Về chữ "nếu" thâm trầm và trớ trêu

Thứ Tư, 31/08/2016, 16:04
Nếu anh không có dì (Если у вас нету тёти) là tên một bài hát trong bộ phim hài mà ngày trước hầu như tết năm nào Đài Truyền hình Trung ương Liên Xô cũng phát.

Đó là phim Số phận trớ trêu (Ирония судьбы или С легким паром) của đạo diễn Eldar Ryazanov, kịch bản của Emil Braginsky và Ryazanov, hoàn thành năm 1976. Một bộ phim hài hước nhưng vô cùng thâm thúy. 

Câu chuyện trong phim khá đơn giản: mấy anh bạn có thói quen hằng năm, trước khi chia tay về ăn tết, đều kéo nhau đi tắm hơi. Mà tắm hơi kiểu Nga thì thường là kèm theo rượu. 

Thế rồi, trong lúc vội vã, lại say mèm, đáng lẽ phải về với vợ chưa cưới ở Moskva, nhân vật chính trong phim lại lên máy bay bay về Leningrad. Những khu nhà tập thể ở khắp Liên Xô giống nhau như đúc. 

Những hành lang, cửa sổ, thang máy và cả chìa khóa cũng vậy. Anh chàng say rượu ung dung mở cửa, bước vào và nằm vật ra giường. Đồ đạc trong phòng cũng giống hệt đồ đạc ở nhà anh, đến nỗi anh không thể biết rằng anh đang làm đảo lộn cuộc đời mình và cuộc đời nữ chủ nhân, lúc đó đang đi sắm tết và cũng là chuẩn bị cho ngày cưới của mình. 

Thực ra câu chuyện (cười) trong phim có thể xảy ra ở bất cứ thành phố hiện đại nào. Sự đơn điệu của gương mặt đô thị nói riêng và đời sống hiện đại nói chung, không phải chỉ có ở Liên Xô. Những khu chung cư xây cất hàng loạt, với những tòa nhà vô hồn, từng được chào đón nồng nhiệt ở khắp nơi, dù là ở châu Mỹ, châu Âu hay châu Á. 

Thực ra, những khu nhà nặng màu sắc thực dụng này cũng có vai trò của nó, đặc biệt là sau chiến tranh, khi nhu cầu nhà ở tại các đô thị bị tàn phá tăng lên đột ngột. Những ngôi nhà như thế ngày nay vẫn còn nhan nhản ở Nga, ở Pháp, và nhất là ở Đức. Chính chúng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế thần kỳ của những nước này thời hậu chiến. 

Tại các nước XHCN trước đây, kiểu nhà này được coi như giải pháp tối ưu cho chiến lược nhà ở, đến mức, nói như trong một truyện ngắn Bulgaria mà tôi không còn nhớ tác giả, công việc chính của nhà kiến trúc chỉ còn là... quay ngôi nhà sang phải hay sang trái mà thôi.

Ở Mỹ, cũng tương tự. Ngay từ năm 1962, Malvina Reynolds đã chế nhạo những ngôi nhà kiểu này trong bài hát Little Boxes (Những cái hộp con), bài hát trở thành hit khi được Pete Seeger thể hiện năm 1963:

Little boxes on the hillside,
Little boxes made of ticky tacky,
Little boxes on the hillside,
Little boxes all the same.
There’s a green one and a pink one
And a blue one and a yellow one,
And they’re all made out of ticky tacky
And they all look just the same.

(Những cái hộp nhỏ trên sườn đồi,
Những cái hộp nhỏ xây bằng đồ rởm,
Những cái hộp nhỏ trên sườn đồi,
Những cái hộp giống hệt nhau,
Hộp màu hồng, hộp màu xanh lục
Hộp màu vàng, hộp màu xanh lam
Tất cả đều được xây bằng đồ rởm
Tất cả đều giống hệt nhau).

Vấn đề được Malvina Reynolds tiếp tục đẩy lên ở phần sau của bài hát: Những người sống trong những chiếc hộp giống nhau đó đều vào đại học, sống trong những cái hộp giống nhau, để rồi ra trường trở thành những con người giống nhau, chơi thể thao giống nhau và uống rượu giống nhau, đẻ ra những đứa trẻ xinh xắn giống nhau.

Rồi chúng đi học trong những ngôi trường giống nhau, vào đại học giống nhau, để ra trường lại đi làm giống nhau và sống trong những cái hộp nhỏ giống nhau…

Những chuyện này, dĩ nhiên, cũng chẳng xa lại gì đối với người Việt. Có điều, về mức độ xấu xí và bất tiện thì có lẽ những khu nhà chung cư, hay tập thể theo cách gọi trước đây, ở Việt Nam còn vượt các bạn bè của chúng trên thế giới rất xa! 

Thế nhưng những người thuộc thế hệ 6X và 7X trở về trước hẳn còn nhớ, những khu nhà chung cư như thế - Giảng Võ, Trung Tự, Thành Công, Thanh Xuân… - từng là biểu tượng của Thủ đô, niềm kiêu hãnh của ngành xây dựng Việt Nam.

Các khu nhà đồng dạng vô hồn này cuối cùng đã trở thành vấn đề đối với đô thị hiện đại ở những quốc gia có truyền thống kiến trúc như Pháp hay Italia, chẳng hạn. Cuối thế kỷ XX, Pháp đã phải phá đi hàng loạt tòa nhà xây cất hồi thập niên 60 của thế kỷ trước. 

Nhưng ở các nước đang nổi lên, tình trạng còn tệ hại hơn nhiều. Ai đến thăm Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ này, chắc chắn sẽ bị choáng ngợp, hay nói đúng hơn là bị nghẹt thở, trước một rừng tua tủa những cao ốc xám xịt, chen chúc. Không có chân trời. Rất ít không khí. Rất ít cây xanh.

Kiến trúc hiện đại cũng góp phần làm đơn điệu các đô thị. Ngoại trừ một số kiệt tác hiếm hoi, kiến trúc hiện đại có xu hướng bị quy về những đường nét và hình khối đơn giản, hay giản lược, và trên thực tế thường đồng nghĩa với thô kệch. 

Quy hoạch các đô thị cũng chẳng khác nhau là bao: đâu cũng xa lộ, cũng đường vành đai, cũng tàu điện ngầm, cũng những quảng trường, những khách sạn, những ngân hàng và biển quảng cáo... 

Đâu cũng bê tông, nhôm, kính. Chúng giống nhau như đúc, bởi được làm theo cùng một cách. Thậm chí nhiều khi trùng cả tên. Các siêu thị Carrefour, các tiệm ăn Mc Donald... Chẳng nói đâu xa, ngay ở Hà Nội bạn cũng gặp chúng: các khách sạn Hilton, Daewoo và Nikko, các ngân hàng Citibank, BNP và ANZ...

Nhưng sự thâm thúy của bộ phim không chỉ dừng ở đó. Một thông điệp khác của bộ phim có lẽ là về sự lựa chọn. Sự đơn điệu về kiến trúc của các đô thị thực ra chỉ là một phần của cái gọi là toàn cầu hóa về mặt văn hóa đang trở thành một xu thế không thể cưỡng nổi. 

Hàng loạt cuộc biểu tình phản đối toàn cầu hóa đã và đang diễn ra, nhưng con người ở mọi nơi đều đang hướng tới một cuộc sống vật chất và tinh thần giống nhau, nói đúng hơn là đơn điệu giống nhau, có người còn nói là đơn điệu kiểu Mỹ. Những lập luận này không phải là không có cơ sở. 

Những người trồng cam ở Morocco và Hy Lạp phản đối Coca Cola khiến sản phẩm của họ ế ẩm, nhưng con cái họ vẫn nghe nhạc Mỹ, xem phim Mỹ. Nhưng điều quan trọng hơn là ngay cả những cuộc biểu tình cũng na ná như nhau, đến mức khi nhìn thấy trên tivi, người ta chẳng còn chú ý, kiểu như người ta không còn chú ý đến tiếng chuông đồng hồ quen thuộc trong nhà.

Vấn đề là phải lựa chọn giữa vẻ đẹp đa dạng về tinh thần nhưng bị coi là “nghèo nàn” về vật chất, với những tiện nghi được coi là “hiện đại”, giàu có về vật chất, nhưng lại nghèo nàn về mặt tinh thần.

Trở lại với bộ phim đang bàn. Vào một trong những khoảnh khắc trớ trêu của cái đêm giao thừa dở cười dở khóc đó, anh chàng say rượu tội nghiệp đã hát những bài hát thật hay. Một trong những bài hát đó nói về chủ đề của chúng ta: chủ đề “Lựa chọn” (Chúng tôi xin phép để nguyên lời bài hát bằng tiếng Nga dành riêng cho những người của một thời chưa xa lắm):

Если у вас нету тети

Стихи: Александра Аронова
Музыка: Микаэла Таривердиева

Если у вас нету дома,
пожары ему не страшны
И жена не уйдёт к другому
Если у вас, если у вас
Если у вас нет жены
Нету жены

Если у вас нет собаки,
её не отравит сосед
И с другом не будет драки
Если у вас, если у вас
Если у вас друга нет
Друга нет

Оркестр гремит басами
Трубач выдувает медь
Думайте сами, решайте сами
Иметь или не иметь

Если у вас нету тёти,
то вам её не потерять
И если вы не живёте
То вам и не, то вам и не
То вам и не умирать
Не умирать.

Đúng là lý sự của một gã say. Câu chuyện trong phim sẽ không xảy ra nếu mấy anh bạn không có thói quen đi tắm hơi, hoặc nếu đi tắm hơi những không uống rượu, hoặc uống rượu nhưng không say, hoặc không lên nhầm máy bay, hoặc có nhầm nhưng những khu nhà tập thể ở khắp Liên Xô giống nhau như đúc v.v. và v.v… 

Bài hát, mặc dù thoạt nghe có vẻ gàn dở, nói những điều thật nghiêm túc, bản chất đối với tất cả chúng ta: Sống là gì, nếu không phải là lựa chọn? 

Như chúng tôi đã viết trong một bài báo khác, lựa chọn là việc chúng ta phải làm hằng ngày: lâu dài thì chọn trường, chọn nghề, chọn cơ quan, chọn kiểu nhà, chọn chồng, chọn vợ...; gần gũi hơn thì chọn xe, chọn áo quần, chọn hàng ăn, thực phẩm… 

Và, một lần nữa, xin nhắc lại câu châm ngôn quen thuộc: Cách lựa chọn hành vi làm nên thói quen, để thói quen tạo nên tính cách, rồi tính cách làm nên số phận mỗi con người.

Bài hát Nếu anh không có dì nói về những điều đó một cách độc đáo, thật giản dị mà sâu sắc. Đây là bản dịch để hát của chúng tôi:

NẾU ANH KHÔNG CÓ DÌ

Lời: Alexander Aronov;
Nhạc: Mikael Tariverdiev
Lời Việt: Ngô Tự Lập

1. Nếu như anh không có một ngôi nhà
Thì anh không lo ai đốt nhà anh
Sẽ không lo vợ anh đi theo ai
Nếu như anh bạn, nếu như anh bạn
Nếu như anh bạn không có vợ
Nếu không vợ
Âm vang những nốt nhạc thâm trầm
Kèn ai cứ thổi mãi tiếng đồng
Nghĩ đi anh bạn, quyết đi anh bạn,
Có hay không, hỡi bạn?

2. Nếu anh không nuôi con Vàng anh yêu
Thì không lo ai bắt chó nhà anh
Sẽ không lo phải đánh nhau với bạn
Nếu như anh bạn, nếu như anh bạn
Nếu như anh bạn không có bạn
Nếu không bè bạn
Âm vang những nốt nhạc thâm trầm
Kèn ai cứ thổi mãi tiếng đồng
Nghĩ đi anh bạn, quyết đi anh bạn,
Có hay không, hỡi bạn?

3. Nếu như dì anh không hề thương anh
Thì anh không đau khi mất người thân
Sẽ không lo phải giã từ cõi đời
Nếu như anh bạn, nếu như anh bạn,
Nếu như anh bạn không ra đời
Nếu không làm người
Âm vang những nốt nhạc thâm trầm
Kèn ai cứ thổi mãi tiếng đồng
Nghĩ đi anh bạn, quyết đi anh bạn,
Có hay không, hỡi bạn?

Ngô Tự Lập
.
.