Về dư luận "Con vua thì lại làm vua"

Thứ Bảy, 09/07/2016, 19:23
Có không ít ý kiến cho rằng một số người còn rất trẻ được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng của một ngành, một tỉnh hay một thành phố là do những người đó có bố làm quan to...


LTS: Kính thưa bạn đọc!

Trong mấy ngày qua, Tòa soạn nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi về cho chuyên mục “Bạn đọc hỏi nhà báo trả lời” liên quan đến việc cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai mình và đề cập đến những trường hợp con trai một số lãnh đạo lại làm... lãnh đạo. 

Có không ít ý kiến cho rằng một số người còn rất trẻ được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng của một ngành, một tỉnh hay một thành phố là do những người đó có bố làm quan to. Vì có nhiều câu hỏi cùng nội dung, Tòa soạn xin tóm lược lại nội dung của các câu hỏi như vậy và xin dành phần trao đổi của nhà báo Minh Đức với bạn đọc.

Nhà Báo Minh Đức: Từ năm 2015 đến nay, có một việc mà dư luận bàn luận nhiều. Đó là việc một số cán bộ rất trẻ đã được bổ nhiệm giữ những vị trí quan trọng nhất nhì của một tỉnh, một thành phố, rồi của một sở, một ngành... Có thể nói có hai luồng dư luận về việc này. 

Luồng dư luận chính coi việc bổ nhiệm đó với lý do chính là những cán bộ trẻ này là con của các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Luồng dư luận này cho rằng: Nếu những người trẻ kia không phải là con em của các đồng chí lãnh đạo cao cấp ấy thì không thể nào được bổ nhiệm những chức vụ như vậy.

Tại sao có dư luận như vậy và ta thử nhìn nhận sự việc này một cách công bằng như thế nào. Nhìn lại lịch sử của chính quyền cách mạng từ khi được thành lập tới nay chúng ta đều biết có một thời gian, các đồng chí lãnh đạo của chúng ta được giao giữ những vị trí vô cùng quan trọng và họ đã cùng nhân dân làm lên những chiến công hiển hách của dân tộc như Trần Phú, Hà Huy Tập, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... 

Nhân dân đã luôn kính trọng và tự hào về họ. Nhưng chính họ là những người bằng trí tuệ, nhân cách và sự cống hiến cho Tổ quốc đã làm nên vị trí của mình một cách xứng đáng nhất. Rồi sau thế hệ cách mạng ấy, việc bổ nhiệm những người trẻ như họ vào các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền cách mạng không còn như vậy nữa. 

Và sau một thời gian rất dài cho đến bây giờ thì việc bổ nhiệm những người trẻ giữ những vị trị quan trọng như chúng ta đã biết mới lại xuất hiện. Nhưng sự xuất hiện những cán bộ trẻ giữ chức vụ quan trọng đó không làm thỏa mãn người dân. Vì sao? Tôi nghĩ có ba lý do cơ bản dẫn đến việc người dân băn khoăn và có cả nghi ngờ đối với việc bổ nhiệm này:

Nguyên nhân thứ nhất: Trước khi được bổ nhiệm giữ những vị trí quan trọng, các cán bộ trẻ này chưa để lại ấn tượng gì trong lòng người dân. Hầu hết người dân nhận thấy con đường đi đến các vị trí đó của họ là một con đường quá dễ dàng và như được dọn trước. Những người trẻ đó không cần phải phấn đấu hay thể hiện gì nhiều trước nhân dân bằng trí tuệ và nhân cách của mình.

Nguyên nhân thứ hai: Các cán bộ trẻ được bổ nhiệm giữ những vị trí quan trọng đều là con của các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Những người có quyền hành có thể nói cao nhất trong Đảng, chính quyền hoặc cao nhất của một bộ, một tỉnh hay thành phố. Cho nên việc đặt con em mình vào những vị trí quan trọng ấy không cần phải đòi hỏi những tiêu chuẩn nhất định nào đó.

Nguyên nhân thứ ba: Lâu nay, việc “con ông cháu cha” đã trở thành một vấn đề bức xúc trong xã hội. Hơn nữa, trong những bổ nhiệm năm 2015 hầu như không có nhiều cán bộ trẻ thuộc con em của những gia đình bình thường.

Chính ba nguyên nhân cơ bản đó đã dẫn đến dư luận không đồng thuận trong việc bổ nhiệm một số cán bộ trẻ. Lâu nay, người dân vẫn có câu “Cả đời phấn đấu không bằng cơ cấu một lần”. Dư luận bức xúc của nhân dân về việc bổ nhiệm các cán bộ trẻ trong năm 2015 hay những trường hợp mới đây không phải là không có lý do. Tất nhiên cũng có những ý kiến cực đoan, không công bằng.

Chúng ta đều biết có không ít quốc gia mà một gia đình có tới hai người làm thủ tướng hoặc tổng thống như Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc... chẳng hạn. 

Nhưng ở các nước đó không hề có dư luận ngờ vực về các vị trí cao nhất của quốc gia khi nằm trong tay gia đình của một người. Bởi ở đó, việc chọn lựa những vị trí cao của quốc gia đều rất minh bạch, công bằng và dân chủ. Đó là sự lựa chọn của người dân chứ không phải sự lựa chọn của một vài cá nhân trong chính quyền của họ. Ví dụ nước Mỹ, không chỉ các Tổng thống Mỹ xuất phát từ các gia đình danh giá mà có những tổng thống xuất phát từ những gia đình rất đỗi bình thường hoặc từ một diễn viên. 

Tổng thống Barack Obama là một ví dụ điển hình. Ông sinh ra trong một gia đình bình thường ở Mỹ. Cha ông lại là một người ngoại quốc da màu. Chính vì cách lựa chọn người đứng đầu của nước Mỹ hay những vị trí quan trọng khác mà họ luôn nhận được sự tôn kính của người dân.

Tôi nghĩ ở Việt Nam, chúng ta cũng phải làm quen với sự thật này. Bởi có những gia đình mà ông bà, cha mẹ giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền sẽ tạo ra một đời sống mang tính truyền thống. Hoạt động của những người đi trước trong gia đình có ảnh hưởng đến tư duy, phong cách của thế hệ sau. 

Ngay trong khu vực, chúng ta đã được chứng kiến điều đó như nữ Thủ tướng Ấn Độ, nữ Thủ tướng Hàn Quốc, Thủ tướng Singapore... Những người đó đã tiếp nối truyền thống của gia đình họ một cách xuất sắc. 

Cũng như không ít các gia đình cách mạng Việt Nam trước kia đã chứng minh tính truyền thống hay kế thừa những phẩm chất tốt đẹp của các thế hệ đi trước trong gia đình họ trong những gia đoạn đầu của cách mạng Việt Nam. Nhưng sau này, chúng ta không thể không thừa nhận một điều là, không ít con em của những cán bộ cao cấp đã không tiếp nối và thừa hưởng được truyền thống tốt đẹp của cha anh họ. Ngược lại, họ lợi dụng vị trí của cha ông mà kiếm tìm lợi ích cho cá nhân. Lối sống của họ đã gây ra những dư luận không tốt trong nhân dân. 

Vấn đề này hiện rõ trong khoảng thời gian sau chiến tranh (1975) và đặc biệt từ khi đất nước mở cửa cho tới nay. Họ thấy con em của không ít cán bộ cao cấp sống có thể nói là xa hoa và không hề có sự chia sẻ hay đồng cảm với nhân dân còn sống trong bao thiếu thốn. Chính vì thế mà khi các cán bộ trẻ là con em cán bộ cao cấp được bổ nhiệm những vị trí quan trọng thì người dân không thể chia sẻ với họ được.

Đến lúc, chúng ta phải bỏ tư duy này. Nhưng để bỏ được tư duy và cách nhìn này của xã hội thì cần sự thay đổi của cả hai phía: Chính quyền và người dân.

Chính quyền phải thay đổi cách lựa chọn nhân tài cho đất nước và bổ nhiệm họ vào những vị trí quan trọng. Một câu hỏi làm chúng ta suy nghĩ: Liệu có phải không còn cán bộ trẻ nào giỏi bằng hay giỏi hơn và tư cách hơn những cán bộ trẻ là con em các cán bộ cao cấp đã được bổ nhiệm không? Nếu có sao họ không được bổ nhiệm? Thực tế là có nhưng thực tế cũng cho thấy rằng họ khó mà được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng nào đó. Đây là sự thật. Một sự thật buồn.

Còn nhân dân cũng phải thay đổi cách nhìn của mình ở những trường hợp cụ thể. Có những con em của các cán bộ cao cấp được đào tạo bài bản, có nhân cách và biết cống hiến cho đất nước. Họ xứng đáng được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng của đất nước. Họ lại có một lợi thế rất quan trọng là được cha ông họ tôi luyện cách nhìn của một chính khách từ nhỏ. 

Một chính khách phải là một người được đào tạo và tôi luyện rất kỹ lưỡng về bản lĩnh, kinh nghiệm và cả truyền thống gia đình, đặc biệt trong những gia đình mà các thế hệ trước đó giữ những vị trí quan trọng của đất nước.

Nếu chúng ta coi việc bổ nhiệm những cán bộ trẻ giữ những vị trí quan trọng như trong thời gian gần đây là một đột phá trong khâu nhân sự thì đại đa số trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước hiện nay lại đang rơi vào “già hóa” cán bộ lãnh đạo. 

Rất hiếm những cán bộ trẻ như các nhân sự được bổ nhiệm gần đây được chọn lựa ở hầu hết các cơ quan trong cả nước. Và chính sự tương phản quá lớn như vậy lại làm cho người dân không thể không nghĩ đến câu của người xưa “Con vua thì lại làm vua”. 

Hy vọng trong những năm tới, vấn đề nhân sự sẽ có những đột phá mang tính chiến lược trên một bình diện lớn. Chỉ như thế, chúng ta mới mang lại một cuộc cách mạng về nguồn lực trí tuệ cho sự phát triển của đất nước. Và chỉ như thế, những người trẻ với nền tảng tri thức và sự sáng tạo mới mẻ mới không bị thui chột và không bỏ đi sống và làm việc ở một đất nước khác như chúng ta đang chứng kiến.

PV
.
.