nhất, với những chiếc xe sang nhất và với những ngôi nhà đẹp nhất.

Chúng ta sẽ tiêu diệt được COVID-19 trong vài tháng hoặc lâu hơn một chút. Hàng chục hoặc có thể hàng trăm ngàn người sẽ bị COVID-19 cướp đi cuộc sống. Nhưng chúng ta lại thờ ơ để cho ''virus phi nhân tính'' càng ngày càng lan rộng trong đời sống chúng ta. Loại virus này có thể giết chết hàng thế hệ trong tương lai.

Chúng ta sợ hãi cái chết thân xác nhưng lại không hề sợ hãi cái chết nhân tính. Khi một người sống trong vô cảm, tham lam, ích kỷ, độc ác, không nhận ra và không biết hưởng thụ cái đẹp thì nghĩa là họ đang sống một đời sống của một sinh vật thông thường chứ đâu phải của con người. Nếu nhân loại sống như vậy nghĩa là nhân loại đã chết.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
.
.