Văn học để làm gì?

Thứ Ba, 05/11/2019, 09:05
Đôi khi ngồi giữa những người quan tâm nhiều đến những giá trị vật chất hơn tinh thần, hoặc những người cho rằng sức mạnh kinh tế mới là đáng kể, tôi thường không dám giới thiệu mình là người viết. Cái chữ “nhà văn” nó chứa đựng sự ngượng ngùng, yếu đuối thế nào ấy trong một xã hội kim tiền.

Cớ sao tôi lại tự rẻ rúng cái nghề mình yêu quý đến vậy. Có vẻ văn học đã mất giá trầm trọng, chẳng còn mấy người quan tâm đến nó, hoặc tôi là người viết tầm thường, chẳng có tác phẩm nào đáng kể để có thể nhắc tên mà không phải ngượng ngùng?

Văn học chưa bao giờ ở vào vị thế thấp hơn như bây giờ. Một ca sĩ trung bình cũng có thể được nhiều người biết đến, các buổi biểu diễn được bán vé thu tiền và đôi khi có thể nghe thấy một người nào đó nghêu ngao những bài hát của anh ta.

Nhà thơ Puskin.

Một nhà báo vừa vừa có lẽ cũng có ích hơn, khi một tiếng nói đanh thép về một hiện tượng xã hội nào đó, hoặc đơn thuần anh ta chỉ cần tường thuật lại một vụ án tàn bạo, anh ta đã có thể khiến người ta phải chú ý, xúc động.

Còn nhà văn, nếu anh chỉ là một nhà văn trung bình, vai trò của anh vô cùng mờ nhạt. Không ai biết đến tác phẩm của anh, không ai đọc anh và có lẽ sự tồn tại về mặt nghề nghiệp của anh có lẽ không có một chút tác động nào đến cuộc sống loài người.

Là một nhà văn tầm thường thì vô vị, nhạt nhẽo gấp nhiều lần một nhà giáo tầm thường, ít đóng góp hơn một tài xế xe khách và thậm chí một người quét rác trên đường phố, anh cũng không bằng.

Cho nên, tôi cực lực phản đối một thứ văn học trung bình không có đóng góp gì cho cuộc sống, nó không cần phải tồn tại, nhưng có lẽ văn học tinh hoa hay bình dân, ta sẽ bàn ở một lần khác. Ở đây tôi muốn nói rằng có phải bây giờ sứ mạng của văn học đã không còn, người ta thậm chí ngượng ngùng khi giới thiệu nghề nghiệp của mình?

Văn học đã xuống cái đáy thấp nhất của ngưỡng thang giá trị. Nhà chính trị, nhà kinh tế, những người công nhân, người ta luôn tự hào hơn người viết. Nhưng tự hỏi, một đất nước không có một nền văn học thì đất nước đó còn những gì và những sứ mạng của văn học đang ở đâu? Liệu văn học đã không còn một chút ảnh hưởng tới cuộc sống loài người?

Mới gần đây tôi đọc tập truyện ngắn Phép tính của một nho sĩ của Trần Vũ. Tôi ngạc nhiên vì Trần Vũ không phải người của thế hệ trước, anh sinh năm 1962, nghĩa là còn khá trẻ và có lẽ những truyện ngắn anh viết từ khi anh còn là thanh niên, trong cái tuổi độ cỡ ba mươi, thật đáng ngạc nhiên.

Điều đặc biệt nhất là tôi thấy Trần Vũ dùng những từ tiếng Việt mà lâu tôi không gặp nữa và cũng ít dùng. Đó không phải là những từ cổ, từ vay mượn, chúng là những từ thuần Việt, quánh đặc trong một vùng không khí nông thôn Bắc, Trung, Nam nào đó của nước Việt.

Có thể nếu không có những truyện ngắn ấy của Trần Vũ, tôi sẽ không nhớ có những từ ngữ ấy từng tồn tại trong tiếng Việt và có thể đã lãng quên nó. Nhà văn đã làm sinh động cho tiếng Việt, làm nó sống động và khiến cho kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt được bảo tồn và giàu có hơn.

Lùi xa hơn một chút, chẳng phải Truyện Kiều của Nguyễn Du đã làm cho tiếng Việt thêm phong phú và sinh động thêm rất nhiều ư. Nếu không có Nguyễn Du, tôi chắc rằng tiếng Việt ít nhiều thiếu đi sự giàu có và trong sáng của mình. Và ở thế giới, ví dụ như trường hợp W. Shakespeare, người ta đã nói rằng chính W. Shakespeare là người làm giàu có cho tiếng Anh hơn bất cứ người nào khác.

Ở nước Nga, Puskin làm cho tiếng Nga thêm sức mạnh. Nếu không có các nhà văn lớn, hẳn ngôn ngữ của các quốc gia, các dân tộc đã kém đi nhiều lắm sự phong phú, uyển chuyển và tinh tế của mình.

Bởi cuộc sống thường ngày, người ta cần gì dùng đến quá nhiều từ ngữ hoặc từ mới, mỗi người dùng độ vài trăm từ thông dụng đã quá thoải mái. Chỉ có các nhà văn tài năng, bằng sự lao động miệt mài về nghề nghiệp của mình mới tạo ra sự phong phú, đa dạng, giữ gìn ngôn ngữ dân tộc và thậm chí sáng tạo ra nhiều lớp từ mới.

Như thế, điều quan trọng đầu tiên có thể khẳng định, sứ mạng quan trọng bậc nhất của văn học là nó đã gìn giữ, bảo tồn, phát triển và sáng tạo ngôn ngữ cho các quốc gia, các dân tộc. Không có các nhà văn và những tác phẩm của họ, ngôn ngữ sẽ dần bị xói mòn, hao tổn, trôi dần vào những vùng lãng quên vô tăm tích.

Một điểm thứ hai mà tôi cho rằng văn học có vai trò vô cùng quan trọng, có vị thế ngang bằng khoa học lịch sử nhưng lại có những chỗ sinh động hơn. Đó là văn học ghi lại, mô tả quá khứ của loài người, những việc đã từng diễn ra mà nếu thiếu nó có lẽ chúng ta sẽ không hiểu được quá khứ của dân tộc, đất nước và tổ tiên mình. 

Một ví dụ đơn giản thế này, nếu không có những mô tả của Nguyễn Tuân về những cuộc đánh thơ, thả thơ, hay cảnh đao phủ chém tử tù trên pháp trường thì bạn đọc hiện đại khó mà tưởng tượng được những việc ấy đã từng diễn ra thế nào.

Hoặc qua cuốn tiểu thuyết Anna Karenina của Lev Tolstoy mà người ta nhận biết được cảnh sinh hoạt của giới quý tộc Nga thế kỉ mười tám, mười chín thế nào. Thiếu những nguồn của văn học, ta khó lòng hình dung ra khuôn mặt của lịch sử, dáng dấp, chuyển động của cuộc sống trong từng thời kì của xã hội loài người.

Và có lẽ Balzac đã từng rất đúng khi nói rằng: Nhà văn là thư kí trung thành của thời đại. Thiếu văn học, chúng ta sẽ có những khoảng trống rất lớn để hiểu về quá khứ và lịch sử phát triển của mình.

Và những khi vui buồn, chúng ta cần phải có một nguồn an ủi để cho lòng nguôi ngoai. Văn học có một sứ mạng rất lớn là làm cho người ta vui, sảng khoái, nhất là vào buổi sơ khai của loài người. Được nghe kể chuyện chẳng phải là những khoái thú nhất trần đời đó sao.

Con gái tôi lúc nó mới ba tuổi, ngoài những phim hoạt hình ưu thích xem hàng ngày thì những câu chuyện cổ tích tôi kể con nghe như Nàng công chúa ngủ trong rừng, Bạch Tuyết và bảy chú lùn,  Thạch Sanh… luôn là niềm vui vô bờ của đứa trẻ.

Và kể cả bây giờ, đôi khi tôi bị trầm uất vào một sự việc nào đó, một cuốn tiểu  thuyết thú vị luôn an ủi và làm thanh bình tâm hồn tôi hơn mọi thứ nào khác...

Văn học cho tôi trải nghiệm những thế giới, những cuộc sống mà tôi chưa có. Không ai sống đủ dài và đủ cơ hội để trải nghiệm tất cả các cung bậc của cuộc đời. Ta sẽ khó lòng biết tâm lí của một bậc quân vương khi sắp bị các cận thần của mình  âm mưu hạ bệ.

Nhà văn Nguyễn Tuân.

Ta khó lòng biết được cảm giác kinh hoàng của một cuộc bắn giết khủng khiếp nếu không rơi vào một cuộc chiến tranh. Ta không biết mình sẽ đau khổ thế nào nếu chính ta không bị phản bội… Văn học sẽ giúp chúng ta có được những trải nghiệm đó, sống được nhiều cuộc đời và những gợi ý cho những gì mà ta có thể gặp.

Có lẽ, nếu rơi vào cảnh mù loà thì chí ít tôi cũng đã có được những kinh nghiệm và chuẩn bị về tâm lí sau khi khi đọc cuốn Mù loà của Jose Saramago. Nếu có định giết người thì tôi cũng đã kinh hãi khi nghĩ đến những giờ phút cực hình vì lo sợ của Raskolnikov sau khi giết người trong Tội các và hình phạt của Dostoievsky.

Và tôi đã phát hiện ra rằng một người bạn sách vở của tôi đã hành xử rất giống với nhân vật chính trong những cuốn tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham của Milan Kundera khi anh rơi vào một hoàn cảnh tương tự về bi kịch gia đình. Ta không được trải qua trực tiếp muôn mặt hình ảnh của cuộc sống nhưng nếu có một sự hi hữu gặp phải, văn học cho ta những cách ứng phó với tình thế và không quá bất ngờ hoặc có một tiền lệ để dựa dẫm.

Nếu phải già ốm và chết đi, ta sẽ được chuẩn bị điều đó ít nhiều trong một cuốn sách mỏng mà đầy buồn tủi và suy ngẫm của Roth Philip: Người phàm. Và chính tôi, tôi đã được một độc giả kể về cách hành xử của anh ta sau khi đọc cuốn Người mê của tôi. Anh ta mê mẩn một cô gái trẻ hàng xóm và khi thấy cái bi kịch được báo trước trong cuốn tiểu thuyết của tôi, anh ta đã quyết định từ bỏ sự nguy hiểm ấy và thấy lòng mình thanh thản.

Và về mặt nhận thức nền văn minh, văn hoá của quốc gia, chẳng phải văn học là một trong những trụ cột quan trọng nhất đó sao. Nhờ có những tác phẩm lừng danh của chị em nhà Bronte như Đồi gió hú, Jane Eyre... mà người ta thêm yêu nước Anh cổ điển đó sao.

Và nước Pháp chẳng phải được biết nhiều hơn bởi có Victor Hugo, Balzac, Flaubert đó sao. Và nước Séc, nếu không có những người như F.Kafka thì có lẽ chưa chắc đã được nhiều người biết đến như vậy. Và nước Nga, những cái tên người Nga đầu tiên được thế giới bên ngoài nhắc đến có lẽ là Puskin, Lev Tolstoy, Dostoevsky… Và ngay trong phạm vị một địa phương trong một quốc gia, cái tên của một nhà văn luôn là niềm hãnh diện, tự hào cho cả vùng đất ấy.

Quy Nhơn có ngôi mộ của Hàn Mặc Tử mà khách yêu quý thích đến thành phố biển miền trung Nam bộ hơn, Nguyễn Tuân làm cho cái làng Nhân Mục (Mọc) của ông được mọi người biết tên, và cái làng Vũ Đại ở Hà Nam lừng danh cả nước vì là quê hương của Chí Phèo và Nam Cao đấy thôi.

Văn học có thể xuống những quãng rất thấp nhưng sứ mạng của văn học và vai trò của nhà văn là không thể phủ nhận. Một quốc gia, một dân tộc không có một nền văn học đặc sắc thì không thể gọi là một cường quốc được.

Văn học chính là cái nền tảng tinh thần, không chỉ là chỗ dựa cho văn hoá mà còn là những động lực để thúc đẩy và phát triển đất nước, thậm chí nó còn vượt ra khỏi những giá trị, ảnh hưởng cổ điển của chính mình.

Nhà văn Uông Triều
.
.