Vì sao họ hoang mang?

Thứ Bảy, 14/05/2016, 11:02
Tháng 4, tháng 5-2016, thảm họa cá chết xảy ra ở bốn tỉnh miền Trung, gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, với thiệt hại có địa phương thì vài chục tấn, có địa phương lên đến hàng trăm tấn. 


Đỉnh điểm của cơn bão phẫn nộ trong dư luận là Nhà máy sản xuất gang thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nằm trong khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) bị phát hiện có một đường ống xả thải ngầm dưới đáy biển, cách bờ 1,7km. 

Đặc biệt khi ông Chu Xuân Phàm, ở thời điểm ấy là đại diện truyền thông của nhà đầu tư đến từ Đài Loan này, lại đặt ra hai lựa chọn cho người Việt Nam, hoặc là tôm cá, hoặc là gang thép. Cả xã hội càng sôi sục với những câu hỏi xung quanh nguyên nhân cá chết. Tôi từ Hà Nội tức tốc đi ngay trong đêm vào Hà Tĩnh để tìm một câu trả lời.

Ngư dân Hà Tĩnh - những người cả tháng trời không thể ra khơi, đang sống bằng gì? Họ có thể sống bằng 15kg gạo được UBND tỉnh cấp phát cho mấy chục ngày ròng rã hay không? 

Trên đường đi, tôi mường tượng về nỗi hoang mang của những người dân sinh ra và lớn lên bên bờ biển, những người cả đời gắn bó với vị mặn của biển, sống nhờ mùi tanh của cá, những người cả đời đã mưu sinh trên những chiếc thuyền chòng chành giữa biển cả. Hẳn là rất ghê gớm.

Vào Hà Tĩnh, tôi ra thẳng bờ biển. Nơi dừng lại là một bến thuyền buồn tẻ còn đang chìm trong bóng tối, nằm kế bên đại dự án nhà máy gang thép của Formosa Hà Tĩnh đang ầm ầm máy móc chạy không ngơi nghỉ và điện thắp sáng rực cả một vùng rộng lớn.

Lúc 4h sáng, anh Thoả, người đã gắn bó với nghề đánh cá 28 năm nay ở xã Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, lang thang ở bến thuyến ấy trong bóng tối. Hôm trước, vợ chồng anh cố đi đánh lưới nhưng chỉ còn được vỏn vẹn 1,7kg cá. Vậy mà về bờ, cũng phải chật vật mãi mới bán được 40.000 đồng. Tờ mờ sáng ấy, anh Thoả vẫn ra bờ biển theo thói quen của hơn 28 năm qua, chứ không phải để ra khơi nữa.

Ở bến thuyền ấy, tôi gặp cô Mai Thị Trông. Cô Trông và cậu con trai của mình ngồi trên thuyền trong bóng tối. Chiếc thuyền nằm lặng yên trên bờ cát. Hai mẹ con ấy cũng lặng yên mãi đến khi bình minh nhô lên mặt biển. Con thuyền khô cong, sợi dây thừng để cột thuyền vào bãi cũng khô cong. Tháo ra rồi lại cột vào, người phụ nữ ấy tần ngần mãi.

"Đi không con? Hôm nay có đi không con?".

Cậu trai trẻ lắc đầu, mắt vẫn nheo lại, nhìn ra biển. Đã gần 30 ngày trôi qua, họ không còn ra khơi nữa. "Nhà có 5 con, đang học hành nhờ biển, chẳng dư dả gì được. Cá chết là thuyền cũng chết. Nay thì không biết lấy cái gì mà sống, rồi cũng thất học hết mất thôi. Tôi sốt ruột quá!", cô Trông quay sang nói với tôi. 

Nói xong, người phụ nữ ấy xách can xăng vào bờ, mang về thêm một tiếng thở dài. Cậu con trai thì vẫn cứ ngồi trên mép thuyền mãi.

Bến thuyền ở Kỳ Phương hôm ấy có 300 con thuyền không ra khơi. Đó là 300 gia đình đang loay hoay với miếng cơm manh áo hàng ngày, là cả ngàn thân phận đang chấp chới, dập dềnh. Thuyền đóng bằng tiền vay, rồi mỗi chuyến ra khơi lại chở theo vô số chi phí. 

Chuyến được chuyến không, chuyến lời chuyến lỗ, cứ thể trôi theo sóng nước, đắp đổi từng ngày sinh tồn. Dẫu vậy, có một điều chắc chắn là họ cần biển để duy trì miếng cơm manh áo, để gieo mầm và vun đắp cho tương lai của con em mình.

Rời bến thuyền buồn tênh, hôm sau tôi lại chứng kiến cánh đồng mênh mông với vài chục tấn nghêu đã chết trắng ở xã Kỳ Hà. Đó lại là một bình minh hiu hắt nữa. Cô Mai Thị Nhàn, có 1,5ha nuôi nghêu ở cánh đồng ấy cào mãi đôi tay trần của mình xuống lớp đất ở ruộng nghêu. 

Cái hố cứ sâu mãi và rộng ra nhưng chẳng tìm thấy một con nghêu nào còn sống. Cô ấy đã mất sạch 200 triệu tiền giống và mồ hôi nước mắt cả năm trời. "Nghêu chết hết rồi. Nhìn thấy thế này tôi không còn tư tưởng làm ăn gì nữa, đau đớn tận trong tâm hồn".

Tôi không thể nào cầm lòng được trước những ruộng nghêu gần đến ngày thu hoạch mà chết trắng. Tôi không nhớ nổi mình đã rớt bao nhiêu nước mắt xuống cánh đồng nghêu hôm ấy.

"Hãy phỏng vấn tôi đi"; "Hãy quay tôi đây. Tôi nói. Tôi muốn nói"...

"Bao giờ thì chúng tôi có thể ra khơi?"; "Bao giờ thì làm rõ được cá chết vì sao để dân đi biển mang cá về còn bán được?"...

Tất cả những người tôi đã gặp đều hỏi những câu như vậy. Họ không biết nhà máy gang thép hiện đại thế nào, dự án cả chục tỉ USD thì tầm cỡ ra sao. Họ thực sự không biết việc giám sát các nhà máy xả thải là như thế nào, hay những thứ đại loại như văn hoá kinh doanh nhà đầu tư là gì, trách nhiệm của nhà quản lý ra sao... 

Bởi suy cho cùng, với những con người ấy, trong cuộc mưu sinh này, có thứ gì lớn hơn biển cả? Suy cho cùng, có người nào hiểu về biển hơn những ngư dân đã bạc đầu trên sóng nước?

Hà Tĩnh những ngày tôi ở đó dài lê thê. Tôi, chắc là sẽ chẳng thể nào quên được những ngư dân đã kéo lấy tay mình, họ nói như hét vào ống kính. Tôi, chưa khi nào thấy người dân sẵn sàng hỗ trợ phóng viên tác nghiệp như thế. Tôi, chưa khi nào thấy có những người khao khát được lên báo như thế. Họ cần được nói, họ cần được lên tiếng, họ cần được ra khơi.

Hơn 30 ngày đã trôi qua kể từ khi thảm họa cá chết ập đến, xã hội vẫn quay cuồng với câu hỏi về thủ phạm gây ra thảm hoạ ấy. Lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương xảy ra cá chết thi nhau nhào xuống tắm biển, thi nhau ăn cá nục, mực nhảy... để chứng minh rằng nước biển có thể tắm, hải sản có thể ăn và mọi thứ đều an toàn. 

Họ lên báo khẳng định điều đó. Thậm chí, lãnh đạo Hà Tĩnh còn khuyên dân cứ yên tâm tắm biển và hải sản từ trước khi có kết quả quan trắc nước biển và xét nghiệm cá…

Lãnh đạo các địa phương giờ đã rất biết cách làm hình ảnh trước truyền thông, đã biết học cách hành động trấn an dư luận. Có điều, họ không giải thích được nước biển an toàn mà sao cá vẫn cứ chết? Nguyên nhân cá chết vẫn mịt mù. Thử hỏi mấy người dân yên tâm mà ăn cá? Thử hỏi, ngư dân có thể an lòng mà ra khơi?

Trong số tư liệu tôi mang về từ Hà Tĩnh, có hình ảnh những bãi biển, những đồng nghêu. Hôm qua, nhìn lại những cảnh ấy, thấy quặn thắt trong lòng. Ngư dân chỉ là một chấm đen nhỏ xíu giữa mênh mông đồng nghêu xám xịt. 

Ngư dân của ta, với những con thuyền nhỏ, những manh lưới nhỏ, vẫn luôn lọt thỏm trước thiên nhiên rộng lớn, vẫn chẳng thể nào chủ động với sinh kế của mình. Những chuyến khơi xa, những chuyến biển gần, tất cả đều may rủi và đa số đều chưa ráo mồ hôi đã hết tiền.

15kg gạo cứu đói, hay hình ảnh những lãnh đạo ăn cá biển trong nhà hàng chẳng thể bớt đi những gương mặt thẫn thờ mà tôi đã gặp trên các bãi biển ở Kỳ Anh. Họ cần một sinh kế, cần được trở lại với biển. 

Dẫu rằng, bao năm qua, ngư dân mình vẫn gần như phải tự bơi. Dẫu rằng, họ đã sống bằng mặt trời lặn là hết một ngày và sau giấc ngủ lại là bình minh. Nghĩa là, chỉ bằng những hy vọng nhọc nhằn.

Lãnh đạo các địa phương có thể đã làm nhiều thứ để an dân. Nhưng có một thứ họ chưa làm được là an lòng. Ngư dân cần gì? Họ chỉ cần làm rõ một điều duy nhất, đó là chỉ rõ vì sao cá chết để giải toả những lo lắng của người dân, của người tiêu dùng, để họ mang cá về còn bán được chứ không phải đổ đi.

Để dân an lòng, thì chính quyền cần minh bạch thông tin với dân và nhà đầu tư. Chính quyền cần phải rạch ròi ai đúng, ai sai, phải rạch ròi được nhiệm vụ giám sát các hoạt động xả thải của doanh nghiệp với việc đi làm thuê nhận tiền theo hợp đồng kinh tế. 

Họ nhận tiền thuế của dân để làm mọi công việc khiến hàng ngàn, hàng triệu người dân an tâm mà làm ăn sinh sống, chứ không phải chỉ là để phục vụ cho một nhóm nhỏ nào đó.

An dân, là trách nhiệm và cũng có thể coi là "thành tích" lớn nhất với người lãnh đạo hôm nay. Câu chuyện cá chết và các vấn đề xung quanh nó sẽ là một phép thử với những người lãnh đạo mới. Dân lúc nào cũng có quyền được chọn biển cho đời này, đời sau, cho các thế hệ con cháu của họ. Nhưng lãnh đạo thì không, bởi trong bất kì tình huống nào, họ đều phải chọn nhân dân.

Ở Hà Tĩnh, nước biển vẫn mặn, nhà máy Formosa vẫn nghi ngút khói, chỉ có lòng dân là ngổn ngang với miếng cơm manh áo của chính mình.

Minh bạch thông tin có khó không? Tôi nghĩ là không khó nếu chúng ta thật sự muốn thực hiện điều này. Nhanh chóng hơn với thông tin có khó không? Tôi nghĩ là không khó nếu chúng ta thấy cần thiết phải làm điều này.

Vậy thì tại sao lòng dân vẫn hoang mang, tôi thật sự không biết nữa. Mặc dù, chính tôi đôi lúc cũng gờn gợn hồ nghi.

Bạch Hoàn
.
.