Vẹn nguyên thời "hoa lửa"

Thứ Năm, 25/04/2019, 10:02
Những trai tráng đội mũ cối, mũ tai bèo vượt Trường Sơn khói lửa năm xưa, người mãi nằm lại lòng đất mẹ; người rời chiến trường, gác súng ống về với đời thường cũng đã non nửa thế kỷ. 

Quãng thời gian ấy, xã hội đã qua bao bước chuyển mình, đồng đội áo lính năm xưa cũng “rụng rơi hoa gạo” nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên khí phách hùng cường…

1. Viết về ký ức thời hoa lửa của những chàng trai ra chiến trận, tôi muốn đề cập tới hai nhật ký, hồi ký của một người lính trở về trong cuộc sống đời thường hôm nay và một người lính “có tuổi hai mươi thành sóng nước”.

Ra đi vẫn nhớ tình quê
Nhớ sông sáu ngọn, nhớ đê quanh vùng
Nhớ em gái đảm Hải Hưng
Nhớ đội Quyết Thắng, nhớ từng khóm tre
Ra đi vào giữa mùa hè 
Hẹn ngày hết Mỹ lại về Chí Linh
“Lục Đầu Giang” - đẹp lung linh
Keo sơn gắn bó bóng hình quân dân...

Những trang thơ, trang nhật ký chiến trường năm xưa được người lính Sư đoàn 308 Trần An Cảnh nắn nót viết lại trong cuốn hồi ký có tựa đề Tam ẩn, khắc ghi cuộc đời binh nghiệp của ông. Cầm cuốn sổ trên tay, tôi thực sự ấn tượng và cảm phục khi cả trăm trang viết kèm nhiều bài thơ thời chiến được ông viết lại bằng bút mực mà không có bất cứ câu từ nào sửa chữa, tẩy xóa.

“Tất cả đã là mạch cảm hứng, ký ức sống mãi trong tôi nên tôi đã đặt bút viết là cảm xúc bất tận, câu chữ phải rõ ràng, sạch đẹp, không nắn sửa, cũng như mạch sống cuộc đời tôi không có chữ “giá như”, “nếu, thì” - ông chia sẻ. 

Đường ra trận.

Nói về Sư đoàn 308, cựu binh Trần An Cảnh tự hào: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn tham gia 3 chiến dịch lớn: Năm 1968 đánh đường 9 Khe Sanh; năm 1971 đánh chiến dịch “Lam Sơn 719” đường 9 Nam Lào; năm 1972 đánh thành cổ Quảng Trị. 

Đặc điểm Sư đoàn: Khi mở chiến dịch thì vào đánh địch, đánh địch xong lại rút quân ngay về Bắc để huấn luyện và lao động nên có biệt danh “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”...

Với người lính, rời quê nhà ra trận là những tháng ngày đầy cảm xúc. Để động viên tinh thần tuổi trẻ chuẩn bị tiến vào chiến dịch đánh thành cổ Quảng Trị mùa xuân năm 1972, Đoàn Thanh niên Sư đoàn 308 tổ chức đại hội thanh niên Quyết thắng ở chùa Trăm Gian (Hà Đông), chàng trai An Cảnh được đại hội cử lên ngồi ghế chủ tịch đoàn. 

Băng, cờ, khẩu hiệu đỏ rực hội trường, bên tay trái chủ tịch đoàn có tấm băng đỏ với hai dòng chữ lớn: “Chiến đấu dũng cảm như Nguyễn Xuân Hoan, lập công xuất sắc như Trần An Cảnh”, trong đó Nguyễn Xuân Hoan là liệt sĩ hy sinh ở chiến trường đường 9 Nam Lào. 

“Đầu năm 1972, khi Sư đoàn hành quân vào đánh thành cổ Quảng Trị thì khẩu hiệu đó được in dán trên mũ cối của toàn thể bộ đội, tôi cảm thấy rất tự hào về đội khẩu hiệu đó trên đầu để vượt sông Bến Hải tiến vào đánh thành cổ. Ngày hội xuất quân ra trận vui lắm, từng cánh quân vào ga đường sắt Thường Tín, trước khi lên tàu hỏa, các chiến sĩ được đoàn văn công Tổng cục Chính trị đến tận sân ga phục vụ, hát mừng chúc đoàn quân lên đường chiến thắng. Tàu hỏa chạy vào đến ga Vinh thì chúng tôi xuống hành quân bộ, thế là tết âm lịch năm 1972 chúng tôi ăn tết trên đường ra trận, cứ 6 giờ sáng xuất phát hành quân đến 6 giờ tối mới tới trạm nghỉ...” - ông viết nắn nót từng trang hồi ký thiêng liêng. 

Sáng mùng 1 tết năm đó, vừa hành quân, ông vừa sáng tác bài Chào xuân mới: “Chào năm mới, chào xuân Nhâm Tý/ Chào Việt Nam của thế kỷ hai mươi/ Mừng sức khỏe của người chiến sĩ/ Mừng mùa xuân thắng Mỹ khắp nơi...”.

Con đường mùa xuân, con đường ra trận vừa giục giã, vừa nâng bước những người lính miền Bắc vượt qua tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, rồi luồn lên thượng nguồn sông Bến Hải để đánh thọc sâu vào lòng địch khiến bọn địch bất ngờ, trở tay không kịp... 

Và đây là những dòng hồi ức vượt sông Thạch Hãn: “Đêm hôm đó, quân ta trèo lên hầm trú ẩn nằm chờ lệnh ở phía Bắc bờ sông Thạch Hãn, đồi sim bát ngát, bộ đội ta nằm rải rác khắp nơi nên bọn địch cứ bắn vu vơ suốt đêm. Sáng hôm sau, trời cuối xuân nên nắng rất sớm, chờ tới 9 giờ thì được lệnh vượt sông tiến quân. 

Được tập luyện kỹ càng nên chúng tôi thành thạo nhanh chóng buộc túm nilon làm phao bơi, cùng với đội hình V3 do đồng chí Giai là tiểu đoàn trưởng tiến quân ra phía trên cầu Đuối để vượt sông. Cầu Đuối là cầu sắt bắc qua sông để tàu hỏa chạy nhưng Mỹ - ngụy cho treo nhiều khẩu hiệu ghi “tận diệt cộng sản”. 

Chúng tôi nhìn những khẩu hiệu đó mỉm cười nói với nhau: “Bây giờ chúng tao vào tận sào huyệt để diệt chúng bay đây”...

Ranh giới sinh tử trong chiến trận mong manh như ánh chớp, có thể bằng trí khôn, bằng sự dũng cảm để vượt qua, để tồn tại, để tiếp tục cầm súng chiến đấu song nhiều lúc cũng là sự may mắn kỳ diệu. Tất cả, đều thử thách người lính và chỉ có sự trở về từ bão lửa, từ ranh giới tử sinh đó mới bộc lộ hết dũng khí người lính chiến. 

Trong hồi ức trận đánh tại Đông Hà tháng 4 năm 1972, ông kể: Khoảng 4h chiều ngày 3-4-1972, sự hiểm nguy ập đến nhưng cũng là điều may mắn kỳ diệu. Quả đạn pháo từ xe tăng địch ngoài quốc lộ bắn vào, đạn bay lướt ngay trên đầu, rơi xuống phía trước cách chừng 4m, nổ tung lên. 

Ông cùng một đồng đội bị thương, sau khi y tá băng bó vết thương thì đồng chí Lưu Đình Bích cùng mấy đồng chí ở V3 đưa xuống hầm của dân ở gần đấy. 

Lại một điều kỳ diệu nữa: Người dân nơi đây đi thả trâu bò ngoài đồi sim, khi về đều gánh cây sim tươi, cột thành từng bó rồi xếp trên nóc hầm cho củi khô để đun nấu. 

Thế nên, khi quả bom rơi xuống cạnh làm hầm nơi ông và 2 đồng đội nữa đang trú ẩn bị lấp kín thì chính những bó sim khô này lại trở thành lỗ thông khí giúp cả 3 có khí thở, thoát chết ngạt trong hầm sâu... 

Tôi ghi lại những bài thơ, báo tường tôi đã viết hồi ở trong quân ngũ. Mỗi bài viết là một kỷ niệm của người lính trong rèn luyện, chiến đấu thời kỳ cả nước có chiến tranh: miền Bắc phải đương đầu với chiến tranh phá hoại bằng máy bay ném bom vô cùng ác liệt của đế quốc Mỹ, miền Nam quyết tâm chiến đấu đánh đổ chế độ Mỹ - ngụy để giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. 

Đó là lý tưởng và lẽ sống của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh quang vinh” - cựu binh Trần An Cảnh viết trong lời tựa tập hồi ký của mình.

Cựu binh Trần An Cảnh với những trang viết thời đạn lửa.

2. Đường ra trận, có những đêm nằm ngắm sao trời, giữa rừng trùng điệp mà anh Nguyễn Văn Thạc trở trăn: “Mỗi ngày lại thêm một ngày đẹp đẽ. Ao ước gì ở ngày mai khi hôm nay được nhìn, được cảm cuộc sống xôn xao của dân tộc. Cô gái mặc áo da trời bơm thuốc trừ sâu, những gánh bùn lên cải tạo ruộng đồng sau trận lụt, và lũy tre thân thuộc, bốn mùa lúc nào lá cũng xanh, lúc nào cũng thì thào muôn điều kỳ lạ... Cảm ơn Tổ quốc, cảm ơn những cánh cò trắng muốt của ca dao cho ta niềm hạnh phúc, cho ta niềm tự hào...”.

Hiến dâng tuổi xanh cho đất nước, những người lính năm xưa nghĩ về mình khi hòa bình thế nào? 

Đây là đoạn nhật ký anh Thạc viết đêm 24-5-1972, khi hành quân qua đất Hà Tĩnh để vào chiến trường: “Có thể ngày mai, cuộc đời sẽ trả lời mình bằng luồng gió lạnh ngắt nhưng có hề chi, khi mình đã cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn chính trực và cao cả, biết yêu và biết ghét, biết lăn lộn trong cái bình dị của cuộc sống mà cảm hiểu hạnh phúc không có gì so sánh nổi. Biết sống cao thượng, vươn lên trên tất thảy những gì tính toán cá nhân mòn mỏi và cằn cỗi. Phải, mình phải sống như vậy, phải cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn như thế, đây là mơ ước, là nguyện vọng, quyết tâm và cũng là trách nhiệm mình phải làm. Phải làm”. 

Với những người bạn, anh không lấy sự vinh hạnh của người khác để so nghĩ về sự dấn thân, hy sinh của mình: “Thạc có buồn không? Có buồn bã vì những năm tháng phải xa trường đại học, vì không được ra nước ngoài học tập. 

Vì các bạn Thạc, người đi đây, người đi đó, sống êm ả, sung túc với tập giáo trình. Ngày mai, các bạn về, các bạn có kiến thức, các bạn là kỹ sư, là các nhà bác học, còn Thạc, sẽ chỉ là một con người bình thường nhất, nếu chiến tranh không cướp đi của Thạc một bàn chân, một bàn tay...”.

3. Trong cuốn sách Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, McNamara rút ra 11 nguyên nhân chính khiến Mỹ thất bại tại Việt Nam, trong đó ông đúc kết: “Chúng ta đã đánh giá nhân dân và các nhà lãnh đạo Việt Nam theo kinh nghiệm của chính chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy ở họ niềm khao khát và quyết tâm chiến đấu giành tự do và dân chủ. Chúng ta đã đánh giá hoàn toàn sai các lực lượng chính trị trong nước. Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó...”.

Với những trang viết của hai người lính nêu trên - một sau 30-4-1975 trở về với cuộc sống đời thường và một mãi mãi nằm lại lòng đất mẹ, đó chỉ là những khắc họa trong muôn triệu trái tim người lính bộ đội Cụ Hồ, phần nào lý giải nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như chính McNamara - “người bên kia” chiến tuyến thừa nhận.

An Nhi
.
.