Vỉa hè như thế giới thu nhỏ của Việt Nam

Thứ Bảy, 11/04/2020, 08:44
Lúc còn sống ở quê Serbia, ngày nào tôi cũng đi bộ tới trường học. Trong mắt của tôi hồi đó, vỉa hè chỉ có một chức năng: cung cấp không gian cho người đi bộ. Nhưng khi sang Việt Nam, khái niệm vỉa hè thay đổi đáng kể, trở nên một nơi chốn đa năng, phong phú và tràn ngập sự sống, làm nảy ra bao nhiêu câu chuyện của người dân.

Thoạt đầu, vỉa hè ở Việt Nam đối với tôi là một cú sốc, là nơi đáng tránh. Thứ nhất, đi bộ trên vỉa hè đòi hỏi độ tập trung cao, tôi phải mở to mắt trông chừng, quan sát kỹ để tránh phải vấp vào những ổ gà hay chỗ lở rải rác khắp mọi nẻo. Thứ hai, người đi bộ phải chịu sự đồng bóng của thời tiết Hà Nội, lúc thì nắng như nung, lúc thì mưa như trút.

Bây giờ tôi cảm thấy thương hại mỗi khi nhìn thấy những bóng của du khách Tây lẻ loi chật vật đi bộ trên vỉa hè, khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, đội mũ chống nắng, mặc áo ba lỗ và cầm một chai nước La Vie trên tay. Thứ ba, đi bộ trên vỉa hè mang lại cảm giác không thực sự dễ chịu, người vừa phải hít khói bụi vừa phải chịu tiếng còi xe, triền miên trong trạng thái nơm nớp sợ bị xe máy đâm từ phía sau.

Nhưng mặc dù tôi không còn hay đi bộ trên vỉa hè, tôi vẫn rất thích ngắm nó từ trên yên xe máy của mình. Bên phương Tây, vỉa hè chỉ đơn thuần là một ''quá cảnh'' giữa hai điểm A và B, nhưng ở Việt Nam, vỉa hè là nơi mà người ta sinh hoạt, làm việc, tụ tập bạn bè và dành phần lớn cuộc sống của mình. Vỉa hè đã trở thành đặc thù riêng có của văn hóa Việt Nam, một cảnh tượng khiến du khách quốc tế mê mẩn mụ mị.

Trong mắt chúng tôi, vỉa hè chính là tâm hồn của các đô thị Việt Nam, nơi đậm chất không khí và nhịp sống của người dân. Ví dụ, khi người Tây được hỏi tại sao họ thích Việt Nam, nhiều khi họ thiết tha dùng nhiều tính từ đầy màu sắc để miêu tả không khí tại đây: nhộn nhịp, tấp nập, náo nhiệt, nhốn nháo, sinh động. Đi dọc vỉa hè giống như một cuộc khám phá của ẩm thực Việt Nam, người bị mê hoặc bởi những mùi thơm thức ăn nức mũi: bún chả, cơm rang, phở...

Bên cạnh đó, người đi bộ có thể mua bao nhiêu thứ trên vỉa hè mà không cần ra chợ hay cửa hàng: bánh mì, nước ngọt, rau quả, thịt, quần áo, giày cũ, xổ số, báo chí, sách cũ... hay sửa chữa xe máy, điện thoại, giày dép, đồng hồ.

Vỉa hè hấp dẫn không chỉ do phong vị xưa cũ của nó như một thứ thuộc về dĩ vãng mà quá trình hiện đại hóa cố gắng xóa bỏ, mà còn bởi nó gìn giữ, ''bảo tồn'' sự gần gũi của người với người. Trên vỉa hè, con người ta sống chung với nhau, tiếp xúc với nhau, chia sẻ những cảm xúc vui buồn và cùng trải qua những khó khăn.

Họ sống bằng tinh thần cộng đồng và từ đó, thách thức chủ nghĩa cá nhân của người Tây. Bên phương Tây, chúng tôi thích sống một cách kín đáo xa cách, giữ khoảng cách với hàng xóm và người không quen. Nhưng vỉa hè ở Việt Nam làm tan các ranh giới, xóa nhòa các rào cản giữa con người ta.

Tôi có thể cảm nhận nếp sống tập thể ở mọi ngóc ngách: bạn bè ngồi cà phê ''chém gió'' trà đá, những tiểu thương la hét, giao tiếp với khách, bác bảo vệ xe máy mỉm cười, chào tôi đầy nhiệt tình, những chị bán bánh mì hỏi tôi ''where you from?''. Vỉa hè là một thế giới liên tục sôi động chuyển hóa, là chứng nhân của bao nhiêu thay đổi, câu chuyện chưa kể của dân thành thị.

Điều thứ hai khiến chúng tôi trầm trồ là cái duyên dáng lôm côm của vỉa hè Việt Nam. Sự nhộn nhạo của nó mang lại cảm giác tự do và thả lỏng, thúc đẩy ta thoát khỏi dây xích của quy tắc. Vỉa hè là nơi của nếp sống bình dân, bình dị: một vài mét vuông, hai ba chiếc ghế nhựa và một đĩa hạt hướng dương là đủ để người ta tìm ra niềm vui. Không cầu kỳ, không sang trọng, không vật chất, vỉa hè Việt Nam kháng cự xu hướng hiện đại hóa của thời hiện nay.

Tuy nhiên, vỉa hè cũng là nạn nhân của vô vàn bề bộn, khó khăn và nghịch lý đang bóp nghẹt các đô thị Việt Nam. Mật độ dân số và giá đất rất cao khiến người dân tranh giành vỉa hè đến mỗi mét vuông. Khi không gian của đô thị ngày càng hạn hẹp, vỉa hè trở nên một thứ quý giá, một bãi chiến trường giữa các dân thành thị khao khát thêm không gian để sinh hoạt, buôn bán, tụ tập.

Vỉa hè phải chịu khổ vì vấn đề nan giải của các thành phố lớn Việt Nam: sự đông đúc, chật chội đến nghẹt thở. Hà Nội và Sài Gòn thất thủ trong việc tìm chỗ cho hàng triệu xe máy và ôtô, và nhiều người dân, doanh nghiệp bị bắt buộc sử dụng mặt bằng vỉa hè để đỗ xe, việc thường phạm luật pháp.

Chính quyền cũng hình như thất thủ trước bế tắc này, và tôi đã chứng kiến nhiều lần cảnh lực lượng chức năng đi qua phố, nhắc nhở người dân không lấn chiếm vỉa hè, ai cũng nghe lời, rút lui ra khỏi vỉa hè, nhưng ít lâu sau khi họ đã đi qua... tất cả trở lại vị trí cũ trong tích tắc, và các bàn, ghế nhựa và xe máy xuất hiện trở lại.

Sự chật chội đâu phải là vấn đề duy nhất mà vỉa hè ở Việt Nam phải đối mặt. Các đô thị vẫn thiếu đủ thùng rác nên nhiều hộ gia đình chỉ để túi rác trên vỉa hè hay mặt đường trước nhà cửa để nhân viên vệ sinh công cộng nhặt sau đó.

Những người nước ngoài chưa biết về cách hệ thống nhặt rác ở Việt Nam vận hành cảm thấy sửng sốt khi thấy những túi rác chồng chất trên vỉa hè. Tiếp đến là ô nhiễm tiếng ồn hoành hành khắp đất nước. Người đi bộ phải đối mặt với cả một tạp âm ồn ào: tiếng còi xe inh ỏi, tiếng nhạc đinh tai của các cửa hàng điện tử dọc đường, tiếng khoan nhức óc của công trường, tiếng hát hò của hàng xóm say rượu...

Tôi thật thương hại những bác bảo vệ phải ngồi cả ngày trên vỉa hè trông xe của khách và ngậm đắng nuốt cay. Về lâu dài, tiếng ồn gây hại cho sức khỏe và khủng bố tinh thần của người ta. Cuối cùng, vỉa hè là chứng nhân của chênh lệch giàu nghèo ngày một tăng lên ở Việt Nam. Tình trạng và chất lượng của vỉa hè cũng tùy thuộc vào phân tầng xã hội. Vỉa hè trước tòa nhà chung cư cao cấp sẽ sạch sẽ, thông thoáng hơn vỉa hè trước nhà tập thể cũ kĩ. Khu vực giàu có sẽ đỡ đông hơn, sẽ có nhiều hàng cây xanh, và những gian hàng và quán ăn vỉa hè sẽ được thay thế bằng những cửa hàng tiện lợi và siêu thị.

Tôi vẫn nhớ cảm giác khi tôi còn sống ở châu Âu, thong thả đi bộ trên vỉa hè vào buổi tối hay chạy bộ vào buổi sáng, cắm tai nghe và ngắm những khu vực hàng xóm tĩnh mịch. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã bắt tôi hạn chế đi bộ ở ngoài phố và chỉ tập thể dục tại phòng gym.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tôi chuyển nhà mới cách Hồ Tây chỉ hai phút, cho nên tôi bắt đầu đi bộ trở lại, tìm lại cảm giác thích thú khi đi dọc bờ hồ trên vỉa hè sạch sẽ đầy cây cối bóng mát. Trong mắt tôi, vỉa hè ở Việt Nam thay đổi liên tục, chứa đựng nhiều cái đẹp hấp dẫn cũng như nhiều thách thức, mâu thuẫn cần thời gian giải quyết.

* Ảnh trong bài: Nguyễn Đình Lâm.

Nhà văn Marko Nikolic (nguyên tác tiếng Việt)
.
.