Vì bác sĩ chúng tôi không phải “mặt gỗ”

Chủ Nhật, 28/02/2016, 10:06
Ngày xưa không hiểu tại sao tôi chọn đi nội trú hồi sức cấp cứu, nói chung ai cũng gàn, ai cũng bảo sao dại thế, đâm đầu vào đấy vừa vất vả, vừa nghèo lại đầy rẫy những bất an. Tôi bỏ ngoài tai tất cả, quyết tâm đi bằng được với ánh mắt ái ngại của những người đi trước, chỉ vì tôi thích.

Từ lúc quyết định lựa chọn con đường này cho đến bây giờ là 10 năm, thời gian chưa đủ nhiều nhưng cũng làm cho cái lưng tôi còng xuống vì áp lực công việc và kiến thức. Bệnh viện luôn luôn quá tải, quá tải một cách khủng khiếp. Có những khoa có thời điểm nằm đến năm bệnh nhân một giường, mà những ngày trời nóng nực, đến tôi còn cảm thấy nhão ra nữa là người bệnh.

Tôi vẫn nhớ, hồi còn là cậu sinh viên lơ ngơ mới ra thành phố, đường phố quang đãng chẳng mấy khi tắc, lúc đó Hà Nội chỉ có chừng đó bệnh viện với chừng đó giường. Đến bây giờ làm giảng viên, lần nào về trường giảng bài cũng đi qua con đường đó một cách chậm chạp vì đông không thể tả, ngày nào cũng tắc. Và Hà Nội cũng vẫn chỉ chừng đó bệnh viện với số giường tăng không xinhê gì với dân số. Đường đi tắc, trường học tắc và bệnh viện cũng tắc nốt.

Bác sĩ có phải chịu trách nhiệm về việc này không? Chắc là không.

Hồi mới vào nội trú, mỗi ngày tôi và đồng nghiệp tiếp nhận 70-90 ca bệnh từ các tỉnh chuyển lên, hầu hết là bệnh nặng và phức tạp. Hùng hục làm việc phờ râu, hôm nào cao điểm lên đến 100 bệnh nhân thì tối về gào lên là hôm nay quá tải khủng khiếp. Đến bây giờ, mỗi ngày 90-100 bệnh nhân vào cấp cứu là chuyện thường, số lượng cứ thế tăng dần theo từng năm, trong khi số lượng bác sĩ gần như không thay đổi. Lắm lúc mệt đến mức không muốn làm nữa nhưng mình không làm thì ai làm?

Đông thường đi kèm theo lộn xộn, đặc biệt với thói quen không biết xếp hàng của dân mình. Tâm lý khi vào nằm tại phòng cấp cứu thì ai cũng cho mình là nặng nhất, bệnh nhân bên cạnh có thuốc mà mình chưa có là ý kiến ngay mặc dù với bác sĩ thì việc chưa cho thuốc là cần thiết để theo dõi hoặc làm chẩn đoán trước. Thường tôi sẽ chỉ giải thích cho bệnh nhân hoặc một người nhà nào quan trọng nhất. Nhưng một người đi viện thường có nhiều người đi cùng, vừa giải thích người này xong thì người kia vào hỏi. Có lần trong 30 phút tôi phải trả lời cho 5 người với cùng một câu hỏi.

Bệnh nhân thấy quá tải, bác sĩ cũng quá tải! Bác sĩ chúng tôi nếu gặp phải người nhà của bệnh nhân “quá khích”, có phát rồ lên cũng là điều khó tránh. Vì chúng tôi không phải mặt gỗ, nên chẳng thể nào trong một ngày luôn mỉm cười với hàng trăm lượt bệnh nhân và gấp đôi lượng người nhà thế được.

Làm cấp cứu khổ nhất là mặt bệnh đa dạng, áp lực bệnh nhân đông nhưng không được phép gặp sai lầm. Nếu không xử trí nhanh và giải quyết nhanh, bệnh nhân ùn lại thì vỡ khoa mất. Mỗi tháng tôi tính sơ sơ khoảng gần 3.000 lượt bệnh nhân từ cả miền Bắc vào cấp cứu với 16 bác sĩ vừa làm hồi sức bệnh nặng vừa làm chẩn đoán. Tối về tôi hùng hục cày sách để bổ sung kiến thức, thế mà vẫn thấy mình dốt. Có lẽ ngành y là một trong những ngành phải học cả đời, cái đầu mình hữu hạn, y học cũng hữu hạn nhưng vẫn mênh mông đối với loài người, có những cái vượt qua sự hiểu biết thông thường của khoa học thì đành chịu.

Hồi trước, có cô bạn bên đài truyền hình nhờ hợp tác làm chương trình cấp cứu cộng đồng, khi đến khoa tham gia một thời gian cô lè lưỡi bảo không hiểu các anh làm việc kiểu gì, bệnh nhân đông thế này làm sao làm nổi, cái máy tính hành chính nhà anh còn liên tục treo nữa là người. Tôi cười bảo cái máy có thể treo được chứ cái đầu thì không được phép, bọn anh đâu phải con người. Cô em lắc đầu bảo kinh quá, không là người thì là gì…

Có hôm một bạn vào cấp cứu vì thở nhanh. Vừa mới vào đã gào lên tôi là nhà báo đây, các cô làm cho tôi cái nọ làm cho tôi cái kia, nặng lắm rồi. Tôi bảo nhà báo cũng chỉ như những bệnh nhân thông thường khác, chúng tôi phân loại bệnh nhân theo bệnh chứ không phân loại theo nghề, rồi cho xuống khoa tâm thần khám theo đúng quy trình sau khi loại trừ bệnh lý thực thể.

Nhiều lúc tôi nghĩ ngành y bạc, bạc lắm!

Một thầy giáo của tôi từng nói, các cậu phải học cho tốt để trước hết gia đình mình được nhờ, sau đó xã hội được nhờ. Tôi, cũng như các bác sĩ khác trong khoa, hùng hục học đến 11 năm liên tục, gia đình nuôi báo cô hoàn toàn cho đến khi đi làm, cũng chưa một ngày nào gia đình được nhờ cả. Tôi đi làm xa, bố mẹ, anh chị em mỗi lần ốm chẳng bao giờ tôi có mặt ở nhà. Lắm lúc bị nói mát nuôi nó bao nhiêu năm trời chẳng nhờ được ngày nào, ốm toàn nhờ vả người khác. Đến ngay cả khi mẹ tôi ốm, rồi lúc cụ mất tôi cũng chẳng có mặt.

Nhưng báo chí chỉ nhăm nhăm tìm cái xấu để bới móc chứ chưa bao giờ nhìn thấy những khó khăn của người khác. Bởi người ta nhìn ra cái xấu của người khác nhanh và luôn bị nó hấp dẫn hơn cái tốt. Tôi chỉ lấy ví dụ nho nhỏ, mỗi tháng 3.000 ca cấp cứu, tổng một năm có gần 35.000 ca bệnh mà chỉ cần có 1 ca tiên lượng không tốt là không ít báo sẵn sàng nhảy vào mổ xẻ. Họ không cần biết đến hàng chục ngàn ca khác thế nào. Vì, những tờ báo đó chỉ cần câu khách!

Họ không cần biết rằng, với sự đông đúc như hiện nay, nếu có bệnh dịch gì đó, hậu quả sẽ là khôn lường, và nguy cơ lây nhiễm lớn nhất vẫn là các nhân viên y tế và gia đình họ. Nên lúc nào tôi cũng đặt gia đình mình trong trạng thái “thảm hoạ”! Vì có thể một buổi sáng nào đó tôi bước ra đường và gia đình không thấy tôi quay trở về nữa cũng không phải là lạ. Có bận, cả tua trực chúng tôi “vớ” được một bệnh nhân nhiễm não mô cầu, căn bệnh nguy hiểm cả chục năm nay không gặp (các nước phát triển giờ chỉ có trong y văn). Bệnh phẩm cấy vài hôm mới ra kết quả, tuy dễ chữa nhưng nguy hiểm. Lúc gọi điện thông báo cho cả tua trực tiếp xúc với người bệnh uống thuốc phòng thì họ đã và đang ở nhà cùng gia đình mất rồi. 

Vậy ai sẽ phải chịu đựng những mất mát nếu chẳng may gặp phải những chủng bệnh kinh khủng hơn thế, SARS, EBOLA rồi những thứ “của nợ” khác đang và sắp xuất hiện. Hay khi có việc xảy ra, người ta sẽ đóng cho chúng tôi cái dấu anh dũng hy sinh vào cái lọ là hết?

Với chúng tôi, nghề đã trở thành nghiệp ăn vào máu không thể bỏ được. Những ngày đi công tác, ăn ở an nhàn tôi lại thấy nhớ không khí nháo nhào trên khoa. Cuối cùng, đâu là sự nhẫn tâm, hãy để cho mỗi người tự cảm nhận lấy…

Ngô Đức Hùng
.
.