Vằng vặc giữa trời ngôi sao ấy

Thứ Hai, 25/05/2020, 23:53
Văn hóa phương Đông quan niệm, đấy là ngôi sao của văn chương, học thuật. Ngôi sao của tiết tháo sĩ phu. Ở Văn Miếu, chỗ tôi hay đến có một cái cổng mà ai cũng biết là "Khuê Văn Các"...

Đêm nay, tôi nghĩ đến một ngôi sao: Sao Khuê!

Văn hóa phương Đông quan niệm, đấy là ngôi sao của văn chương, học thuật. Ngôi sao của tiết tháo sĩ phu. Ở Văn Miếu, chỗ tôi hay đến có một cái cổng mà ai cũng biết là "Khuê Văn Các". Nghe đâu, kẻ sĩ từ thời Vua Gia Long mỗi lần nghĩ đến cái cổng ấy thôi là sẽ nghĩ đến những điều thanh cao, đẹp đẽ nhất trong cõi lòng mình.

Nhưng mỗi lần đến Văn Miếu, nhìn vào không gian ấy, thật sự tôi không chỉ ngẫm nghĩ nhiều về ý nghĩa của cái cổng ấy. Tôi còn ngẫm nghĩ nhiều hơn đến 2 cái cổng ở bên cạnh, đó là cổng Súc Văn và Bí Văn. Hiểu nôm na: Súc văn là văn chương phải hàm súc, thâm sâu. Bí văn là văn chương phải sáng sủa, giàu thuyết phúc.

Và trong ý nghĩ của tôi thì nếu "Khuê Văn Các" là một cái đầu kẻ sĩ thì hai cánh cửa "Súc văn", "Bí Văn" tạo nên hai cánh tay kẻ sĩ. Với cái đầu ấy và hai cánh tay ấy, kẻ sĩ an tọa giữa thiên thu đất trời. Bất chấp gièm pha. Bất chấp bão giông. Bất chấp đố kỵ. Bất chấp tỵ hiềm. Bất chấp oan trái. Kẻ sĩ vằng vặc như ngôi sao khuê. Và ánh sáng lấp lánh từ ngôi sao ấy tỏa một động lực sống cho người cùng thời cũng như người hậu sinh.

Trong những miên man mơ tưởng về thứ ánh sáng toả khắp của ngôi sao ấy, tôi từng giật mình: Nhưng trong cuộc đời, có ngôi sao ấy thật không? Thế rồi, tôi tự trả lời ngay: Có! Có chứ! Ví dụ như Nguyễn Trãi, người mà sau khi được minh oan đã được Vua Lê Thánh Tông ca ngợi là "Ức trai tâm thượng quang khuê tảo".

Tôi hiểu, mọi nhận thức - kết luận về mọi nhân vật lịch sử đều không thể một chiều đơn giản. Lớp thời gian càng phủ bụi những trang sử, người hậu thế càng mờ mịt trong nẻo về tìm hình bóng tiền nhân. Làm sao có thể hiểu đúng một NGUYỄN TRÃI như một Nguyễn Trãi từng hiện hữu? Làm sao có thể hiểu trúng một NGUYỄN TRÃI như một Nguyễn Trãi từng trải qua?

Kẻ hậu thế chỉ có thể biết và hiểu về Nguyễn Trãi qua thăng trầm và vô vàn những giọng điệu khác nhau của những dòng bút sử. Trong những dòng sử ấy, thật lòng, có cả những dòng "phê" Nguyễn Trãi. Và có cả những nghi vấn về việc, người minh oan cho ông - Vua Lê Thánh Tông rất có thể cũng là người mà trước đó từng chịu ơn ông.

Ngay cả khi những nhà làm sử đã cố khách quan nhất thì những ghi chép về ông (cũng như về bất cứ một dữ kiện lịch sử nào khác) suy cho cùng cũng chỉ là cái khách quan qua con mắt và ngòi bút chủ quan. Đấy là còn chưa nói, ông đã sống và chết trong một thời đại quá nhiều biến loạn - cái hiện thực mang tính "tiên đề" cho những logic lịch sử không dễ gì chân nhận.

Nhưng thôi, cứ chìm vào  lý trí thuần túy, chúng ta rồi sẽ rơi vào ngõ cụt. Có chăng, chỉ sử dụng một mảnh lý trí nào đó của mình để đọc lại những thi tác của ông, và sau đó thì khai tử chính cái mảnh lý trí cuối cùng đó để TRỰC CẢM và TRỰC NHẬN về ông. Khi lắng lòng đọc lại "Bình Ngô Đại Cáo" theo đúng công thức đó, ta trực cảm được một Nguyễn Trãi với tấm lòng thiết tha cùng dân tộc.

Khi thả lòng trong những tự sự đầy ẩn dụ của ông: "Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng di hận kỷ thiên niên", ta trực cảm được một Nguyễn Trãi như thấu hiểu cái giá đắt khủng khiếp của những trí thức dấn thân cho cuộc đời. Hiểu được hết và lường được hết, nhưng rồi vẫn dấn thân…

Thôi thì đành đọc người xưa và cảm người xưa bằng trực giác. Để rồi từ trực giác đó, một ngôi sao khuê hiện ra trước mắt mình. Một ngôi sao lẻ loi, bé nhỏ, cô đơn, nhưng sáng vằng vặc giữa trời đêm.

Thời đại thịnh rồi thời đại suy. Cuộc bể dâu nào ai biết trước? Nhưng ngôi sao khuê vằng vặc thì muôn đời còn lại, bất chấp oan uổng, bất chấp thị phi, bất chấp trái ngang cuộc đời. 

Đêm nay, tôi tin chắc rằng ở chỗ bầu trời lồng lộng trên đỉnh Khuê Văn Các, có một ngôi sao.

Và đó là phúc phận của cõi nước non mình!

Phan Đăng
.
.