Việc bình thường hóa quan hệ Cuba - Mỹ: Bước chuyển mình thế kỷ

Thứ Sáu, 09/01/2015, 15:50
Ngày 17/12, Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng thời công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong tương lai không xa sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn. Tờ New York Daily News dẫn lời giới chức Mỹ cho biết Giáo hoàng Francis chính là nhân vật giữ vai trò quan trọng phía sau “bước chuyển mình thế kỷ” này.

Giáo hoàng đã gửi thư cho cả Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro để hối thúc khôi phục quan hệ ngoại giao, và cùng đội ngũ cố vấn dày dạn kinh nghiệm tạo nên những cuộc đàm phán “vừa cứng vừa mềm” tại Vatican. Ông là người am hiểu tình hình Cuba, thế trận bao trùm của Mỹ ở Mỹ Latinh và mong muốn tìm thấy một hướng đi mới cho tiến trình hòa bình khu vực.

Chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng xin giới thiệu để bạn đọc có cái nhìn đa chiều về vấn đề này.

Vì công bằng xã hội

Giáo hoàng Francis (78 tuổi) tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh ra tại thủ đô Buenos Aires, Argentina. Ông nhậm chức Tổng giám mục của Argentina vào năm 1998 và trở thành Hồng y giáo chủ vào năm 2001.

Tháng 3/2013, ông được Tòa thánh Vatican chọn làm Giáo hoàng, thay cho Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức vì tuổi cao sức yếu. Ông đã bất ngờ nắm quyền tại Vatican và trở thành lãnh đạo đưa một “đế chế” rộng lớn tới hơn 1,2 tỷ con chiên vào trật tự. Trước đó, “đế chế” này đang tụt dốc, quan liêu, nhiều bê bối, quá mâu thuẫn đối với những ai muốn nghiên cứu, quá bí ẩn đổi với những ai chưa từng biết về Thiên Chúa giáo. Vì thế, khoảng cách giữa Giáo hoàng và những tầng lớp nghèo khổ của thế giới tưởng chừng như không thể san lấp.

Kỳ thực, Giáo hoàng Francis được biết nhiều với đức tính khiêm nhường, tuân thủ giáo lý và dấn thân vì công bằng xã hội. Ông mang phong cách của một thầy tu, ít tiếp xúc với giới truyền thông, nghiêm nghị và khổ hạnh. Ông sống trong một căn hộ nhỏ chứ không phải tại nơi cư trú nguy nga của giám mục và tự nấu ăn, đi lại bằng tàu điện ngầm, xe buýt hoặc bay tới Rome trên những chuyến bay hạng phổ thông. Francis cũng rất quan tâm tới những người nghèo khổ. Hình ảnh ông ôm hôn những người bệnh thiệt thòi về ngoại hình hay rửa chân cho một phụ nữ Hồi giáo đã vượt ra khỏi ranh giới của nhà thờ Thiên Chúa giáo.

Ông đại diện cho tiếng nói mới của lương tri trong tất cả những cuộc nói chuyện quan trọng bậc nhất trên thế giới về thịnh vượng và nghèo đói, sự minh bạch, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, vai trò của nữ giới, bản chất của hôn nhân và sự cám dỗ của quyền lực. 

Điều khiến Giáo hoàng Francis trở thành người được biết nhiều chính là tốc độ mà ông bắt nhịp với suy nghĩ của hàng triệu người - những người từng từ bỏ hoàn toàn niềm hy vọng vào nhà thờ. Giáo hoàng Francis đã nâng tầm sứ mệnh hàn gắn của nhà thờ khi phục vụ và lắng nghe nỗi đau của những con người cơ cực trên thế giới. Francis thấu hiểu cuộc đời khi đã trải qua nhiều nghề, từ một quản gia, nhân viên bảo vệ hộp đêm, cho tới một kỹ thuật viên hóa học và giáo viên văn học.

Ông gọi sự bất bình đẳng là “tội lỗi xã hội kêu thấu đến tận trời cao”, nhấn mạnh trách nhiệm giúp đỡ người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Điều đó vượt trên cả công việc bảo vệ học thuyết, từng quá quan trọng với những người tiền nhiệm của ông. Nhờ những đóng góp và ảnh hưởng như vậy, tạp chí Time danh tiếng của Mỹ  đã chọn Giáo hoàng Francis là “Nhân vật của năm” 2013.

“Cái bắt tay lịch sử” giữa Mỹ và Cuba phá tan tảng băng trong quan hệ hai nước.

Francis là Giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Mỹ Latinh, sẵn sàng lên tiếng với Mỹ nhưng cũng rất am hiểu và mềm dẻo trước sức mạnh kiềm chế Mỹ La tinh (bao gồm Cuba) của chính quyền Barack Obama, hay tầm ảnh hưởng sâu rộng bao trùm của Mỹ. Đối với Cuba, Giáo hoàng đang tiếp nối kế hoạch còn dang dở của những người tiền nhiệm. Vatican đã và đang có những bước tiến nhằm thúc đẩy quan hệ song phương với quốc gia Mỹ Latinh trong hơn hai thập kỷ qua khi trên 50% dân số Cuba theo đạo Thiên Chúa.

Trong một buổi nói chuyện hồi tháng trước, Giáo hoàng mong muốn Cuba xây dựng một xã hội cởi mở và hoàn thiện hơn, lấy các giá trị nhân văn làm nền tảng. Chính nhờ quan hệ gần gũi với La Havana mà Francis trở thành nhân vật được giới chức Cuba tin cậy.

Giáo hoàng Francis đã đưa các nhà lãnh đạo Cuba và Mỹ tới bàn đàm phán. Ông liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại hòa bình để đạt tới thỏa thuận bình thường hóa quan hệ khi gặp Tổng thống Obama hồi tháng 3/2014 tại Rome. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của ông trong các cuộc gặp mặt song phương, nhất là khi vị Giáo hoàng này được giới chức Cuba tín nhiệm. Chính ông chủ trì phiên đàm phán cuối cùng tại Vatican, và “nút thắt” trong quan hệ Mỹ - Cuba bước đầu được tháo gỡ là một chiến thắng đầy ngoạn mục sau hàng loạt những nỗ lực không biết mệt mỏi.

Bước chuyển mình thế kỷ

Tổng thống Barack Obama đã gửi lời cảm ơn tới Giáo hoàng Francis, đồng thời đánh giá rất cao vai trò của ông trong đàm phán song phương nhằm đạt được một chính sách cởi mở hơn, gỡ bỏ cấm vận với Cuba cũng như trao trả tù nhân về nước Mỹ.

Trong bài diễn văn kéo dài 15 phút, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết: Giáo hoàng đã tạo nên một thay đổi mang tính lịch sử cho quan hệ vốn đã đóng băng hơn nửa thế kỷ giữa hai quốc gia châu Mỹ. Chính ông đã yêu cầu tiến hành các cuộc đàm phán bí mật kéo dài suốt 18 tháng, hay các cuộc gặp mặt ngay tại tòa thánh Vatican trong tháng 10 và 11, sau khi tự tay viết thư gửi tới giới lãnh đạo Mỹ - Cuba. Những động thái hoàn toàn âm thầm, gây bất ngờ cho dư luận, ngay cả những chính trị gia “lão làng” nhất cũng khẳng định: Francis thực sự tạo nên cơn địa chấn, và rằng điều này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao thế giới.

Trong các lá thư “khẩn thiết” gửi tới Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro mùa hè qua, Giáo hoàng đã lên tiếng hối thúc nhà lãnh đạo hai quốc gia đưa ra nghị quyết cho vấn đề tù nhân và định hình kế hoạch phát triển quan hệ song phương.

Ông muốn giải quyết triệt để vụ tù nhân Alan Gross - nhân viên cứu trợ người Mỹ bị Cuba kết án 15 năm tù về tội hoạt động gián điệp và hiện đã thụ án được 5 năm trên đất Cuba, và trao trả ba người Cuba đang bị giam giữ ở Mỹ. Giáo hoàng đã biến Vatican trở thành địa chỉ tin cậy khi tổ chức các cuộc gặp giữa quan chức Cuba - Mỹ. Mục tiêu vị Giáo hoàng này hướng tới không nằm ngoài hai chữ “phá băng”, trước hết là hàn gắn lại quan hệ đôi bên, và sau đó tiến tới tạo đà thúc đẩy sự thịnh vượng của nhân dân hai nước dựa trên những cam kết đầy hứa hẹn.

Những lá thư chứa đựng tâm huyết, tạo nên cảm hứng và động lực buộc giới chính khách nhìn lại cách hành xử “chưa thật đúng đắn”. Cuba từ lâu vốn là đề tài luôn rơi vào vòng tranh cãi, thu hút đông đảo dư luận và sự quan tâm của các chính trị gia. Khi Giáo hoàng “dám” đứng ra làm trung gian để hòa giải, thì hẳn là ông biết thời cơ đã chín muồi cho một cuộc cách mạng về hòa bình thời hiện đại - một bước ngoặt lịch sử sẽ bẻ gãy “móng vuốt” cấm vận của Mỹ và giải phóng Cuba khỏi “sợi xích cô lập”.

Tổng thống Barack Obama trong bài phát biểu từ Nhà Trắng khẳng định Washington đã sẵn sàng cho “một chương mới” trong các mối quan hệ với Cuba. Ông Obama nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt “cách tiếp cận lỗi thời” vốn không thể giúp thúc đẩy quan hệ song phương. Ông cũng bày tỏ mong muốn thảo luận với Quốc hội Mỹ về việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận đối với Cuba.

Dự kiến, các kế hoạch bình thường hóa quan hệ của Nhà Trắng bao gồm một số nội dung chính như: xem xét lại việc coi Cuba là một nhà nước tài trợ khủng bố; nới lỏng lệnh cấm vận du lịch đối với công dân Mỹ; nới lỏng các hạn chế về tài chính; tăng liên lạc truyền thông; và gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 54 năm.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, những điều chỉnh trong chính sách với Cuba sẽ tạo điều kiện để hai bên xích lại gần nhau hơn, tìm lại sự tin tưởng lẫn nhau để hướng tới một tương lai phát triển bền vững, ổn định ở khu vực.

Quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao cũng cho thấy cả Cuba và Mỹ đã sẵn sàng cho một mối quan hệ chung, trên cơ sở tôn trọng những khác biệt và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và đàm phán. Giới chức Mỹ nói rằng họ đang tìm kiếm khả năng mở đại sứ quán ở La Havana, trong khi phía Cuba cũng khẳng định sẽ mở đại sứ quán tại thủ đô Washington trong thời gian tới.

Ngay sau khi biết được thông tin, Giáo hoàng Francis đã lên tiếng chúc mừng các quyết định của người đứng đầu hai quốc gia. Tuyên bố của Vatican viết: “Giáo hoàng tôn trọng và tin tưởng vào quyết định lịch sử của chính quyền Mỹ và Cuba nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao vì lợi ích của công dân hai nước, để vượt qua những khó khăn vướng mắc trong thời gian vừa qua”.

Quả thực, nhát búa đầu tiên đóng vào tảng băng quan hệ Cuba – Mỹ đã nâng tầm vị thế của Giáo hoàng Francis nhờ những đóng góp âm thầm, đồng thời là bước đầu chuẩn bị cho các kế hoạch tới thăm Cuba hay Mỹ năm 2015 trong chiến lược gia tăng quan hệ gần gũi với Vatican của Giáo hoàng.

Nỗ lực hòa giải Mỹ và Cuba là hoạt động ngoại giao tích cực nhất của Giáo hoàng Francis kể từ khi ông đăng quang năm 2013, nhưng không phải là lần đầu tiên nhân vật này lên tiếng yêu cầu một lãnh đạo cấp cao.

Tháng 9/2013, Giáo hoàng đã dũng cảm viết thư tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, khẩn thiết đề xuất các quốc gia lớn và Mỹ không ủng hộ can thiệp quân sự tại Syria. Tháng 5/2014, ông đã tổ chức cuộc gặp mặt giữa cựu Tổng thống Israel Shimon Peres và người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas để đàm phán về vấn đề hòa bình Trung Đông.

Với thông tin này, Chuyên đề An ninh thế giới Cuối tháng cung cấp cho bạn đọc như một tài liệu tham khảo.

Anh Doãn
.
.