Vị “Bao Công” Trần Đăng Ninh và vụ án gián điệp có một không hai trong lực sử Quân đội

Thứ Ba, 15/12/2015, 07:54
Cả tuần nay, tôi đọc đi đọc lại về vụ án oan sai của “người tù lịch sử” Huỳnh Văn Nén mà cảm thấy vô cùng nặng nề. Nên khi Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng muốn tôi viết về một người lính, tôi cứ nghĩ mãi đến nhà cách mạng Trần Đăng Ninh  - người mà khi còn sống được tôn kính gọi là “Bao Công của Việt Nam”, vì sự công bằng, sáng suốt của ông khi xử án.

Trần Đăng Ninh không phải quan tòa, nhưng nếu trong vụ án Huỳnh Văn Nén có một quan tòa như ông, tôi tin vụ án oan 17 năm này sẽ không xảy ra. Vì thế, tôi muốn viết về ông, và về một vụ oan sai mà ông đã ngăn lại kịp thời…

Chuyện “Bao Công” giải oan cho “gián điệp”

Đã có thời, sau Cách mạng tháng Tám, Trần Đăng Ninh được Bác Hồ và Trung ương giao cho nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an. Tổng Giám đốc đầu tiên của Nha Công an Trung ương - ông Lê Giản từng kể rằng, khi nhận được quyết định đó, lòng ông không phục. Ông cứ nghĩ, một người có xuất thân chỉ là công nhân, có trình độ văn hóa thấp như Trần Đăng Ninh thì làm sao có thể giúp Nha Công an Trung ương tháo gỡ những khó khăn những ngày đầu non trẻ.

Nhưng sau này, ông lại thường nói về ông Trần Đăng Ninh với thái độ khâm phục, kính trọng đối với một người “có nhân cách, có trình độ”, dù quãng thời gian họ làm việc với nhau chỉ chưa đầy một năm. Những người công tác ở Nha Công an Trung ương ngày đó đều nhớ như in một câu mà ông Trần Đăng Ninh dặn đi dặn lại: “Khi công an cấp dưới báo về một trường hợp phạm tội, mình là người xét xử trước hết không được định kiến và coi ngay là họ có tội mà phải cân nhắc kỹ càng cả về khả năng vô tội, oan sai, phải xem khẩu cung…, xét hỏi kỹ càng, khách quan” - lời khuyên đó đặt vào hoàn cảnh bây giờ vẫn vô cùng chính xác.

Trần Đăng Ninh chỉ học hết phổ thông và chỉ là một công nhân xưởng in trước khi tham gia cách mạng. Ông không học Luật một ngày nào, cũng không phải một vị quan tòa, nhưng ông lại được mệnh danh là “Bao Công” của Việt Nam, nhờ những lần “xử án” rất tài tình, đúng đắn, có tình có lý, không bao giờ để lọt người có tội, nhưng cũng không làm oan người vô tội. Và vụ án “Gián điệp H122” chính là một trong những vụ án nổi tiếng nhất mà “Bao Công” Trần Đăng Ninh đã xử lý, giúp minh oan cho mấy trăm cán bộ và quần chúng vô tội, giúp tránh được một vụ án suýt nữa đã trở thành một trong những vụ oan sai lớn nhất trong lịch sử Quân đội.

Năm 1948, cơ quan Quân báo nhận được tin phòng Nhì Pháp đã gài một gián điệp mang bí số H122 vào cơ quan chỉ huy của ta ở Liên khu Việt Bắc. Theo tin này, H122 đã lấy được bản kế hoạch quân sự của ta trong giai đoạn Thu - Đông 1947 và chuyển về cho địch. Khi thông tin về một tên gián điệp đang nằm vùng ngay giữa chiến khu, khắp các đơn vị ở Liên khu Việt Bắc, ai ai cũng nhìn nhau với ánh mắt nghi kỵ, người này nghi ngờ người kia.

Một hôm, ở một đơn vị nọ, có một anh giám mã (chuyên làm nhiệm vụ chăn dắt ngựa) đã vô tình chạy ra sân lấy cái khăn mặt màu trắng đúng lúc có máy bay địch bay qua. Một người trong đơn vị nhìn thấy, đã luận ngay rằng anh đang dùng “cờ  trắng” để báo hiệu cho máy bay địch. Anh giám mã bị bắt ngay sau đó và lập tức bị nhiều người trong đơn vị nhận định anh chính là H122 - gián điệp của địch. 

Vì quá nóng vội, các cán bộ được giao nhiệm vụ thẩm tra người giám mã ngày đó đã áp dụng những biện pháp hỏi cung nặng khiến anh này đành đánh liều thừa nhận mình là H122. Và anh ta còn chỉ ra thêm những cán bộ khác trong đơn vị cũng là “gián điệp” của phòng Nhì Pháp cài vào.

Ông Trần Đăng Ninh (người ngồi thứ 2 từ trái qua) cùng các đồng chí trong Đảng ủy Chiến dịch Biên giới.

Cứ như vậy, cán bộ này khai ra cán bộ kia, người này “chỉ điểm” người kia, dần dần vụ án mở rộng ra, trong đó có cả cán bộ cấp cao làm việc ở cơ quan Bộ Tổng tham mưu. Nhiều người công tác ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên cũng bị liên đới. Nhiều người dân bình thường, trong đó có những người phụ nữ bán xôi rong, cũng bị gán tội “làm gián điệp” do bị người quen “khai” ra. Vụ án càng mở rộng điều tra, càng nhiều người, càng nhiều cán bộ cao cấp bị bắt, thì bầu không khí hoang mang càng bao trùm chiến khu trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Pháp đang vô cùng quyết liệt.

Nghi ngờ vụ án có uẩn khúc, Bác Hồ đã cử đích thân ông Trần Đăng Ninh - khi đó là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương đi kiểm tra, xem xét vụ án nghiêm trọng này. Ông đã tổ chức một đoàn kiểm tra gồm các cán bộ của Ban Kiểm tra Trung ương, của Bộ Quốc phòng, Quân khu Việt Bắc, Nha Công an Trung ương, Sở Công an Liên khu Việt Bắc, Liên khu ủy Việt Bắc và các tỉnh có liên quan đến vụ án. Đồng chí Lê Giản được lệnh phải chọn những cán bộ có trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm vững vàng tham gia đoàn kiểm tra.

Tất cả thành viên tham gia đoàn kiểm tra này đều được Trần Đăng Ninh quán triệt rõ ràng: “Phải thật cụ thể, khách quan, thận trọng, tôn trọng chứng cứ, tránh suy diễn tùy tiện, phải thực sự mạnh dạn nêu ý kiến nếu phát hiện nghi vấn khác”.

Khi điều tra vụ án gián điệp H122 này, điều khiến Trần Đăng Ninh cảm thấy rất không ổn là những tài liệu trong vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn với nhau. Hơn nữa, hoạt động gián điệp không thể lộ liễu, xô bồ mà phải đơn tuyến, không thể có chuyện các mạng lưới gián điệp đều nắm được thông tin và hoạt động của nhau. 

Thêm vào đó, dù đã bắt bớ và quy kết cho nhiều người tội gián điệp, nhưng các cơ quan liên khu đều không thể chỉ ra được tài liệu bị mất là tài liệu nào. Và khó hiểu nhất là H122 - một “gián điệp” do phòng Nhì Pháp cài vào hóa ra lại chỉ là một anh giám mã không biết chữ, ngày ngày chăm sóc ngựa, không có điều kiện tiếp xúc với những hồ sơ, tài liệu quân sự quan trọng.

Điều này làm nảy sinh trong lòng ông những nghi vấn. Khi hỏi ra lý do vì sao anh giám mã bị nghi ngờ là H122, ông mới biết chuyện vẫy “cờ trắng” gọi máy bay của anh giám mã. Là người tôn trọng chứng cứ, cẩn thận trong việc kiểm tra, Trần Đăng Ninh đã đích thân đến tận cái sân mà “H122” vẫy máy bay, ông lập tức thấy có chuyện không ổn: Khoảng sân chỉ rộng bằng vài manh chiếu nhỏ, nằm trong một khu rừng rậm, từ vị trí đó không thể ra dấu cho máy bay được.

Từ nghi vấn này, ông đã vận động “H122” và những cán bộ bị bắt do có liên quan đến vụ án mạnh dạn khai nhận sự thật. Đến lúc này, họ mới thú nhận do không chịu nổi áp lực của một số cán bộ thi hành nhiệm vụ, nên họ đã đành phải khai sai, khai liều và làm oan thêm những người vô tội khác. Lập tức Trần Đăng Ninh ra lệnh thả những cán bộ bị bắt trong vụ án gián điệp H122 và chính thức khép lại vụ án. Những người bị oan đã được trả tự do, phục hồi công tác. Những cán bộ mắc sai lầm trong vụ án này bị kiểm điểm xử lý xác đáng.

Vụ án gián điệp H122 sau này trở thành bài học kinh điển cho công tác phòng chống gián điệp của ta. Còn Trần Đăng Ninh đã thực sự trở thành vị “Bao Công” trong lòng nhiều người từ đó.

“Là thủ trưởng hay cấp dưới, cũng đều biết mệt như nhau”

Những câu chuyện về vụ xử án H122 của nhà cách mạng Trần Đăng Ninh, tôi nghe được từ Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê - người có 5 năm làm thư ký cho Trần Đăng Ninh. Nhưng Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê nói: “Anh Trần Đăng Ninh trong lòng chúng tôi không chỉ có thế: không chỉ là Bao Công, mà còn là một người anh lớn”. 

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê cứ nhớ mãi ngày còn ở Việt Bắc, có lần ông cùng thủ trưởng Trần Đăng Ninh phải đi họp. Chỉ có một ngựa, thường là thủ trưởng cưỡi ngựa, cấp dưới chạy bộ theo sau. Nhưng cứ đi một đoạn, Trần Đăng Ninh lại nhảy xuống đi bộ, nhường cho anh thư ký của mình ngồi ngựa cho đỡ mệt, vì ông bảo: “Dù là thủ trưởng hay cấp dưới, thì cũng đều là người, đều biết mệt như nhau…”.  Và họ cứ thế thay nhau, vừa đi vừa rôm rả nói chuyện công chuyện tư, quên cả mệt nhọc, quên cả khoảng cách cấp trên cấp dưới.

Trần Đăng Ninh là một người rất thương lính. Ông chẳng mắng lính bao giờ. Nên nhiều lần nghe chuyện ông Đinh Đức Thiện (sau này là Thượng tướng - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) hay nóng nảy với lính tráng, ông giận và gọi lên nhắc nhở: “Sao đồng chí hay nóng với anh em lính tráng thế?”, đồng chí Đinh Đức Thiện gãi đầu ngượng nghịu: “Xin lỗi anh, tôi nóng tính quá. Lúc cáu lên là không kiềm chế được”. Trần Đăng Ninh càng nghiêm khắc hơn: “Thế lúc cáu, cậu có quát tôi, có quát anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng - PV) hay không? Cậu rút kinh nghiệm ngay nhé”. 

Tuy bị thủ trưởng mắng, nhưng không vì thế mà đồng chí Đinh Đức Thiện có hiềm khích với Thủ trưởng Trần Đăng Ninh. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê kể, ngày nhận được tin Trần Đăng Ninh mất, đồng chí Đinh Đức Thiện lập tức chạy đến. Nhưng khi đến nơi, ông ngồi ngoài cổng khóc rất lâu, đến khi cạn nước mắt mới vào. Thương lính tráng như thế, nên sau này ông mất, anh em ai cũng nhớ ông.

Nhớ ông vì trong buổi họp hay liên hoan của cơ quan, dù là người giữ cương vị rất cao trong Đảng và trong Quân đội, nhưng khi cấp dưới mời ông, bao giờ ông cũng đến đúng giờ hoặc trước giờ, không bao giờ đến trễ để mọi người phải đợi; Nhớ ông vì mỗi lần đến sớm, ông thường ngồi trên một cái ghế tựa vào tường, nói chuyện với anh em, không phân biệt trên dưới, cao thấp; nhớ ông vì nếu anh em có mời ông vào dãy ghế trên mỗi lần họp, ông đều cười xòa: “Nếu các anh tôn trọng thủ trưởng, muốn cho ngồi chỗ danh dự, thì thủ trưởng ngồi đâu, chỗ ấy là chỗ danh dự, sao cứ phải là dãy ghế đầu?”, và thế là ông vẫn ngồi nguyên ở hàng ghế đó, giữa anh em, thân mật và gần gũi như những người đồng đội bình thường, chứ không phải là cấp trên, cấp dưới...

Tùng Khanh
.
.