Về ngôi trường tròn trăm tuổi

Thứ Sáu, 22/11/2013, 13:40
Bây giờ du khách thăm Di sản thế giới Thành Nhà Hồ huyện Vĩnh Lộc có một địa danh nữa ngay bên cạnh để ghé. Ấy là ngôi trường tiểu học năm nay chẵn tròn trăm tuổi!

Trường ấy trước đây có tên gọi Quảng Hóa, nay là Trường Tiểu học Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Quảng Hóa, một địa danh đã biến mất vào thời điểm bầu cử Quốc hội khóa I, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Huyện quê tôi mỗi lần thay tên là mỗi đận biến thiên. Vốn thời Lê Trịnh có tên là Vĩnh Phúc. Chúa Trịnh Sâm từng có thơ nôm khá ngạo nghễ của lòng tự hào tự tôn dân tộc quê hương Đất Phúc xưa nay nhiều thắng tích/ Cần chi tô điểm Võng Xuyên đồ (Võng Xuyên là đất Ba Thục bên tàu nơi có nhiều danh lam thắng cảnh) Phủ Quảng Hóa được thành lập năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) trên cơ sở chia tách từ phủ Thiệu Hóa, gồm các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Quảng Tế. Lỵ sở của Phủ này ở gần thị trấn Vĩnh Lộc bây giờ.

Những năm đầu thế kỷ XX, Phủ Quảng Hoá (gồm huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Yên Định); Phủ lỵ đặt tại làng Giáng, Tổng Cao Mật (nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc). Nơi tập trung đông dân cư, là trung tâm giao lưu buôn bán trong vùng, vì thế năm 1913, Trường Quảng Hoá được thành lập.

Học sinh học ở đây thuộc bốn huyện trong Phủ, trường đặt tại làng Cao Mật, Tổng Cao Mật (nay thuộc thôn 3 xã Vĩnh Thành). Ngày đầu thành lập trường có tên gọi: “Trường tiểu học Quảng Hoá” để dạy chữ Hán, Quốc ngữ và Pháp ngữ. Thời kỳ này, trường tiểu học được thành lập đã phản ánh minh chứng cho sự hiếu học của một vùng đất mà xứ Thanh khi đó chỉ vài nơi có.

Từ ngày thành lập đến Cách mạng tháng 8 năm 1945, trường có tên gọi Trường Pháp Việt Quảng Hoá. Từ năm 1945 đến năm 1977 là trường cấp I Vĩnh Thành. Từ năm 1977 đến năm 1990 là Trường phổ thông cơ sở Vĩnh Thành. Từ năm 1991 đến nay là Trường tiểu học Vĩnh Thành.

Ngày đầu thành lập quy mô chỉ có 3 lớp, với khoảng 50 học sinh gồm lớp Đồng ấu (lớp 5) lớp dự bị (lớp 4) và  lớp sơ đẳng (lớp 3). Tất cả học sinh đều là nam giới mà chủ yếu là con em nhà giàu có ở 4 huyện trong Phủ. Đến năm 1927, trường có quy mô 6 lớp, thêm lớp Nhì, Nhất niên và lớp Nhất. Thời điểm này, Trường tiểu học Pháp Việt Quảng Hóa đã trở thành trường tiểu học hoàn chỉnh. Học sinh khi học qua 6 lớp thi tốt nghiệp lấy bằng tiểu học.

 Đến nay, trường có qui mô ổn định với số lượng 16 lớp và hơn 400 học sinh. Trường có 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 76,4%.

Tha thẩn dưới vòm mái của sự xây cất hiện đại ngôi trường Tiểu học Pháp Việt bây giờ, nghĩ tới những lao tâm khổ tứ của nhiều người đã cố công tầm nã hình ảnh ngôi trường cũ kỹ lở lói rêu phong trăm năm trước nhưng vẫn chưa có duyên tìm thấy.       

Chẵn trăm năm, trường đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học trò giỏi. Chưa tiện biên ra đây những người góp mặt trong hệ thống quan lại Chính phủ Nam Triều... Tính riêng sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều lứa học sinh của trường đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ, tướng lĩnh cao cấp, những doanh nhân thành đạt. Hoàng Trung Phong (Hoàng Trọng Giác) Uỷ viên Trung ương Đảng - Bí thư xứ uỷ Trung Kỳ, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.  Rồi các ông Đặng Văn Hỷ cán bộ chỉ huy chiến khu Ngọc Trạo - Thẩm phán Toà án tối cao,  Trịnh Ngọc Bích, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá... Thế hệ sau có nhà giáo Phan Văn Công, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá; nghệ sĩ Văn Đắc,  Nguyễn Văn Tuấn - Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư huyện ủy, nay là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa...

Tha thẩn bước để ngẫm nhớ thêm về người thầy Hiệu trưởng đầu tiên, thầy Nguyễn Đan Quế.

Lứa hậu sinh bây giờ, tất nhiên đều không biết mặt thầy Hiệu trưởng đầu tiên. Nhưng cũng như nhiều người, năm học lớp một trường làng, tôi được học với thầy giáo Nguyễn Đình Biển, trưởng nam của thầy Nguyễn Đan Quế.

Chợt nhớ thêm, trong cuốn Hồi ký của học giả Đào Duy Anh có những dòng như sau:

Trong số những vị Dân biểu tiến bộ ấy có  những nhà Nho ái quốc mới ở Côn Lôn về như cụ Huỳnh Thúc Kháng và mấy người quan lại từ chức để ra hoạt động kinh tế và chính trị. Trong số người này có ông Nguyễn Đan Quế người Thanh Hóa. Tôi được quen từ hồi trước. Ông Quế vốn làm huấn đạo đã không nhận đổi sang làm công chức sau khi Chính phủ thực dân bỏ nền giáo dục chữ Hán, tự nguyện từ chức về nông thôn ở Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc tự tay cày bừa vỡ đất hoang để làm ăn như một người nông dân bình thường chứ không phải vỡ đồn điền mà bóc lột nông dân đâu. Sau này ông tham gia Việt Nam Cách mạng Đồng chí hội và trở thành Đảng Tân Việt năm 1928. (Trích hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm của Đào Duy Anh, NXB Trẻ năm 2000, Trang 11).

Học giả Đào Duy Anh vừa nhắc đến cái làng Sóc Sơn Biện Thượng, nơi phát tích của Chúa tiên khởi Trịnh Kiểm, nơi lập trại của cụ Nguyễn Đan Quế.

Căn cứ vào sự chuẩn xác tài liệu của học giả Đào Duy Anh, có thể thấy trước khi trúng cử Dân biểu Trung Kỳ, thầy giáo Nguyễn Đan Quế từng dạy học (chữ Nho và chữ Pháp). Rồi thầy được chọn làm Hiệu trưởng (khi đó gọi là Đốc học. Cái tên cụ Đốc theo Cụ từ đó) Trường Pháp Việt Quảng Hóa từ năm 1926-1928.  Sau đó cụ Đốc Quế trúng cử Viện dân biểu Trung Kỳ.

Cụ Nguyễn Đan Quế thôi làm Hiệu trưởng, vào Huế thực hiện trọng trách nghị viên. Chỉ trong một thời gian ngắn, cùng với nhiều  đồng chí của mình, cụ Nguyễn Đan Quế  đã nổi trội với nhiều vai trò xuất sắc. Tờ Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương có sự góp sức đắc lực của cây bút Nguyễn Đan Quế. Sau này, cũng ở Huế chính cụ Quế thành lập ra Báo Dân.

Báo Dân ra đời tích cực đấu tranh, thực hiện đường lối, sách lược của Đảng, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Trung Kỳ. Có thể nói Báo Dân đã trở thành trung tâm đoàn kết, chỗ dựa tinh thần, là nơi tập hợp mọi tầng lớp nhân dân trong một mặt trận thống nhất, không phân biệt giai cấp, đảng phái... trong một mục tiêu chống bọn phản động thuộc địa, đòi tự do, cơm áo, hoà bình.

Mặc dù chỉ ra được 17 số báo và tồn tại trong 3 tháng, nhưng Báo Dân đã xứng đáng là người lính tiên phong trên mặt trận báo chí của Đảng ta lúc bấy giờ. Báo Dân đã hoàn thành sứ mạng lịch sử vẻ vang của mình một cách xứng đáng; là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Thừa Thiên Huế và Trung Kỳ.

Khúc nhôi sau cách mạng 1945, cụ Nguyễn Đan Quế được cử làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Thanh Hóa và  lui về hoạt động tại quê nhà Vĩnh Lộc là cả một câu chuyện dài sinh động. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ông Trần Đăng Ninh về làng Sóc Sơn đón cụ Quế ra chiến khu Việt Bắc. Nhưng không may cụ Quế lâm bệnh nặng rồi mất sau đó.

... Lại nói về một trong những người thầy đầu tiên của tôi ở trường làng, thầy giáo Biển, Trưởng nam của cụ Nguyễn Đan Quế.

Thầy Biển là thân phụ của Nguyễn Đình Thắng. Thắng (sinh 1957) có chị gái là Nguyễn Thị Lan cùng lứa với tôi ở trường huyện Vĩnh Lộc. Lan học giỏi lắm. Được chọn đi học ở Liên Xô và sau này là TS về ngành Môi trường. Hiện Lan là Giám đốc Trung tâm Môi trường thuộc Sở Công nghệ & Môi trường TP.HCM.

Có một chuyện vui. Tháp tùng chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Ấn Độ cuối năm 2006 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trên chuyên cơ có 3 người. NSND Nguyễn Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VHTT & Du lịch. Người thứ hai là Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam. Người thứ 3 là tác giả bài báo này, đều ở làng Vĩnh Hùng, Vĩnh Lộc.

Với vị thế Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp Hội phần mềm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT của Công ty Tin học Hồng Cơ, thành viên HĐQT của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thanh Hoá tại TP HCM... Nguyễn Đình Thắng đã làm được nhiều việc thiện cho quê nhà Vĩnh Lộc còn đang nghèo khó. Thắng cùng với sự tài trợ của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã xây mới trường Trung học cơ sở trị giá 8 tỷ đồng, đạt chuẩn quốc gia tặng cho xã nghèo Vĩnh Hùng. Tiếp theo là thành lập Quỹ khuyến học mang tên Nguyễn Đan Quế, đầu tiên là ở huyện rồi học bổng Nguyễn Đan Quế mang tầm vóc của Thanh Hóa với vốn gốc gần 7 tỷ đồng, hàng năm trợ cấp học bổng cho hàng trăm học sinh nghèo vượt khó. 

Rời đất Quảng Hóa xưa, Vĩnh Thành nay, tôi lẩn thẩn nghĩ thêm nếu khéo ra, danh Vĩnh Lộc không chỉ Di sản thế giới Thành nhà Hồ và ngôi trường trăm tuổi mà còn thứ chè lam Phủ Quảng.

Người Vĩnh Thành ngày trước gọi là dân Phủ Quảng nhiều người học hành đỗ đạt so với các xã Vĩnh Lộc. Chè lam là đặc sản của người Quảng Hóa Vĩnh Thành.

Chữ “lam” tôi nghĩ phải viết hoa tục truyền là lương thực của nghĩa quân Lam Sơn! Thành phần của chè lam, toàn là những thứ ngọc thực bổ béo nuôi sống con người. Bột nếp. Mật mía. Lạc rang. Thời chinh chiến, chè lam là thứ lương khô. Nghĩa quân Lam Sơn có thứ quân lương ấy chiêu với nước chè xanh mạn ngược xứ Thanh mà dằn bụng quả là thứ quân lương cực đắc sách. Thời bình, nhẩn nha chế thành thứ giòn thư thả nhấm với trà tàu hay nước trà xanh, vừa tinh khiết thanh tịnh lại bổ phế, quả là thứ quà quí tinh tế.

Nhưng thành phần công thức chè lam Phủ Quảng cùng cung cách chế biến bây giờ có khác khiến chất lượng kém hẳn? Khách về Vĩnh Lộc chả mấy mặn mà. Lần ấy trao đổi với một quan chức huyện, ông nói dễ thôi! Sẽ cho một cửa hiệu nào đấy chế ra thứ chè lam chuẩn rồi đem đăng ký ở cơ quan Bản quyền làm thứ chè lam chuẩn có thương hiệu đăng ký độc quyền với cái tên Chè Lam Phủ Quảng. Những hiệu làm dối làm ẩu thì phạt tiền truy thu thuế, thậm chí tịch thu.

Hy vọng sẽ sờ thấy cái thương hiệu độc quyền ấy?

Xuân Ba
.
.